Điều tra về thực trạng trẻ em bị xử phạt trong gia đình

Mới đây, Tổng cục Thống kê Việt Nam và UNICEF tại Việt Nam đã công bố kết quả Điều tra thống kê các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ (SDGCW) 2020-2021, trong đó có nội dung về xử phạt trẻ em. Cuộc điều tra thực hiện từ ngày 18/11/2020 đến ngày 3/2/2021, tại 14.000 hộ gia đình Việt Nam được lựa chọn theo: khu vực thành thị và nông thôn, 6 vùng (đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long), 2 thành phố lớn (Hà Nội và Hồ Chí Minh) và các nhóm dân tộc thiểu số chính.

Kết quả của cuộc điều tra đã được công bố vào ngày 8/12/2021. Về thực trạng xử phạt trẻ em trong các hộ gia đình, kết quả điều tra cho thấy:


• Cứ 10 trẻ em từ 1-14 tuổi thì có hơn 7 trẻ đã chịu ít nhất một hình thức xử phạt về tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong hộ gia đình trong 1 tháng trước cuộc điều tra.

• Cứ 10 trẻ thì có hơn 6 trẻ đã từng bị xử phạt tâm lý. Cứ 10 trẻ thì có 4 trẻ bị xử phạt về thể xác. Hình thức xử phạt về thể xác nặng (đánh trẻ vào đầu, lưng, tai, mặt hoặc đánh mạnh và liên tiếp vào trẻ) là không phổ biến, với 1,6% trẻ em bị xử phạt bằng bạo lực nặng.

• Trẻ em trai có nhiều khả năng bị xử phạt bạo lực nhiều hơn trẻ em gái, cả về thể xác và tâm lý.

• Trung du và miền núi phía bắc có tỷ lệ trẻ em xử phạt bằng bạo lực thấp nhất (66,9%) cả về thể xác và tâm lý, trong khi tỷ lệ này ở Đông Nam Bộ là cao nhất (79,2%).

• Cứ 10 người chăm sóc trẻ thì có 1 người, khả năng cao là không có bằng cấp hoặc thuộc nhóm nghèo nhất, tin rằng xử phạt về thể xác là cần thiết để giáo dục trẻ em.


Dưới đây là những con số cụ thể phản ánh về thực trạng trẻ em bị xử phạt trong các hộ gia đình:

Xử phạt về thể xác: Túm và lắc trẻ hoặc đánh/phát vào mông trẻ bằng tay trần hoặc đánh vào mông trẻ hoặc chỗ khác trên thân thể trẻ bằng một vật như thắt lưng, roi hoặc một vật cứng khác hoặc đánh hoặc tát trẻ vào mặt, đầu hoặc mang tai hoặc đánh hoặc phát trẻ vào bàn tay, cánh tay hoặc cẳng chân hoặc đánh trẻ liên tiếp, mạnh hết sức có thể.

Xử phạt về thể xác nặng: Đánh trẻ vào đầu, lưng, tai, mặt hoặc đánh mạnh và liên tiếp vào trẻ.

Gây áp lục tâm lý: La hét, gào hoặc chửi rủa trẻ hay gọi trẻ là đồ ngu, đồ lười hoặc một cái tên đại loại như vậy.

Xử phạt bạo lực: Bất kỳ hình thức xử phạt tâm lý hoặc thể xác.


Xuất bản ngày: 13/01/2022
Thực hiện: BÔNG MAI
Nguồn dữ liệu: Tổng cục Thống kê Việt Nam và UNICEF Việt Nam