Xử lý ô nhiễm nguồn nước

vấn đề cấp bách

Một khúc sông Cuyahoga, Mỹ. (Nguồn: Nationalgeographic.com)

Một khúc sông Cuyahoga, Mỹ. (Nguồn: Nationalgeographic.com)

Ô nhiễm nguồn nước là một trong những mối đe dọa sinh thái nghiêm trọng nhất mà con người đang phải đối mặt. Chuyên đề Xử lý ô nhiễm nguồn nước - vấn đề cấp bách mang đến góc nhìn đa chiều từ nỗ lực hồi sinh những dòng sông, con suối "chết", cho tới những biện pháp để "tắt chế độ báo động đỏ" về tình trạng ô nhiễm này ở một số quốc gia trên thế giới.


Nước bị ô nhiễm khi các chất độc hại xâm nhập các vùng nước như hồ, sông, đại dương... Sau đó, những chất này sẽ hòa tan, lơ lửng trong nước hoặc lắng xuống đáy hồ, sông, đại dương... khiến chất lượng nước suy giảm. Các chất gây ô nhiễm có thể thấm vào mạch nước ngầm, xâm nhập các hộ gia đình thông qua nước sinh hoạt hằng ngày, trong đó có nước uống. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm nguồn nước, trong đó phổ biến nhất là nước thải của các thành phố và xả thải công nghiệp.

Theo Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF)


Nga “tắt báo động đỏ” về ô nhiễm nguồn nước

Nga là một trong những quốc gia giàu tài nguyên nước nhất trên thế giới với 14 vùng biển tiếp giáp, hơn 2 triệu hồ nước ngọt và 2,5 triệu con sông lớn nhỏ chảy trên một lãnh thổ rộng lớn trải dài từ đông sang tây.

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các chỉ số về ô nhiễm nguồn nước ở Nga trong nhiều năm trở lại đây không khỏi khiến chính quyền và người dân "xứ Bạch Dương" lo lắng. Nhiều khu vực vẫn là những điểm nóng về ô nhiễm như vùng Sverdlovsk, Arkhangelsk, Vladimir, Leningrad, Novgorod và thủ đô Moscow. Đó là các trung tâm công nghiệp và các vùng đô thị lớn.

Xác định rằng bảo vệ và bảo tồn nguồn nước là vấn đề về an ninh quốc gia, chất lượng cuộc sống của hàng triệu cư dân, chính quyền nước Nga đã ban hành các quy định pháp lý trong lĩnh vực sinh thái, xây dựng các chiến lược, kế hoạch về bảo vệ môi trường, chú trọng các dự án đầu tư xử lý nước thải, di dời các bãi chôn lấp rác thải gần nguồn nước, tăng cường chế tài phạt đối với các vi phạm về vấn đề môi trường, thực thi Chương trình nước sạch liên bang,...

Sinh vật biển chết dạt vào bờ do ô nhiễm nguồn nước không rõ nguyên nhân ở vùng Kamchatka, ngày 8/10/2020. (Ảnh: Reuters)

Sinh vật biển chết dạt vào bờ do ô nhiễm nguồn nước không rõ nguyên nhân ở vùng Kamchatka, ngày 8/10/2020. (Ảnh: Reuters)

Để nâng cao hiệu quả của các biện pháp bảo vệ nguồn nước, Cơ quan Kiểm soát tài chính của Quốc hội Nga đang đề xuất tạo ra một nền tảng kỹ thuật số chung cho các lưu vực sông cùng với việc giám sát trực tuyến.

Điều này sẽ giúp xác định kịp thời tác động tiêu cực của từng đối tượng sử dụng nước và có được dữ liệu đáng tin cậy về mức độ ô nhiễm của các hệ sinh thái dưới nước.

Hy vọng rằng các biện pháp mới mà chính quyền Nga đang và sẽ triển khai sẽ sớm phát huy hiệu quả tích cực. Và điều quan trọng nhất là để tắt chế độ “báo động đỏ” về ô nhiễm nguồn nước, cần có sự đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Hành trình hồi sinh "dòng sông cháy" của nước Mỹ

Là quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, nhưng trong quá khứ nước Mỹ từng trải qua những giai đoạn nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, mà bằng chứng sống động nhất là hình ảnh "dòng sông cháy" Cuyahoga.

