
Trong báo cáo xu hướng báo chí, truyền thông và công nghệ thường niên năm 2025, áp lực kinh tế lên các tòa soạn; thói quen tìm kiếm trên Internet của người dùng thay đổi; sự phát triển vượt trội và cuộc chiến bản quyền với các nền tảng trí tuệ nhân tạo là những điểm đáng lưu ý nhất.
Một số thuật ngữ được sử dụng trong bài viết:
- Phương tiện truyền thông thay thế: Là các nguồn thông tin khác nằm ngoài các kênh truyền thông chính thống, thường do các cá nhân hoặc một nhóm tự sản xuất. Hiện nay, loại phương tiện này sử dụng mạng xã hội như một công cụ chính để tiếp cận độc giả.
- Đại diện ảo: Là chương trình trí tuệ nhân tạo có thể đưa ra quyết định hoặc tự thực hiện nhiệm vụ dựa vào kinh nghiệm, môi trường và dữ liệu đầu vào của người dùng. Đây là ví dụ về việc máy móc có thể thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi trí thông minh của con người.
- Influencer: Là người có khả năng tác động đến mức tiêu thụ, lối sống hoặc lựa chọn chính trị của độc giả bằng cách sản xuất nội dung trên các nền tảng trực tuyến. Trong một số trường hợp, chúng tôi xin phép giữ nguyên cụm từ tiếng Anh trong bản dịch để thể hiện rõ ngữ nghĩa và sắc thái của câu văn.
- Tăng tín hiệu, giảm tiếng ồn: Là lý thuyết trong truyền thông mô tả trạng thái tập trung vào những thông tin quan trọng và rõ ràng, bỏ qua những nội dung không cần thiết.
- Slow journalism là khái niệm về những bài báo đặt chất lượng, chiều sâu và độ chính xác lên trên tốc độ.
- Podcast là tệp âm thanh kỹ thuật số có sẵn trên Internet, gồm các chương trình trò chuyện, phỏng vấn theo phong cách gần gũi và thân mật với người nghe.
- Vũng lầy AI: Sự tràn lan của nội dung chất lượng thấp (bao gồm cả văn bản và hình ảnh) được tạo ra bằng công nghệ AI tạo sinh. Điều này sẽ là mối nguy hiểm cho giá trị đích thực của báo chí.
- Brain Rot (Úng não): Sự suy giảm về tinh thần hoặc trí tuệ của một người do tiêu thụ quá mức nội dung chất lượng thấp.
Điều gì có thể xảy ra trong năm 2025?
Các toà soạn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức vào năm 2025, bao gồm những trở ngại kinh tế và cuộc chiến bản quyền với các nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI). Người dùng thay đổi thói quen tìm kiếm thông tin trên Internet cũng sẽ trở thành khó khăn lớn với đơn vị sản xuất tin tức, nhất là khi báo chí đã mất quá nhiều lưu lượng truy cập từ mạng xã hội; sự lo sợ về viễn cảnh tiếp tục mất lượt hiển thị vẫn luôn chực chờ khi AI bắt đầu tạo ra các câu trả lời “giống như câu chuyện” cho các truy vấn tin tức.
Kết nối với những độc giả đã mất thói quen đọc báo; thu hút độc giả trẻ sẽ là một thách thức lớn của nhiều tòa soạn. Không ít tòa soạn sẽ tìm cách nâng cao chất lượng trang web, tạo ra nhiều trải nghiệm mang tính cá nhân hóa và đầu tư nhiều hơn vào âm thanh và video.
Khi kỳ vọng của người tiêu dùng thay đổi với tốc độ chóng mặt, nắm bắt sự thay đổi trong khi vẫn trung thành với các giá trị cốt lõi của báo chí sẽ là điểm cân bằng cho các tòa soạn vào năm tới.






Trong khi nhiều tòa soạn tỏ ra tự tin về tình hình phát triển của báo chí trong năm 2025, kết quả khảo sát năm nay cho thấy, sự tự tin này đã suy giảm với tốc độ báo động trong một vài năm ngắn . Chỉ 41% người được khảo sát lựa chọn đáp áp tự tin. Con số này đã giảm19 % so với năm 2022.
Nhiều chính trị gia đang có xu hướng phớt lờ phương tiện truyền thông chính thống. Cuộc bầu cử của Mỹ là một minh chứng, ông Donald Trump chủ yếu lan truyền thông điệp tranh cử của mình qua mạng xã hội. Tỷ phú Elon Musk cũng nhiều lần ám chỉ rằng các bài đăng trên nền tảng mạng xã hội của mình cũng đáng tin cậy như nội dung từ các kênh tin tức truyền thống. Trong bối cảnh báo chí đang đối mặt với sự tín nhiệm thấp cùng tình trạng kinh tế khó khăn, điệp khúc này có thể vẫn tiếp diễn trong năm nay.
Các kênh truyền hình đang phải thu hẹp quy mô trên toàn thế giới khi khán giả chuyển sang chú ý tới các nền tảng phát trực tuyến. Tại Mỹ, CNN đã mất khoảng 1/3 lượng khán giả từ sau cuộc bầu cử Mỹ và đang chuẩn bị sa thải hàng trăm nhân sự. Các đài truyền hình công cũng phải vật lộn để thu hút khán giả xem các chương trình tin tức truyền thống. Tại Thụy Sĩ, đài truyền hình công SRG SSR đang phải đối mặt với một cuộc trưng cầu dân ý để cắt giảm một nửa ngân sách tài trợ. BBC cũng nằm trong danh sách bị giảm nhân sự và số lượng chương trình tin tức trong năm 2024.
Mặc dù vậy, hơn một nửa số người tham gia khảo sát (56%) vẫn tự tin về triển vọng kinh doanh của tòa soạn bất chấp bối cảnh kinh tế và chính trị khó khăn. Trong đó, có rất nhiều đại diện đến từ các tòa soạn ở Bắc Âu hoặc Mỹ. Họ có nguồn thu dồi dào từ lượt đăng ký (subscription).
