Loạt bài Xe đạp chia sẻ: Hướng đi tương lai cho giao thông đại đô thị” phản ánh những kinh nghiệm phát triển xe đạp chia sẻ của một số nước trên thế giới cũng như những khuyến nghị của chuyên gia cho sự phát triển xe đạp công cộng ở Việt Nam.

Theo báo cáo giữa năm 2021 của The Meddin Bike-sharing World Map, tính đến tháng 8/2021, có khoảng hơn 10 triệu xe đạp chia sẻ thuộc các mô hình chia sẻ xe đạp khác nhau trên thế giới. Xe đạp chia sẻ đã trở thành công cụ thay đổi lớn cho các thành phố và cư dân, mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ và cơ hội, tăng khả năng di chuyển cũng như đóng góp cho môi trường đô thị bền vững hơn. Trung Quốc được xếp hạng là quốc gia có số lượng hệ thống xe đạp chia sẻ đang họat động đứng đầu thế giới. Trong khi đó, Hà Lan – vương quốc xe đạp – được cho là nơi đầu tiên trên thế giới phát minh ra xe đạp chia sẻ. Vậy, xe đạp chia sẻ ở các quốc gia này được vận hành và phát triển như thế nào?

Xe đạp chia sẻ: Chìa khóa cho bài toán “dặm cuối” ở Trung Quốc

Xe đạp chia sẻ, là loại hình xe đạp công cộng gắn liền với mô hình kinh tế chia sẻ và hệ thống giao thông công cộng tương đối hoàn thiện ở Trung Quốc, với mục tiêu giải quyết bài toán “dặm cuối” cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Trải qua bốn giai đoạn phát triển, đến nay xe đạp chia sẻ đã trở thành phương tiện quen thuộc trong đời sống người dân Trung Quốc, ngành dịch vụ gắn liền với nó đã đi vào quỹ đạo phát triển khá ổn định.

Xe đạp chia sẻ và giao thông công cộng ở Trung Quốc

Xe đạp chia sẻ ra đời trong bối cảnh hệ thống giao thông công cộng ở các đô thị ở Trung Quốc đã phát triển và tương đối hoàn thiện với đầy đủ các loại hình như xe buýt, xe điện công cộng, tàu điện ngầm và hệ thống hạ tầng đồng bộ, mô hình quản lý khá bài bản.

Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, năm 2021, 36 đô thị trung tâm của nước này đã có 52,95 tỷ lượt hành khách di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng, tăng 19,9% so năm trước, trong đó chủ yếu là xe buýt và xe điện công cộng (22,87 tỷ lượt hành khách); tàu điện ngầm (22,96 tỷ lượt hành khách).

Theo điều tra của tờ Nhật báo kinh tế (National Business Daily) thuộc Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc, phương tiện giao thông công cộng là sự lựa chọn thứ hai (chỉ sau phương tiện cá nhân) của người dân thành thị Trung Quốc, với tỷ lệ cao tới 34,4% số người được hỏi thường xuyên sử dụng xe buýt hoặc tàu điện ngầm để di chuyển trong công việc và cuộc sống.

Song sử dụng giao thông công cộng cũng đối mặt với một vấn đề là đoạn đường từ nhà, nơi làm việc hoặc các địa điểm khác đến các bến xe, ga tàu mà người dân phải di chuyển. Thông thường, quãng đường lý tưởng để đi bộ tới các điểm giao thông công cộng không nên vượt quá 800m nhưng trên thực tế phần lớn các khu vực chưa thể bảo đảm độ bao phủ các điểm giao thông công cộng với khoảng cách như vậy, do vậy khoảng cách đi bộ cuối cùng thường quá dài, gây bất tiện cho người sử dụng dịch vụ giao thông công cộng.

Ở Trung Quốc, người ta gọi đó là bài toán "dặm cuối", như là một nút thắt cần phải giải quyết trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả phục vụ việc đi lại của người dân thành thị.

Xe đạp chia sẻ ở cửa ga tàu điện ngầm. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Xe đạp chia sẻ ở cửa ga tàu điện ngầm. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Các phương tiện chia sẻ, mà phổ biến nhất là xe đạp chia sẻ, đã ra đời và phát triển ở các thành phố ở Trung Quốc, như là một hình thức kết nối các phương tiện giao thông công cộng, giải quyết bài toán “dặm cuối” trong bảo đảm việc đi lại thuận tiện cho người dân, góp phần vào việc quá trình xây dựng các đô thị xanh và carbon thấp.

Cuộc khảo sát do hãng tư vấn iiMedia Research của Trung Quốc về thị trường xe đạp chia sẻ năm 2021 cho thấy, 50,5% người tiêu dùng lựa chọn xe đạp chia sẻ bởi lý do bảo vệ môi trường, 49,9% vì lý do rèn luyện sức khỏe, 48% vì không muốn đi bộ, 25,2% vì giá cả hợp lý. Về khoảng cách di chuyển cho mỗi lần sử dụng xe đạp chia sẻ, có tới 41,5% người tiêu dùng lựa chọn dưới 500m, 25,5% lựa chọn từ 500m đến dưới 1km, 22,5% lựa chọn từ 1-2km, còn lại là hơn 2km.

