Hà Nội đã, đang và sẽ là thành phố vì Hòa bình đúng nghĩa

Theo ông Trịnh Đức Dụ, nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại UNESCO nhiệm kỳ 1996-1999, việc Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố vì hòa bình đã thể hiện sự đánh giá rất cao của cộng đồng quốc tế đối với Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung; đồng thời tạo động lực phát triển cho Thủ đô trong hiện tại và tương lai.

Đặc biệt, Hà Nội đạt cả bốn tiêu chí của giải thưởng gồm: Sự bình đẳng trong cộng đồng; xây dựng đô thị; giữ gìn môi trường sống; thúc đẩy phát triển văn hóa-giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ.

"Chúng ta muốn chứng minh với thế giới rằng, đất nước ta là một đất nước nghìn năm văn hiến, là một dân tộc yêu chuộng hòa bình; chúng ta đã phải trải qua các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược để có được hòa bình".

Lễ kỷ niệm 20 năm Hà Nội nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình. (Ảnh: Trang Hanoi Creative city)

Lễ kỷ niệm 20 năm Hà Nội nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình. (Ảnh: Trang Hanoi Creative city)

PV: Năm nay, tròn 25 năm Hà Nội vinh dự nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình. Đại sứ có thể chia sẻ về bối cảnh ở thời điểm đó khi chúng ta quyết định tham dự Giải thưởng?

Ông Trịnh Đức Dụ: Những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, căng thẳng, khó lường, ảnh hưởng lớn đến vấn đề hòa bình của nhân loại.

Ở trong nước, sau khi gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, ký Hiệp định hợp tác với Liên minh châu Âu, Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hội nhập với thế giới và bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách sau mấy chục năm chiến tranh và bị bao vây cấm vận.

Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Trên bình diện thế giới, tình hình quốc tế cũng rất phức tạp khi cuộc chiến tranh Iraq vừa kết thúc không lâu. NATO lúc này lại phát động cuộc chiến tranh tại Nam Tư. Xung đột, bất ổn nổ ra tại nhiều nơi trên thế giới như ở châu Phi, Trung Đông, cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á…

Giữa bối cảnh đó, khoảng những năm 1997, UNESCO phát động chương trình văn hóa hòa bình, thập niên hòa bình. Đây là chủ trương rất lớn để thế giới hiểu được giá trị và ý nghĩa lớn lao của hòa bình, cho nên Việt Nam của chúng ta đã rất tích cực hưởng ứng chủ trương mang đầy tính nhân văn này.

Để cụ thể hóa chủ trương đó, trực tiếp ngài Federico Mayor - Tổng giám đốc UNESCO khi ấy đã đưa ra sáng kiến Giải thưởng Thành phố vì hòa bình nhằm tôn vinh, phát huy tinh thần đoàn kết, thúc đẩy, giao lưu hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa các thành phố trên thế giới với nhau, góp phần tạo ra môi trường hòa bình trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, giải thưởng của UNESCO càng trở nên đáng trân trọng hơn.

Là một dân tộc hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, phải trải qua các cuộc chiến tranh chống xâm lược để có được hòa bình, đất nước Việt Nam của chúng ta đã rất tích cực hưởng ứng chủ trương mang đầy tính nhân văn này.

Ở Giải thưởng này, UNESCO đề ra các tiêu chí rất cao như tiêu chí: Thúc đẩy đoàn kết và bình đẳng cộng đồng; cải thiện môi trường sống của người dân, có thành tích về xây dựng và phát triển về đô thị, nhà ở, bảo vệ môi trường, văn hóa, y tế, giáo dục công dân đặc biệt là đối với thế hệ trẻ…

Phải nói thêm, thời điểm đó, thành phố Hà Nội của chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần phải giải quyết trong khi tiêu chí của Giải thưởng đưa ra rất cao. Tuy nhiên, chúng ta thấy, tiêu chí của UNESCO tuy cao nhưng lại phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước, là mục tiêu mà chúng ta đã triển khai và đang hướng đến.

Do đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà nội với tinh thần, quyết tâm cao nhất ứng cử vào Giải thưởng này. Chúng ta muốn chứng minh với thế giới rằng, đất nước ta là một đất nước nghìn năm văn hiến, là một dân tộc yêu chuộng hòa bình; chúng ta đã phải trải qua các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược để có được hòa bình và hiện nay đang phấn đấu đạt được những tiêu chí và mục tiêu do UNESCO đề ra.

Một trong những khó khăn lớn nhất đó là chúng ta chưa có kinh nghiệm xây dựng hồ sơ bởi đây là lần đầu tiên chúng ta ứng cử một Giải thưởng lớn mang tầm quốc tế.

PV: Đại sứ có thể chia sẻ một số những khó khăn, thách thức trong quá trình chúng ta tham dự Giải thưởng?