Nhìn chung, tâm lý của các cơ quan báo chí vẫn còn phức tạp nhưng họ đều có niềm tin mạnh mẽ rằng: Trong thời điểm bất ổn, vai trò của báo chí càng trở nên quan trọng. Thuyết phục độc giả tin vào điều này trong bối cảnh xã hội ngày càng căng thẳng và phân cực sẽ là thách thức chính của báo chí trong năm tới.

Sử dụng dữ liệu phân tích từ gần 2.000 trang tin tức, Chartbeat chỉ ra rằng: Trong hai năm qua, lưu lượng truy cập Facebook đến các link tin tức đã giảm 67%; X giảm 50%. Tuy nhiên, lưu lượng truy cập tổng hợp từ Google Search dường như vẫn chưa có bất kỳ sự suy giảm nào.
Chỉ số tìm kiếm của Google Discover đã tăng 12% trong năm qua và mang lại cho báo chí lưu lượng truy cập kết hợp (combined traffic) nhiều hơn so với tìm kiếm tự nhiên (organic search).
Nhưng hiện tại, các cơ quan báo chí có mối lo lớn hơn: Lưu lượng truy cập từ các công cụ tìm kiếm có thể giảm khi những nền tảng lớn tích hợp các văn bản tóm tắt do AI tạo ra.
Mới đây, Google đã tích hợp tính năng AI tổng quan (AI overview) vào thanh công cụ tìm kiếm. Tính năng này sẽ tóm tắt câu trả lời cho người dùng theo thời gian thực. Tuy nhiên sau khi AI này đề xuất "sử dụng keo không độc để dính pho mát vào bánh pizza", Google trở nên rất thận trọng. Cho đến nay, phần lớn các truy vấn liên quan đến những tin tức quan trọng đều không sử dụng tính năng AI tổng quan.
GPT Search của Open AI và Perplexity là những đối thủ cạnh tranh mới nổi. Những nền tảng AI này sẽ ít bị hạn chế hơn Google.
Ra mắt vào cuối năm 2024, ChatGPT Search đã cho thấy một viễn cảnh mới. Nền tảng này tổng hợp thông tin từ các nguồn mà OpenAI đã mua lại. Trong đó, OpenAI đã ký một thỏa thuận cấp phép được cho là có giá trị khoảng 250 triệu USD với News Corp trong 5 năm. Đây là công ty sở hữu các thương hiệu đình đám như Wall Street Journal, New York Post, The Times và Sun. Reuters, AP, Financial Times và Le Monde cũng đã đạt được các thỏa thuận quan trọng trong việc chia sẻ bản quyền nội dung. Perplexity và ProRata sẽ ra mắt công cụ tìm kiếm Gist.ai vào đầu năm 2025. Hai nền tảng này đang vạch ra một số lựa chọn về việc chia sẻ doanh thu với các đơn vị báo chí.
Cụ thể, khi độc giả đặt câu hỏi về Syria, ChatGPT Search sẽ trả về một câu chuyện tổng hợp bao gồm phần trích dẫn (citation), thay vì chỉ trả lời bằng một văn bản (snippet) thông thường.
Ngoài ra, câu trả lời còn có box chứa các link nguồn ở cuối này.
Ngược lại, Google chọn không trả tiền cho các văn bản do tổng quan AI tạo ra. Trong khi đó, X đã cập nhật các điều khoản dịch vụ, cho phép nền tảng tự động sử dụng nội dung người dùng mà không cần xin ý kiến hoặc bồi thường.
Gần đây, Perplexity đã phát triển dịch vụ “For you” (tạm dịch: Dành cho bạn) - một dịch vụ cung cấp tin tức liên tục theo hình thức cá nhân hóa. Particle là một ứng dụng di động cung cấp tin tức tóm tắt theo thời gian thực và được cá nhân hóa. Grok Stories tạo tin tức tự động từ bài đăng của người dùng X và các phương tiện truyền thông chính thống. Hiện, công cụ này đang miễn phí.
Các dịch vụ tin tức tự động này đặt ra những câu hỏi sống còn về vai trò của báo chí trong hệ sinh thái mới này:
- Nếu ai cũng có thể truy cập phiên bản tóm tắt của những nội dung hay nhất một cách miễn phí thì tại sao họ lại phải nhấp vào các trang web của các toà soạn?
- Liệu khoản tiền do các nền tảng AI chi trả có tồn tại lâu dài không? Số tiền đó có bù đắp cho lượng truy cập mà tòa soạn bị mất không?
Trong cuộc khảo sát của Viện Báo chí Reuters, 72% số người trả lời muốn thấy các thỏa thuận chung (collective agreement) có lợi cho tất cả các tòa soạn. Nhưng điều đó đang trái ngược thực tế. Hầu hết các nền tảng AI đều thực hiện những thỏa thuận riêng lẻ với từng đơn vị sản xuất tin tức.
Mong muốn có những thỏa thuận chung cũng phản ánh một thực tế: Phần lớn các tòa soạn trong cuộc khảo sát này không có một thỏa thuận nào hoặc không có khả năng giành được thỏa thuận nào với các nền tảng AI trong tương lai gần.
Điều gì có thể xảy ra vào năm 2025?
- Thúc đẩy sự trợ giúp từ Chính phủ: Báo cáo dự đoán giới truyền thông sẽ làm mới các lời kêu gọi, buộc các nền tảng công nghệ phải trả tiền thỏa đáng cho việc sử dụng nội dung. "Những nguyên tắc mặc cả tin tức" (news bargaining codes) nổi lên như một giải pháp mới. Bộ nguyên tắc này được giới thiệu lần đầu tiên tại Australia và đã thu về khoảng 200 triệu đô la Australia từ "các nền tảng được chỉ định".
