Xây dựng
hệ thống đa dạng, đa tầng

Chính sách bảo hiểm xã hội hiện vẫn luôn là vấn đề nóng trong dư luận với rất nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Nội dung dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội lần này tập trung vào việc xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tăng độ bao phủ về an sinh xã hội.

Ông Phạm Minh Huân,
nguyên Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội:
Bảo hiểm xã hội phải được đặt trong tổng thể các chính sách an sinh

Chính sách bảo hiểm xã hội tuy đã được đổi mới, hoàn thiện song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trở thành chính sách an sinh xã hội quan trọng nhất trong hệ thống các chính sách an sinh của Việt Nam, nhất là trong giai đoạn nước ta chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Bảo hiểm xã hội chưa được đặt trong tổng thể các chính sách an sinh để nghiên cứu một cách hệ thống, đồng bộ cũng như bảo đảm tính hài hòa mối quan hệ tương quan giữa các chính sách có liên quan như chính sách trợ giúp của nhà nước đối với người cao tuổi, người gặp khó khăn đột xuất, người nghèo; giữa chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc với chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc chính sách bảo hiểm nhân thọ.

Hiện nay, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn rất thấp, trong đó, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tuy có tăng nhưng cũng còn rất thấp. Các hình thức bảo hiểm nhân thọ tuy có phát triển gần đây song vẫn chỉ tập trung cho các đối tượng có điều kiện về thu nhập. Đây có thể coi là thách thức lớn nhất, có nguyên nhân khách quan là do nền kinh tế và thu nhập còn hạn chế, nên người lao động có thói quen tập trung cho cuộc sống trước mắt mà chưa nghĩ đến lâu dài. Nhưng quan trọng hơn chính là do chính sách của Nhà nước còn thay đổi chậm, nhiều chính sách chưa thật hợp lý nên chưa thu hút sự tham gia của người dân, nhất là những người có điều kiện.

Vì vậy, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội yêu cầu thể chế hóa các nội dung cải cách để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn, điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ là đúng đắn và cần thiết.

Nội dung dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội lần này tập trung vào việc xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội để tăng độ bao phủ về an sinh xã hội; sửa đổi bổ sung các chính sách theo hướng phù hợp vừa bảo đảm an toàn của quỹ vừa có lợi hơn đối với người tham gia cũng như tiếp tục đổi mới đầu tư quỹ theo hướng phát triển và bảo đảm an toàn; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng trong tổ chức thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội.

Theo tôi, các nội dung trên là cần thiết đối với các vấn đề mà người lao động và dư luận quan tâm hiện nay, như hạn chế tiến tới không được rút chế độ bảo hiểm xã hội một lần khi còn trong độ tuổi lao động; hạ điều kiện số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương từ 20 năm xuống 15 năm để tăng đối tượng được hưởng lương hưu nhưng phải bảo đảm mức lương hưu không quá thấp; hay vấn đề lựa chọn mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội sao cho hợp lý...

TS Bùi Sỹ Lợi,
nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội
của Quốc hội:
Có lộ trình giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

Tôi cũng đồng tình với việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, tiến tới đạt mục tiêu bảo đảm an toàn thu nhập cho người dân khi về già. Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, không hưởng một lần thì có thể được trợ cấp hằng tháng (thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) từ quỹ bảo hiểm xã hội cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, căn cứ vào thời gian đóng và quỹ bảo hiểm xã hội của họ được tích lũy, được hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách nhà nước. Về lâu dài, nên giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo lộ trình căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế-xã hội.

Xây dựng chính sách cũng hướng tới việc chuyển dần từ bảo hiểm xã hội tự nguyện sang bắt buộc theo hộ gia đình có sản xuất, kinh doanh, nộp thuế (không chỉ 4 nhóm như thực tế hiện nay). Bổ sung bảo hiểm xã hội ngắn hạn đối với người lao động bán chuyên trách xã, phường, thị trấn như đã thực hiện trước Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Tôi cũng đề xuất chỉ sửa đổi những nội dung còn vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành thông qua tổng kết Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Nghị quyết 93/2015/QH13.

