Xây dựng chuẩn mực văn hóa
& con người Việt Nam thời kỳ mới trong môi trường số

Nghị quyết Đại hội XIII xác định, xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới là vấn đề tất yếu để bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận của dân tộc, của đất nước trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững, đồng thời là nhu cầu khách quan trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu ‘’dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh’’.

Các số liệu thống kê cho thấy, hiện có hơn 70 triệu người, tương đương hơn 70% dân số Việt Nam đang tham gia môi trường số, trong đó, người trẻ chiếm số lượng lớn. Chúng ta đã có chủ trương xây dựng công dân số, xã hội số, nền kinh tế số, nhưng lại chưa hình thành các chuẩn mực văn hóa và con người Việt Nam thời kỳ mới trên môi trường số.

Trong khi đó tình trạng lệch chuẩn văn hóa, lệch chuẩn xã hội đang có dấu hiệu gia tăng với nhiều hình thức phức tạp trên môi trường số.

Chính vì thế, xây dựng chuẩn mực văn hóa và con người Việt Nam thời kì mới trên môi trường số trở thành một vấn đề bức thiết để điều chỉnh những hành vi trên môi trường số, góp phần hình thành những giá trị văn hóa chuẩn mực trong thời đại số để mỗi người tự soi chiếu. Đó cũng chính chủ để Tiêu điểm tháng 7 của Nhân Dân hằng tháng.

Báo động loạn chuẩn văn hóa
và đạo đức
trên không gian mạng

Nhà kia lỗi phép con khinh bố/ Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng, những câu thơ mà thi sĩ Tú Xương viết từ những năm cuối thế kỷ 19 giờ vẫn đúng với nhiều câu chuyện trên mạng xã hội hiện nay khi mà sự lệch chuẩn, loạn chuẩn văn hóa và đạo đức đang vượt ngưỡng. Những nội dung phản cảm, xa lạ với văn hóa, đạo lý người Việt gần đây nở rộ trên môi trường số, nhưng đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?

Những video lệch chuẩn triệu người xem

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Ngoài ra, số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Các ứng dụng điển hình như Facebook có 66,20 triệu người dùng, YouTube là 63,00 triệu, Instagram có 10,35 triệu, TikTok có 49,86 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên tại Việt Nam. Dữ liệu này cho thấy Việt Nam có tổng số người dùng internet và mạng xã hội đáng kể, tăng liên tục qua các năm.

Điều đó cho thấy có sự dịch chuyển từ đời sống thực lên không gian số. Không gian số như “miền đất mới” kết nối con người, thúc đẩy kinh tế số, tạo nhiều giá trị mới. Nhưng với đặc tính ảo, dễ ẩn danh, lan truyền nhanh, không gian số cũng trở thành mảnh đất màu mỡ cho những hành vi sai lệch dễ dàng sinh sôi nảy nở, khi mà những chuẩn mực về văn hóa và con người của thời kỳ mới chưa được xây dựng.

Những biểu hiện sai lệch về đạo đức và văn hóa trên môi trường số được tập trung nhất trên các mạng xã hội, với đủ các hình thức từ những “trạng thái cảm xúc” trên Facebook, những bức ảnh và đặc biệt gần đây nở rộ các video ngắn dàn dựng ở TikTok, YouTube.

Một video ngắn trên TikTok đăng cảnh một người phụ nữ mù đưa 500 nghìn đồng để mua cân trái cây 20 nghìn đồng, nhưng cô gái chủ cửa hàng chỉ trả lại 20 nghìn đồng. Có nhiều người khen chủ cửa hàng “thông minh” vì biết lợi dụng bà già mù để đánh tráo tiền. Bên cạnh những bày tỏ thương cảm, cũng không ít nickname vào bình luận chê bà già “ngu dốt” vì đã mù lại “đưa 500 nghìn đồng cho người dưng ngoài đường”. Khi bà già bị cô chủ cửa hàng đẩy ra đường ngã chỏng chơ vì cố đòi lại tiền, dòng người vẫn thản nhiên đi lại…

