"XÉ RÀO" ĐỂ THỐNG NHẤT ĐIỆN NĂNG QUỐC GIA

Đầu năm 1992, một quyết định táo bạo được đưa ra. Mặc dù đất nước còn đang trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta vẫn quyết tâm làm đường dây 500 kV bắc nam! Trên công trường, hàng vạn kỹ sư, công nhân, bộ đội và đồng bào dốc sức, đổ mồ hôi, máu và nước mắt. Ở hậu trường, các nhà lãnh đạo kiên trì tháo gỡ từng rào cản. Cho đến tận giờ, ít ai còn nhớ tại sao quyết định đó lại có nhiều ý nghĩa đến vậy!
Khi bắt tay vào nghiên cứu đường dây 500 kV bắc nam mạch 1, các kỹ sư không hề có tài liệu chi tiết, cũng chưa từng tận mắt chứng kiến một công trình tương tự. Họ vừa nghiên cứu, vừa triển khai, vừa điều chỉnh để bảo đảm tiến độ.
NẾU THẤT BẠI, TÔI SẼ TỪ CHỨC
Những năm sau đổi mới, tình trạng mất cân đối điện giữa các vùng miền là rào cản lớn với sự phát triển đất nước. Trong khi miền bắc thừa điện, miền trung và miền nam lại thiếu điện trầm trọng. Đầu năm 1990, tình trạng ngày càng căng thẳng hơn. Ở miền nam, khái niệm “Hai đỏ, một tắt” ra đời, cứ hai ngày có điện thì một ngày mất điện.
Trước tình thế cấp bách, Chính phủ gấp rút lên phương án bổ sung điện. Nếu xây nhà máy điện mới thì không đủ lực cũng như mất rất nhiều thời gian. Trong một cuộc họp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt với ngành năng lượng bàn việc đưa điện vào miền nam, Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải báo cáo với Thủ tướng: “Chỉ có một phương án, đó là xây dựng đường dây siêu cao áp”.
Tăng cường công tác kiểm tra thiết bị trạm biến áp 220kV Tương Dương phòng ngừa sự cố.
Tăng cường công tác kiểm tra thiết bị trạm biến áp 220kV Tương Dương phòng ngừa sự cố.
Phương án này lại bị một số chuyên gia trong và ngoài nước phản đối. Đáng chú ý có lá thư của một giáo sư Trường ĐH Grenoble (Pháp) gửi Bộ Chính trị. Vị giáo sư nêu lên 3 vấn đề: Đường dây dài gần 1.500 km, là chiều dài của một phần tư bước sóng, cho nên không thể tải điện ổn định đi miền nam; chưa có luận chứng kỹ thuật mà đặt mục tiêu thi công trong 2 năm là không tưởng, trên thế giới chưa có quốc gia nào có thể xây dựng đường dây 1.500 km trong 2 năm; giá thành sẽ rất cao, trong khi điều kiện kinh tế nước ta còn khó khăn.
Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam), kể lại: Hôm đó, tôi thức trắng đêm xem tài liệu và tự tính toán. Việc xử lý chênh lệch một phần tư bước sóng bằng 5 trạm bù đã được các chuyên gia nước ngoài thẩm định. Để bảo đảm điện áp ổn định, các chuyên gia thiết kế các trạm bù đặt dọc đường dây. Mục đích của trạm bù là nơi điện áp lên cao nó sẽ kéo xuống, ngược lại nơi nào điện áp yếu, trạm bù sẽ bổ sung để điện áp luôn ổn định.
Không kể ngày đêm, các đơn vị thi công chia ca làm việc liên tục, tranh thủ thời tiết thuận lợi để dự án đúng tiến độ.
Không kể ngày đêm, các đơn vị thi công chia ca làm việc liên tục, tranh thủ thời tiết thuận lợi để dự án đúng tiến độ.
Giáo sư Trần Đình Long báo cáo với Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Anh an tâm, tôi lo nhất là vấn đề an ninh chứ không phải là an toàn. Anh bảo đảm vấn đề an ninh, vấn đề kỹ thuật tôi bảo đảm”. Nghe xong, Thủ tướng quyết định: “Cứ làm, nếu thất bại thì không đợi cách chức, tôi sẽ chủ động từ chức”.
