Yêu cầu, nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, làm suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước, xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài.
Nhìn lại công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong kỷ nguyên đổi mới, nhất là trong hơn một thập niên vừa qua, kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo[1], công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, có bước tiến mạnh, đột phá lớn, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, đồng bộ cả phòng và chống, cả ở Trung ương và địa phương; để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, các nước, các tổ chức quốc tế ghi nhận. “Đây là kết quả tích cực nhất trong các lần tự chỉnh đốn Đảng từ khi thành lập đến nay"[2], góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo động lực mới, khí thế mới, niềm tin mới để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được thể hiện trên một số khía cạnh sau:
Một là, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đồng bộ nhiều cán bộ sai phạm, cảnh tỉnh, răn đe, sàng lọc, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, liêm khiết, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của kỷ nguyên mới. Với phương châm “trị bệnh cứu người”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ tồn đọng, kéo dài, cả vụ, việc mới phát sinh, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh[4]; xử lý đồng bộ, công khai, rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn cán bộ, đảng viên vi phạm, cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao, có sức cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm. Đồng thời, khuyến khích từ chức, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống”, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đã được phát hiện, thay thế[5]; qua đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, sàng lọc đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Đây cũng là bài học đắt giá cho thế hệ cán bộ lãnh đạo tương lai, những người đã chứng kiến sự “được - mất” của sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực; phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[6], không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh, tự lực, tự tin đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Hai là, hoàn thiện thể chế, pháp luật, tạo hành lang chính trị, pháp lý đồng bộ, bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý kinh tế-xã hội có hiệu lực, hiệu quả. Cùng với phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực. Nhiều chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được ban hành[7] và tổ chức thực hiện quyết liệt, đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt, phát huy hiệu quả ngay sau khi vừa ban hành. Nhất là, đã làm rõ và xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tham mưu, ban hành chính sách, pháp luật có thiếu sót, sơ hở, bất cập. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và hoàn thiện thể chế thuộc lĩnh vực quản lý, phụ trách, nhiều sơ hở, bất cập, điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách, pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ba là, cải cách hành chính, công khai, minh bạch và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, từng bước hình thành “đời sống số”, “xã hội số” trong kỷ nguyên mới. Nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng. Cấp ủy, chính quyền, cán bộ lãnh đạo các cấp đã quan tâm hơn việc tiếp nhận, đối thoại, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, những vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán; xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, môi trường làm việc trên không gian mạng,... “đời sống số”, “xã hội số” đang từng hình thành rõ nét ở Việt Nam, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, vừa có tác dụng tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, vừa góp phần giảm bớt các hiện tượng tiêu cực, vòi vĩnh, gây khó dễ trong giải quyết các thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước.
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp, củng cố niềm tin của nhân dân, ý Đảng hòa quyện với lòng dân, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Dựa vào dân để chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những bài học quý mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh. Trong bài viết “Bài học lịch sử vô giá”, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu đi sâu nghiên cứu, quán triệt và vận dụng thật tốt bài học lịch sử vô giá “lấy dân làm gốc”, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông cha ta đã rút ra. Thực tiễn cho thấy, không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của nhân dân, không có gì mà nhân dân không biết, do đó không có gì có thể “qua mắt” được nhân dân; sự đồng lòng, ủng hộ, cùng vào cuộc của các tầng lớp nhân dân là thước đo niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng; chỉ có phát huy đầy hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 190 luật, pháp lệnh và nhiều nghị quyết quan trọng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.100 nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hơn 100.000 văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa, thể chế hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. đủ sức mạnh của nhân dân mới có thể đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, tạo thành một “phong trào, xu thế” không thể đảo ngược, có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, mới thực sự là “ý Đảng, lòng dân”. Trong nội dung trao đổi chuyên đề về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (tại Lớp Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV - Lớp 3), đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Hiện nay là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Năm là, củng cố, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập và phát triển sâu rộng trên trường quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp của hệ thống các cơ quan công quyền và đội ngũ cán bộ công chức, tạo dựng môi trường lành mạnh, thông thoáng, công bằng, công khai, minh bạch. Do vậy, các nước, các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam[8], ngày càng tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, yên tâm đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đột phá, quan trọng nêu trên, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế… gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, hình thành các “nhóm lợi ích”, thậm chí chi phối công tác cán bộ và hoạt động của cơ quan nhà nước, gây bức xức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, trong bài viết gần đây của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ tình trạng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, với nhiều hình thức khác nhau, có vụ việc rất nghiêm trọng, “bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước"[9], hành vi tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã ít nhiều tác động đến tâm lý cán bộ, đảng viên, làm nảy sinh tư tưởng làm nhiều sai nhiều, không làm không sai, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử, dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, sợ sai, không dám làm, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiện nay là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là “kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu;…”[10] đang đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ ở tầm cao mới. Trong đó, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải tiếp tục được đẩy mạnh, với cách làm bài bản, khoa học, phù hợp, biện chứng, toàn diện, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phải quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là: Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải được tiến hành đến tận cơ sở, chi bộ, dưới sự giám sát của nhân dân; phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng lên trên hết; phải đi đôi với khuyến khích và bảo vệ đổi mới, sáng tạo; phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Trong đó cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Một là, hoàn thiện và kiên quyết thực hiện đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả thể chế phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trước hết là khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá toàn diện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống lãng phí. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế về phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; thể chế về kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong thi hành công vụ; trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; bảo vệ, khuyến khích người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội, vừa bịt kín “khoảng trống”, “kẽ hở” để không thể lợi dụng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Hai là, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gắn với tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế-xã hội. Triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân có sai phạm, các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, theo đúng phương châm “phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực” và “có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể”. Quá trình xử lý phải tiến hành đồng bộ giữa xử lý kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật đảng nghiêm hơn xử lý theo pháp luật. Không chỉ xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, mà còn xử lý nghiêm cả những người dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; người lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để xuyên tạc, kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước. Đồng thời, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở theo phương châm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải từ cơ sở, từ chi bộ; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Việc xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải nghiêm minh, nhân văn, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phù hợp với thực tế, lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; phải tiến hành đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; trong đó, “hình sự là biện pháp cuối cùng”[11]. Khắc phục khó khăn, vướng mắc trong cơ chế xử lý vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần khơi thông các nguồn lực, đưa các tài sản vào lưu thông, tránh thất thoát, lãng phí, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ba là, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, trở thành việc làm “tự giác”, “tự nguyện”, “như cơm ăn, nước uống, áo mặc hằng ngày”. Tăng cường giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ; khuyến khích cán bộ, đảng viên, nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tạo thói quen quý trọng thời gian làm việc, tiền bạc, tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nhớ điều cấm, giữ giới hạn, chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; thực hiện tốt các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; kiên quyết chống biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, bè phái, cục bộ, “lợi ích nhóm”; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tăng cường tính tự giác không muốn tham nhũng, tiêu cực, trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Bốn là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng các cơ quan, đơn vị làm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong sạch, vững mạnh, theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo đúng tinh thần chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “kiểm soát quyền lực, thực hành liêm chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết phải được tiến hành có hiệu quả trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực"[12]. Xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định để ngăn ngừa có hiệu quả sự tác động tiêu cực, không lành mạnh vào hoạt động của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, liêm chính; không chịu bất kỳ sự cám dỗ, mua chuộc và sức ép không trong sáng nào. Các cơ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải quán triệt và thực hiện hiệu quả phương châm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là phải “chắc - sắc - đắc”. Đó là luật pháp chắc, nghiệp vụ sắc, đắc nhân tâm và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng vai, thuộc bài. Tuyệt đối không được lợi dụng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để cản trở sự phát triển hoặc trục lợi.
Năm là, triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở khu vực ngoài nhà nước; tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo quy định của pháp luật. Kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí khu vực ngoài nhà nước, nhất là những vụ việc có sự cấu kết giữa doanh nghiệp với cán bộ nhà nước thoái hóa, biến chất, không để hình thành “nhóm lợi ích” chiếm đoạt tài sản nhà nước, chi phối, lũng đoạn quyền lực, làm ảnh hưởng đến môi trường phát triển kinh tế-xã hội và sự vận hành thông suốt của bộ máy nhà nước; qua đó, “tạo không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính”. Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, truy bắt, dẫn độ những đối tượng bỏ trốn. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng.
Sáu là, phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; giám sát, phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội. Tăng cường các phiên chất vấn, giải trình về việc phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên và công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân trực tiếp phản ánh, tố giác tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp ý với cấp ủy về công tác cán bộ. Hoàn thiện cơ chế nhân dân giám sát, kiểm soát quyền lực thật sự có hiệu lực, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng quan liêu, lạm quyền, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, hành vi phi đạo đức; cổ vũ, biểu dương các gương sáng về đạo đức, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời, phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu hoạt động của thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để bôi nhọ, phá hoại Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Kiểm soát quyền lực, thực hành liêm chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết phải được tiến hành có hiệu quả trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tham nhũng, tiêu cực là “giặc nội xâm”, là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, liên quan đến lợi ích, tiền tài, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Do đó, rất khó khăn, phức tạp và lâu dài; luôn bị các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng để chống phá, gây mất ổn định chính trị. Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước ta, mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực sẽ có bước tiến mới, góp phần quan trọng vào xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.
Đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương
(Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 15/11/2024)
Xuất bản: Tháng 11/2024
Trình bày: Phương Trang
Ảnh: Báo Nhân Dân