Ý NGHĨA CỦA VIỆC GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ VỚI CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI HIỆN NAY

Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội-trái tim của Tổ quốc, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được giải phóng. Ngay sau khi giải phóng, phát huy truyền thống tốt đẹp của người Tràng An, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Đảng bộ Thủ đô, Hà Nội đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật, quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trở thành hậu phương vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam, xứng đáng là “lương tâm của thời đại”; “Thủ đô của phẩm giá con người”. Bước vào thời kỳ đổi mới, phát huy ý nghĩa vẻ vang của một Thủ đô giải phóng, Hà Nội nhanh chóng vươn lên, đổi mới tư duy, phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, trở thành “ thành phố vì hòa bình”, đóng góp quan trọng vào “thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” của công cuộc đổi mới hiện nay.

1. THỦ ĐÔ GIẢI PHÓNG GÓP PHẦN QUAN TRỌNG VÀO SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

Ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết. Hòa bình được lập lại trên cơ sở Pháp và các bên tham gia Hội nghị Giơnevơ công nhận độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Cuộc kháng chiến trường kỳ, đầy khó khăn, gian khổ của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp đã giành thắng lợi vẻ vang. Theo quy định của Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Trước khi rút quân, thực dân Pháp đã tìm cách phá hoại Thủ đô về mọi mặt.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Đảng bộ Hà nội lãnh đạo nhân dân Thủ đô đẩy mạnh đấu tranh đòi thực dân Pháp nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ, chống địch phá hoại, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ xí nghiệp, công sở, trường học, phát triển mạnh mẽ lực lượng cách mạng tại chỗ, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh kinh tế và ngoại giao, chuẩn bị toàn diện, tỉ mỉ, chu đáo các mặt chính trị, kinh tế để sẵn sàng tiếp quản Thủ đô. Sáng ngày 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308, đi đầu là Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “quyết chiến quyết thắng”, tiến vào Hà Nội. Thủ đô Hà Nội giải phóng, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, của hậu phương lớn miền Bắc, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cánh bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 tiến vào khu vực Cửa Nam, sáng 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Cánh bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 tiến vào khu vực Cửa Nam, sáng 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sau khi tiến vào Hà Nội, bộ đội ta tiếp quản nhanh gọn toàn bộ hệ thống vị trí quân sự của địch, các công trình lợi ích công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, công sở của thực dân Pháp và chính phủ Bảo Đại: Phủ toàn quyền cũ, Bắc Bộ phủ, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, ga, sân bay Gia Lâm, sân bay Bạch Mai... Thủ đô giải phóng, là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Hà Nội và của cả nước sau 9 năm kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 8 năm lên chiến khu Việt Bắc lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp, đã về lại Thủ đô.

Hà Nội bước vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.

Công cuộc cải tạo, xây dựng và bảo vệ Thủ đô theo con đường xã hội chủ nghĩa có ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng. Sự phát triển của Thủ đô không chỉ tác động toàn diện đến quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc mà còn phản ánh sự vững mạnh của đất nước, của chế độ mới, một nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.

Là một thành phố, trải qua 70 năm chiếm đóng của thực dân Pháp, Hà Nội gánh chịu những hậu quả nặng nề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Về chính trị, tàn dư của chủ nghĩa thực dân cũ còn rất nặng nề, các công sở lại bị thực dân Pháp phá hoại hoặc tháo dỡ chuyển đi: “Hầu hết hồ sơ quý hiếm bị chúng đốt hoặc đem đi. Khi ta tiếp quản, trong tổng số 137 công sở ở thành phố có 25 công sở bị thiệt hại nặng nề về tài sản, không thể tiếp tục làm việc ngay được; 31 công sở tài sản chỉ còn lại một phần nhỏ”. Thành phố tiếp nhận không chỉ nhân viên người Việt trong bộ máy chính quyền cũ mà còn hàng ngàn sĩ quan, binh lính chế độ cũ, hàng ngàn công chức cũ di cư vào Nam. Đội ngũ tình báo, gián điệp cài cắm ở lại hoạt động ráo riết, các đảng phái phản động lén lút hoạt động. Chế độ thuộc địa do thực dân Pháp thiết lập đã sụp đổ, nhưng những tàn dư của chế độ đó để lại gây khó khăn lớn trong xây dựng và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân ở Hà Nội.

Về kinh tế, công nghiệp Hà Nội rất nhỏ bé, lạc hậu. Khi tiếp quản, các nhà máy và xí nghiệp ở Hà Nội hầu hết đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chùng, trừ nhà máy điện, nước, ga. Máy móc bị tháo dỡ gần hết đưa đi, hoặc bị phá hoại nặng nề. Nông nghiệp ngoại thành có lúa và màu, rau và hoa. Lương thực trước đây người Hà Nội sử dụng chủ yếu được chở từ Sài Gòn ra. Ruộng đất bị hoang hóa do chiến tranh, bị một số địa chủ, tư sản chiếm đoạt, kỹ thuật lạc hậu, công cụ sản xuất thô sơ, thiếu sức kéo nên bị kiệt quệ. Thương mại, thương nghiệp, dịch vụ là nét đặc trưng, nổi bật nhất về kinh tế thành phố do Pháp để lại sau 8 năm tái chiếm Hà Nội. Tư bản Pháp hoạt động mạnh trên lĩnh vực thương mại, nắm độc quyền xuất nhập khẩu vào Đông Dương. Thương nhân người Hoa chiếm thế và lực khá lớn trong nền kinh tế Hà Nội sau thương nhân người Pháp. Tư bản thương nghiệp Ấn kiều kinh doanh mạnh ở ngành tơ, lụa, vải, sợi, tạp hóa, ăn uống. Thương nhân người Việt phát triển đông hơn, vốn khá hơn so với trước năm 1945. Tư sản mại bản giàu lên nhanh và đa số di cư vào Nam...