Theo trang bách khoa toàn thư tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc Baidu Baike, xe đạp chia sẻ là một loại hình dịch vụ giao thông được các doanh nghiệp cung cấp tại các địa điểm như trường học, ga tàu điện ngầm, bến xe buýt, các khu thương mại, dịch vụ công cộng với sự trợ giúp của các ứng dụng công nghệ, nhằm hoàn thiện "mảnh ghép" cuối cùng của ngành giao thông, kích thích sự tích cực của người dân trong sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Đây là một mô hình cho thuê chia sẻ theo thời gian, cũng là một hình thức kinh tế chia sẻ xanh và thân thiện môi trường kiểu mới.

Theo số liệu thống kê của ngành giao thông chia sẻ, số lượng người sử dụng giao thông chia sẻ đến hết năm 2020 ở Trung Quốc đạt tới con số 253 triệu. Ngành công nghiệp xe đạp chia sẻ đã trải qua quá trình phát triển khá dài, có thể khái quát thành 4 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1 từ năm 2007 đến năm 2010 với việc xe đạp công cộng nở rộ ở nước ngoài, bắt đầu du nhập vào Trung Quốc, hệ thống xe đạp này do chính quyền các thành phố xây dựng và quản lý, chủ yếu là loại xe có cột cố định, được quản lý thống nhất bằng một hệ thống trang thiết bị phần cứng đối với tất cả phương tiện và người dùng. Hệ thống này bao gồm các cột đỗ xe, thiết bị quét mã trả tiền và quy trình đăng ký và xác thực phức tạp.

Giai đoạn 2 từ năm 2010 đến năm 2014 với việc xuất hiện của các doanh nghiệp chuyên kinh doanh xe đạp công cộng, song vẫn chủ yếu là xe có cột. Hãng đầu tiên đưa ra khái niệm "xe đạp chia sẻ" và ứng dụng trong phạm vi nhỏ chính là Ofo được thành lập năm 2014, ban đầu chỉ ứng dụng trong khuôn viên trường Đại học Bắc Kinh, nhằm giải quyết vấn đề đi lại cho sinh viên, sau đó phát triển trở thành doanh nghiệp công nghệ kinh doanh xe đạp trong trường học thông qua nền tảng chia sẻ, từ đó cho ra đời mô hình đi lại bằng xe đạp chia sẻ không có cột - tức là các thao tác đăng ký và xác thực đều được tiến hành qua internet mọi lúc mọi nơi, sử dụng và trả lại xe cũng không cần ở các khu vực nhất định, không cần có hạ tầng bổ trợ nào, việc thanh toán cũng được tiến hành trực tuyến.

Giai đoạn 3 từ năm 2015 đến năm 2018 với sự phát triển nhanh chóng của internet và mạng di động, xe đạp chia sẻ ứng dụng công nghệ dần thay thế xe đạp công cộng có cột, rồi nhanh chóng chiếm lĩnh các thành phố lớn.

Thị trường xe đạp chia sẻ bước vào thời kỳ "trăm hoa đua nở" đón nhận nhiều dòng vốn đầu tư, lúc cao điểm có hàng chục thương hiệu xe đạp chia sẻ ở các đô thị lớn, với sự cạnh tranh quyết liệt về số lượng, màu sắc, điểm đặt xe hay các chương trình khuyến mãi để giành lấy thị phần..., kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy như những bãi rác khổng lồ chứa xe hỏng, không gian công cộng ở đô thị bị chiếm dụng, tiền đặt cọc để đăng ký sử dụng dịch vụ bị sử dụng sai mục đích...

Một người đi xe đạp chia sẻ băng qua một “núi” xe đạp chia sẻ không sử dụng tại một bãi đất trống ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 13/12/2017. (Ảnh: Reuters)

Một người đi xe đạp chia sẻ băng qua một “núi” xe đạp chia sẻ không sử dụng tại một bãi đất trống ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 13/12/2017. (Ảnh: Reuters)

Giai đoạn 4 từ năm 2019 đến nay, chính quyền các địa phương lần lượt ban hành quy định và tiến hành chỉnh đốn ngành xe đạp chia sẻ, để khắc phục tình trạng phát triển "mất kiểm soát" của loại hình này, nhiều đơn vị vận hành xe đạp chia sẻ rút khỏi thị trường do không đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu hoặc do làm ăn thua lỗ kéo dài. Sau năm 2019, những ảnh hưởng tiêu cực do cạnh tranh thiếu lành mạnh trong ngành dịch vụ xe đạp chia sẻ đã giảm dần, những trải nghiệm tích cực của người tiêu dùng đã góp phần tăng số lượng và tần suất sử dụng xe, đối tượng khách hàng mới cũng có những nhìn nhận đúng đắn về nhu cầu tiêu dùng, chứ ít bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khuyến mãi hay tâm lý tò mò.