Một trong những bức ảnh được biết đến rộng rãi nhất tại Mỹ trong thế kỷ 20 chính là hình ảnh lực lượng cứu hỏa dập đám cháy bùng lên trên sông Cuyahoga.

Tạp chí Time đã đăng hình ảnh này sau hơn một tháng sông Cuyahoga gặp hỏa hoạn (ngày 22/6/1969). Tuy nhiên, bức ảnh mà Time sử dụng thực ra là hình ảnh vụ hỏa hoạn trên sông Cuyahoga từ năm 1952. Time mô tả Cuyahoga như một “sông bùn chứ không phải là dòng chảy", rơi vào đó con người sẽ "không chết đuối mà bị phân hủy".

(Nguồn: Thư viện Đại học Cleveland)

(Nguồn: Thư viện Đại học Cleveland)

13 đám cháy trên sông Cuyahoga cho đến sự ra đời của Đạo luật Nước sạch là bài học cho thấy giá trị của một quá trình trải nghiệm lâu dài và đấu tranh quyết liệt để bảo vệ nguồn nước. Tiếng kêu cứu từ "dòng sông cháy" nhắc nhở con người ghi nhớ sự phát triển kinh tế luôn phải gắn liền với bảo vệ môi trường. Nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước không phải của riêng cá nhân, địa phương nào mà là của cả cộng đồng.

Nhận thức đúng đắn của cộng đồng, sự sát sao của nhà chức trách và sự vào cuộc của báo chí - truyền thông... tạo nên tấm lá chắn bảo vệ nguồn nước trước nguy cơ bị suy thoái.

Pháp bảo vệ nguồn nước cho sự sống

Trong bản đánh giá những vấn đề liên quan đến môi trường nước mà người dân Pháp quan tâm nhất hiện nay, “giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong các con sông và mạch nước ngầm” đứng ở vị trí hàng đầu.

Kế hoạch tái thiết sức sống của nước Pháp - France Relance (tạm dịch: Phục hồi nước Pháp) - được đánh giá là một cuộc “đại tu” cả về kinh tế, xã hội và sinh thái của quốc gia châu Âu này, hướng tới mục tiêu xây dựng nước Pháp năm 2030.

Kế hoạch France Relance nhằm bảo đảm cơ sở hạ tầng phân phối nước uống, vệ sinh và quản lý nước mưa ở lục địa Pháp và các vùng lãnh thổ hải ngoại.

Một thí dụ điển hình là trường hợp sông Seine ở phía tây bắc nước Pháp. Dòng sông này là một trong tuyến đường thủy thương mại nổi tiếng. Tuy nhiên do tác động của sinh hoạt đô thị, hoạt động sản xuất và phát triển dịch vụ, sông Seine khó có thể tránh khỏi tình trạng ô nhiễm.

Với những nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm giảm ô nhiễm, nguồn nước đầu ra của con sông đã có thể đạt được chứng nhận “chất lượng nước có thể tắm”.

Thành phố Paris của Pháp, nước chủ nhà của Thế vận hội Olympics 2024, đang nỗ lực hết sức để có thể mở chặng bơi cho các vận động viên ngay tại dòng sông Seine. Trước tiên, hoạt động dọn dẹp quy mô lớn phải được triển khai song song với việc lắp đặt các trang thiết bị lọc tia cực tím để loại bỏ vi khuẩn. Hơn nữa, cần tăng cường yêu cầu kết nối với hệ thống thu gom và xử lý chất thải công cộng đối với các “nhà nổi” xà lan dọc theo sông.

Bắc Kinh mơ về “Những dòng sông hạnh phúc”

Người Bắc Kinh có câu “linh khí cố đô Bắc Kinh sinh ra từ nước”. Từ thuở dựng đô cách đây hơn 700 năm, Bắc Kinh dựa thế nước mà thành, thuận thế nước để tiến. Đến nay, những nhánh sông chảy trong lòng thành phố không chỉ là những động mạch thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn là những khu cảnh quan sinh thái thân thiện, nuôi dưỡng đời sống tinh thần người dân thủ đô.

