Xuất khẩu vượt khó,
bứt phá thành công

Dù liên tục phải đối mặt với những tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, song hoạt động xuất nhập khẩu đã thành công vượt khó để bứt phá với mức tăng trưởng ấn tượng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 dự báo sẽ đạt hơn 300 tỷ USD, tăng trên 17% so với năm 2020. Xuất nhập khẩu của nước ta cũng sẽ thiết lập được kỷ lục mới, dự kiến vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Chồng chất khó khăn

Ngay từ những tháng đầu năm, biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh  đã ảnh hưởng nặng nề tới nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển ở giai đoạn nguồn cung vaccine còn hạn chế. Trong nước, đợt dịch thứ 4 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, lây lan diện rộng trong nhiều khu công nghiệp tập trung ở các thành phố lớn của cả nước như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Bắc Ninh,... Hàng trăm nghìn doanh nghiệp đã phải dừng sản xuất hoặc tổ chức sản xuất tại chỗ nhưng số lượng doanh nghiệp đáp ứng rất hạn chế.

Phân xưởng sản xuất hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10.

Sản xuất các sản phẩm sợi tại Công ty dệt nhuộm Jansan Việt Nam (Hưng Yên).

Phân xưởng sản xuất hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10.

Sản xuất các sản phẩm sợi tại Công ty dệt nhuộm Jansan Việt Nam (Hưng Yên).

Sản xuất hạn chế dẫn tới hoạt động xuất khẩu trong khoảng thời gian cao điểm dịch bệnh (tháng 8 và tháng 9/2021) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt đúng vào giai đoạn cao điểm chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu cho mùa Giáng sinh và năm mới tại các thị trường EU, Hoa Kỳ,... Các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với khó khăn để phục hồi sản xuất kinh doanh, thậm chí mất nhiều thời gian để khôi phục như thời điểm sản xuất ổn định. Do đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước tháng 8/2021 đã giảm 2,3% so với tháng trước, tháng 9/2021 tiếp tục giảm 2%.

Khó khăn còn đến từ vấn đề về chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó là giá cả nguyên-nhiên vật liệu trên thị trường thế giới đều ở mức cao (xăng dầu, sắt thép, nhựa, phân bón, thức ăn chăn nuôi). Bên cạnh đó, chi phí logistics, vận tải kho bãi tiếp tục tăng, cộng thêm tình trạng thiếu hụt container tuy có hạ nhiệt nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, càng “đội” thêm chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Theo tính toán, chỉ số giá cước vận tải container toàn cầu (Drewry World Container Index) tháng 9/2021 đã cao gấp tám lần so cùng kỳ hai năm trước đó.

Nhận định về bức tranh xuất nhập khẩu năm 2021, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 khiến cho năm 2021 là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có xuất khẩu nói chung và các hoạt động xúc tiến thương mại  nói riêng. Trong năm vừa qua, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như: hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương,… đều bị gián đoạn do tác động từ tình hình dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Để ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu quý II/2021, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 còn chưa diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương xây dựng Đề án Phát triển xuất nhập khẩu bền vững trong những tháng cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 với nhiều giải pháp đột phá để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn trước mắt. Các giải pháp trong đề án cũng được đưa vào Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 để các Bộ, ngành, địa phương cùng triển khai thực hiện.

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc và phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội ở khu vực phía Nam, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành thành lập các Tổ công tác đặc biệt để kịp thời tiếp thu, phản ánh vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp trong phòng chống dịch, bảo đảm nguồn cung, vận chuyển, lưu thông hàng hóa,… và phối hợp hỗ trợ xử lý. Từ đó, Bộ Công thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ về nhiều nội dung như tình hình ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái; khó khăn cho tiêu thụ thóc, gạo trong bối cảnh Covid-19; vấn đề lưu thông hàng hóa;…