GS,TS Giang Thanh Long
(Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế quốc dân):
“Khoảng ở giữa mất tích”
là thách thức an sinh xã hội ở nước ta

Thực tế cho thấy, đến hết năm 2022, mới chỉ có khoảng 17,5 triệu người chiếm gần 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, còn khoảng trống rất rộng với tỷ lệ khoảng 62% người chưa tham gia. Các chuyên gia nghiên cứu về an sinh xã hội gọi họ là “khoảng ở giữa mất tích”. Nhóm đối tượng này không phải là lao động nghèo, nhưng cũng không phải lao động giàu về mặt thu nhập. Theo như tính toán, phần lớn là lao động khu vực phi chính thức như lao động không có hợp đồng, lao động thỏa thuận miệng mà theo một hình thức nào đó không xuất hiện trên thị trường lao động. Nếu như tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội không được cải thiện, sẽ thật sự là một thách thức với an sinh xã hội của nước ta.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, đến hết quý I/2023, lao động khu vực phi chính thức vẫn chiếm khoảng 60%, tức là hơn 34 triệu lao động phi chính thức trong lực lượng lao động. Phần lớn họ chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Một trong những điểm sửa đổi lần này của Luật Bảo hiểm xã hội là thu hút họ tham gia chính sách, thí dụ như hỗ trợ đóng góp, hỗ trợ chính sách thai sản được hỗ trợ, sau này về hưu có bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Nhưng cũng không nên kỳ vọng quá về mặt chỉ có chính sách. Nếu như bản thân người dân không có ý thức thì chính sách cũng không có tác dụng gì cả. Điều cần thiết là xây dựng cho họ ý thức rằng, ngoài việc cá nhân tự tiết kiệm tiền, thì vẫn tham gia bảo hiểm xã hội.

Về mặt thiết kế, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có 3 điểm cơ bản khác biệt so với trước đây, theo đúng nghĩa thích ứng cả trong nước và nước ngoài. Đó là một hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, bổ sung chính sách thai sản cho bảo hiểm xã hội tự nguyện và quy định về bảo hiểm xã hội một lần. Ba điểm rất lớn trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này thay đổi một cách cơ bản thiết kế của hệ thống. Và ở một góc độ nào đó, sự thay đổi đó phù hợp với điều kiện của một quốc gia có thu nhập trung bình, cơ sở hạ tầng về bảo hiểm xã hội chưa quá tốt, phù hợp điều kiện thị trường lao động có số lao động phi chính thức còn quá lớn.

Ảnh: Trần Hải

Ảnh: Trần Hải

Ông Lê Đình Quảng,
Phó Trưởng Ban Chính sách-Pháp luật,
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:
Tạo thêm niềm tin với người lao động tham gia
bảo hiểm

Toàn bộ dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thể hiện được tinh thần yêu cầu của Đảng và Nhà nước về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong Nghị quyết 28-NQ/TW, để chính sách bảo hiểm xã hội thật sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.

Trong dự thảo lần này, việc sửa đổi để bảo đảm các chính sách đưa ra theo hướng đa dạng, đa tầng, thậm chí bảo đảm hiện đại, hội nhập quốc tế… Những yêu cầu thấy rõ nét như bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt đa dạng. Nhưng nói thật, để đáp ứng mục tiêu tăng quyền lợi, bảo đảm sự hấp dẫn với người tham gia và tạo ra niềm tin cho người tham gia bảo hiểm xã hội, có lẽ còn đang thiếu.
Đặc biệt, để khắc phục những tồn tại, như tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có đưa ra các nội dung sửa đổi và giải pháp, nhưng tính khả thi vẫn chưa cao.

Thời gian qua, thực tế cơ chế phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cơ quan công an để truy tố các chủ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Hậu quả của việc không thực hiện nghiêm minh quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tạo ra sự mất niềm tin của người lao động. Tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần có phần lớn nguyên nhân là người lao động mất niềm tin về chính sách bảo hiểm xã hội. Cho nên, họ không dám ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, quy định giảm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm được nhiều lao động đồng tình. Chính sách tạo điều kiện tốt cho quyền lợi của người lao động, nhất là người lao động tham gia vào quan hệ lao động muộn. Trong các chế độ của bảo hiểm xã hội, hưu trí là chính sách tốt nhất, bền vững nhất, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Hiện nay, có những ý kiến là giảm điều kiện năm đóng bảo hiểm xã hội hưởng lương hưu làm giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, vì nhiều người tham gia biết chế độ hưu trí bền vững thì họ ở lại hệ thống.

Tuy nhiên, theo cách tính hiện nay, tỷ lệ % hưởng lương hưu với những người đóng bảo hiểm xã hội 15 năm rất thấp. Mức lương đóng bảo hiểm xã hội của lao động trực tiếp cũng rất thấp. Chưa kể, nếu chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu. Cũng nên hiểu rằng, dù lương hưu có thấp, nhưng cũng bảo đảm hơn rất nhiều người không được hưởng chính sách gì. Tiền lương hưu vẫn được Nhà nước, Chính phủ điều chỉnh, định kỳ hằng năm căn cứ vào điều kiện kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng. Liệu có nên quy định một mức sàn lương hưu sàn thấp nhất hay không?

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Thùy Vân, Vũ Lan, Lê Ngân
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, Thiên Vương, nguồn internet