“Tôi mắc ung thư trực tràng, giai đoạn cuối. Thời gian sống không còn bao lâu. Mong ước lớn nhất của tôi là được thấy vợ tôi đậu thai với tinh trùng của tôi đã được trữ đông ở bệnh viện. Tôi rất mong nhận được tin vui trước khi qua đời”, bức thư của người đàn ông quốc tịch Italia khiến bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan đè nặng tâm lý. Họ chỉ có vỏn vẹn 2 tháng “không được phép sai sót bất kỳ khâu nào”, chạy đua thời gian để kích trứng, đặt phôi, với niềm hy vọng những tinh trùng cuối cùng của người chồng này sẽ kịp thời kết tinh thành mầm sống mới. 

Trên con đường tìm kiếm hạnh phúc của người cha, người mẹ, không phải ai cũng thuận buồm xuôi gió. 26 năm dành toàn bộ tâm huyết cho nghiên cứu kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, với kỹ thuật trưởng thành trứng non, trữ phôi đông lạnh, với những dự án thiện nguyện “Ươm mầm hạnh phúc”… PGS, TS Vương Ngọc Lan, Trưởng khoa Y, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một điểm tựa vững vàng cho rất nhiều bác sĩ trong nghề, trở thành người “mẹ nuôi”, chắp cánh ước mơ chạm tới hạnh phúc cho hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn.

Trong cuộc đời làm nghề, chắp cánh ước mơ cho hàng chục nghìn phụ nữ, trường hợp người chồng quốc tịch Italia chỉ có một tâm nguyện cuối cùng trước khi nhắm mắt trở thành một dấu ấn đặc biệt với PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan.

15 năm trước, 2 vợ chồng này về Việt Nam xin được trữ tinh trùng vì người chồng đang bị ung thư giai đoạn cuối. Lượng tinh trùng gần như không có. Các bác sĩ phải thực hiện kỹ thuật lấy tinh trùng trong tinh toàn được số lượng rất hạn chế để trữ đông. Do chưa có điều kiện làm IVF, họ trở về Italia. 2 tháng sau, bác sĩ Lan nhận được một email từ người chồng. Bức thư ngắn gọn với những điểm nhấn “Bác sĩ nói tôi chỉ còn vài tháng sống” và ông mong người vợ mình sẽ đậu thai trước khi ông qua đời. “Tôi vận động vợ tôi về, mãi cô ấy mới đồng ý. Nếu bác sĩ cố gắng điều trị, tôi mong tôi sẽ có tin vui trước khi tôi qua đời. Tôi rất biết ơn”.

Bác sĩ Lan hồi đáp nhận lời trong một trạng thái tâm lý căng thẳng vì không phải ca nào làm IVF cũng thành công ngay chu kỳ đầu tiên. “Đây là số rất ít những tinh trùng cuối cùng của người chồng, nếu rã đông lấy tinh trùng tạo phôi, chuyển phôi vào buồng tử cung người vợ không có thai thì ước nguyện của ông chồng không bao giờ thực hiện được. Áp lực với chúng tôi rất lớn”, bác sĩ Lan tâm sự.

Cả ê-kíp căng thẳng, chăm chút từng khâu vì bất kỳ sai sót nhỏ nào thì đều gần như đánh đổi cơ hội có con của cặp vợ chồng này. Sau ngày chuyển phôi, người vợ về Italia, bỏ quên lời hẹn đến thử thai. 1 tháng trôi qua, bác sĩ nghĩ mình đã thất bại thì nhận được một email từ người vợ báo tin chồng cô đã qua đời. Nhưng sau nỗi khổ hạnh ấy, người phụ nữ này hạnh phúc nói mình đã đậu thai và người chồng cũng biết tin mừng này trước khi qua đời.