Sau khi Meta từ chối gia hạn thỏa thuận, chính phủ Australia liền lên kế hoạch áp dụng một khoản thuế lên các mạng xã hội và công cụ tìm kiếm lớn. Những nền tảng này buộc phải trả phí bất kể họ có sử dụng nội dung tin tức hay không. Chính sách 'Khuyến khích mặc cả tin tức' hay “news bargaining incentive” cho phép các nền tảng công nghệ giảm trừ thuế nếu họ trực tiếp thực hiện thỏa thuận trực bản quyền tiếp với các hãng tin tức.
- Nhiều hành động pháp lý sẽ được thực hiện: Các hãng tin tức tại Canada và tờ New York Times nằm trong số những đơn vị yêu cầu bồi thường thiệt hại từ OpenAI. Các đơn vị này cáo buộc Open AI đã sử dụng các bài viết của khi không được phép để đào tạo các mô hình AI. Thiệt hại về kinh tế sẽ rất lớn nếu phán quyết cuối cùng chống lại bất kỳ bên nào. Nếu mâu thuẫn này được giải quyết ngoài tòa án hoặc bị trì hoãn cho đến khi đàm phán thì sẽ có lợi cho cả hai bên.
- Hợp tác trung gian xuất hiện: ProRata.ai, Tollbit và Human Native đang tìm cách tính toán nhuận bút cho một bài viết (hoặc một hãng tin tức) cụ thể trong bản tóm tắt do AI tạo ra. Cách làm này cung cấp một cơ chế trả tiền cho các hãng tin vừa và nhỏ. Trên thực tế, Financial Times, Fortune, Axel Springer và The Atlantic đều đã đồng ý cấp phép sử dụng nội dung cho ProRata.ai. Trong khi đó, các đơn vị sản xuất nội dung tại Đan Mạch quyết định sẽ hợp tác tập thể nhằm đảm bảo toàn bộ hệ sinh thái được hưởng lợi.
Trong bối cảnh thay đổi chóng mặt, mối quan hệ giữa báo chí và các nền tảng công nghệ càng trở nên mơ hồ và phân mảnh. Khoảng 1/3 hãng tin được khảo sát muốn thắt chặt mối quan hệ này, 31% muốn cắt giảm và 36% muốn duy trì tình trạng hiện tại.
Số khác tin vào khả năng phát sinh những nhu cầu mới và có lợi cho báo chí.
Ưu tiên chính của các tòa soạn trong năm nay là xây dựng mối quan hệ với các nền tảng AI mới như OpenAI và Perplexity. Cụ thể, 56% người được khảo sát lựa chọn hợp tác nhiều hơn với các nền tảng AI.
“Các nền tảng công nghệ hiểu rằng tin giả sẽ là một rắc rối lớn trong thời gian dài hạn” - Nhà báo Emilio Doménech, tờ Watif lập luận.
Số liệu khảo sát cũng cho thấy các tòa soạn sẽ tập trung đầu tư nhiều hơn vào các kênh truyền thông thay thế như WhatsApp (+39), LinkedIn (+39), Bluesky (+38) và Google Discover (+27).
Trong khi đó, sự đầu tư vào Facebook (-42), X (-68) đã giảm đi đáng kể. Nhiều người cho rằng: Hai mạng xã hội này ngày càng kém hữu ích với nhà báo và độc hại với công chúng.
Các nền tảng video vẫn tiếp tục bùng nổ
Các hãng tin tức sẽ tiếp tục đầu tư vào YouTube (+52), TikTok (+48), Instagram (+43). Video ngắn vẫn là ưu tiên số 1.
Năm 2024, video ngắn đã thực sự bùng nổ với nhóm độc giả trẻ. Đồng thời, báo chí cũng mất thị phần bởi các cá nhân sáng tạo nội dung độc lập.
Trong năm 2025, các hãng tin tức sẽ gặp nhiều thách thức hơn. Đầu tiên, sản xuất video không phải là thế mạnh của rất nhiều tòa sọan báo in. Thêm vào đó, khả năng kiếm tiền và thu hút lưu lượng truy cập về web của các video ngắn là rất thấp. Cuối cùng, sự bùng nổ nội dung trên các mạng xã hội (bao gồm tin tức do AI sản xuất) sẽ làm lu mờ dòng tin chính thống của các hãng tin tức.
Điều gì sẽ xảy ra vào năm 2025?
- Thêm lệnh cấm cho các mạng xã hội: TikTok đã bị cấm Ấn Độ và nhiều quốc gia khác. Những người điều hành đất nước lo ngại về sức ảnh hưởng của mạng xã hội này lên giới trẻ.
Mới đây, Australia đã cấm người dưới 16 tuổi sử dụng X. Các quốc gia khác có thể sẽ tiếp tục thiết lập nhiều điều luật mới nhằm hạn chế các mạng xã hội tiếp cận nhóm người dùng trẻ.
- Định dạng video bùng nổ trên các mạng xã hội: Khán giả ngày càng ưa chuộng các định dạng ngắn. The Economist và BBC đã thêm mục vòng quay video (video carousels) vào trang chủ của mình. Nhiều hãng tin khác cũng nhúng video dọc vào các bài báo riêng lẻ. Một số khác cho phép một số phóng viên hoạt động trên các trang xã hội như một đại diện chính thức cho tòa soạn.
- Bluesky lọt vào mắt xanh của các nhà báo: Bản sao X/Twitter đã tăng gấp đôi số lượng tài khoản đã đăng ký từ giữa tháng 9 (9 triệu) đến cuối tháng 11 năm 2024 (20 triệu). New York Times và Financial Times cũng nhanh chóng sử dụng Bluesky. Mạng xã hội này cung cấp sự kiểm duyệt chặt chẽ hơn X. Một số báo cáo còn cho thấy mức độ tương tác của Bluesky cũng cao hơn so X và Threads.
Bất chấp những số liệu này, Bluesky khó có thể thay thế X trong ngắn hạn.
Các đơn vị sản xuất tin tức đang tìm cách đa dạng hóa, tạo ra từ ba đến năm luồng doanh thu khác nhau. Sự gia tăng nguồn thu từ các nền tảng công nghệ là thay đổi nổi bật nhất trong năm nay (+16). Cụ thể, nguồn thu này đến từ các thỏa thuận chia sẻ doanh thu hiện có; mua bán/chia sẻ nội dung với các nền tảng AI; hợp đồng xác thực thông tin.