Đến cuối năm 2021, ngành dịch vụ xe đạp chia sẻ ở Trung Quốc chỉ còn lại ba doanh nghiệp chính, với phạm vi hoạt động ở hơn 30 thành phố, quy mô thị trường khoảng 22 tỷ nhân dân tệ, dòng vốn thu hút đầu tư cũng lên tới hàng chục tỷ nhân dân tệ. Số liệu thống kê của Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc cho thấy, tính đến hết tháng 10/2020, đã có 19,45 triệu chiếc xe đạp chia sẻ được đưa vào phục vụ tại các thành phố.

Quy trình thuê và trả xe đạp chia sẻ ở Trung Quốc. (Video: HỮU HƯNG)

Quy trình thuê và trả xe đạp chia sẻ ở Trung Quốc. (Video: HỮU HƯNG)

Một số bài học kinh nghiệm

Quá trình phát triển của ngành xe đạp chia sẻ ở Trung Quốc đã trải qua các giai đoạn khác nhau, từ tăng trưởng chạy theo số lượng chuyển sang phát triển tương đối ổn định. Với mô hình “thị trường chủ đạo, nhà nước định hướng, người dân tham gia và nhiều bên chung tay xây dựng”, đây là chìa khóa để giải bài toán "dặm cuối" trong hệ thống giao thông công cộng, đồng thời cũng là một loại hình kinh tế chia sẻ còn khá nhiều dư địa, quá trình vận hành và hoàn thiện mô hình xe đạp chia sẻ ở Trung Quốc có thể mang đến những gợi mở sau:

Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, ngoài việc tạo dựng khuôn khổ cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành xe đạp công cộng nói chung, xe đạp chia sẻ nói riêng, còn phải làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo xu hướng và xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý để bảo đảm phát triển lành mạnh và an toàn.

Những nút giao thông quan trọng thường có nhân viên hướng dẫn. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Những nút giao thông quan trọng thường có nhân viên hướng dẫn. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Có một thực tế là ở một số thành phố ở Trung Quốc vẫn tồn tại song song xe đạp công cộng do chính quyền quản lý theo phương thức truyền thống và xe đạp chia sẻ do các doanh nghiệp cung ứng dựa trên các nền tảng công nghệ. Xe đạp chia sẻ tất yếu sẽ được ưa chuộng hơn bởi sự tiện ích cũng như trải nghiệm mà nó đem lại cho người tiêu dùng.

Song có những giai đoạn, ngành dịch vụ xe đạp chia sẻ phát triển bùng nổ với hàng loạt hệ lụy trước mắt và lâu dài, cho cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và diện mạo chung của thành phố, do đó vai trò của cơ quan quản lý nhà nước càng nổi bật hơn bao giờ hết.

Đó là việc thiết kế và xây dựng các vị trí đặt xe tiện ích với dung lượng đủ cho nhu cầu sử dụng; đưa ra các quy định thống nhất và khoa học về quản lý vị trí đặt xe, quản lý tiền đặt cọc của người dùng, đặc biệt là các quy định cụ thể về điều kiện tham gia thị trường của doanh nghiệp, tiêu chuẩn chất lượng của xe đạp, chia sẻ trách nhiệm khi xảy ra tai nạn liên quan xe đạp chia sẻ.

Ngoài ra, chính quyền các đô thị có trách nhiệm tính toán kỹ tổng số xe đạp chia sẻ phải khống chế để bảo đảm mỹ quan, trật tự đô thị cũng như không gian công cộng. Một số thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến còn đưa các vi phạm liên quan đến xe đạp chia sẻ vào danh mục chấm điểm công dân và đánh giá uy tín xã hội, nhằm hạn chế các hiện tượng tiêu cực như cố tình phá hoại, chiếm dụng, trả xe không đúng nơi quy định…

Xe đạp chia sẻ xếp ngay ngắn trên đường phố Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Xe đạp chia sẻ xếp ngay ngắn trên đường phố Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Nhìn từ phía thị trường, ở giai đoạn phát triển bùng nổ, dòng vốn đổ vào ngành dịch vụ xe đạp chia sẻ rất lớn, dẫn đến một cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Để chiếm lĩnh thị phần, các hãng xe đầu tư một lượng xe quá lớn so với nhu cầu tiêu dùng cũng như khả năng đáp ứng của hạ tầng đô thị, tạo thành cuộc khủng hoảng thừa xe đạp chia sẻ ở nhiều thành phố Trung Quốc.

Cùng với quá trình phát triển nóng đó, vấn đề quản lý nguồn vốn hình thành từ tiền đặt cọc của người dùng, xử lý khiếu nại của người dùng liên quan đến hoàn trả tiền đặt cọc…, cũng là những rủi ro tiềm ẩm trong lĩnh vực tài chính liên quan đến xe đạp chia sẻ.

Các hãng xe bị cuốn vào cuộc chạy đua tranh giành thị phần, đã xem nhẹ vấn đề vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa xe, dẫn đến một lượng lớn xe đạp xuất hiện hỏng hóc không được khắc phục kịp thời, ảnh hưởng đến an toàn và giảm chất lượng dịch vụ.