Đây là một trường hợp vô cùng khó khăn trong điều trị vì gần như là cơ hội cuối cùng để người chồng để lại một mầm sống. Suốt 26 năm làm nghề, những thách thức, gian truân, áp lực… đã tôi luyện nên một nữ phó giáo sư ghi danh Việt Nam trên bản đồ thế giới trong lĩnh vực y học sinh sản.  

PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan là con gái của Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng lao động Nguyễn Thị Ngọc Phượng – nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. “Mọi người hay hỏi tôi có bị áp lực khi là con của mẹ Phượng – một chuyên gia đầu ngành sản khoa không. Thật sự, với tôi đó không phải là áp lực, mà là cơ hội và là niềm tự hào. Để từ đó, tôi lớn lên với sự dõi theo, cổ vũ của mẹ. Tôi không cần phải minh chứng mình giỏi giang hơn mẹ, hay phải xóa đi cái bóng của mẹ”, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan nói về hành trình theo đuổi ngành sản khoa – nối tiếp nghề của mẹ.  

Ngay từ khi còn rất trẻ, PGS. Ngọc Lan đã cùng ê-kíp Bệnh viện Từ Dũ có những bước đi sơ khai thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam. Đi sau thế giới 20 năm, Việt Nam có những em bé làm thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên chào đời năm 1998. “Chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi hái được quả ngọt bởi nhiệm vụ của ê-kíp chính là tạo ra con người - một thế hệ tương lai của đất nước. Để có được kết quả đó, trong điều kiện khó khăn của Việt Nam, chúng tôi chịu rất nhiều áp lực để đi tới thành công. Chúng tôi cùng làm việc miệt mài ở trong phòng labo, bảo đảm môi trường phải đủ ấm, khô, tủ nuôi cấy giàu C02, ánh sáng hạn chế. Nếu không yêu nghề, không tôi luyện, rất khó trụ ở thời điểm đó”, bác sĩ Lan cho hay.

3 em bé đầu tiên chào đời thành công, trong đó có một bé lấy tên của hai vợ chồng PGS Vương Ngọc Lan làm tên lót (Phạm Tường Lan Thi) trở thành món quà đặc biệt với chị.

Thành công đó, cùng với tỷ lệ vô sinh ngày càng gia tăng ở Việt Nam, bác sĩ Lan cùng cộng sự đau đáu tâm tư “làm sao tăng tỷ lệ thành công trong làm IVF vì 100 người đi điều trị mà chỉ có 13-14 người có thai thì hiệu quả thấp. Làm thế nào để phát triển nhiều trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm khác trên cả nước?”.

Chị và ông xã (bác sĩ Hồ Mạnh Tường) có được cơ hội sang học Khoá Thạc sĩ chuyên sâu về phôi học lâm sàng tại Singapore. Một năm sau trở về, chị đã làm được điều ấp ủ ban đầu đó chính là “tỷ lệ có thai của sản phụ làm IVF tăng lên gấp 3 lần so với thời gian đầu”. Sau đó, kỹ thuật này nhanh chóng được chuyển giao cho những bệnh viện lớn như Bệnh viện Phụ sản Trung ương và nhiều trung tâm khác. “Đến giờ số trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam đã vượt qua con số 50 , với nhiều kỹ thuật cao được thực hiện, tỷ lệ thành công khá tốt ngang tầm các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”, bác sĩ Lan tự hào nói.

Kể từ khi mang kỹ thuật này về Việt Nam, người dân không cần phải tốn tới 300-500 triệu đồng ra nước ngoài làm IVF như trước. Một ca làm thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam hiện nay rơi vào 80-100 triệu đồng, giảm chỉ bằng 1/3 đến 1/5 so với các nước tiên tiến, nhưng như thế, với bác sĩ Lan chưa đủ. “Còn rất nhiều người khó khăn, họ không đủ kinh phí để đi đường dài làm thụ tinh trong ống nghiệm vì không phải ca nào can thiệp ban đầu cũng thành công!”.

