Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam coi là nhiệm vụ then chốt có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, từ sứ mệnh lịch sử và địa vị lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong mọi thời kỳ cách mạng, bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn, hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà đất nước và dân tộc trao cho. Bởi Đảng cầm quyền luôn phải đối phó với hai nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối chính trị, dao động tư tưởng trước những khó khăn, thách thức; quan liêu, xa rời quần chúng, tham nhũng, thoái hóa, biến chất. Qua các giai đoạn cách mạng, Đảng ta đã tiến hành nhiều đợt chỉnh đốn và chỉnh huấn Đảng với những mục tiêu, nhiệm vụ, phương pháp thực hiện khác nhau.
Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, xây dựng, chỉnh đốn Đảng với mục đích tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động
Những năm 1936-1939, phong trào cách mạng xuất hiện những khuynh hướng khác nhau, có nguy cơ gây chia rẽ Đảng, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong giai đoạn lịch sử đầy biến động và phức tạp ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với bút danh Trí Cường, đã viết cuốn Tự chỉ trích, do Nhà sách Dân chúng ấn hành tại Sài Gòn năm 1939. Đây là tác phẩm lý luận mẫu mực về tinh thần tự phê bình và phê bình.
Trong tác phẩm này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ nêu rõ: "Bao giờ sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích bônsơvích, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chớ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng - dù cho đúng - đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ trong hàng ngũ Đảng...".
Theo đồng chí Nguyễn Văn Cừ: "Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không sợ địch nhân lợi dụng, chửi rủa vu cáo cho Đảng, không sợ "nối giáo cho giặc". Trái lại, nếu "đóng kín cửa bảo nhau", giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa; hơn nữa, đó tỏ ra không phải một đảng tiền phong cách mạng, mà là một đảng hoạt đầu cải lương".
Với tinh thần ấy, Tự chỉ trích là tài liệu giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, qua đó cho thấy, tự phê bình và phê bình không phải chỉ dừng ở phương diện cá nhân mà cao hơn thế, ở tầm tư tưởng chiến lược của cách mạng.
Tự chỉ trích đã trở thành tác phẩm lý luận chính trị nổi tiếng, góp phần uốn nắn những lệch lạc trong phong trào cách mạng, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng; kiên quyết đấu tranh chống lại mọi biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, cả tả khuynh và hữu khuynh, bảo đảm tính đúng đắn của đường lối chính trị của Đảng. Tác phẩm là văn kiện tổng kết những kinh nghiệm phong phú về việc thực hiện chính sách mặt trận của Đảng, thể hiện tầm nhìn chiến lược, có giá trị củng cố niềm tin, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, đồng thời là cẩm nang của Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng về xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất và sức chiến đấu của Đảng.
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tập trung vào nhiệm vụ hoạch định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo
Khi đã trở thành Đảng cầm quyền, đối tượng lãnh đạo của Đảng không thay đổi nhưng điều kiện hoạt động của Đảng đã thay đổi về cơ bản. Điều này đặt ra yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng không bị tha hoá bởi quyền lực, cán bộ, đảng viên không bị biến chất khi đã nắm giữ những cương vị có quyền lực.
Đấu tranh thắng lợi với những căn bệnh, những kẻ thù vô hình đó không đơn giản. Những kẻ thù đó nhiều khi ở trong chính những đồng chí của mình, thậm chí trong chính bản thân mình. Điều này đòi hỏi Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn tổ chức, rèn luyện phẩm chất và năng lực của toàn Đảng cũng như của từng đảng viên.
Sau khi cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thành công (tháng 8/1945), thấy rõ nguy cơ và thực tế hạn chế, khuyết điểm của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (10/1947). Đó là lần chỉnh đốn Đảng đầu tiên. Trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên 12 điều về tư cách của Đảng chân chính cách mạng và đạo đức cách mạng.
Mục đích của Sửa đổi lối làm việc là nâng cao trình độ lý luận, nâng cao tư tưởng và tình cảm cách mạng, nâng cao phẩm chất đạo đức, tác phong công tác của người cán bộ cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của cách mạng.
Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán “chủ nghĩa cá nhân” coi đó là thứ “vi trùng rất độc” sinh ra các khuyết điểm nghiêm trọng như bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh “hữu danh, vô thực”, kéo bè, kéo cánh, bệnh "cận thị" không biết nhìn xa, trông rộng...
Những năm cuối kháng chiến chống Pháp, Đảng lại mở cuộc chỉnh đốn Đảng. Tháng 5/1952, tại Lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định:
Mục đích chỉnh Đảng là nâng cao tư tưởng và trình độ chính trị của đảng viên và cán bộ, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm và lập trường vô sản.
Trong bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt II của Đoàn “Thái Nguyên – Bắc Giang” ngày 8/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Một là phải thật thà, thành khẩn tự phê bình, xem lại mình có khuyết điểm gì, anh chị em mình có khuyết điểm gì. Có người sợ nói ra mất thể diện, thế là dại, cũng như người có bệnh mà giấu bệnh không nói rõ cho thầy thuốc biết. Giấu bệnh thì bệnh ngày càng nặng. Giấu khuyết điểm thì khuyết điểm ngày càng nhiều. Phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh anh chị em phê bình. Phải thật thà tự phê bình chứ không phải là phê bình qua loa. Phải hoan nghênh đồng chí phê bình mình. Mình phải tự đấu tranh với mình”.
Năm 1961, khi nhân dân miền nam đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân miền bắc phát huy vai trò là hậu phương lớn của cả nước, Đảng lại mở đợt chỉnh huấn trong toàn Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định mục đích, nhiệm vụ của chỉnh huấn là: “Trung ương Đảng sẽ mở cuộc chỉnh huấn cho đảng viên, đoàn viên và tất cả mọi người, làm cho tất cả hiểu rõ hơn trách nhiệm làm chủ của mình, hiểu rõ nhiệm vụ sản xuất và tiết kiệm trong giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, phê phán lối suy nghĩ cá nhân chủ nghĩa”.
Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn quyết liệt, trong quá trình chỉnh huấn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt. Chính vì vậy mà cuộc chỉnh huấn lần này của Đảng ta nhằm mục đích tẩy rửa chủ nghĩa cá nhân và nâng cao đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản”.
Yêu cầu về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh là mối quan tâm lớn nhất, sâu sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc của Người. Ba nội dung lớn về xây dựng Đảng được thể hiện trong Di chúc là:
“Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng đã được Đảng ta quán triệt sâu sắc, hành động cụ thể, thường xuyên, liên tục. Đảng đã được xây dựng, chỉnh đốn theo những vấn đề căn bản đó và đã phát triển vững mạnh, đưa kháng chiến đến thắng lợi, lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang.
Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa.
Cán bộ và đảng viên làm việc không đúng, không khéo, thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều. Đó là lẽ tất nhiên.
Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công. Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh.
- Khuyết điểm có nhiều thứ. Chúng ta có thể chia tất cả các khuyết điểm vào ba hạng:
- Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan.
- Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi.
Khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa.
Đó là ba chứng bệnh rất nguy hiểm. Nếu không chữa ngay, để nó lây ra, thì có hại vô cùng.
(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.272, 273)