Cuộc tái xâm lược của thực dân Pháp làm cho nền kinh tế thành phố vốn đã bị sút kém từ Chiến tranh thế giới thứ hai, lại càng sút kém hơn. Đó là nền kinh tế thuộc địa điển hình, lạc hậu, què quặt về mọi mặt, lại bị thực dân Pháp phá hoại trước khi rút đi làm cho việc sản xuất, kinh doanh càng thêm đình đốn.

Về văn hóa-xã hội, Hà Nội là nơi tập trung các cơ quan khoa học, giáo dục văn hóa, nghệ thuật của cả nước. Khi kháng chiến bùng nổ, đa số trí thức, văn nghệ sĩ Hà Nội đi theo kháng chiến, phục vụ kháng chiến, chỉ còn số nhỏ ở lại. Văn học, nghệ thuật không có thành tựu và không có gì đóng góp đáng kể. Văn hóa-văn minh Pháp dưới ách cai trị của thực dân Pháp không còn ảnh hưởng, tác dụng tích cực đến văn hóa dân tộc. Trái lại, những nọc độc của nền văn hóa thực dân nô dịch làm cho văn hóa dân tộc bị mai một dần.

Tất cả đặt ra một vấn đề: Từ 10/10/1954, Hà Nội được giải phóng, từ chiến tranh chuyển sang hòa bình; từ một thủ đô của Liên bang Đông Dương, một căn cứ quân sự quan trọng của Pháp ở Đông Dương, trong đó, toàn bộ bộ máy chính trị-quân sự, hoạt động kinh tế-xã hội đều nhằm phục vụ cho quân đội Pháp chiếm đóng và ngụy quân, ngụy quyền tay sai, Hà Nội trở lại là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bắt đầu cải tạo và xây dựng từ đầu cả hệ thống chính trị và cơ cấu kinh tế-xã hội, cả cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, theo chủ nghĩa xã hội.

Từ năm 1954 đến năm 1965, trải qua ba kế hoạch khôi phục, cải tạo và phát triển hòa bình, nhân dân Hà Nội đã: “... hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp cả nước ta, để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”.

Hà Nội đã nhanh chóng ổn định đời sống và lao động sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất nông nghiệp và công nghiệp theo hướng xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và phồn vinh.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta chưa kết thúc, đế quốc Mỹ đã nhảy vào miền Nam Việt Nam, mưu đồ biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự chống CNXH và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam.

Trước thách thức chưa từng có trong lịch sử dân tộc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, lời hiệu triệu Không có gì quý hơn độc lập tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi từ Hà Nội - Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cả nước ra trận, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Người khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Hà Nội, ngày 17/7/1966. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Người khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Hà Nội, ngày 17/7/1966. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Hai mươi mốt năm kiên cường kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng mà Đảng đã vạch ra, với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi oanh liệt, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, an ninh quốc phòng từ khi Thủ đô giải phóng làm cho “Hà Nội đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử. Thành phố, xã hội, con người đều đổi mới. Nhân dân Hà Nội là người chủ của thành phố, đoàn kết, cần kiệm xây dựng đời sống mới, phấn đấu vì lợi ích chung. Thực lực của Hà Nội đã tăng lên về mọi mặt. Hà Nội thực sự trở thành trung tâm vững chắc của cách mạng cả nước và là cơ sở để tiến lên chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến tranh nhân dân chống lại chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ”.

Nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nằm trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm.

Nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nằm trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm.

2. PHÁT HUY Ý NGHĨA VIỆC GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI HIỆN NAY

Nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nằm trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm.

Nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nằm trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm.

Phát huy ý nghĩa vẻ vang của Thủ đô ngàn năm văn hiến, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam đã được khẳng định trong 6 thập kỷ qua, nhất là trong những bước ngoặt của lịch sử dân tộc.

Đứng trước yêu cầu của lịch sử, nhằm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, khi “đổi mới” đã trở thành vấn đề có tầm quan trọng sống còn đối với dân tộc, với bản lĩnh chính trị đã được tôi luyện trong quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng đã “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, tự phê bình và phê bình sâu sắc, nhận thức lại con đường, bước đi xây dựng CNXH, lắng nghe, tập hợp ý kiến nguyện vọng và trí tuệ của nhân dân để hoạch định đường lối đổi mới đất nước tại Đại hội VI của Đảng (1986).

Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã đáp ứng đòi hỏi cấp bách của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và cục diện thế giới mới. Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã không ngừng nỗ lực, tích cực, chủ động tìm tòi, khám phá và sáng tạo. Con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ về lý luận và thực tiễn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII (1991) và sau 20 năm thực hiện, từ thực tiễn của đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), là bước phát triển nhận thức, lý luận quan trọng trong tiến trình đổi mới đất nước./.

Nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Ảnh: Tư liệu TTXVN, Thành Đạt, Đăng Khoa

Trình bày: Bảo Minh