Nhiều tòa soạn cũng kỳ vọng nguồn thu từ các quỹ quyên góp sẽ lớn hơn. Điều này phần nào phản ánh áp lực hoạt động vì lợi ích cộng đồng và xác thực thông tin của báo chí. Tỷ lệ các tòa soạn dựa vào hoạt động gây quỹ và quyên góp (19%) cũng đã tăng lên trong vài năm qua.
Cung cấp dịch vụ liên quan đào tạo truyền thông, báo chí hoặc tiếp thị (marketing) cũng trở thành một nguồn doanh thu khác của các tòa soạn. Thực tế, tiếp thị là nguồn doanh thu bổ sung quan trọng đối với nhiều hãng tin nhỏ. Ở châu Âu, phương tiện truyền thông truyền thống tại một số quốc gia vẫn dựa vào trợ cấp từ chính phủ.
Phát triển sản phẩm mới sẽ là trọng tâm chính
Gần một nửa số người được khảo sát (44%) cho biết, phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới là ưu tiên số 1 để thúc đẩy tăng trưởng.
Một số sản phẩm mới sẽ được thiết kế để nhắm tới nhóm đối tượng khó tiếp cận như độc giả trẻ (42%). Các tòa soạn lên kế hoạch đầu tư vào các sản phẩm âm thanh (26%), video (30%), trò chơi (29%), giáo dục (26%), thực phẩm (13%).
Phần lớn những sáng kiến này được lấy cảm hứng từ tờ New York Times. Mặt khác, chiến lược bán nhiều dịch vụ theo nhóm hoặc gói cũng cải thiện tỷ lệ giữ chân người dùng.
Điều gì có thể xảy ra vào năm 2025?
- Nhiều gói đăng ký hơn: Các hãng tin tức đang tìm cách sao chép mô hình của tờ New York Times. Họ bán tất cả dịch vụ trong một gói và dùng sản phẩm mới như mồi câu. The Guardian đã ra mắt ứng dụng nấu ăn (Feast). The Times (London) và Telegraph mở bán gói trò chơi giải đố. Tại Thụy Điển, gói +Allt của Bonnier cung cấp nội dung từ hơn 70 đầu báo địa phương và trung ương. Hãng Mediahuis và DPG đang theo đuổi một chiến lược tương tự tại Hà Lan và Bỉ.
Số lượng dịch vụ cần trả phí đã bùng nổ trong những năm gần đây: Từ tin tức, phi, ảnh, âm nhạc, sách,… Điều này buộc người dùng phải tìm những giải pháp tiện lợi và tiết kiệm hơn.
Do đó, nhiều hãng tin tức đã hợp tác với nhau. Cụ thể, bạn đọc mua gói dịch vụ của các hãng tin Politiken và FAZ (Châu Âu) có quyền truy cập tờ New York Times (Mỹ).
Các nền tảng công nghệ cũng tìm cách đóng gói sản phẩm của mình. Apple+ đã hợp tác thành công với các đơn vị sản xuất nội dung chất lượng tại Mỹ, Anh và Canada.
- Định dạng âm thanh ở khắp mọi nơi: Nhiều hãng tin tức đang lên kế hoạch tích hợp âm thanh (đọc bài, tóm tắt bằng audio và podcast) vào trang web và ứng dụng của mình. Một số khác tìm cách ra mắt sản phẩm âm thanh riêng biệt. Năm 2024, The Economist đã tiên phong ra mắt trang podcast trả phí và thu hút 30.000 người đăng ký mới trong sáu tháng. Tờ New York Times chuẩn bị bán gói tin tức bằng âm thanh qua nền tảng của các bên thứ ba. Vì podcast có xu hướng bồi đắp sự trung thành của độc giả, nhiều đơn vị báo chí tại Bắc Âu đã đưa podcast vào dịch vụ đăng ký trọn gói của họ.
- Đầu tư vào báo in như một chiến lược hỗn hợp? Nhiều hãng tin tức đang xem xét lại một định dạng mà nhiều người đã xóa sổ từ lâu: Báo in. Tổng biên tập của The Atlantic Jeffrey Goldberg nhấn mạnh, người đọc vẫn yêu thích những giá trị trí tuệ và thẩm mỹ đến từ báo in.
Lần đầu tiên kể từ năm 2022, tạp chí của The Atlantic Jeffrey Goldberg tăng tần suất in từ 10 lên 12 số trong một năm. Điều này củng cố tầm quan trọng của việc đầu tư vào các kênh thông tin không quá phụ thuộc vào những công ty công nghệ lớn.
Báo cáo từ Trung tâm nghiên cứu Pew chỉ ra rằng 21% độc giả Mỹ thường xuyên nhận được tin tức từ các “influencer” trên mạng xã hội. Phần lớn nội dung là các chủ đề liên quan tới chính trị. Pew xác định, đa số “influencer” trong mảng tin tức là nam giới - 63%. Thực chất, “influencers” bao gồm một danh sách dài những người nổi tiếng, các cá nhân có tầm ảnh hưởng, các cựu nhà báo,…
Một số cái tên nổi bật như: Hugo Travers, Pháp - kênh tin tức mặc định của nhóm độc giả dưới 30 tuổi. Chương trình TLDR của Jack Kelly, kênh TikTok của Vitus Spehar - những kênh tin tức tổng hợp phổ biến. Jordan Shanks-Markovina – một Youtuber người Australia có khả năng kết hợp duyên dáng giữa tin tức điều tra và sự hài hước.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Pew chỉ ra rằng 77% influencers trong lĩnh vực tin tức không hề có kinh nghiệm hay nghiệp vụ làm báo. Theo báo cáo của UNESCO, 62% influencer không xác thực nội dung trước khi đăng tải.