Đó là một video dàn dựng nhưng điều đáng nói là dù phản cảm vẫn có cả nghìn người “thả tim”. Đây chỉ là một thí dụ về sự loạn chuẩn đạo đức và văn hóa đang tràn lan trên các video ngắn nở rộ thời gian gần đây trên mạng xã hội.
Ngay cả ở chốn yên nghỉ của các vị tăng ni ở chùa cũng trở thành “trường quay” cho những TikToker thể hiện. Cách đây chưa lâu, dư luận đã xôn xao vì video 4 cô gái mặc áo hồng quần đen nhảy nhạc remix náo động ở nơi an nghỉ của hơn 1.000 tăng ni chùa Bổ Đà (Bắc Giang). Video có cả triệu lượt xem và chia sẻ.
Nờ Ô Nô - một TikToker chuyên làm nội dung review đồ ăn đã “câu like, câu view” bằng ngôn từ phản cảm, thô tục, nhiều clip đi ngược với truyền thống đạo đức và văn hóa của người Việt. Trong chuỗi video có chủ đề “Người nghèo ăn gì - Nờ Ô NÔ cho ăn đó”, nam TikToker này tuôn ra hàng loạt câu từ mang tính miệt thị, cợt nhả đối với những người dễ bị tổn thương trong xã hội: “Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “Nghèo mà còn chê đồ ăn” hay “Bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu”. Dù nội dung “bẩn” nhưng video này được lên xu hướng, thu hút hàng triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận chỉ trong vòng 24giờ.
Trên mạng xã hội, những nội dung phản cảm, làm méo mó hình ảnh người Việt như vậy nở rộ như nấm sau mưa. Nhiều người cố tình đưa những nội dung “loạn-lệch” để câu view đặc biệt là những câu chuyện đề cập tới đề tài tình dục, sinh lý một cách nhạy cảm, tục tĩu, gây sốc cho nhiều người xem. Những nội dung khoe giàu, khinh nghèo, coi trọng vật chất, phơi bày lối sống sang chảnh với thẩm mỹ thấp, thiếu văn hóa, ít giá trị tinh thần có nơi, có lúc trở thành một xu hướng.
Điều nguy hiểm là những nội dung này có lượng tương tác rất cao, được chia sẻ nhiều và nhận được không ít bình luận mang tính tán thưởng.

Mới đây, trên Facebook lan truyền video quay cảnh bố vợ cầm gậy đập nát cây quất con rể biếu làm quà Tết, chửi bới thậm tệ, bởi vì “Tết mà chỉ tặng cây quất còi”, đã được lan truyền nhanh chóng. Video kia không biết là dàn dựng hay có thật, nhưng đã đưa ra một “thông điệp” lệch chuẩn văn hóa và đạo đức người Việt khi đặt vật chất lên trên hết.

Nhiều người trẻ gồng mình tô vẽ bản thân trên mạng xã hội khác xa với đời thực. Sự phát triển không ngừng của mạng xã hội khiến không ít người coi số lượt like, comment, share các hình ảnh, bài viết mà cá nhân đăng tải trở thành thước đo giá trị cá nhân. Với họ, sự tương tác, hình ảnh trên thế giới ảo quan trọng đến mức sẵn sàng đánh đổi con người thật, các mối quan hệ thật, thậm chí là danh dự của bản thân.

Cùng với đó, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, thủ đoạn, bè cánh, lối sống hưởng thụ, chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý, sống thờ ơ, vô cảm, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai trái, tiêu cực không dám đấu tranh, không dám can ngăn... ngày càng phổ biến. Dễ dàng nhận thấy những điều này trên mạng xã hội và sự lệch chuẩn đạo đức ở một bộ phận giới trẻ do ảnh hưởng từ những nội dung tiêu cực, xấu, độc đang lan tràn.

Văn hóa ứng xử đang trở nên báo động trên môi trường số, đi ngược lại với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, trong đó tràn lan những câu từ nói tục chửi bậy, “bóc phốt”, moi móc vi phạm đời sống riêng tư… Nhiều vụ bạn trẻ tự tử có nguyên nhân đến từ việc đời tư bị phơi bày và xúc phạm trên mạng xã hội.
Theo báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) do Microsoft công bố năm 2021, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ văn minh thấp trên không gian mạng.

Cũng theo khảo sát này, những chủ đề người Việt Nam thường có những hành vi ứng xử không đúng mực bao gồm: các mối quan hệ tình cảm, giới tính, ngoại hình, chủng tộc và chính trị. Việc có những hành vi ứng xử không đúng mực trên mạng với người khác cũng có thể coi là một hình thức của bắt nạt trực tuyến.
Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 874/QĐ-BTTTT “Về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” với những quy định chi tiết, rõ ràng, hướng tới chuẩn mực chung, tôn trọng pháp luật để mọi người dùng mạng xã hội nâng cao trách nhiệm đồng thời có thể tránh được những cạm bẫy, hay sự vi phạm pháp luật. Bộ Quy tắc khuyến khích mọi người có ý thức thay đổi, điều chỉnh hành vi, đạo đức khi tham gia “thế giới ảo”. Tuy nhiên, Bộ quy tắc chỉ điều chỉnh về mặt đạo đức, chứ chưa thể điều chỉnh về mặt pháp lý, nên với nhiều người thiếu ý thức khi tham gia mạng xã hội chưa đủ sức răn đe ngăn chặn những hành vi loạn chuẩn văn hóa và đạo đức.