Mỗi ngày tiếp xúc với cả trăm bệnh nhân, thấu hiểu nỗi đau đáu của các phụ nữ, chị đã lần lượt đi tìm những câu trả lời cho câu hỏi mà chị dành nhiều tâm tư trong quá trình nghiên cứu khoa học: chuyển phôi tươi có hiệu quả và đỡ tốn kém cho bệnh nhân hay không? Liệu có phương pháp nào khác không cần tốn 50% chi phí thuốc dùng để làm kích thích buồng trứng mà lại có nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe hay không?

“Thời điểm chúng tôi nghiên cứu về kỹ thuật chuyển phôi tươi và chuyển phôi đông lạnh, các bác sĩ lâm sàng trên thế giới cũng đang đi tìm câu trả lời”, bác sĩ Lan kể. Cùng song hành với thế giới, các bác sĩ đã tiến hành nghiên cứu trên 800  phụ nữ tại Bệnh viện Mỹ Đức.

Bác sỹ Lan hướng dẫn học viên nước ngoài đến học về thụ tinh trong ống nhiệm.

Bác sỹ Lan hướng dẫn học viên nước ngoài đến học về thụ tinh trong ống nhiệm.

Trước đây, các trung tâm có xu hướng chuyển phôi tươi nhưng sau đó một số báo cáo cho thấy nhiều trường hợp không tốt, tỷ lệ có thai giảm. Một số nơi có xu hướng chuyển sang đông lạnh phôi toàn bộ để hy vọng cải thiện kết quả. Tuy nhiên, việc đông lạnh phôi toàn bộ lại làm tăng chi phí và làm trì hoãn cơ hội có thai của người bệnh thêm vài tháng.

Nghiên cứu mới này cho thấy rằng nhóm bệnh nhân hiếm muộn (không thuộc nhóm hội chứng buồng trứng đa nang) có được tỷ lệ thai sống cao tương đương khi sử dụng phôi đông lạnh. Đây cũng là thông tin rất quan trọng đối với phụ nữ hiếm muộn trên thế giới. Phát hiện này có thể khuyến khích các bác sĩ chỉ cấy một phôi mỗi lần, giúp giảm nguy cơ khi cấy nhiều phôi cùng lúc sẽ dẫn đến đa thai và các biến chứng liên quan.

Kết quả nghiên cứu này của PGS. TS Vương Ngọc Lan cùng các cộng sự ở Bệnh viện Mỹ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) và Giáo sư Ben Mol, Giáo sư Robert Normal ở Đại học Adelaide (Úc) được công bố trên tạp chí y khoa danh tiếng hàng đầu thế giới The New England Journal of Medicine ngày 11/1/2018.

“Tạp chí y khoa danh tiếng hàng đầu thế giới The New England Journal of Medicine là nơi đăng nhiều công trình nghiên cứu quan trọng về lâm sàng trên thế giới. Tôi chưa bao giờ hình dung ngày nào đó một nghiên cứu ở Việt Nam được đăng tải trên tạp chí hàng đầu này. Công trình đó gây tiếng vang trên thế giới, đã trả lời cho câu hỏi nhiều bác sĩ trên thế giới đang tìm kiếm. Chúng ta đã sớm đưa ra câu trả lời và sau đó nhanh chóng được nhiều nước áp dụng trong thực hành”, bác sĩ Lan hạnh phúc nói.

Đây là lần đầu tiên một tác giả Việt Nam tự chủ trì, lên ý tưởng, thực hiện nghiên cứu và công bố. Công trình này đã đưa tên tuổi của PGS. TS Vương Ngọc Lan vào top 100 nhà khoa học châu Á năm 2020 được bình chọn bởi Tạp chí khoa học Asian Scientist (Singapore). Chị cũng là một trong ba nhà khoa học nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 cho nhà nghiên cứu khoa học xuất sắc.

