NHÀ BÁO
WILFRED BURCHETT
NGƯỜI BẠN LỚN CỦA VIỆT NAM
Nhà báo người Australia Wilfred Burchett là người đã có nhiều đóng góp trong việc thức tỉnh công luận phương Tây ủng hộ Việt Nam đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của nhà báo nổi tiếng thế giới Wilfred Burchett (16/9/1911 - 16/9/2021), người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, xin được giới thiệu với bạn đọc bài viết dưới đây của tác giả Nguyễn Văn Vinh.
"Khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi hiểu được con người Việt Nam, nhân dân Việt Nam là như thế nào. Đối với tôi Hồ Chí Minh là con người vĩ đại nhất mà tôi từng gặp. Ông khiêm tốn, giản dị mà vĩ đại. Tôi nghĩ đó là sự vĩ đại của một người với khả năng sử dụng hình ảnh đơn giản để giải thích những tình huống rất phức tạp.”
Cảm nhận sâu sắc của Cố nhà báo nổi tiếng thế giới Wilfred Burchett (Australia) đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp ông vượt qua muôn vàn khó khăn, đồng hành với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam trong suốt gần 30 năm trong thế kỷ 20.
Nhà báo Wilfred Burchett sinh ra và lớn lên tại thị trấn Ballarat cách thành phố Melbourne, Australia hơn 100km. Bắt đầu nghề báo từ rất sớm, ông trở thành một trong những phóng viên chiến tranh nổi tiếng và là nhà báo gây tranh cãi nhất trong thế kỷ XX. Ông đã trải qua cuộc đời làm báo đầy gian truân, nguy hiểm, từng bị coi là kẻ phản bội tổ quốc và kẻ thù số 1 của công luận.
Bước ngoặt trong sự nghiệp làm báo của ông bắt đầu bằng chuyến đi bí mật đến Hiroshima sau khi Mỹ quả ném bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố này. Lúc đó ông là phóng viên phương Tây duy nhất đến Hiroshima với bài viết gây chấn động: "Thảm họa nguyên tử: Tôi viết điều này như là một cảnh báo đối với thế giới!". Bài báo ngay lập tức được đăng trên trang nhất của nhiều tờ báo lớn trên thế giới và trở nên nổi tiếng, luôn được đánh giá là một trong những tin tức báo chí quan trọng nhất mọi thời đại.
Bài báo với tựa đề "Thảm họa nguyên tử: Tôi viết điều này như là một cảnh báo đối với thế giới!" của Wilfred Burchett được đăng trên trang nhất tờ Daily Express ngày 6/9/1945.
Bài báo với tựa đề "Thảm họa nguyên tử: Tôi viết điều này như là một cảnh báo đối với thế giới!" của Wilfred Burchett được đăng trên trang nhất tờ Daily Express ngày 6/9/1945.
Suốt thời gian còn lại từ sau chiến tranh lạnh cho đến khi qua đời ngày 27/9/1983, ông đã đến các vùng chiến sự nóng bỏng ở Triều Tiên, Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới để đưa tin, phản ánh cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, hòa bình và quyền tự quyết của các dân tộc, chống lại sự cai trị thực dân, sự xâm chiếm, nô dịch của chủ nghĩa đế quốc.
Nhà báo Wilfred Burchett đã ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước bắt đầu từ lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên để tìm hiểu về cuộc chiến tại Việt Nam và Đông Dương vào tháng 3/1954 tại chiến khu Việt Bắc.
Tin tức về trận Điện Biên Phủ đã thôi thúc ông đến Việt Nam từ Bắc Triều Tiên qua ngả Bắc Kinh, Trung Quốc. Trên đường đi, ông thường xuyên nghe tin chiến sự ở Điện Biên Phủ. Ông tự hỏi: “Người Pháp làm cái quái gì ở Điện Biên Phủ vậy?”
Thái Nguyên, thủ đô kháng chiến, đã chào đón nhà báo phương Tây Wilfred Burchett khi chiến dịch Điện Biên Phủ mới bắt đầu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với ông về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Khi nói với ông về tình hình Điện Biên Phủ, Người lấy cái mũ đang đội trên đầu, lật ngửa lên và lấy ngón tay chỉ xung quanh vành mũ rồi nói:
Nghe những lời giải thích của Bác Hồ, nhà báo Burchett càng củng cố niềm tin của mình vào chiến thắng của nhân dân Việt Nam tại Điện Biên Phủ.
Trong thời gian này ông đã gặp một số nhà lãnh đạo Việt Nam, thăm một số nơi đang làm công tác hậu cần và đưa tin về trận Điện Biên Phủ.