Ông Trịnh Đức Dụ: Vấn đề quan trọng và cũng là khó khăn đặt ra là làm sao chúng ta phải xây dựng được hồ sơ ứng cử đáp ứng được tiêu chí do UNESCO đề ra trên cơ sở thực tế hiện có của Thành phố Hà Nội, vì đây là lần đầu ta tham gia ứng cử vào giải thưởng có tầm cỡ quốc tế.

Khó khăn tiếp theo là tiến hành vận động, chứng minh làm cho các thành viên Hội đồng xét duyệt nhận thấy Hồ sơ ứng cử của Hà Nội là có cơ sở, có tinh thuyết phục, xứng đáng là đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhận giải thưởng của UNESCO.

Hồ sơ trình UNESCO. (Ảnh: Báo Hà Nội mới)

Hồ sơ trình UNESCO. (Ảnh: Báo Hà Nội mới)

Thêm một khó khăn, thách thức khách quan rất lớn nữa là ở Giải thưởng này, có tới hơn 70 nước tham gia gửi hồ sơ ứng cử. Rất nhiều nước quan tâm đến Giải thưởng này, trong đó có nhiều thành phố, Thủ đô nổi tiếng của các nước trên thế giới như Nga, Pháp, Hà Lan, Italia, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn độ, Ai cập. Riêng châu Á có 11 nước gửi Hồ sơ tranh cử giải thưởng. Tuy nhiên, trong số hơn 70 nước này, theo quy định của UNESCO chỉ có 5 thành phố của 5 nước được chọn và mỗi châu lục chỉ có một nước. Đó là thử thách rất lớn đối với thành phố Hà Nội của chúng ta.

Khó khăn cuối cùng là thời gian ngắn và gấp rút vì vì tháng 5/1999 ta mới gửi hồ sơ ứng cử sang UNESCO-Paris, tức là chỉ có hơn 2 tháng để vận động.

PV: Đại sứ có thể chia sẻ thêm những kỷ niệm liên quan đến hành trình vận động để Hà Nội được trao tặng danh hiệu này? Phái đoàn của Việt Nam đã làm cách nào để tranh thủ sự yêu mến, ủng hộ của bạn bè quốc tế?

Ông Trịnh Đức Dụ: Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và phái đoàn đại diện Việt Nam tại UNESCO tại Paris đã phối hợp rất chặt chẽ và tiến hành khẩn trương cuộc vận động Ban lãnh đạo của Tổ chức UNESCO, đặc biệt là ông Tổng giám đốc UNESCO F. Mayor và các thành viên của Hội đồng xét duyệt.

Đại sứ Trịnh Đức Dụ (đeo kính, bên trái) đứng cạnh ngài Federico Mayor - Tổng giám đốc UNESCO giai đoạn 1996-1999. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đại sứ Trịnh Đức Dụ (đeo kính, bên trái) đứng cạnh ngài Federico Mayor - Tổng giám đốc UNESCO giai đoạn 1996-1999. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chúng ta đã tập trung vào việc giới thiệu, trình bày về bản chất của cuộc đấu tranh chính nghĩa chống xâm lược của nhân dân ta, về khát vọng và tinh thần yêu chuộng hòa bình, tự do của nhân dân ta; về truyền thống hòa hiếu, nhân đạo của dân tộc ta; làm rõ những cố gắng to lớn của Thành phố Hà Nội trong công cuộc xây dựng, phát triển và những thành tựu rất đáng khích lệ đạt được trong các lĩnh vực theo tiêu chí của UNESCO.

Tại Hà Nội, chúng ta đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng chương trình Thập kỷ văn hóa hòa bình do UNESCO phát động.

Tại Paris-Pháp, chúng tôi đặc biệt tập trung vào việc tranh thủ, vận động các thành viên của Hội đồng xét duyệt giải thưởng như gặp gỡ, tiếp xúc nhiều lần, tranh thủ sự thiện cảm, ủng hộ của họ. Đây là một việc làm hết sức cần thiết và như một thông lệ trong hoạt động đối ngoại.

Trong các cuộc vận động, ngoài những nội dung chính như đã trình bày ở trên, chúng tôi thường giới thiệu về việc Thành phố Hà Nội đang tích cực chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; về di tích Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam từ thế kỷ 11; về truyền thuyết Hồ Hoàn Kiếm, vua Lê Lợi sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm đã trả lại thanh gươm cho rùa ở Hồ Hoàn Kiếm.