Sau cuộc khủng hoảng năm 2018, cùng với việc nhà nước dừng hỗ trợ cho ngành xe đạp chia sẻ, hàng loạt doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường này, do yếu kém trong quản lý nguồn vốn, mất thị phần, kinh doanh thua lỗ. Những doanh nghiệp còn trụ lại là những hãng xe biết tận dụng được ưu thế của các công nghệ mới như internet vạn vật, điện toán đám mây và dữ liệu lớn để phát triển các nền tảng quản lý thông minh, tính toán chính xác nhu cầu thị trường và nâng cấp trải nghiệm cho người tiêu dùng; đồng thời tăng cường quản trị nội bộ, nhất là về tiêu chuẩn kỹ thuật, quản lý tiền đặt cọc và bảo dưỡng xe, tính toán cơ chế giá hợp lý để hình thành dư địa lợi nhuận lâu dài trong tương lai.

Từ phía người dân, sự ra đời của xe đạp chia sẻ, đã góp phần nâng cao mức độ tiện ích về giao thông, giúp cho việc đi lại được thuận lợi hơn, giảm bớt tình trạng ùn tắc ở các đô thị lớn nhưng cũng xuất hiện không ít hiện tượng thiếu văn minh trong sử dụng xe đạp chia sẻ như đỗ trả xe tùy tiện, không đúng quy định, chiếm dụng xe để dùng vào mục đích cá nhân..., đã ảnh hưởng rất lớn đến tính chất dịch vụ công cộng của xe đạp chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng này, người dùng xe đạp chia sẻ ở Trung Quốc được yêu cầu đăng ký và xác thực tài khoản bằng thông tin cá nhân thực gắn liền với tài khoản ngân hàng; đồng thời được khuyến khích tích cực tham gia quá trình quản trị xe đạp chia sẻ, bằng cách phản ảnh kiến nghị và yêu cầu, giám sát việc thực thi các chính sách, nhất là tố giác những cá nhân và doanh nghiệp vi phạm trong sử dụng và kinh doanh để góp phần thúc đẩy ngành dịch vụ xe đạp chia sẻ phát triển lành mạnh, hình thành thói quen văn minh trong sử dụng phương tiện công cộng này.

Một hành khách quét mã QR để bắt đầu sử dụng dịch vụ. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Một hành khách quét mã QR để bắt đầu sử dụng dịch vụ. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025), Trung Quốc đặt ra mục tiêu xây dựng các "thành phố thông minh", trong đó xe đạp chia sẻ là một phần không thể thiếu trong hệ thống giao thông đô thị hiện nay, cũng như một phần quan trọng của các "thành phố thông minh" trong tương lai. Liên kết giữa dữ liệu về trạng thái vận hành giao thông với hệ thống định vị xe đạp chia sẻ, giữa hệ thống giám sát giao thông qua camera với hệ thống định vị xe đạp chia sẻ, để giám sát và quản lý hiệu quả đối với xe đạp chia sẻ, từ đó đạt đến mục tiêu xây dựng "thành phố thông minh", cũng sẽ là xu thế mới của kinh tế chia sẻ.

Có thể thấy, xe đạp chia sẻ đã giải quyết hiệu quả bài toán “dặm cuối” trong hệ thống giao thông đô thị ở Trung Quốc, hình thành một phương thức đi lại hoàn toàn mới, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, đẩy nhanh xây dựng văn minh đô thị. Để có một ngành dịch vụ xe đạp chia sẻ phát triển lành mạnh và ổn định, cần có sự phối hợp và phát huy vai trò của các chủ thể. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước định hướng và cung cấp hệ thống thể chế phù hợp cùng hạ tầng công cộng; thị trường vừa đổi mới sáng tạo, vừa chú trọng quản trị, làm tốt vai trò kinh doanh và trách nhiệm xã hội; người dân thành thị đề cao phương thức di chuyển xanh và carbon thấp, nâng cao ý thức và trách nhiệm công dân trong quá trình sử dụng; để chung tay xây dựng ngành dịch vụ xe đạp chia sẻ hài hòa lợi ích cho tất cả các bên.

Xe đạp công cộng ở "vương quốc xe đạp" Hà Lan

Hà Lan vốn được mệnh danh là “vương quốc xe đạp”, số lượng xe đạp còn nhiều hơn cả dân số, vậy đất nước này có cần đến xe đạp công cộng? Câu trả lời là có, người Hà Lan dùng xe đạp công cộng rất nhiều và trên quy mô lớn. Đây cũng là quốc gia mà ý tưởng đầu tiên về xe đạp chia sẻ được hình thành.