Bức tranh này sẽ còn phức tạp hơn nữa khi những nhà báo nổi tiếng tách ra khỏi các tòa soạn truyền thống và trở thành một kênh thông tin độc lập. Tháng 10 năm 2024, Taylor Lorenz - một phóng viên công nghệ và văn hóa internet đã rời tờ Washington Post để thành lập ‘User Mag’ Substack. Cô độc lập sản xuất một chương trình podcast có tên là Power User.
Tucker Carlson, cựu phát thanh viên Đài Fox News đã xây dựng thương hiệu tin tức của riêng mình trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau. Ông bắt đầu bằng một cuộc phỏng vấn độc quyền với tổng thống Nga Vladimir Putin. Chỉ riêng trên mạng xã hội X cuộc phỏng vấn này đã có hơn 200 triệu lượt xem. Tương tự, nhiều nhà báo khác cũng tìm được chỗ đứng trên các nền tảng của bên thứ ba. Johnny Harris (hãng Vox) đã xây dựng một kênh YouTube về báo chí giải thích với hơn 6 triệu người đăng ký.
Lợi nhuận là rất đáng kể. Người đồng sáng lập Vox Media - Matthew Yglesias đã chuyển sang Substack làm việc. Hàng năm, ông có thể kiếm được hơn 1 triệu USD từ mô hình trả phí (theo Business Insider).
Thực trạng nhiều nhà báo giỏi chuyển sang sử dụng các nền tảng độc lập, tự kiểm soát nội dung và mối quan hệ với độc giả gây ra rất nhiều tranh cãi. Trong đó, 28% tòa soạn được khảo sát coi đây là xu hướng tích cực; 27% khác có quan điểm ngược lại.
Những người ủng hộ xu hướng này nêu ra ba lý do: Góc nhìn mới mẻ, cách kể chuyện sáng tạo và tính cam kết trong tương tác với độc giả.
Ngược lại, xu hướng này có thể “làm mất đi các nguyên tắc khách quan và độc lập của báo chí. Thay vào đó, ai hét to thì người đó thắng”. Một số khác lo lắng về tình trạng xác thực nguồn tin hoặc lựa chọn nhân vật phỏng vấn thiếu nghiêm ngặt. Điều này còn tệ hơn cả tình trạng tin giả.
Một cuộc điều tra của BBC đã chỉ ra rằng, chương trình podcast Nhật ký của một CEO do Stephen Bartlett sản xuất hơn 10 tập có nhiều 'phát ngôn gây hại', đi ngược lại các bằng chứng khoa học về sức khỏe.
Điều gì có thể xảy ra vào năm 2025?
- Ông bầu của các “influencer” và thương hiệu mẹ (umbrella brand): Johnny Harris đã thành lập một mạng lưới với những nhà sáng tạo nội dung trong chính hãng tin New Press. Chương trình Search Party, Sam Ellis đã góp một phần doanh thu không nhỏ và tăng lượt theo dõi cho tất cả các kênh trong mạng lưới.
Tại Anh và Mỹ, Goalhanger cũng đang xây dựng một mạng lưới các chương trình podcast/vodcast có định dạng dọc. Khi tham gia mạng lưới này, những người dẫn nổi bật sẽ được chia sẻ một phần doanh thu rất béo bở. Phần lớn họ đều từng là nhân tài tại các công ty truyền thông hoặc tòa soạn truyền thống.
- Báo chí học cách làm việc với “influencer”: Khi cả hai bên đều muốn nâng cao uy tín và phạm vi tiếp cận của mình, các phương tiện truyền thông truyền thống sẽ tìm cách hợp tác với các “influencer” hoặc những nhà sáng tạo nội dung.
Nhằm thúc đẩy thói quen đọc tin tức của độc giả trẻ, trang tin Romania PressOne bắt đầu hợp tác với “influencers” vào năm 2022. Trong năm 2025, họ sẽ tiếp tục hợp tác một dự án mới có chủ đề chính sách về ma túy.
Nhiều thương hiệu truyền thông đã thuê influencer trực tiếp quản lý các trang mạng xã hội như TikTok và Snapchat. Chiến lược này đã giúp Le Monde thu hút một lượng độc giả trẻ; thúc đẩy thói quen đọc hiểu tin tức bằng chính ngôn ngữ và giọng điệu mà giới trẻ quen thuộc.

Độc giả (đặc biệt là nhóm độc giả trẻ) thường dễ bị thu hút bởi một cá nhân hơn là bởi một thương hiệu. Điều này đặt ra câu hỏi cho các tòa soạn: Họ có nên khuyến khích phóng viên/biên tập viên của mình phát triển thương hiệu cá nhân hay không? Một số người tham gia khảo sát cho rằng 'nếu chúng ta muốn cạnh tranh, chúng ta cần tìm và tạo ra những “influencer” của riêng mình'.
Tuy nhiên, tình trạng nhân tài rời đi đã khá phổ biến ở nhiều tòa soạn. Gần đây, BBC đã mất đi một số nhà báo xuất sắc. Họ trở thành người dẫn chương trình podcast hoặc chuyển sang làm việc cho các đối thủ.
Mặc dù vậy, phần lớn tòa soạn (81%) tự tin về khả năng giữ chân những nhà báo giỏi.
Giữ chân nhân tài ở những bộ phận khác mới thực sự là vấn đề của các tòa soạn.
Hơn một nửa số người được khảo sát cho biết họ không tự tin về khả năng thu hút hay giữ chân nhân tài trong mảng phân tích dữ liệu (52%) hay kỹ sư phần mềm (55%). Điều này cho thấy khả năng cạnh tranh trong việc thu hút nhân tài của báo chí thấp hơn một số ngành khác (trí tuệ nhân tạo hay phát triển sản phẩm).
Nhưng nếu các hãng tin tức tuyển dụng được nhân tài có sở thích và thiên hướng về tin tức thì việc giữ chân họ sẽ dễ dàng hơn.
Điều gì có thể xảy ra vào năm 2025?