Trải qua sự công phá của thời gian, cùng với đà phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, mạch sống đường thủy trong nội thành Bắc Kinh bị nhồi nhét, trở thành những lòng sông hồ cạn nước, bị ô nhiễm bởi rác thải, bùn lầy, cỏ dại. Khô hạn và thiếu nước sử dụng vốn là đặc điểm của Bắc Kinh.

Cùng với nhịp phát triển kinh tế từ những năm 1980, tới đầu thế kỉ 21, thành phố phình to bởi những khối kiến trúc đồ sộ và lượng dân nhập cư tăng đột biến, kéo theo những nhánh sông hồ quá tải.

Trả lại những dòng sông sạch, duy trì dòng chảy liên tục, khai thác tuyến du lịch đường thủy trở thành nhiệm vụ quan trọng và liên tục của Bắc Kinh.

Quan điểm trị thủy theo hướng sinh thái là bước chuyển dịch quan trọng trong công tác trị thủy của Trung Quốc, phù hợp với bước đi của những quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Năm 2002, Trung Quốc hợp tác với Đức triển khai dự án “Hành lang đất ngập mềm sông Vĩnh Định”, hiện nay là công viên đất ngập mềm Hắc Thổ Oa. Đây được coi là dự án đánh dấu bước chuyển dịch trong quan niệm trị thủy, cơ sở sáng tạo các phương pháp mềm sau này tại Bắc Kinh.

Hà Lan tái sinh “vùng đất chết” Veenkoloniën

Giống như các quốc gia công nghiệp phát triển khác, Hà Lan từng có thời điểm phải đương đầu với vấn đề ô nhiễm nước trầm trọng.

Tuy nhiên, cách nhận diện vấn đề và tiếp cận bài bản đã giúp Hà Lan giải quyết được thách thức trong xử lý nước thải. Từ đó, Hà Lan có điều kiện chuyển đổi trọng tâm trong mô hình xử lý nước thải từ mối quan tâm hàng đầu về sức khỏe cộng đồng và môi trường sang nền kinh tế tuần hoàn, biến nước thải thành một tài nguyên phục vụ cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.

Bài học kinh nghiệm về xử lý nước thải gây ô nhiễm tại Hà Lan có thể được nhìn thấy rõ qua hành trình 130 năm tìm lời giải cho tình trạng ô nhiễm nước ở Veenkoloniën, tỉnh Groningen. Từ cuối thế kỷ 19, nước thải từ các ngành công nghiệp sản xuất tinh bột khoai tây và ván rơm đổ ra môi trường đã dẫn đến một trong những thảm họa ô nhiễm môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Hà Lan.

Vấn đề chỉ được giải quyết vào những năm 1980 của thế kỷ trước, với sự ra đời của đạo luật chống ô nhiễm nước mới, quy định mức thuế cao đối với việc xả thải nước chưa qua xử lý vào môi trường và tổ chức lại sản xuất các ngành liên quan.

Sau thành công ở Veenkoloniën, việc xử lý nước thải ở Hà Lan trong các thập kỷ tiếp theo đã được cải thiện đáng kể nhờ những chính sách, biện pháp cứng rắn, quyết liệt của chính phủ và các bộ, ban, ngành, cơ quan hữu quan. Điều đó đã giúp quốc gia này đứng trong tốp đầu danh sách các nước dẫn đầu Liên hiệp châu Âu (EU) về tuân thủ đầy đủ việc xử lý nước thải đô thị.

Nhằm hướng tới mục tiêu đầy tham vọng đưa Hà Lan trở thành một nền kinh tế tuần hoàn vào năm 2050, Hà Lan đã chuyển khung chính sách xử lý nước thải từ mô hình xử lý nước thải vì sức khỏe cộng đồng và môi trường sang hướng phục vụ nền kinh tế tuần hoàn kể từ năm 2012.