Chia sẻ xe đạp từ những năm 1960

Ý tưởng về xe đạp chia sẻ (hay xe đạp công cộng) đầu tiên trên thế giới bắt đầu xuất hiện tại Amsterdam, Hà Lan vào giữa những năm 1960. Tại thời điểm đó, một phong trào được khởi xướng với một số lượng nhỏ xe đạp được sơn màu trắng và để lại trên đường phố cho mọi người sử dụng miễn phí. Phong trào “xe đạp màu trắng” đã khởi phát một ý tưởng về xe đạp chia sẻ. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, phong trào này đã không thành công do các xe đạp bị trộm cắp và phá hoại.

Đến năm 1974, Công viên quốc gia Hoge Veluwe của Hà Lan giới thiệu những chiếc xe đạp màu trắng miễn phí cho du khách khám phá công viên. Trong phần giới thiệu trên website về việc đi xe đạp, công viên này chia sẻ, dự án xe đạp màu trắng chính là bắt nguồn từ ý tưởng xe đạp màu trắng vào từ những năm 1960 ở Amsterdam và dự án này đã rất thành công. Công viên bắt đầu dự án với 50 chiếc xe đạp. Hiện nay, qua hơn 40 năm, công viên đã có 1.800 xe đạp màu trắng có thể được nhận và trả tại các cơ sở lưu giữ ở một số địa điểm chung quanh công viên. Ngoài những chiếc xe đạp màu trắng được cung cấp miễn phí, khách tham quan công viên hiện cũng có thêm lựa chọn thuê xe đạp điện trả phí.

Sự khác biệt lớn nhất với ý tưởng xe đạp màu trắng của Công viên Hoge Veluwe và của Amsterdam là những chiếc xe đạp màu trắng thuộc sở hữu và bảo trì của Công viên Hoge Veluwe và chúng phải ở trong khuôn viên của công viên này.

Du khách di chuyển bằng xe đạp màu trắng miễn phí trong Công viên quốc gia Hoge Veluwe của Hà Lan. (Ảnh: www.hogeveluwe.nl)

Du khách di chuyển bằng xe đạp màu trắng miễn phí trong Công viên quốc gia Hoge Veluwe của Hà Lan. (Ảnh: www.hogeveluwe.nl)

Năm 2003, mô hình OV-Fiets (xe đạp công cộng) đã được đưa ra để khuyến khích người đi làm sử dụng tàu hỏa. Về cơ bản, đây là một hình thức cho thuê xe đạp nhanh chóng và dễ dàng, không tốn kém, cho phép người đi làm đạp xe vài km cuối cùng từ ga tàu đến nơi làm việc của họ.

Các thành viên của chương trình chỉ cần chọn một chiếc xe đạp, quét thẻ và phí thuê sẽ tự động từ vào tài khoản ngân hàng của họ - loại bỏ các thủ tục giấy tờ của việc thuê xe đạp thông thường.

Sau khi mô hình xe đạp công cộng OV-Fiets được triển khai, với sự phát triển của công nghệ mới đã giúp ra đời nhiều mô hình xe đạp chia sẻ được vận hành qua ứng dụng. Bằng ứng dụng, khách hàng có thể tìm vị trí xe đạp cần thuê, quét mã QR bằng điện thoại thông minh để mở khóa điện tử rồi khởi hành. Sau khi đến nơi cần đến, khách hàng khóa xe qua ứng dụng và phí thuê sẽ tự động được thanh toán.

Các loại hình xe đạp chia sẻ qua ứng dụng mang lại sự linh hoạt hơn so với mô hình xe đạp OV-Fiets vốn chỉ phục vụ cho các chuyến hành trình từ nhà ga đi và trở lại. Một số công ty hoạt động với các điểm thuê và trả xe cố định. Những công ty khác cung cấp hệ thống chia sẻ tự do cho phép người dùng nhận và trả xe đạp chia sẻ ở bất cứ đâu họ muốn, miễn là xe đạp được đỗ ở nơi được phép đỗ hợp pháp.

Một số mô hình xe đạp chia sẻ tiêu biểu

Xe đạp công cộng - OV-fiets

(Ảnh: NS)

(Ảnh: NS)

OV-fiets là chương trình cho thuê xe đạp do Công ty Đường sắt quốc gia Hà Lan - NS (Nederlandse Spoorwegen) điều hành. NS giới thiệu OV-fiets là dịch vụ cho thuê xe đạp để hoàn thiện phần cuối cùng trong chuyến đi của hành khách. Nếu hành khách đến các ga tàu, họ có thể nhanh chóng và dễ dàng thuê một chiếc xe đạp công cộng và di chuyển bằng xe đạp đến các điểm cần đến. Có hơn 300 điểm cho thuê xe đạp OV-fiets trên toàn Hà Lan, được bố trí tại nhiều nhà ga, điểm xe buýt, tàu điện và các bãi gửi xe ô-tô.

OV-Fiets có khoảng 22.000 xe đạp và khoảng 500.000 người dùng thường xuyên, với 3,1 triệu lượt cho thuê vào năm 2020 (giảm từ 5,3 triệu vào năm 2019) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Kể từ năm 2017, chương trình OV-Fiets đã miễn phí đăng ký thành viên hằng năm (trước đây mức phí là 10 euro mỗi năm).