- Công cuộc đàm phán với nhân tài sẽ trở nên phức tạp hơn: Đây không phải là vấn đề mới. Ông Ariel Zirulnick, cựu Giám đốc Thử nghiệm Tin tức tại hãng tin LAist ở California dẫn chứng: 'Đài phát thanh công luôn có những nhà báo giỏi – hay đúng hơn những ngôi sao. Lịch sử đã cho thấy thương hiệu riêng của nhà báo có thể lớn hơn thương hiệu của tòa soạn mà họ đại diện. Những người dẫn chương trình truyền hình có thể trở thành tiếng nói của đất nước trong những thời khắc quan trọng trong lịch sử. Ira Glass là một ví dụ'.
Nhưng điều khác biệt là: Trong quá khứ, quá trình rời đi được quản lý một cách khéo léo hơn. Tòa soạn không thể giữ chân nhân tài mãi mãi nhưng nên có cách bồi dưỡng những ngôi sao tiếp theo.
- Các tòa soạn lai giữa nội dung-công nghệ (editorial-tech hybrid): Nhiều tòa soạn có thể gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài cho các lĩnh vực như công nghệ và AI. Nhưng đây là thời điểm thú vị để nhà báo quan tâm đến công nghệ. Jane Barrett tại Reuters (Anh) và Sannuta Raghu tại Scroll (Ấn Độ) đang trở thành những “influencer” trong giới AI. Họ sử dụng vốn hiểu biết và khả năng sáng tạo trong biên tập của mình để sử dụng AI cho mục đích báo chí.
Báo cáo Tin tức số của Viện Báo chí Reuters đã ghi nhận 40% độc giả thường xuyên né tránh tin tức. Họ không để tâm hoặc hoàn toàn bỏ qua tin tức tiêu cực.
Trong năm nay, căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang ở dải Gaza và Ukraine còn biến đổi khí hậu sẽ ngày một trầm trọng.
Một loạt câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào để công chúng đọc những thông tin tiêu cực nhưng quan trọng? Làm thế nào để báo chí không đẩy họ ra xa? Làm thế nào để mang lại cảm giác hy vọng cho những vấn đề này? Chống lại tình trạng né tránh tin tức không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, các hãng tin tức đã thực hiện một số chiến lược mới:
- Mỗi ngày, the Guardian xuất bản một bài báo giải thích về những diễn biến chính trong xung đột Nga-Ukraine. "Bài báo này luôn có lượt đọc và thời gian đọc cao, hoàn toàn phù hợp với những độc giả quan tâm nhưng không muốn bị bào mòn bởi các bài viết liên tục" - Chris Moran, Trưởng phòng Đổi mới biên tập cho biết.
- Dagens Nyheter (Thụy Điển) sử dụng nhiều định dạng khác nhau bao gồm blog trực tiếp, podcast và video trên mạng xã hội. Họ tập trung vào các câu chuyện của người dân để phản ánh tác động của các quyết sách, sự kiện,… Đoạn video ngắn ghi lại một bữa tiệc độc thân ở Gaza trước khi chiến tranh xảy ra đã thu hút một lượng độc giả trẻ không nhỏ cho hãng tin này.
- Helsingin Sanomat mời đại biểu quốc hội Phần Lan xem một chùm ảnh về sự tàn phá ở dải Gaza. Sau đó, phóng viên viết bài ghi lại cảm xúc và phản ứng của họ. “Sự thay đổi về phương pháp tiếp cận có thể đưa cuộc xung đột đến gần công chúng hơn và thu hút thêm một lượng độc giả mới'- Nhà báo Jussi Pullinen cho biết.
Tin tức tiêu cực không chỉ ảnh hưởng tới độc giả. Cường độ đưa tin cao và những lời chỉ trích đi kèm đã khiến một nửa số nhân viên truyền thông, nhà báo ở Canada, Tây Ban Nha và Ecuador rơi vào tình trạng căng thẳng. Trong đó, năm người bị trầm cảm. Điều này tương đương với một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần kéo dài, ảnh hưởng qua nhiều thế hệ.
ĐIỀU GÌ CÓ THỂ XẢY RA VÀO NĂM 2025?
- Áp lực chuyển sang thế hệ nhà báo lớn tuổi: Mpho Raborife, Tổng biên tập tại News24 (Nam Phi) nói: “Thế hệ các nhà báo lớn tuổi đã từng trải qua một số căng thẳng về kinh tế và xã hội của thời đại. Do vậy họ dễ bị lo lắng, cô lập và thậm chí là mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần như trầm cảm hơn. Nếu nhà báo trẻ thường tìm cách để thoát khỏi áp lực sớm thì nhà báo lớn tuổi thường chọn chịu đựng áp lực một cách không lành mạnh”.
- Kết hợp các tin tức tích cực: Khoảng 1/3 số người dùng hủy dịch vụ đăng ký của elDiario.es do không có đủ thời gian hoặc cảm thấy tiêu cực khi đọc tin tức. Để hóa giải tình trạng này, elDiario.es ra mắt một bản tin chỉ bao gồm tin tức tích cực hoặc mang tính xây dựng với tần suất 1 số/1 tháng.
- Tăng thông tin, giảm nhiễu (more signal, less noise): Báo chí chất lượng (slow journalism) sẽ quay trở lại trong năm nay. Công ty khởi nghiệp Phần Lan - Uusi Juttu (New Thing) đang lên kế hoạch chỉ xuất bản một vài bài viết chuyên sâu/ngày. Mỗi bài sẽ có phần tóm tắt và tệp tin âm thanh ở trên cùng. Tương tự, tờ SvD (Thụy Điển) đang dùng chiến lược Kompakt ('Đọc ít hơn, hiểu nhiều hơn') để nhắm vào nhóm độc giả muốn dành ít thời gian vào việc lướt các loại màn hình điện tử.