Những nội dung lệch chuẩn văn hóa và đạo đức có hàng triệu người xem trên không gian số.

Những nội dung lệch chuẩn văn hóa và đạo đức có hàng triệu người xem trên không gian số.

Vì sao lại “loạn chuẩn”?

Lý giải về nguyên nhân lệch chuẩn, loạn chuẩn văn hóa và đạo đức trên mạng xã hội, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung chia sẻ: “Chúng ta đang sống trong thời đại văn hóa 4.0, có thể mô tả với mấy đặc điểm: biến động, chóng mặt và khôn lường. Trong sự thay đổi chóng mặt đó, mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, nhiều niềm tin bị đổ vỡ. Điều này khiến con người ta trở nên hoang mang, không rõ đâu là đúng-sai, phải-trái, chân-giả, thiện-ác, chính-tà”.

Ông Giản Tư Trung cho rằng, chúng ta mới chỉ chú ý đến thời đại 4.0 ở khía cạnh công nghệ, mà ít chú ý tới khía cạnh văn hóa. Nếu chỉ được dùng một từ để diễn tả thời đại 4.0 ở khía cạnh văn hóa thì đó là “loạn chuẩn”. Một biểu hiện rõ nhất của sự “loạn chuẩn” trong xã hội hiện nay đó là có quá nhiều người không minh định được sự khác nhau giữa tự do và hoang dã, giữa đức tin và mê tín, giữa chân thật và trơ trẽn, giữa cá tính và quái tính…”.

TS Diêu Lan Phương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn nhận định: “Có sự “lệch chuẩn” như ta gọi hiện nay, theo tôi nguyên nhân đầu tiên là vì hệ thống chuẩn mực của chúng ta chưa rõ ràng, chưa được ban hành thành văn bản, chưa được thiết chế hóa, đặc biệt trên môi trường số. Bên cạnh đó, lượng thông tin của con người thời 4. 0 tiếp nhận quá lớn, dẫn đến bị nhiễu, “lệch chuẩn” hoặc không biết thế nào là chuẩn. Mặt khác, hiện nay là thời đại toàn cầu hóa, thế giới phẳng, nên sự giao thoa, hay đa văn hóa cũng diễn ra trên nhiều quốc gia (cho nên có thể học cách nhìn mới về văn hóa, vì văn hóa cũng có tính biến đổi, tính lịch sử nhất định). Ngoài ra, văn hóa thường gắn với đạo đức. Sự “lệch đạo đức” của một số con người hiện nay đương nhiên có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi một trong những nguyên nhân quan trọng đến từ giáo dục gia đình và nhà trường.

TS-KTS Nguyễn Thu Hạnh lý giải sự lệch chuẩn đạo đức và văn hóa trên môi trường số đến từ thực tế nhiều người Việt tiếp nhận một lượng thông tin ồ ạt lai tạp, tốt xấu, trắng đen lẫn lộn trong thời đại số nhưng lại thiếu nền tảng trí thức, thiếu sức “đề kháng” trước những trào lưu văn hóa lai căng, kệch cỡm, xa lạ với giá trị tinh thần cốt lõi của dân tộc. Điều này dẫn đến “loạn-lệch” các giá trị đạo đức và văn hóa trên môi trường số. Nhưng môi trường số cũng là tấm gương phản ánh thực trạng xã hội hiện nay. Trong đó các thang bậc giá trị truyền thống đang thay đổi, thậm chí đảo lộn. Con người có xu hướng coi trọng vật chất, ít đề cao giá trị tinh thần, một bộ phận sống ích kỷ, hưởng thụ và có phần vô cảm.

Thực trạng như vậy, khi con người dịch chuyển đời sống sang môi trường số vốn có tính ẩn danh cao và ảo, sự lệch chuẩn, loạn chuẩn văn hóa, đạo đức càng trở nên đáng báo động. GS Hồ Sỹ Quý, Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, rất nhiều hành vi và hiện tượng xã hội ở Việt Nam hiện nay đang bị coi là lệch chuẩn, không chỉ về chuẩn đạo đức, mà còn cả về chuẩn pháp lý. Chính vì thế mà vấn đề xây dựng chuẩn mực văn hóa và con người trên không gian số được đặt ra một cách cấp thiết.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Thanh Chương-Hiền Thu-Thùy Dương-Thiên Thanh-Bảo Nguyên
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Chill, Thành Đạt, Duy Thanh, nguồn internet