Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam:

Xây dựng “thế trận lòng dân” giữ vai trò đặc biệt quan trọng của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã dành cho Nhân Dân hằng tháng cuộc phỏng vấn chung quanh vấn đề xây dựng “thế trận lòng dân” và dấu ấn của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thực hiện chức năng của đội quân công tác thời bình.

Thưa Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, đề nghị đồng chí cho biết đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân và ý nghĩa của “thế trận lòng dân” được thể hiện trong Sách Quốc phòng Việt Nam năm 2019 và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới?

Sách Quốc phòng Việt Nam và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) chỉ rõ: Thực hiện nghiêm, hiệu quả đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân với phương châm dựa vào dân, lấy dân là gốc, là trung tâm, là chủ thể; khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường của con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, yên dân là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân là chủ trương chiến lược, xuyên suốt, nhất quán, lâu dài của Đảng, Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đó là nền quốc phòng bao gồm tổng thể các hoạt động về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa, khoa học… của Đảng, Nhà nước và nhân dân để tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, đồng bộ, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột vũ trang và chiến tranh. Đó là nền quốc phòng với tiềm lực, sức mạnh tổng hợp, được cấu thành trên cơ sở nguồn lực quốc gia và trong nhân dân, từ nhân dân, mang tính chất tự vệ, không nhằm đe dọa bất cứ quốc gia nào. Đó là nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ngày càng hiện đại, do toàn dân tiến hành xây dựng, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống nhất quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, giữ vai trò đặc biệt quan trọng của Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhằm biến sức mạnh chính trị, tinh thần thành sức mạnh vật chất; làm nền tảng vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh. Đồng thời, quy tụ, tập hợp, khơi dậy, phát huy chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nâng cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh của quân và dân ta để chiến thắng mọi kẻ thù. Đây còn là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp quốc phòng Việt Nam, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Xin Thượng tướng cho biết vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam trong xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, yên dân trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?

Trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục giữ vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, biểu hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Một là, quân đội giữ vai trò nòng cốt trong nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước những chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Trọng tâm là các giải pháp về đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, gắn với thực hiện tốt chính sách an sinh và xóa đói, giảm nghèo; về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với “thế trận lòng dân” vững chắc; về kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với củng cố, tăng cường quốc phòng trên từng địa bàn và cả nước; về việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân; về xây dựng khu vực phòng thủ các cấp vững chắc...

Hai là, quân đội giữ vai trò nòng cốt trong công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức, viên chức và cho toàn dân. Trong 10 năm qua (2014-2024), toàn quân đã tổ chức được 18.764 lớp với 1.493.191 người thuộc các đối tượng tham gia, trong đó có các chức sắc, chức việc tôn giáo và người có uy tín trong các dân tộc; đồng thời, tổ chức giáo dục quốc phòng, an ninh cho hơn 31 triệu học sinh, sinh viên. Thông qua đó, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân; thống nhất, nâng cao nhận thức về đối tác và đối tượng, nắm vững đường lối, quan điểm, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác cách mạng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Ba là, quân đội là lực lượng nòng cốt trong thực hiện công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; tham gia xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn, góp phần xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên từng địa bàn và cả nước; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở. Đồng thời, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn và phương thức tiến hành chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, hòng gây mất niềm tin của nhân dân, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá vỡ “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Trong thời bình, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn giữ vai trò nòng cốt, xung kích, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn… xứng đáng với tên gọi Quân đội nhân dân - từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Thượng tướng có thể cho biết những dấu ấn của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thực hiện chức năng của đội quân công tác thời bình?

Chức năng đội quân công tác là một trong ba chức năng cơ bản thuộc về bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Suốt 80 năm qua, quân đội đã thực hiện rất tốt chức năng này.

Một số dấu ấn nổi bật là Quân đội đã góp phần quan trọng trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào, các cuộc vận động cách mạng và nhiệm vụ chính trị của địa phương; tham gia có hiệu quả xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Trong 10 năm qua, quân đội đã tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở với 18.714 lượt; xóa 449 thôn, bản “trắng” đảng viên; củng cố 3.164 chi bộ; có 15.685 lượt tổ, đội công tác và hơn 6.000 lượt cán bộ biên phòng tăng cường xây dựng cơ sở.

Quân đội cũng là lực lượng đi đầu trong xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa bàn chiến lược, vùng biên giới, biển, đảo của Tổ quốc, gương mẫu trong thực hiện các phong trào, công tác chính sách xã hội; xung kích, đi đầu trong khắc phục hậu quả lâu dài của các cuộc chiến tranh, tham gia tích cực, hiệu quả “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh” của Chính phủ.

Quân đội là lực lượng chủ lực, xung kích trên tuyến đầu trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và xác định đây là nhiệm vụ “chiến đấu” trong thời bình của quân đội với tinh thần “Bộ đội chủ động đến với dân, không để dân khó khăn phải tìm đến bộ đội”, “Ở đâu gian khó, nguy nan, ở đó có quân đội”, sẵn sàng có mặt ở những nơi xung yếu, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Tiêu biểu như trong tháng 9 vừa qua, toàn quân đã điều động, sử dụng gần 145.000 cán bộ, chiến sĩ; hơn 3.000 phương tiện các loại để tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ, sạt lở sau bão. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đó, đã có những cán bộ, chiến sĩ quân đội hy sinh anh dũng, nhiều lực lượng ở lại dài ngày để cùng chính quyền và nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) giúp bà con thu hoạch vụ mùa.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) giúp bà con thu hoạch vụ mùa.

Trong bối cảnh mới, đề nghị Thượng tướng cho biết những giải pháp cơ bản xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” trên không gian mạng - môi trường chiến lược, “vùng lãnh thổ đặc biệt” của Tổ quốc?

Nhiệm vụ quan trọng, cấp bách này cần được nghiên cứu, triển khai đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, lực lượng, toàn dân và toàn quân ta, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên về nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” trên không gian mạng. Chú trọng làm rõ sự cần thiết, tính tất yếu khách quan, vị trí, vai trò, nội dung cơ bản; những khó khăn, thách thức, yêu cầu mới đặt ra và thường xuyên tuyên truyền về kết quả, kinh nghiệm trong thực hiện của các cấp, các ngành, lực lượng, địa phương.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” trên không gian mạng. Đây là nguyên tắc, vấn đề quan trọng hàng đầu. Để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ này tiến hành đúng hướng, đạt mục tiêu đề ra, các cấp, các ngành, lực lượng, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước bằng nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch, đề án với lộ trình, biện pháp đồng bộ, khả thi; thực hiện nghiêm quy định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện.

Thứ ba, triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” trên không gian mạng vững chắc. Yêu cầu “vững chắc” phải được thực hiện ở tất cả các cấp, các địa bàn, cả trong nội địa, biên giới, biển, đảo, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với củng cố, tăng cường quốc phòng; đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt là củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa...

Thứ tư, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, tạo thế và lực xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” trên không gian mạng từ sớm, từ xa. Trong đó, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt nội dung hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng theo định hướng của Đảng; ưu tiên quan hệ, hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực ASEAN; cân bằng quan hệ với các nước lớn; mở rộng quan hệ hợp tác với các nước có tiềm năng, tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy chiều sâu quan hệ, gia tăng mức độ đan xen lợi ích chiến lược với các nước.

Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Lê Thanh Bài-Hồng Hạnh-Phùng Nguyên-Thiên Thanh
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, sư đoàn 316.