Tình hình giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền cũng thường xuyên được nắm bắt kịp thời. Các Bộ, ngành đã phối hợp với các địa phương ở khu vực biên giới đề xuất nhiều giải pháp điều tiết hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu; tổ chức làm việc với các Hiệp hội, ngành hàng để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, tổ chức xuất khẩu sang các khu vực, thị trường;…

Có thể thấy, trong năm 2021, nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá nói riêng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn bởi dịch bệnh với quy mô và tốc độ lây lan chưa từng có trong tiền lệ. Do đó, việc thực thi các chính sách, giải pháp đặt ra yêu cầu phải tổ chức, đánh giá hiệu quả, hạn chế, nhanh chóng và thậm chí là sửa đổi ngay nếu cần thiết để đáp ứng thực tiễn. Trong bối cảnh đó, các Bộ, ngành nói chung và Bộ Công thương nói riêng đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để bảo đảm hạn chế tác động của dịch bệnh cũng như việc áp dụng các biện pháp phòng dịch tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp ở mức thấp nhất có thể.

Xuất khẩu bứt phá
với nhiều điểm sáng

Nhờ sự chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, cùng nỗ lực của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, hoạt động xuất khẩu đã vượt qua thách thức để bứt phá với kết quả ấn tượng.

Theo số liệu ước liên Bộ, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,99 tỷ USD, tăng 11,1%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6%. Đây là kết quả tích cực so với kịch bản được đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Bộ Công thương (tăng trưởng xuất khẩu năm 2021 là 4-5%).

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trong bối cảnh thị trường quốc tế gặp không ít khó khăn, kinh tế trong nước bị tác động mạnh bởi đợt dịch thứ 4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn đạt con số kỷ lục mới với hơn 600 tỷ USD và riêng xuất khẩu tăng trưởng đến gần 20% là một kỳ tích. Lưu ý, đây không chỉ tăng về lượng mà chất lượng tăng trưởng xuất khẩu cũng rất đáng được quan tâm. Đó là trong danh mục hàng xuất khẩu có đến 34 nhóm hàng đạt kim ngạch hơn một tỷ USD và bảy nhóm hàng đạt hơn 10 tỷ USD.

Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu được chuyển dịch tích cực, phù hợp với mục tiêu chiến lược đề ra khi nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực cho tăng trưởng chính của xuất khẩu, chiếm 86,1% tổng kim ngạch (ước đạt 257,4 tỷ USD). Đây là bức tranh rất sáng, giúp nền kinh tế không chỉ đứng vững trước “cơn bão” dịch bệnh mà còn thúc đẩy nhanh chóng sự phục hồi trong thời gian tới.

Cảng Hải Phòng.

Cảng Hải Phòng.

Các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 51,6 tỷ USD (tăng 10,7%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 45,1 tỷ USD (tăng 11,9%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác ước đạt 33,6 tỷ USD (tăng 39,8%); sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ ước đạt 2,5 tỷ USD (tăng 47,6%); sắt thép các loại ước 10,8 tỷ USD, tăng 129,8%. Đặc biệt dệt may và da giày, 2 nhóm hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020 đã có sự phục hồi, kim ngạch ước đạt 28,8 tỷ USD và 15,4 tỷ USD, tăng lần lượt 6,7% và 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Diện mặt hàng xuất khẩu cũng ngày càng đa dạng hơn. Hết 11 tháng, đã có tới 34 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD, trong đó có bảy nhóm hàng đạt hơn 10 tỷ USD như điện thoại các loại và linh kiện (ước đạt 51,6 tỷ USD, tăng 10,7% so cùng kỳ năm 2020); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (ước đạt 45,1 tỷ USD, tăng 11,9%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác (ước đạt 33,6 tỷ USD, tăng 39,8%); sắt thép các loại (ước 10,8 tỷ USD, tăng 129,8%);… Đặc biệt dệt may và da giày-hai nhóm hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020 đã có sự phục hồi với kim ngạch tăng trưởng so với năm 2020.

Sản xuất bảng mạch điện tử tại Công ty TNHH 4P (Văn Giang, Hưng Yên).