Tiếp theo chùm đề tài nghiên cứu có ý nghĩa lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm là chùm đề tài nghiên cứu về kỹ thuật trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (IVM)

Chị bắt đầu bước vào nghiên cứu này với một câu hỏi lớn, nhiều sản phụ hiếm muộn mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Khi thực hiện IVF, phải dùng thuốc kích thích buồng trứng, bệnh nhân có thể bị đáp ứng buồng trứng quá mức, nguy hiểm tính mạng.

“Chúng tôi tiến hành thử nghiệm nuôi trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (IVM). Sản phụ không cần phải kích thích buồng trứng mà chỉ chọc hút noãn non  và nuôi trứng trưởng thành ở bên ngoài, sau đó mới tạo phôi.

Kỹ thuật này giúp đạt một lúc 2 mục tiêu: giảm biến chứng cho người phụ nữ và giảm chi phí khá lớn trong quá trình thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Quan trọng nhất là IVM đạt tỷ lệ có thai tương đương với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thông thường. Người mẹ vẫn đạt được nguyện vọng có con mà an toàn, chi phí thấp hơn thụ tinh trong ống nghiệm thông thường.

“Mặc dù chi phí làm thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam thuộc loại thấp so với thế giới, nhưng vẫn cao so với đồng lương của người Việt Nam. Trong làm IVF, hơn 50% chi phí để thực hiện kỹ thuật dùng thuốc kích thích buồng trứng. Kỹ thuật nuôi trưởng thành trứng non giúp giảm chi phí 1/3 tới gần một nửa so với cách làm IVF thông thường”, bác sĩ Lan chia sẻ.

Đề tài nghiên cứu cái tiến kỹ thuật IVM được Quỹ phát triển khoa học công nghệ Việt Nam tài trợ. Chùm đề tài vừa được nghiệm thu 2022 loạixuất sắc với 6 bài báo khoa học công bố trên tạp chí quốc tế uy tín.

BS Lan với sinh viên y khoa năm thứ 6 (BS Lan mặc áo blouse trắng giữa hình)

BS Lan với sinh viên y khoa năm thứ 6 (BS Lan mặc áo blouse trắng giữa hình)

“Thế giới ghi nhận ca đầu tiên được sinh ra từ kỹ thuật IVM này năm 1991 thì đến 2006, chúng ta có trường hợp trưởng thành trứng non đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2017, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu cải tiến kỹ thuật IVM  (CAPA-IVM) và thành công với các trường hợp đầu tiên.. Hiện nay, kỹ thuật IVM chỉ thực hiện được thường quy với tỉ lệ thành công cao ở  một số trung tâm như ở Mỹ, Italia, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Với sự thành công của kỹ thuật IVM cải tiến (CAPA-IVM), Việt Nam được xem thuộc các nước dẫn đầu ở trên thế giới về kỹ thuật này. Chúng ta nhận được nhiều yêu cầu chuyển giao kỹ thuật từ các trung tâm ở Mỹ, Úc, Pháp, Ấn Độ, Singapore, Malaysia….”, bác sĩ Lan tự hào khoe.

Có những chiều muộn, sau khi rời khỏi bệnh viện, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan bắt gặp rất nhiều người phụ nữ ngồi bần thần trước cửa. Họ nhìn chằm chằm vào bệnh án, đôi mắt ầng ậng nước vì không thể thực hiện thiên chức làm mẹ theo lẽ thông thường. Phần lớn, là những người phụ nữ cao tuổi.. Trong số họ, có những người phải dành cả đời tích góp tiền bạc, bán nhà cửa, thậm chí đi vay nặng lãi để tìm đến một cơ hội được làm mẹ duy nhất.

Khi nghiên cứu về thụ tinh ống nghiệm, bác sĩ Lan còn rất trẻ, chị chú ý nhiều hơn tới khía cạnh kỹ thuật, chưa bị nhiều cảm xúc của các phụ nữ chi phối. Khi chị  sinh con đầu lòng, nuôi con, chị mới thấu hiểu tâm tư và nỗi buồn của những người mẹ đang mong ngóng, khao khát có con hàng chục năm trời.

PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan nhớ một trường hợp,  ngày 28 Tết, một người phụ nữ cao tuổi năn nỉ các bác sĩ cố gắng thu xếp làm IVF cho mình. Thời điểm đó, bệnh viện chuẩn bị nghỉ Tết, các kíp đã tạm dừng hoạt động. Người phụ nữ khóc nghẹn ngào: “Tôi đi vay tiền với lãi suất cao để làm IVF. Nếu bị trì hoãn, tôi không biết mình có còn cơ hội có con hay không, có đủ sức để gánh lãi hàng ngày không?”. Bác sĩ Lan nén xúc động, nhìn người đàn bà đặt cược hết toàn bộ gia sản vào điều trị, chỉ còn niềm hy vọng cuối cùng này. Và chị không thể cướp đi cơ hội của người phụ nữ đó. 29 Tết, cả ê-kíp hoàn tất đặt phôi và sau đó, sản phụ đã đậu thai.  

Cùng chồng công tác trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm, từ lâu PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan đã nuôi suy nghĩ, khi nào có điều kiện, nhất định 2 vợ chồng phải làm gì đó hỗ trợ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn gặp khó khăn về kinh tế. Chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” ra đời từ đó, như một điểm tựa vững vàng cho những người mẹ hiếm muộn mà không đủ khả năng kinh tế làm IVF.

“Không thể hỗ trợ nhiều, chúng tôi cứ nghĩ thà có một chút đóng góp còn hơn không, góp gió thành bão, mỗi năm vài chục trường hợp thì đến lúc sẽ có số lượng lớn bệnh nhân được hỗ trợ. Năm đầu tiên chúng tôi làm IVF miễn phí 30 cặp vợ chồng, những năm sau, với sự đóng góp của nhiều đồng nghiệp, số trường hợp được điều trị miễn phí tăng dần”, bác sĩ Lan tâm sự.

“Của cho không bằng cách cho”, các bác sĩ tại Bệnh viện Mỹ Đức không phân biệt bệnh nhân được hỗ trợ miễn phí với bệnh nhân tự chi trả điều trị. Từ đó tới nay, mỗi năm càng ngày số chu kỳ bệnh nhân làm IVF miễn phí ngày càng tăng lên qua từng năm, nhiều bạn trong bệnh viện cùng tham gia đóng góp vào quỹ, tỷ lệ thành công của phụ nữ hiếm muộn khó khăn trong chương trình Ươm mầm hạnh phúc rất cao.  

Hiện nay, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan và cộng sự đang xây dựng nhóm nghiên cứu chuyên sâu về Y học sinh sản, hướng đến mục tiêu trở thành một trong những nhóm nghiên cứu hàng đầu châu Á trong lĩnh vực này. Trên con đường dài ấy, chị luôn có được sự ủng hộ lớn từ gia đình có mẹ, chồng cùng nghề hỗ trợ sinh sản.

Quay trở lại với tâm sự “được nhiều hơn là áp lực khi là con của mẹ Phượng”, giờ đây, con gái của PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan cũng theo học y khoa. “Mẹ như một người thầy lớn, tôi học được thái độ và tinh thần làm việc cống hiến hết sức mình, hy sinh thời gian cá nhân riêng tư của mình để phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân. Tôi cũng hy vọng, con gái mình đã tiếp tục chọn con đường của bà, của bố mẹ, tiếp tục sứ mệnh phục vụ, chăm sóc cho bệnh nhân, nghĩ cho người bệnh trước hết”, bác sĩ Lan bày tỏ.

  • Tổ chức sản xuất: Việt Anh
  • Thực hiện: Thiên Lam
  • Trình bày: Thi Uyên