Gợi mở từ “kỳ tích” xây dựng
đường cao tốc ở Quảng Ninh

Chỉ trong một thời gian không dài, từ một tỉnh gần như “trắng” về ĐBCT, Quảng Ninh đã trở thành tỉnh có tuyến ĐBCT dài nhất nước ta với 200km (bằng 1/10 tổng số đường cao tốc toàn quốc). Bí quyết nào làm nên “kỳ tích”?
Không xin tiền, chỉ xin cơ chế
Những người dân Quảng Ninh hẳn sẽ không thể quên ngày 1/9/2018 - ngày tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng chính thức thông xe. Giờ đây, từ Hà Nội đi Hạ Long chỉ còn 1,5 tiếng thay vì 3-4 tiếng trên quốc lộ 18, quãng đường từ Hạ Long tới Hải Phòng giảm 2/3, xuống còn 25km. Cảnh ô-tô chen chúc, nhiều khi tắc nghẽn trên con đường đến với thành phố du lịch Hạ Long đã không còn, thay vào đó là đại lộ thênh thang, phẳng lì, vun vút xe qua lại. Nhưng điều đặc biệt hơn, đây là tuyến cao tốc đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng bằng cơ chế mới: Chính phủ giao cho địa phương tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư, với sự chủ động đề xuất từ tỉnh Quảng Ninh. Thời điểm đó, phát biểu khi cắt băng khánh thành thông xe toàn tuyến, Thủ tướng Chính phủ (nay là Chủ tịch nước) Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định công trình là minh chứng cụ thể nhất cho tư duy dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.
Tư duy ấy được thể hiện trong Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 5/12/2013 về việc chỉ đạo các cấp ủy lãnh đạo thí điểm áp dụng hình thức đầu tư công - tư với các mô hình “đầu tư công - quản lý tư” và “đầu tư tư - sử dụng công”; Kết luận số 58-KL ngày 31/7/2014 về triển khai thí điểm đầu tư và quản lý theo hình thức PPP, mở ra cuộc cách mạng về hạ tầng giao thông chưa từng có, khai phóng cho 29 dự án PPP được triển khai thành công tại Quảng Ninh. Tinh thần, nhận thức xuyên suốt của hai văn bản này là huy động tối đa nguồn lực của xã hội, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, để từ đó ra sự đột phá, mở ra không gian phát triển mới. Quảng Ninh xác định rõ không một chính quyền nào có thể độc lập cung cấp đầy đủ hạ tầng giao thông vận tải, mà cần có sự hợp tác của tư nhân trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Xác định rõ tinh thần không xin Trung ương tiền, chỉ xin cơ chế, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn nghiên cứu một số mô hình nhằm thu hút và kết hợp nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, trong đó có sự tham gia mạnh mẽ của tư nhân.