Kết quả khảo sát năm nay cho thấy 96% tòa soạn sẽ tiếp tục sử dụng AI để tăng cường hiệu quả công việc như làm SEO, dịch tự động, biên tập,…(back-end efficiency). Tiếp theo, 80% sẽ sử dụng AI để cải thiện và đề xuất nội dung cá nhân hóa, 77% dùng để tạo nội dung và 73% dùng để thu thập tin tức (bao gồm xác thực thông tin, phát triển báo chí dữ liệu và điều tra). 67% tòa soạn được khảo sát sẽ dùng AI để lập trình và 63% dùng cho các mục đích thương mại.
Bùng nổ các bộ công cụ AI
Một số hãng tin tức lớn như New York Times và Financial Times đã thành lập các nhóm hạt nhân để thử nghiệm công nghệ và thúc đẩy văn hóa thay đổi trong tòa soạn.
Những kết quả thu về đầy hứa hẹn. Một nhóm hạt nhân tại JP/Politikens Media Group đã tạo ra MAGNA - một công cụ AI có thể hỗ trợ nhiều tác vụ biên tập từ sửa lỗi chính tả đến tạo văn bản. Công cụ này được sử dụng bởi ba ấn phẩm khác nhau và có thể điều chỉnh nội dung theo văn phong của từng ấn phẩm.
Bộ công cụ AI của tờ Helsingin Sanomat lại tập trung nhiều hơn vào các tác vụ thu thập và nghiên cứu thông tin. Ví dụ: Dịch thuật, hỗ trợ điều tra dữ liệu, tạo dòng thời gian (timeline) tự động cho các bài báo, câu chuyện. Điều đáng nói là bộ công cụ này được đào tạo bằng kho dữ liệu đáng tin cậy của Helsingin Sanomat.
Der Spiegel và rất nhiều tòa soạn khác đang thử nghiệm dùng AI để kiểm tra các bài báo đạo văn. Chức năng này có thể sẽ được tích hợp vào Hệ thống quản lý nội dung (CMS) của tòa soạn.
Tuy nhiên, các khoản đầu tư này cần mất khá nhiều thời gian. Khoản tiền thuê chuyên gia AI để xây dựng và duy trì các ứng dụng nội bộ có thể rất tốn kém. Do đó, nhiều người không nghĩ khoản đầu tư này sẽ giúp tòa soạn tiết kiệm chi phí hơn.
Chuyển đổi nội dung là bước tiến tiếp theo
Nhờ những tiến bộ trong công nghệ phát triển giọng nói, các đơn vị tin tức có thể chuyển đổi bài viết dưới dạng văn bản thành tệp tin âm thanh với nhiều ngôn ngữ và giọng điệu khác nhau. Trong năm 2025, hầu hết các đơn vị tin tức (75%) đều lên kế hoạch đầu tư vào chức năng này nhiều hơn. Ngoài ra, 70% sẽ dùng AI để tóm tắt nội dung ở đầu bài viết; 56% muốn sử dụng chức năng tìm kiếm chatbot/AI; 36% dự định dùng AI để chuyển câu chuyện dưới dạng văn bản thành định dạng video.
Tuy nhiên, báo chí sẽ không có tất cả mọi thứ. Trong năm nay, công ty The Browser sẽ cho ra mắt trình duyệt web do AI vận hành tên Dia. Trình duyệt này sẽ cho phép người dùng tóm tắt, viết lại, thậm chí định dạng lại các bài báo sao cho phù hợp với sở thích của họ.
Một số đơn vị tin tức đã thử nghiệm phát triển chatbot riêng. Chatbot này được đào tạo bằng các bài viết độc quyền của tòa soạn kết hợp với các nguồn dữ liệu đáng tin cậy khác. Vào tháng 6 năm 2024, Aftonbladet đã cho ra mắt chatbot “election buddy” – tạm dịch Người bạn bầu cử. Chatbot này đã xử lý 180.000 truy vấn liên quan tới cuộc bầu cử tại Thụy Điển mà không có một 'ảo giác' AI nào (AI hallucinations) được ghi nhận.
Vào tháng 11, Washington Post đã phát hành thử nghiệm một công cụ AI tạo sinh (generative AI) có tên là “Ask for Post AI” – tạm dịch: Hãy hỏi AI của Post. Chatbot này sẽ trả lời câu hỏi về bất kỳ chủ đề nào mà tòa soạn đã đăng tải từ năm 2016. Financial Times đang thử nghiệm một tính năng tương tự, 'Ask FT' – tạm dịch: Hãy hỏi FT. Những tính năng này có một số rủi ro nhất định nhưng có thể cải thiện khả năng truy cập. Nếu các tòa soạn lớn có thể tích tính năng này vào chức năng tìm kiếm trên các trình duyệt, họ có thể nâng lưu lượng truy cập vào kho lưu trữ của tòa soạn.
Điều gì có thể xảy ra vào năm 2025?
- Công cụ của bên thứ ba trở nên thông minh hơn: Các công cụ của bên thứ ba như Notebook LM của Google đã khiến nhiều người ngạc nhiên về độ chính xác và dễ sử dụng. Công cụ này có thể thực hiện một loạt tác vụ cho nhà báo như tóm tắt văn bản, tài liệu, tổng hợp dữ liệu cho báo chí điều tra. Các công ty công nghệ như Google, Microsoft, Zoom, Dropbox còn tích hợp tính năng phiên âm và biên dịch vào một loạt công cụ miễn phí và trả phí. Điều này đã mở ra cơ hội áp dụng công nghệ AI với chi phí tương đối thấp cho các đơn vị báo chí nhỏ.
- Công cụ AI chuyên biệt cho báo chí: Chartbeat (một công cụ theo dõi, phân tích tương tác của độc giả với nội dung của tòa soạn) đang được cải tiến và tích hợp AI. Nhiều tòa soạn đang tìm cách sử dụng AI để kiểm duyệt bình luận trên trang web hoặc khiến quy trình làm việc hiệu quả hơn. Công cụ OpusClip AI có thể tự động cắt những cuộc phỏng vấn dài thành các đoạn video ngắn để tải lên TikTok, YouTube Shorts và Reels. Công cụ này sẽ chọn ra những đoạn video tốt nhất, tự động chuyển tỷ lệ khung hình từ ngang sang dọc, thêm phụ đề và hiệu ứng dành riêng cho mạng xã hội được chọn.