Chương trình này dành cho cả cư dân Hà Lan và những người không phải cư dân Hà Lan có tài khoản ngân hàng Hà Lan. Khách hàng cần một thẻ OV-chipkaart cá nhân (OV-chipkaart là một thẻ hành khách có thể sử dụng để di chuyển bằng mọi loại hình giao thông công cộng ở Hà Lan) để có thể thuê và sử dụng xe đạp OV-fiets. Khách hàng có thể tải trực tuyến vé thường xuyên về thẻ OV-chipkaart cá nhân của mình và có thể thuê, sử dụng xe đạp OV-fiets ngay lập tức.

Xe đạp OV-fiets được cho thuê mỗi lần 24 giờ với mức phí thuê là 4,15 euro. Nếu khách hàng giữ xe lâu hơn khoảng thời gian đó, khách hàng sẽ phải trả thêm phí cho khoảng 24 giờ tiếp theo (và tối đa là 72 giờ). Sau 72 giờ khách hàng sẽ phải trả thêm 5 euro một ngày. Chi phí sử dụng xe đạp OV-fiets sẽ được trừ trực tiếp hằng tháng từ thẻ ngân hàng của khách hàng.

Một điều lưu ý là hành khách phải trả xe đạp OV-fiets ở cùng địa điểm đã thuê xe, nếu trả xe tại địa điểm khác so với địa điểm thuê ban đầu, hành khách phải phải trả thêm 10 euro. Nếu hành khách không trả xe trong vòng 21 ngày sẽ bị mất phí 350 euro. Ngoài ra, nếu hành khách làm mất chìa khóa xe, mất xe, hỏng xe do sử dụng không cẩn thận cũng sẽ có các mức phí đền bù tương ứng.

Hành khách thuê xe đạp OV-fiets phải trả lại xe ở địa điểm thuê ban đầu, nếu trả ở điểm khác sẽ phải mất thêm phí. (Ảnh: NS)

Hành khách thuê xe đạp OV-fiets phải trả lại xe ở địa điểm thuê ban đầu, nếu trả ở điểm khác sẽ phải mất thêm phí. (Ảnh: NS)

Một số địa điểm cho thuê có thiết bị phục vụ cho thuê tự động 24 giờ, hành khách có thể sử dụng thẻ của mình để thuê xe đạp. Những địa điểm khác có người giám sát hành khách được khuyến nghị nên hỏi thời gian đóng cửa hoặc liệu có thể mang xe đạp trở lại sau giờ làm việc không. Đối với những trường hợp trả xe sau giờ làm việc, thường được bố trí điểm để lại chìa khóa xe đạp được trả lại.

Mới đây, NS cũng đã cho thử nghiệm thành công việc sử dụng các ổ khóa xe đạp OV-fiets được mở bằng thẻ OV-chipkaart của hành khách thay vì bằng chìa khóa.

OV-fiets đã được chứng minh là một thành công lớn. Chương trình bắt đầu tại 70 ga xe lửa chính của Hà Lan, hiện có gần 300 địa điểm trên toàn Hà Lan mà hành khách có thể thuê xe đạp OV-fiets. Điều thú vị là xe đạp OV-fiets không chỉ phổ biến cho quãng đường đi làm ngắn đã định trước mà còn thường xuyên được sử dụng cho các chuyến đi dài hơn trong ngày và đi chơi cuối tuần.

Ở Hà Lan, hành khách phải trả tiền nếu mang xe đạp lên tàu hỏa, trừ khi đó là xe đạp gấp. Do đó, dịch vụ xe đạp công cộng OV-fiets rất thuận tiện khi hành khách đi thăm một thị trấn hoặc thành phố khác bằng tàu hỏa và cần sử dụng xe đạp trong vài giờ.

Trong vòng 4 năm từ 2016 đến năm 2019, số chuyến đi sử dụng xe đạp OV-fiets liên tục tăng tới hàng triệu chuyến mỗi năm. Từ 2,4 triệu chuyến vào năm 2016 tăng lên 5,2 triệu vào năm 2019. Tuy nhiên, trong năm 2020 số lượng chuyến đi bằng xe đạp OV-fiets giảm xuống còn 3,1 triệu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Xe đạp hoán đổi - Swapfiets

Xe đạp Swapfiets có lốp bánh xe trước sơn màu xanh. (Ảnh: Swapfiets)

Xe đạp Swapfiets có lốp bánh xe trước sơn màu xanh. (Ảnh: Swapfiets)

Hiện nay, OV-fiets không còn là hệ thống xe đạp chia sẻ duy nhất ở Hà Lan. Trong số các mô hình xe đạp chia sẻ, có một loại hình xe đạp cho thuê có phần khác biệt và đang phát triển khá ấn tượng so với các mô hình còn lại, đó là hệ thống Swapfiets.