Tháng 1/1992, công trình được Bộ Chính trị thông qua. Đến ngày 25/2/1992, Chính phủ phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho dự án Đường dây 500 kV bắc nam. 2 tháng sau, công trình được khởi công đồng loạt tại nhiều địa phương như Hòa Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk… Điểm đặc biệt là dự án phải hoàn thành trong vòng 2 năm. Tại thời điểm đó, các nước như Pháp, Australia, Mỹ xây dựng đường dây dài nhất cũng chỉ từ 700 - 800 km và phải mất tới 7-8 năm.
NHỮNG CON NGƯỜI TRÊN “TUYẾN LỬA”
Dự án đối mặt với hàng loạt khó khăn về kỹ thuật, tài chính, nhân lực và điều kiện thi công ngay từ những ngày đầu. Công trình được chia thành 4 cung đoạn, trong đó, Công ty Xây lắp điện 3 đảm nhận cung đoạn khó khăn nhất dài hơn 624 km, đi qua rừng già, sông lớn… hay những cung đường hiểm trở như đèo Hải Vân, Đại Lộc, Giằng, Khâm Đức, đèo Lò Xo... Người dân phải gùi từng bao xi-măng, từng vật tư lên đỉnh núi dựng móng cột. Trong nhiều cuộc họp giao ban về tiến độ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn nhắc nhở: “Nếu cung đoạn của Công ty Xây lắp điện 3 xong thì toàn tuyến coi như xong”.
Ở tuổi ngoài 80, lại vừa trải qua cơn bạo bệnh, ông Trần Viết Ngãi, nguyên Giám đốc Công ty Xây lắp điện 3, kể lại: “Trong cung đoạn chúng tôi đảm nhận, tuyến từ Hải Vân lên hết đèo Lò Xo là tuyến kinh khủng nhất. Giữa các điểm cột là rừng già với vực sâu hun hút. Các chuyên gia khẳng định phải dùng trực thăng vận chuyển thân cột và các thanh kết nối móng cột. Phương án này khả thi về mặt kỹ thuật nhưng lại bất khả thi với tiềm lực của chúng ta lúc đó. Một chiến dịch dùng sức người thay máy móc được triển khai. Hàng vạn bộ đội của Quân khu 4, Quân khu 5, Binh đoàn 12, 15, Quân đoàn 1, 3 và đồng bào các dân tộc ngày đêm mở đường vận chuyển vật tư lên tuyến đầu”.
Những người lính Đội truyền tải điện Con Cuông luôn sẵn sàng lên đường bất kể thời tiết, địa hình khó khăn để giữ cho dòng điện luôn thông suốt.
Những người lính Đội truyền tải điện Con Cuông luôn sẵn sàng lên đường bất kể thời tiết, địa hình khó khăn để giữ cho dòng điện luôn thông suốt.
3.674 móng cột toàn bộ dự án được thi công trong thời gian kỷ lục. Từ móng bé nhất (300 m3 bê-tông) cho đến những móng lớn hơn (hàng nghìn m3 bê-tông) hầu hết đặt trong rừng già, trên đèo cao. “Có thời điểm khi Thủ tướng đi kiểm tra tiến độ, phải dùng máy bay trực thăng mới có thể lên tới hố móng”, ông Ngãi kể.
Thời đó công nghệ nước ta còn lạc hậu, chỉ có một phương án duy nhất dựng cột là dùng trụ leo. Tời cối xoay kéo các thanh sắt dài lên lắp từng đoạn của cột trụ. Các công đoạn lắp ráp đều tiến hành thủ công. Khi xong đỉnh cột sẽ chuyển sang bước tiếp theo là kéo dây điện. Nhưng với tất cả tâm trí, sức lực của hàng vạn con người khi ấy, đường dây 500 kV bắc nam vẫn kịp thời về đích. Khi đoàn giáo sư của Pháp và Đức sang thăm công trình, chứng kiến công nhân Việt Nam dựng cột bằng phương pháp trụ leo, họ đều bày tỏ sự khâm phục. Phương pháp lạc hậu nhưng đạt thành quả không ngờ.
Thợ điện lắp đặt, đấu nối dây nhôm lõi thép ACSR400/51mm2. Đây là hệ thống dây dẫn điện chính của công trình đường dây 110kV Phú Giáo - TBA 220kV Uyên Hưng.