Nước thải cũng có giá trị, có thể thu hồi các chất và tạo ra các nguồn tài nguyên mới đóng góp vào quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tài chính và công nghệ được tập trung đầu tư để thay thế và trang bị thêm công nghệ tiên tiến cho các nhà máy xử lý nước thải. Các hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn được triển khai và được xem là những sáng kiến ”xanh” khả thi cho tương lai.


Khôi phục suối Cheonggyecheon

Suối Cheonggyecheon ngày nay luôn được nhắc đến là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của đất nước Hàn Quốc nói chung hay của thủ đô Seoul nói riêng. Giữa lòng thành phố Seoul sầm uất với những tòa nhà chọc trời, một dòng suối xanh mát giúp người dân và du khách có thể hòa mình với thiên nhiên.

Cheonggyecheon được ví như lá phổi xanh của Seoul nhưng trước kia, con suối này đã từng bị vùi lấp để xây dựng đường cao tốc…

Dòng suối này tồn tại hàng trăm năm cho đến những năm 1940, khi thành phố Seoul trở nên đông đúc, Cheonggyecheo đã trở thành "nạn nhân" của quá trình đô thị hóa. Những ngôi nhà tồi tàn mọc kín bờ suối và ô nhiễm đã trở thành một vấn đề gây quan ngại.

Để giải quyết vấn đề này, dòng suối đã dần được phủ bê-tông và biến thành một con đường dài 6 km vào khoảng cuối những năm 1950. Đến năm 1971, một đường cao tốc trên cao dài 5,6 km đã được xây dựng trên đó để đáp ứng lưu lượng xe cộ ngày càng tăng ở Seoul.

Trong một thời gian, công trình này đã phục vụ mục đích được xây dựng của nó. Seoul trở thành một thành phố nhộn nhịp với trung tâm thương mại lớn nhất nằm ở khu Cheonggyecheon. Tuy nhiên, đến năm 2000, đường cao tốc đã bị xuống cấp và cần được sửa chữa.

Loại bỏ đường cao tốc được coi là một động thái triệt để giải quyết vấn đề của khu vực Cheonggyecheon nhưng không nhiều người dân chấp nhận ý tưởng này ngay từ đầu. Ý tưởng khôi phục dòng suối Cheonggyecheon vốn không nằm trong các tài liệu quy hoạch đô thị chính thức bởi vì ý tưởng này được xem là quá tham vọng và vượt ngoài sức tưởng tượng hay khả năng của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về việc tái tạo đã bắt đầu khi ứng cử viên Thị trưởng thành phố Seoul, Lee Myungbak, đưa ra cam kết trong chiến dịch tranh cử lớn của mình là sẽ khôi phục Cheonggyecheon.

Đúng như cam kết, ngay sau lễ nhậm chức Thị trưởng thành phố Seoul của ông Lee Myungbak, vào ngày 1/7/2002, dự án khôi phục Cheonggyecheon đã được bắt đầu.

Vẻ đẹp của Cheonggyecheon. (Nguồn: Seoul City)

Vẻ đẹp của Cheonggyecheon. (Nguồn: Seoul City)

Với quyết tâm, nỗ lực và sáng tạo, Seoul đã phá bỏ đường cao tốc che phủ suối Cheonggyecheon trong nhiều thập kỷ, mang lại cuộc sống mới cho khu vực trung tâm thành phố bằng việc cung cấp không gian công cộng và cải thiện môi trường tự nhiên cho thành phố.

Đồng thời, dự án cũng giúp làm hồi sinh khu vực trung tâm thành phố Seoul, nơi hiện đang thu hút người dân và hoạt động kinh doanh. Rộng hơn, việc khôi phục đã dẫn đến những thay đổi trong ý thức của người dân cũng như các chiến lược quy hoạch đô thị để cải tạo khu vực trung tâm thành phố và giao thông công cộng.


Ngày xuất bản: 04/10/2021
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: HOÀNG HÀ, XUÂN HƯNG, DIỆU THU, MINH DUY, VISA, TRUNG HƯNG, HOÀNG LINH, BÔNG MAI, HỒNG VÂN, PHAN ANH, ĐỨC DUY