Sản xuất bảng mạch điện tử tại Công ty TNHH 4P (Văn Giang, Hưng Yên).

Một điểm đáng chú ý trong hoạt động xuất nhập khẩu năm nay là cán cân thương mại sau một thời gian dài duy trì xuất siêu đã chuyển sang nhập siêu trong những tháng đầu năm. Nguyên nhân nhập siêu đến từ việc xuất khẩu gặp nhiều hạn chế bởi làn sóng thứ 4 của dịch bệnh Covid-19 trong khi nhập khẩu có xu hướng tăng (tăng về lượng do nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất tăng để đón đầu sự phục hồi cầu hàng hóa tại các thị trường; giá cả nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tăng; làn sóng chuyển dịch đầu tư của các công ty đa quốc gia kéo theo nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị tăng). Tuy nhiên, kể từ tháng 10/2021, khi xuất khẩu được phục hồi sau quá trình bỏ giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, cán cân thương mại tháng 10 đã ghi nhận xuất siêu 2,7 tỷ USD dẫn tới cán cân thương mại 10 tháng thặng dư 125 triệu USD. Theo số ước liên Bộ, cán cân thương mại 11 tháng ước xuất siêu 325 triệu USD.

Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm trước, nhất là các thị trường đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỷ trong 10 tháng dẫn đầu đạt 76,8 tỷ USD, tăng 23%; sang Trung Quốc đạt 44,5 tỷ USD, tăng 17,5%; sang EU đạt 32,1 tỷ USD, tăng 10,5%; sang ASEAN đạt 23,2 tỷ USD, tăng 22,6%;… Với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam tăng trưởng dương như xuất khẩu sang Canada trong 10 tháng đầu năm đạt 4,2 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm trước; sang Mexico đạt 3,8 tỷ USD, tăng 43,9%, sang Peru đạt 449,3 triệu USD, tăng 84,3%. Xuất khẩu sang thị trường UK ghi nhận mức tăng 14,5%, đạt 4,7 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm.

Xuất nhập khẩu sẽ xác lập kỷ lục mới. Tại thời điểm này, có thể dự báo cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ đạt khoảng 640 - 645 tỷ USD và cán cân thương mại duy trì ở mức xuất siêu nhẹ. Đây là thành tựu rất lớn bởi năm 2021, chúng ta chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 với biến thể Delta. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã tấn công thẳng vào khu vực là động lực sản xuất hàng hóa ở cả hai miền Nam-Bắc.
Ông Trần Thanh Hải
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Cơ hội và thách thức
vẫn đan xen

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nhận định, xuất khẩu là điểm sáng hiếm hoi của kinh tế Việt Nam năm 2021. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm dự báo vẫn thiết lập kỷ lục mới, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Nhiều dự báo cho thấy, ở bên ngoài, cầu về hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vẫn ở mức cao; do đó, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 có thể cải thiện tốt hơn so với năm 2021 và xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng, phục hồi kinh tế.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, dự báo trong năm 2022 tới, hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục có những thuận lợi nhất định. Đó là việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine cùng với việc nới lỏng các biện pháp giãn cách sẽ phục hồi nhu cầu tiêu dùng của người dân với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa Việt Nam.

Các FTA và nhất là các FTA thế hệ mới đã qua giai đoạn thực thi ban đầu, các doanh nghiệp sẽ tận dụng tốt hơn các ưu đãi mang lại từ các Hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu. Kết quả tích cực từ việc triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy sản xuất hồi phục mạnh mẽ. Làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn sẽ là động lực mới của tăng trưởng xuất khẩu.

Nhưng đi kèm với đó cũng sẽ là không ít thách thức. Cụ thể, miễn dịch cộng đồng không thể đạt được trong ngắn hạn, việc xuất hiện các biến chủng mới của virus với tốc độ lây lan rộng tiếp tục cũng sẽ là những rủi ro lớn đối với kinh tế và xã hội của các quốc gia. Xung đột chính trị, thương mại giữa các quốc gia vẫn diễn biến khó lường. Giá hàng hóa tăng mạnh làm nhập khẩu có xu hướng tăng, trong đó đặc biệt đáng lưu ý là nhóm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, điều này có thể làm gia tăng chi phí đầu vào phục vụ sản xuất. Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đã tác động tiêu cực đến ngành vận tải biển khi giá cước vận tải tăng cao và xảy ra tình trạng thiếu hụt container vận chuyển.