Swapfiets (tạm dịch là hoán đổi xe đạp) là một công ty cung cấp xe đạp công cộng (bao gồm cả xe đạp thông thường và xe đạp điện). Swapfiets bắt đầu cung cấp dịch vụ vào năm 2014, đây là loại dịch vụ xe đạp chia sẻ đăng ký thành viên. Với một khoản phí cố định hằng tháng được ghi nợ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của khách hàng, khách hàng sẽ nhận được một chiếc xe đạp Swapfiets và công ty cung cấp dịch vụ sẽ bảo đảm xe đạp luôn hoạt động.

Việc bảo đảm xe đạp luôn hoạt động ở chỗ, mọi đăng ký thành viên của Swapfiets đều bao gồm dịch vụ tiêu chuẩn miễn phí và sửa chữa trong 48 giờ hoặc ít hơn. Nếu khách hàng gặp sự cố trên đường đi, chỉ cần liên hệ với công ty qua ứng dụng, thông báo về sự cố và công ty sẽ khắc phục hoặc hoán đổi một chiếc xe đạp khác cho khách hàng.

Nếu khách hàng gặp trường hợp khẩn cấp và đang ở một trong các khu vực dịch vụ của công ty, công ty sẽ có người đến gặp bạn và khắc phục sự cố ngay tại chỗ. Nếu không, khách hàng có thể đến các địa điểm của công ty để được phục vụ nhanh chóng mà không cần hẹn trước.

Swapfiets cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng ngay tại chỗ. (Ảnh: Swapfiets)

Swapfiets cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng ngay tại chỗ. (Ảnh: Swapfiets)

Swapfiets cung cấp cho khách hàng hai lựa chọn thành viên: Linh hoạt và thường xuyên. Với loại thành viên linh hoạt, khách hàng phải trả phí tham gia một lần và có thể hủy bất kỳ lúc nào. Với thành viên thường xuyên, khách hàng không có phí tham gia và có thể hủy dịch vụ miễn phí sau 6 tháng đầu tiên. Cả hai loại kể trên đều phải thông báo trước 1 tháng đối với bất kỳ trường hợp hủy nào, cũng như yêu cầu trả trước hóa đơn của tháng đầu tiên và tháng cuối cùng.

Công ty cũng có các gói dịch vụ để khách hàng lựa chọn, với hai loại xe đạp là xe đạp truyền thống và xe đạp điện. Trong đó, phí một tháng cho xe đạp truyền thống có hai mức là là 16,9 euro và 19,9 euro; xe đạp điện là 59,9 euro và 75 euro mỗi tháng tùy theo gói dịch vụ. Khi khách hàng chọn đăng ký hằng tháng mà không có thời gian đăng ký tối thiểu sẽ phải đóng phí đăng ký phụ thêm là 19,5 euro cho mỗi gói dịch vụ.

Với từng loại xe, nếu làm mất chìa khoá, mất xe, mất phụ tùng, sạc,… khách hàng cũng sẽ đều phải nộp các khoản phí đền bù cho công ty theo quy định từ vài chục đến vài nghìn euro.

Từ tháng 1/2020, Swapfiets cung cấp giỏ hàng như một tiện ích bổ sung cho các gói dịch vụ. Giỏ có sẵn cho tất cả loại xe đạp thông thường và xe đạp điện của Swapfiets. Phí thêm cho giỏ hàng là 4 euro một tháng. Giỏ này đi kèm đăng ký kết hợp với thuê xe. Trong trường hợp giỏ hàng bị đánh cắp, khách hàng sẽ phải mất phí là 12,5 euro.

Công ty cũng cung cấp ghế trẻ em cho các xe, đó là loại ghế dùng phía trước cho trẻ dưới 15kg trong độ tuổi từ 6 tháng đến 3 tuổi, phí mỗi tháng là 6 euro.

Swapfiets bắt đầu hoạt động vào năm 2014 và đã đạt mốc 100.000 khách hàng vào tháng 3/2019. Đến tháng 6/2020, công ty này đã đạt được cột mốc mới là 200.000 khách hàng ở bốn quốc gia, tăng gấp đôi số lượng khách hàng trong một năm.

Việc đăng ký sử dụng xe đạp Swapfiets ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố bên ngoài Hà Lan, đáng chú ý là các thành phố lớn ở Đức, Bỉ và Đan Mạch. Từ tháng 1 đến tháng 5/2020, số lượng xe đạp đăng ký của Swapfiet ở Brussels, Copenhagen và Berlin, cùng những nơi khác, thậm chí còn tăng gấp đôi. Công ty hiện đang hoạt động trên 50 thành phố của châu Âu.

Ông Richard Burger, một trong những người sáng lập Swapfiets, chia sẻ: “Việc đạt được mốc 200.000 khách hàng củng cố tham vọng của chúng tôi để phát triển hơn nữa. Chúng tôi nhận thấy nhiều cơ hội khi ngày càng có nhiều người không sử dụng ô-tô và “thảm đỏ” đang được trải ra cho xe đạp ở các thành phố lớn của châu Âu”.