Các đại biểu Trung ương và địa phương tham dự Lễ khánh thành 3 công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: báo Quảng Ninh.
Các đại biểu Trung ương và địa phương tham dự Lễ khánh thành 3 công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: báo Quảng Ninh.
Thay vì kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, Quảng Ninh đã làm cao tốc Hạ Long-Hải Phòng bằng cách “thắt lưng buộc bụng” tiết kiệm chi mỗi năm 1.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, thực hiện nhất quán các chính sách khuyến khích để thu hút các nhà đầu tư đồng hành cùng tỉnh. Nếu vẫn chờ đợi ngân sách nhà nước để đầu tư thì không biết đến bao giờ có cao tốc Hạ Long- Hải Phòng – con đường mà ô-tô tham gia giao thông không mất phí vì có vốn đầu tư từ ngân sách địa phương.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá: “Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng cho thấy tỉnh Quảng Ninh đã thoát ra khỏi lối tư duy cũ kỹ, bám chặt vào bầu sữa ngân sách của Nhà nước”. Để thu hút được các nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã thay đổi tư duy, thuê các đơn vị tư vấn uy tín nước ngoài để lập ra bảy quy hoạch chiến lược với phương châm “có quy hoạch tốt thì có dự án tốt, có dự án tốt thì có nhà đầu tư”. Thực tế cho thấy với những quy hoạch hiện đại, đồng bộ và một cơ chế mới thông thoáng, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến, đồng hành với tỉnh.
Với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được coi như “vạn sự khởi đầu nan”, từ đó những dự án hạ tầng cao tốc khác được triển khai nhanh chóng và ngoạn mục. Bốn tháng sau khi cao tốc Hạ Long- Hải Phòng hoàn thành, đường cao tốc Hạ Long- Vân Đồn thông xe, mở ra một không gian phát triển đầy hứa hẹn. Cao tốc này dài gần 60 km, có tổng mức đầu tư khoảng 12 nghìn tỷ đồng, rút ngắn thời gian Hà Nội - Vân Đồn xuống chỉ còn khoảng 2,5 tiếng.
Tiếp đó, dự án cao tốc nối Vân Đồn với thành phố biên giới Móng Cái được triển khai và dự kiến sẽ thông xe trong thời gian tới - trở thành “mảnh ghép” cuối cùng tuyến ĐBCT xương sống của tỉnh Quảng Ninh. Viễn cảnh sáng ăn sáng ở Hà Nội, trưa lang thang ngắm biển Trà Cổ, chiều mua sắm ở cửa khẩu Móng Cải, tối ngủ ở Hạ Long đã trở nên rất gần. Từ tuyến cao tốc này, những lối vào các khu nghỉ dưỡng, công nghiệp, khu kinh tế ven biển như Quảng Yên, Vân Đồn đã rộng mở thu hút nhiều nhà đầu tư có tiếng tìm về.