Thợ điện lắp đặt, đấu nối dây nhôm lõi thép ACSR400/51mm2. Đây là hệ thống dây dẫn điện chính của công trình đường dây 110kV Phú Giáo - TBA 220kV Uyên Hưng.
Công trình chỉ còn 6 tháng nữa là hoàn thành, đội ngũ thi công đối mặt với tình huống nan giải: hợp đồng nhập khẩu dây cáp quang bị chậm 6 tháng. Trước tình thế cấp bách, ông Ngãi nhận lệnh trực tiếp từ Thủ tướng lên đường sang Nhật Bản tìm giải pháp. Tại đây, ông mạnh dạn đề xuất với giám đốc nhà máy sản xuất cáp quang của Tập đoàn Nissho Iwai xem xét nhường lại đơn hàng phù hợp của đối tác khác cho Việt Nam.
Đề xuất không nhận được phản hồi tích cực. Ông Ngãi và cộng sự quyết định “đặt cược” vào bữa tiệc chia tay. Trước khi lên đường công tác, cả đoàn đã phải vay ngoại tệ từ Tổng công ty Than (nay là Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam). Thời đó đất nước khó khăn, chỉ riêng ngành than có ngoại tệ thu được từ xuất khẩu. Toàn bộ số tiền ít ỏi còn lại dồn hết cho bữa tiệc. Kết quả thật bất ngờ, Chủ tịch Tập đoàn Nissho Iwai đồng ý cấp trước lô hàng cáp quang cho Việt Nam.
HÒA LƯỚI ĐIỆN HAI MIỀN
Ít ai biết, một ngày sau khi đường dây 500 kV đóng điện, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã vào Trại giam Thanh Xuân thăm cựu Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải. Vì tính cấp bách của dự án, ông Vũ Ngọc Hải đã “xé rào” cho phép nhập khẩu 4.000 tấn thép từ một công ty tư nhân. Thời đó, quyết định này là trái pháp luật, ông bị kết án tội danh “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”, chịu mức án 3 năm tù.
Sau 782 ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ, đường dây 500 kV dài 1.487 km đã hoàn thành. Đúng 19 giờ 16 phút ngày 27/5/1994, hệ thống truyền tải điện 500 kV chính thức hòa lưới tại trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng, kết nối hai miền bắc - nam. Trước mặt rất nhiều người chứng kiến tại buổi gặp trong trại giam, Thủ tướng lấy chiếc Huy hiệu đường dây 500 kV trao tặng ông Vũ Ngọc Hải.
Trong quá trình thực hiện công việc, nhiều thợ điện treo mình trên những đường dây, trụ điện cao thế với cao độ hơn 10m. Mọi người di chuyển, đấu nối, lắp đặt hạ tầng lưới điện trên cao một cách linh hoạt.
Trong quá trình thực hiện công việc, nhiều thợ điện treo mình trên những đường dây, trụ điện cao thế với cao độ hơn 10m. Mọi người di chuyển, đấu nối, lắp đặt hạ tầng lưới điện trên cao một cách linh hoạt.
Nhờ thống nhất về điện năng, GDP từ 5,1% năm 1990 đã tăng lên 9,5% năm 1995, sản lượng công nghiệp tăng 12- 14%/năm, vượt chỉ tiêu Đại hội VII của Đảng đề ra. Không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, đường dây 500 kV còn là “sợi dây vô hình” gắn kết hai miền bắc - nam, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đồng bằng và miền núi.
Vượt qua sông rộng núi dài, cheo leo hiểm trở, công nhân vừa mở đường vừa vận chuyển vật liệu, đổ gần 250.000 m3 bê-tông, lắp 26.000 tấn thiết bị. Tổng lực lượng huy động gần 8.000 người, cùng 4.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc Binh đoàn 12, 15, Quân khu 4, 5, Quân đoàn 1, 3 và 7.000 kỹ sư, công nhân từ các tỉnh, thành phố tham gia. Ít nhất 250 người đã hy sinh vì bệnh tật, tai nạn, sập hầm… Máu xương họ lặng lẽ thấm vào đất để thắp sáng dòng điện quốc gia, đổi thay những vùng quê nghèo.
Trình bày:
Anh Tuấn