Một bãi gửi xe đạp ở Hà Lan. (Ảnh: NS)

Một bãi gửi xe đạp ở Hà Lan. (Ảnh: NS)

Tối ưu hóa kết nối cho giao thông công cộng tận nơi

Báo cáo năm 2020 của Công ty Đường sắt quốc gia Hà Lan cho biết, 45% hành khách đường sắt đi xe đạp đến các nhà ga. Họ có thể sử dụng các bãi đỗ xe có người giám sát với 193.500 xe đạp, các bãi không có người giám sát với hơn 306.000 xe đạp và 11.400 tủ (locker) để xe đạp tại các nhà ga. Các bãi xe đậu xe được phát triển để giúp hành khách đường sắt có thể cất xe đạp của họ một cách dễ dàng và thuận tiện.

Vào năm 2019, một trong những bãi đỗ xe đạp lớn nhất thế giới đã được mở tại ga trung tâm Utrecht, có thể chứa 12.500 xe đạp cá nhân và 1.000 xe đạp giao thông công cộng (OV-fiets). Năm 2020, NS cũng mở thêm 8 bãi đỗ xe đạp với sức chứa hàng nghìn xe mỗi bãi.

Để tạo thuận tiện hơn cho hành khách sử dụng xe đạp công cộng OV-fiets, NS cũng đã luôn nỗ lực phát triển, hoàn thiện dịch vụ. Cũng trong năm 2019, một khu vực làm thủ tục ra-vào mới đã được triển khai, cho phép hành khách làm thủ tục bằng thẻ OV-chipkaart mà không cần gặp nhân viên phục vụ. Hành khách cũng có thể chọn thẻ trên xe đạp của mình để làm thủ tục hoàn toàn tự động.

Mở khóa xe bằng thẻ OV-chipkaart là một thử nghiệm mới, thành công đối với dịch vụ xe đạp OV-fiets của NS. (Ảnh: NS)

Mở khóa xe bằng thẻ OV-chipkaart là một thử nghiệm mới, thành công đối với dịch vụ xe đạp OV-fiets của NS. (Ảnh: NS)

Khóa thông minh cho xe đạp công cộng cũng được thử nghiệm. Với loại khóa thông minh này, xe đạp được mở và khóa bằng thẻ OVchipkaart (giúp giảm tình trạng bị mất chìa khóa xe). Quá trình thử nghiệm đã cho kết quả thành công vào năm 2020. Việc triển khai sử dụng khóa thông mình và phát triển các điểm phân phối OV-fiets không cần người giám sát tiếp tục được mở rộng.

NS cũng có dịch vụ Fiets & Service là một dạng dịch vụ sửa chữa xe đạp, các bộ phận và phụ kiện. Vào cuối năm 2019, 24 ga đã có trung tâm Fiets & Service.

Báo cáo năm 2020 của NS nhận định, thế giới đang thay đổi và mong muốn của hành khách cũng vậy. Họ mong muốn có thể đi đến mọi miền đất nước, nhanh chóng và tiện lợi. Hà Lan cần một hệ thống di chuyển tích hợp với thành phần giao thông công cộng mạnh mẽ. Các yếu tố chính là hành trình tận nơi (door-to-door journey) nhanh hơn, thuận tiện hơn và kết nối quốc tế tốt hơn đến và đi từ Hà Lan.

NS cho rằng, đối với phương tiện di chuyển được lựa chọn, tính sẵn có và tiện lợi là chìa khóa. Hành khách mong muốn có thể lựa chọn phương tiện di chuyển phù hợp nhất với mình cho từng hành trình riêng biệt. Trong tương lai, tất cả các hình thức di chuyển sẽ được liên kết cả về mặt vật lý và kỹ thuật số, để cho phép các lựa chọn phù hợp nhất ở mỗi giai đoạn của hành trình tận nơi. Khái niệm này được gọi là Mobilityas-a-Service (MaaS).

Tại Hà Lan, các chương trình xe đạp chia sẻ như xe đạp công cộng (OV-fiets) hiện đã được thiết lập vững chắc như một phần của quá trình chuyển đổi vốn cũng đang được thúc đẩy bởi Swapfiets, Felyx (xe máy điện) và các chương trình xe ô-tô chia sẻ như SnappCar và Greenwheels. Cùng sự cộng tác của các đối tác, NS cũng đang có những nỗ lực đáng kể trong lĩnh vực này bằng cách tối ưu hóa các kết nối vật lý và kỹ thuật số giữa các phương thức vận tải khác nhau cũng như cải thiện các tùy chọn đi lại cho dặm đầu tiên và dặm cuối cùng cho hành khách.

Ngày xuất bản: 25/4/2022
Chỉ đạo thực hiện: NGỌC THANH
Tổ chức thực hiện: HỒNG VÂN
Nội dung: HỮU HƯNG, BÔNG MAI
Trình bày: BÔNG MAI
Ảnh, video: HỮU HƯNG, Bicycle Dutch, NS, Swapfiets, Reuters
Tư liệu: Baidu.com, Iimedia.cn, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc; www.hogeveluwe.nl, www.ns.nl, swapfiets.nl, www.holland-cycling.com, www.theguardian.com, www.dutchcycling.nl, www.bike-eu.com