May áo veston xuất khẩu tại Xí nghiệp May Hưng Hà (Thái Bình). (Ảnh: Đăng Anh)
Hoạt động logistics tại cảng CDC Mỹ Đình (Hà Nội). (Ảnh: Duy Linh)
Hoạt động vận tải hàng hóa. (Ảnh: Duy Linh)

Trước tình hình đó, để tiếp tục giữ vững đà tăng cũng như thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Bộ Công thương đã và đang phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng đề xuất hàng loạt giải pháp tổ chức khôi phục sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh mới, song song với các giải pháp phục hồi kinh tế của Chính phủ và các Bộ, ngành để bảo đảm tính đồng bộ của chính sách. Trọng tâm của các giải pháp là đồng hành cùng các doanh nghiệp, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình tổ chức lại sản xuất, kinh doanh để rút ngắn thời gian phục hồi.

Bộ Công thương cũng sẽ tập trung triển khai hàng loạt giải pháp khác như tổ chức khai thác hiệu quả các FTA để mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội mang lại; đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính; phối hợp các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa cho sản xuất, xuất khẩu, giảm chi phí logistics; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc triển khai các phương án nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu giữa Việt Nam-Trung Quốc, nhất là với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.

Hoạt động xúc tiến thương mại sẽ được tăng cường triển khai theo hình thức trực tuyến thay thế cho các hoạt động truyền thống; hỗ trợ nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên môi trường số cho doanh nghiệp để phù hợp với tình hình mới.

Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) Nguyễn Hoài Nam.

Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) Nguyễn Hoài Nam.

Theo Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) Nguyễn Hoài Nam, năm 2022 nhu cầu thực phẩm và thuỷ sản nói riêng sẽ tăng cao khi nhóm hàng khách sạn du lịch hồi phục. Để hỗ trợ ngành tiếp tục tăng trưởng tốt, Bộ Công thương nên xem xét tái khởi động các hoạt động tổ chức tham gia hội chợ truyền thống đã bị gián đoạn. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường các hoạt động trực tuyến B2B để tiếp cận các thị trường tiềm năng như Nga, Úc, Mexico;… tăng cường quảng bá cung cấp thông tin về ngành trong ứng dụng công nghệ thông tin.

Cũng theo ông Nam, hiện nhiều doanh nghiệp thuỷ sản vẫn chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho số hoá hoạt động xúc tiến thương mại, một phần do chi phí đầu tư phải liên tục hàng năm, nguyên nhân khác là thiếu nhân lực có chuyên môn về công nghệ. Do đó, nếu có một cổng thông tin quốc gia để quảng bá những ngành xuất khẩu mũi nhọn sẽ là công cụ hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển hậu Covid-19.

Các chuyên gia kiến nghị, đối với cộng đồng doanh nghiệp, yếu tố tiên quyết để bảo đảm tăng trưởng bền vững của xuất khẩu là đổi mới hoạt động sản xuất, tạo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng lớn, hàm lượng khoa học công nghệ cao; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp cần linh hoạt trong tổ chức sản xuất để đáp ứng mục tiêu sản xuất an toàn, thường xuyên theo dõi năm bắt thông tin từ các thị trường để có kế hoạch điều chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu linh hoạt, tránh những rủi ro khi các thị trường có biến động.

Chỉ đạo thực hiện: THU HÀ
Tổ chức thực hiện: XUÂN BÁCH
Nội dung: TÔ HÀ, VIỆT HẢI
Trình bày: ĐĂNG PHI, BIỆN DIỆU
Ảnh: DUY LINH, ĐĂNG ANH