Đầu tháng 4/1954, Burchett đến Geneva, Thụy Sĩ. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc tháng lợi, Ông bám sát hội nghị để đưa tin và thường xuyên tiếp xúc với phái đoàn Việt Nam. Ông đã chứng kiến việc ký Hiệp định Geneve ngày 20/7/1954 và sau đó trở lại Hà Nội. Ông là một trong những nhà báo nước ngoài đầu tiên cùng các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam tiến về tiếp quản thủ đô Hà Nội ngày 10/10/1954.
Đầu năm 1955, Burchett và gia đình đã chuyển từ Bắc Kinh (Trung Quốc) tới sinh sống ở Hà Nội. Ông đã đi nhiều nơi, từ vùng núi cao, miền biển cho tới vĩ tuyến 17 để đưa tin, viết các phóng sự về giai đoạn đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hòa bình ở miền Bắc Việt Nam.
Trong những tháng năm này, Burchett dần trở nên gắn bó và có tình cảm sâu nặng với Việt Nam. Ông yêu đất nước, con người, các nhà lãnh đạo và cũng là bạn của ông: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Nguyễn Hữu Thọ và nhiều người Việt Nam khác.
Năm 1957, khi cuộc chiến tranh lạnh có những diễn biến căng thẳng hơn, gia đình Burchett đã chuyển sang sống tại Moskva, Liên Xô. Làm cộng tác viên cho báo Tin nhanh hàng ngày và Thời báo tài chính, ông viết về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô, các nước Đông Âu, phản ánh sự đối đầu giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản.
Mùa Xuân năm 1962, cảm nhận tình hình Đông Dương và Việt Nam đang có những diễn biến mới, Burchett trở lại Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Việt Nam. Ông muốn được tận mắt chứng kiến xem chuyện gì đang diễn ra và xem xét mọi việc từ phía Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam mới được thành lập (20/12/1960).
Burchett đã trở thành nhà báo phương Tây đầu tiên đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong gần 6 tháng, từ tháng 10/1963 đến tháng 3/1964, ông đã đến thăm Tây Nguyên, Củ Chi, vùng ven Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long.
Đến tháng 12/1964, ông có chuyến thăm vùng giải phóng lần thứ hai cùng nữ nhà báo Pháp Madeleine Riffaud để thực hiện một bộ phim tài liệu về cuộc sống và chiến đấu của nhân dân miền Nam trong vùng kiểm soát của Mặt trận dân tộc giải phóng. Sau chuyến đi này cuốn sách "Việt Nam: Câu chuyện bên trong của cuộc chiến tranh du kích", của ông được xuất bản ở New York năm 1965 và đã trở thành cuốn sách bán chạy ở Mỹ và trên thế giới.
Cuốn sách đã đem lại cho công chúng Mỹ và các nước phương Tây cái nhìn về bản chất thật sự của cuộc chiến tranh tại Việt Nam, khẳng định Mặt trận Dân tộc Giải phóng (NFL) là một tổ chức yêu nước hợp pháp, được đông đảo nhân dân miền Nam ủng hộ.
Ngày 8/3/1965, những đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đổ bộ lên Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam và tiến hành chiến dịch "Sấm rền" ném bom miền Bắc Việt Nam. Burchett nhận thấy chính phủ Mỹ bắt đầu leo thang, thổi bùng cuộc chiến tranh nhằm dập tắt ngọn lửa đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.
Vì thế, năm 1965, Burchett đã quyết định chuyển gia đình từ Moscow đến Phnom Penh (Campuchia), để có thể dễ dàng đến cả hai miền Nam-Bắc để quan sát, phản ánh cuộc chiến tranh đang ngày càng mở rộng và khốc liệt hơn tại Việt Nam.
Trong những ngày tháng sống, làm việc trong vùng giải phóng miền Nam, với bộ áo bà ba đen, đi xe đạp cùng các chiến sĩ giải phóng ra mặt trận để có những bài viết, những hình ảnh và thước phim về cuộc chiến đấu ác liệt của nhân dân Việt Nam, góp phần thức tỉnh dư luận Mỹ và nhân dân thế giới chống lại cuộc chiến tranh này.
Burchett đã sống tại Tây Ninh trong hai tháng ở khu căn cứ của Trung ương Cục miền Nam và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Từ đây, ông đã đến thăm Củ Chi, được sống trong lòng địa đạo với những người du kích, nơi chỉ cách Sài Gòn gần 70 km.