Cao tốc Hạ Long-Vân Đồn. Ảnh: PV
Cao tốc Hạ Long-Vân Đồn. Ảnh: PV
Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư
Kỳ tích đó đến từ sự đột phá về cơ chế “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đầu tư công - quản lý tư” và “đầu tư tư - sử dụng công theo phương thức PPP” được áp dụng gắn chặt với thực tiễn và sáng tạo. Điểm quan trọng của cơ chế này nằm ở yếu tố Quảng Ninh sử dụng một lượng ngân sách để làm “vốn mồi” dẫn dắt các nguồn vốn khác với tinh thần lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ. Cụ thể, tại dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 25 km, nhà đầu tư xây cầu Bạch Đằng, tỉnh đầu tư phần đường dài 19,8 km; tại dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài 59,6 km, nhà đầu tư bỏ vốn xây 53 km, ngân sách tỉnh đầu tư 6 km; tại dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80,2 km, nhà đầu tư bỏ tiền xây 63,5 km, ngân sách tỉnh đầu tư 16,7 km.
Đột phá nói trên đã được Trung ương ghi nhận, Quốc hội đưa vào Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (điểm a, khoản 5, Điều 70) và trở thành một trong những điều khoản được các nhà đầu tư đánh giá rất cao.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, ngoài những lợi thế tự nhiên sẵn có, Quảng Ninh đã cho nhà đầu tư thấy cơ hội để nhận lại những giá trị dài hạn, dựa trên sự chia sẻ chân thành, tiếng nói đồng thuận và minh bạch. Khi mời gọi tư nhân đầu tư vào các dự án đường bộ cao tốc, Quảng Ninh đã vay của họ trước hết là niềm tin, nhưng sau đó trả lại bằng lợi ích.
Nhờ đó, Quảng Ninh đã thu hút được một nguồn lực rất lớn ngoài ngân sách đầu tư vào hạ tầng giao thông. Từ năm 2015 đến nay, đã có 36 nghìn tỷ đồng đầu tư vào các công trình giao thông, trong đó nguồn vốn đầu tư từ xã hội chiếm tới 3/4 tổng vốn đầu tư), còn lại vốn ngân sách tỉnh chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng. Điển hình cho thành công của công tác giải phóng mặt bằng ở Quảng Ninh là chiến dịch cao điểm 30 ngày đêm hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái từ ngày 15-7-2020. Tỉnh lập Ban chỉ đạo và năm tổ công tác xuống làm việc với năm huyện, thành phố, các địa phương để thống nhất về phương pháp, tiến độ triển khai.
Chiến dịch huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở do Mặt trận Tổ quốc làm nòng cốt; cấp ủy, chính quyền các địa phương có tuyến cao tốc đi qua bám dân, bám cơ sở để tuyên truyền, vận động để nhân dân đồng thuận, tự nguyện bàn giao mặt bằng sớm cho chủ đầu tư. Nhiều cán bộ đã “nằm vùng, ba cùng” tại cơ sở, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải đáp thắc mắc, bảo đảm quyền lợi cho người dân. Thế nên, 1.168 hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh quy mô dự án và tự nguyện ký biên bản bàn giao mặt bằng, góp phần đưa chiến dịch về đích trước 50% thời gian so với kế hoạch.
Các dự án khác về hạ tầng giao thông ở Quảng Ninh đều có tốc độ giải phóng mặt bằng rất nhanh. Tỉnh bàn giao đất sạch cho các nhà đầu tư để thi công, nhờ đó mà tiến độ được bảo đảm. Bớt đi một “chương ngại vật” mà các nhà đầu tư lo ngại nhất, vì thế các dự án đầu tư ĐBCT trong tỉnh có sức hút lớn với các doanh nghiệp tư nhân. Ông Nguyễn Xuân Ký chia sẻ “Yếu tố tiên quyết chính là phải tạo dựng được niềm tin trong lòng dân. Muốn làm được điều đó, công khai phải luôn đặt lên hàng đầu, chứng minh cho dân thấy bằng chính hiệu quả của những dự án được triển khai và quyền lợi người dân không bao giờ bị bỏ lại”.
Thực tiễn phát triển hệ thống ĐBCT ở Quảng Ninh đã gợi mở nhiều vấn đề cho câu chuyện hoàn thành mục tiêu xây dựng 5000 km ĐBCT của Việt Nam đến năm 2030. Tháng 5/2021, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cùng đoàn công tác của Bộ GTVT đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh để trao đổi kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP, BOT. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá: “Quảng Ninh trở thành một điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư tư nhân theo hình thức PPP trong giai đoạn 2014 - 2019 với 29 dự án, tổng vốn lên tới 46.297 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực hạ tầng giao thông, tỉnh đã thực hiện thành công 7 dự án BOT với tổng số vốn đầu tư lên tới 43.099 tỷ đồng... Những kinh nghiệm trong thu hút, triển khai các dự án PPP hạ tầng tại tỉnh sẽ là tư liệu quý để các cơ quan Trung ương phối hợp tham mưu cho Chính phủ trình Bộ Chính trị, Quốc hội sớm thông qua nghị quyết đột phá về phát triển đường cao tốc trên toàn quốc”.
Thành công và những bài học về phát triển ĐBCT ở Quảng Ninh đã mở ra những hướng tiếp cận mới từ cơ chế, chính sách và cách thức thực hiện. Hiệu ứng lan tỏa, nhiều địa phương đã chủ động xin Trung ương làm đường cao tốc theo phương thức PPP, BOT. Có những dự án đã và đang triển khai, trong đó chính quyền địa phương có vai trò là cơ quan có thẩm quyền như Lạng Sơn (Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn), Tiền Giang (Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận), Cao Bằng (Dự án BOT cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh…

Cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn. Ảnh: theo VOV
Cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn. Ảnh: theo VOV

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Đông Phong-Hoàng Dung-Thiên Bảo-Phùng Nguyên
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, Duy Thanh, nguồn internet