- Bùng nổ nội dung do AI sản xuất: Sora – AI tạo video từ văn bản (OpenAI) đã đưa khả năng sản xuất video vào tay hàng triệu người dùng. Điều này sẽ dẫn đến sự bùng nổ của nội dung siêu thực. OpenAI cũng cho biết họ đã tìm cách ngăn chặn việc sử dụng công cụ này vào các nội dung giả mạo như lạm dụng tình dục trẻ em.
Theo một nghiên cứu gần đây, hơn một nửa số bài đăng dài trên LinkedIn được tạo ra bởi AI. Một số người dùng lo ngại rằng nếu 'AI slop' bùng nổ quá nhanh, nội dung chất lượng thấp sẽ bắt đầu thấm vào dữ liệu đào tạo của các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs), dẫn đến sự sụp đổ của mô hình.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn siêu dữ liệu như cách C2PA (Liên minh về Nguồn gốc và Tính xác thực của Nội dung giữa Adobe, Arm, Intel, Microsoft và Truepi) cung cấp tính minh bạch về nguồn gốc nội dung có thể giảm thiểu rủi ro kể trên. Đồng thời, nguyên tắc này cho phép các thuật toán đưa ra quyết định tốt hơn về những nội dung được ưu tiên.
Một trong những điểm đáng lưu ý của năm 2025 là sự tiến bộ vượt trội của các đại diện ảo (intelligent agents). Nếu các trợ lý ảo truyền thống chỉ thực hiện hành động sau khi nhận được yêu cầu từ người dùng thì đại diện ảo có khả năng dự đoán và thực hiện hành động một cách chủ động và độc lập.
Những đại diện ảo này có thể thay mặt người dùng làm việc, nghiên cứu bài tập, đặt lịch hẹn, xuất hóa đơn cho khách hàng hay mua quà cho những người họ hàng khó tính. Ít nhất, đó là những điều mà Apple Intelligence hướng tới. Dịch vụ này cũng hứa hẹn sẽ bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng trong quá trình sử dụng. Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ Gartner (Mỹ) dự đoán rằng đến năm 2028, hơn 15% công việc hàng ngày sẽ do các đại diện ảo quyết định.
Người dùng không chỉ nhập văn bản mà sẽ có xu hướng trò chuyện để tương tác với các đại diện ảo. Cả dữ liệu đầu vào và đầu ra của Gemini phiên bản mới nhất (Google), ChatGPT (OpenAI) và Siri (Apple) đều là dạng đa phương thức. Tức là, người dùng có thể nhập/nhận liệu bằng văn bản, video, âm thanh (và mã lập trình). Alexa của Amazon cũng sẽ được cải tiến bằng AI trong năm nay.
Độ trễ và chất lượng phản hồi cũng đang được khắc phục. Mới đây nhất, chế độ trò chuyện nâng cao của ChatGPT đã có khả năng thu thập các tín hiệu phi ngôn ngữ như tốc độ nói và phản hồi với nhiều cảm xúc hơn – điểm chí mạng của các giọng nói máy tạo. ChatGPT phiên bản mới cũng có thể trả lời bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và cập nhật tin tức tức thời. Điều này sẽ gây thêm bất lợi cho các hãng tin tức.
Mặt khác, phương thức trò chuyện sẽ là một cách tiếp cận mới giúp công chúng “đọc” các văn bản dài một cách dễ dàng hơn. Tháng 9/2024, tính năng sản xuất audio của Notebook LM đã "làm kinh ngạc" internet bằng việc biến các bài viết và tài liệu dày đặc thành các tập podcast sống động như một cuộc trò chuyện giữa hai người.
Phần lớn các tòa soạn nhận ra sức mạnh của phương thức trò chuyện nhưng 51% cho rằng các đơn vị báo chí sẽ áp dụng xu hướng này một cách chậm rãi thay vì bùng nổ (20%).
Điều gì có thể xảy ra vào năm 2025?
- Trò chuyện với một bài viết? Nhiều trang web tin tức sẽ cho phép người dùng hỏi đáp bằng giọng nói hoặc văn bản để truy cập nội dung bài viết. Tạp chí Time đã giới thiệu tính năng này trong chuyên mục Nhân vật của năm với sự góp mặt của Tổng thống Donald Trump. Với công nghệ nhân bản giọng nói, bạn đọc có thể tương tác với AI bằng chính giọng nói của tác giả bài viết. Các nền tảng công nghệ và trình duyệt web cũng sẽ bổ sung các tính năng này trong tương lai.
Tạp chí Time cho phép người dùng trò chuyện với AI để đọc từng phần trong một bài báo cụ thể.
Tạp chí Time cho phép người dùng trò chuyện với AI để đọc từng phần trong một bài báo cụ thể.
Xem thêm bài viết của Time tại: Click
- Người dùng trở nên quá gắn bó với đại diện AI của mình: Khi các đại điện ảo trở nên giống người hơn, người dùng có thể có cảm xúc gắn bó ở mức độ không lành mạnh. Trên thực tế, một số người dùng trẻ đã trở nên nghiện Character AI đến mức không thể làm việc. Điều này có thể làm tăng nguy cơ nhân cách hóa - anthropomorphisation (gán các đặc điểm giống con người cho một thứ không phải con người) và làm giảm nhu cầu tương tác với người thực.
Một số người dùng đã phát triển tình cảm lãng mạn đối với những đại diện AI của họ. Thậm chí có một trường hợp dẫn đã tổ chức 'hôn nhân' ảo.
Trong khi đó, một sống công ty đang chào mời chatbot AI của mình như một giải pháp cho những người cô đơn hoặc có sức khỏe tâm thần kém. Các ứng dụng này cung cấp ngày càng nhiều các phương pháp tư vấn và trị liệu tâm lý do máy tạo.
Ngày xuất bản: 11/2/2025
Nội dung: Viện Nghiên cứu báo chí Reuters
Biên dịch – trình bày: Thi Uyên