Ông đã chứng kiến và viết nhiều bài báo về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân Củ Chi trong hệ thống địa đạo dài khoảng 200 km này, với bao hy sinh, mất mát và được mệnh danh là vùng "đất thép".
Ngày nay, người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ những hình ảnh và kỷ niệm đẹp về cuộc gặp gỡ giữa nhà báo Burchett với du kích Củ Chi mà biểu tượng là bức phù điêu lớn với hình ảnh của ông đang thực hiện các phóng sự tại vùng giải phóng và vùng địa đạo anh hùng này. Ông còn đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam hai lần nữa, tháng 11/1965 và tháng 8/1966.
Khi Mỹ tăng cường leo thang chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền Bắc, Burchett đã đến Việt Nam nhiều lần với các đoàn làm phim và báo chí quốc tế trong đó có chuyến đi với nhà báo Mỹ Harrison Salisbury của báo The New York Times. Ông cùng các nhà làm phim Pháp thực hiện Bộ phim tài liệu "Cuộc sống ở miền Bắc Việt Nam dưới bom đạn".
Công chúng châu Âu và Mỹ hiếm khi được thấy hình ảnh những trận ném bom ác liệt nhằm “đưa miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá”, cùng sự ngoan cường của con người đương đầu với bom đạn Mỹ để tồn tại.
Năm 1968 ông viết cuốn sách mang tựa đề "Việt Nam sẽ chiến thắng - Vietnam will win", xuất bản ở New York như là một sự tiên tri cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam.
Khi cuộc đàm phán đầy cam go đang diễn ra tại thủ đô nước Pháp nhằm mang lại hòa bình cho Việt Nam, nhà báo Burchett lại chuyển gia đình từ Campuchia đến sống tại Paris để thuận tiện cho việc đưa tin về hội nghị này từ tháng 6/1969.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông đã đến Hà Nội chứng kiến cảnh người dân đón Tết trong không khí hòa bình mùa Xuân năm 1973.
Và hai năm sau, vào mùa hè năm 1975, ông đã dành hai tháng đi khắp mọi miền để được nhìn thấy nước Việt Nam mới, một Việt Nam hòa bình và thống nhất.
Có thể nói không ngoa rằng, trong số rất đông các phóng viên chiến trường quốc tế trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nhà báo Wilfred Burchett là người may mắn nhất được đến thăm và đưa tin về ở cả hai miền Nam-Bắc vào những thời điểm mang tính bước ngoặt.
Năm 1981, ông đã cùng với đoàn làm phim Mỹ (PBS) thực hiện bộ phim “Việt Nam, thiên lịch sử truyền hình” gồm 13 tập.
Bộ phim là một trong những đóng góp cuối cùng vào kho báu của ông để dư luận thế giới hiểu rõ về lịch sử của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ hòa bình.
Những đóng góp của ông đối với bộ phim này vẫn còn giá trị thời sự cho tới ngày nay.
Burchett đã viết hơn 30 cuốn sách, được dịch ra nhiều thứ tiếng, in và phát hành ở nhiều nước. Đó là một “kho báu” vô cùng quý giá cùng hàng nghìn tấm ảnh, bài báo, phóng sự và nhiều phim tài liệu. Hai tiếng “Việt Nam” chiếm một vị trí quan trọng trong kho tàng đồ sộ này. Ông thực sự là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam.
Sinh ra ở Australia, nhà báo Wildfred Burchett đã đi, sống và làm báo ở nhiều nơi trên thế giới. Sự dấn thân của ông cho nghề báo đã được đền đáp một phần khi vào năm 2014 ông được vinh danh là một trong những nhà báo huyền thoại, góp phần làm rạng danh đất nước Australia và có ảnh hưởng lớn đối với thế giới thông qua hoạt động báo chí của mình.
Sự nghiệp báo chí của Wilfred Burchett sẽ còn sống mãi với nhân dân Việt Nam cùng với ước nguyện của ông về một nền hòa bình, tự do, dân chủ trên thế giới ngày nay.
30 năm sự nghiệp báo chí của Wilfred Burchett với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. (Trích phim tài liệu "Người đi tìm sự thật" của đạo diễn-nhà báo Nguyễn Văn Vinh)
30 năm sự nghiệp báo chí của Wilfred Burchett với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. (Trích phim tài liệu "Người đi tìm sự thật" của đạo diễn-nhà báo Nguyễn Văn Vinh)
Nội dung: NGUYỄN VĂN VINH
Trình bày: MINH DUY
Ảnh: Họa sĩ George Burchett, con trai nhà báo Wilfred Burchett, cung cấp.