Tôi có may mắn vừa là Đại sứ, đại diện của Việt Nam tại Tổ chức Pháp ngữ và đã đàm nhận chức vụ Chủ tịch cộng đồng các nước nói tiếng Pháp, vừa là Đại sứ Việt Nam tại UNESCO (mà giữa hai Tổ chức chia sẽ nhiều mục tiêu giống nhau như ủng hộ đa dạng về văn hóa, đa dạng về ngôn ngữ…). Tôi đã tranh thủ được sự cảm tình của bà Katerina Stenou, Tổng thư ký chấp hành của Hội đồng xét duyệt giải thưởng, người Hy Lạp và là một nhà văn nổi tiếng.

Tôi đã đề nghị với bà Katerina Stenou khi có kết quả bình chọn như thế nào thì bà vui lòng thông báo riêng ngay cho tôi biết.

Chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ tốt với bà Stenou, chia sẻ nhiều quan điểm chung với bà về nhiều vấn đề của UNESCO. Tôi đã đề nghị với bà khi có kết quả bình chọn như thế nào thì bà vui lòng thông báo riêng ngay cho tôi biết.

Hồ Bảy Mẫu nhìn từ trên cao.

Hồ Bảy Mẫu nhìn từ trên cao.

Giấy chứng nhận và biểu tượng Thành phố Vì hòa bình do UNESCO trao tặng Thủ đô Hà Nội.

Giấy chứng nhận và biểu tượng Thành phố Vì hòa bình do UNESCO trao tặng Thủ đô Hà Nội.

Giấy chứng nhận và biểu tượng Thành phố Vì hòa bình do UNESCO trao tặng Thủ đô Hà Nội.

Giấy chứng nhận và biểu tượng Thành phố Vì hòa bình do UNESCO trao tặng Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội bình yên sớm mùa thu. (Ảnh: Thành Đạt)

Hà Nội bình yên sớm mùa thu. (Ảnh: Thành Đạt)

PV: Là người trực tiếp tham gia các phái đoàn công tác, cũng là người đầu tiên đón nhận tin vui, ông có thể chia sẻ những cảm xúc đặc biệt khi đó?

Ông Trịnh Đức Dụ: Sáng ngày 6/7/1999, ngày cuối cùng xét các hồ sơ Giải thưởng, chúng tôi đã có mặt tại trụ sở của UNESCO tại Paris để chờ đợi kết quả cuộc họp.

Lúc đó, chúng tôi vỡ òa, sung sướng vô cùng.

Đến hơn 12 giờ trưa cùng ngày, bà Katerina Stenou, Tổng thư ký chấp hành của Giải thưởng đã gọi điện thoại cho tôi thông báo và chúc mừng thành phố Hà Nội đại diện cho Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã được bình chọn nhận Giải thưởng Thành phố vì hòa bình của UNESCO.

Lúc đó, chúng tôi vỡ òa, sung sướng vô cùng. Tôi đã báo cáo ngay về Hà Nội với Chính phủ, Bộ Ngoại Giao và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Đến ngày 13/7, ngài Federico Mayor - Tổng giám đốc UNESCO gửi công thư chính thức cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và mời ông sang La Paz, Thủ đô của Bolivia vào ngày 16/7/1999 để nhận Giải thưởng.

PV: Việc được vinh danh thành phố vì hòa bình có ý nghĩa như thế nào đối với vị thế của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, thưa ông?

Ông Trịnh Đức Dụ: Như vậy, bên cạnh danh hiệu: Thành phố Anh Hùng do Nhà nước ta trao tặng, Thành phố có thêm một danh hiêu do một tổ chức quốc tế có uy tín lớn trao tặng đó là danh hiệu Thành phố vì Hòa bình.

Trải qua 25 năm từ khi được nhận Giải thưởng UNESCO thành phố vì Hòa Bình đến nay, thành phố Hà Nội của chúng ta đã không ngừng phát triển về mọi mặt theo hướng đúng như các tiêu chí của Giải thưởng năm xưa mà UNESCO đề ra.

Thành phố Hà Nội hiện nay được dư luận đánh giá là điểm đến hòa bình, thân thiện và an toàn. Nhiều Nguyên thủ, Thủ tướng các nước ngoài sang thăm Việt Nam đã dạo bộ trên đường phố Hà Nội, như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thoải mái đi thưởng thức ẩm thực ở một nhà hàng của Hà Nội. Hà Nội cũng đã được lựa chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều Tiên năm 2019…

BẢN CHẤT HÀ NỘI LÀ MỘT THÀNH PHỐ HÒA BÌNH ĐÚNG NGHĨA

Tất cả những điều này là minh chứng sống động khẳng định bản chất Hà Nội là một thành phố hòa bình đúng nghĩa, đúng như giá trị Giải thưởng mà UNESCO và bạn bè quốc tế đã công nhận cho Thủ đô của chúng ta…

Ngày xuất bản: 10/2024
Tổ chức thực hiện: Trường Sơn
Nội dung: Minh Khôi, Sơn Bách
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: Thành Đạt, Trang Hanoi Creative city,
Báo Hà Nội mới, Báo Lao động,