Sách "70 năm Thủ đô Hà Nội: Truyền thống, nguồn lực, định hướng phát triển" của Thành ủy – Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tác giả: Lê Trung Kiên
Cái đẹp của đô thị trong văn hóa Thăng Long - Hà Nội chính là sản phẩm tất yếu của khối óc và bàn tay lao động sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội, được định hướng và chi phối mạnh mẽ của chính quyền đô thị. Trải qua hơn 1000 năm hình thành và phát triển, Thăng Long - Hà Nội từ một thành thị của xã hội nông nghiệp lạc hậu với nền văn minh lúa nước đã trở thành một đô thị hiện đại của nền văn minh công nghiệp. Trong đời sống đô thị, việc di chuyển của con người đã dần thay đổi từ chỗ xe kéo tay, xe súc vật kéo, đến xe đạp, tầu điện, và bây giờ là xe máy, xe buýt, và ô tô. Xây dựng phát triển đô thị từ chỗ tự phát - tự nhiên chưa có quy hoạch đến có quy hoạch và quy hoạch chặt chẽ, rõ ràng, từ chưa có ý thức thẩm mỹ trong kiến trúc xây dựng đến chỗ thể hiện rõ quan điểm thẩm mỹ của con người - chủ nhân của nó trong kiến trúc xây dựng. Quan điểm thẩm mỹ và lối sống của con người nói chung được thể hiện trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật và các hoạt động mỹ thuật trong xã hội đô thị cũng thay đổi từ thuần nhất đến phức hợp đa dạng, phong phú, từ đơn điệu đến phức tạp, từ thẩm mỹ Á đông sang thẩm mỹ phương Tây và Đông - Tây kết hợp. Tất cả những điều đó đã làm nên diện mạo thẩm mỹ đô thị Thăng Long - Hà Nội.
Bản chất của cái đẹp đó là gì, tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, chúng ta có thể nhận biết được qua những yếu tố sau:
Hoàng Thành
1. Sự gắn bó nhuần nhuyễn giữa tính thực dụng và tính thẩm mỹ
Nhiều nhà nghiên cứu mỹ học đã chỉ ra rằng, cái thẩm mỹ đi sau cái thực dụng. Các sách mỹ học của chúng ta cũng mô tả trật tự các loại nhu cầu con người theo một mô hình kim tự tháp bảy tầng (mô hình Maslow): Đáy thấp nhất là nhu cầu sinh học, sau đến các nhu cầu khác là nhu cầu an ninh, nhu cầu tình cảm, nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu hoạt động thực tiễn, nhu cầu trí thức và cao nhất là nhu cầu thẩm mỹ. Một khi nhu cầu thấp chưa được đáp ứng thì nhu cầu cao hơn khó có thể được xem trọng.
Thẩm mỹ là một nhu cầu cao cấp của con người và gắn liền với nhu cầu thực dụng. Trong quá trình xây dựng và phát triển, người Thăng Long - Hà Nội đã biết kết hợp một cách nhuần nhuyễn hữu cơ giữa hai nhu cầu này. Điều đó thể hiện trước nhất và rõ nhất ở ngay từ khâu quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị. Quy hoạch sao cho đảm bảo thuận lợi cho việc sinh hoạt giao lưu làm ăn buôn bán, và ở chính quan niệm của con người đô thị về cái đẹp: một đô thị đẹp là một đô thị sạch sẽ, không rác rưởi bẩn thỉu, có bầu không khí thoáng đãng trong lành đảm bảo cho sức khoẻ của con người. Môi trường sạch là một nhu cầu thực dụng và cũng là nhu cầu thẩm mỹ, cái sạch của đô thị Thăng Long - Hà Nội là yếu tố không những cần thiết để người Hà Nội khỏe mạnh mà còn là yếu tố thu hút khách du lịch khắp nơi, cả trong nước và quốc tế đổ về, tạo ra nhiều những hình thức dịch vụ khác, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho cư dân đô thị.
Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì phố Hiến.
Trong một môi trường sạch sẽ, không ô nhiễm đó, sự thống nhất giữa tính thực dụng và tính thẩm mỹ còn được bộc lộ ở quy hoạch đô thị và kiến trúc của Thăng Long - Hà Nội. Ngay từ thời phong kiến, khu Hoàng Thành là những kiến trúc cung đình, những cung, những điện rộng lớn, khang trang, được trau chuốt cầu kỳ và hoa mỹ phục vụ đắc lực cho việc triều chính và cuộc sống vương giả của vua quan trong triều, cái đẹp của kiến trúc nơi đây là sự nguy nga, tráng lệ, tỏ rõ quyền uy và sức mạnh tính chất của từng công trình và những mối liên hệ giữa chúng trong chính quyền Nhà nước phong kiến đương thời. Nó khác hẳn với cái đẹp của khu Kinh Thành - là nơi dân cư tụ họp làm ăn sinh sống. Cái đẹp nơi đây, không phải là hình dáng kiến trúc của từng ngôi nhà hình ống mà là cái tâm thế của toàn khu phố, những ngôi nhà nương tựa vào nhau, tầng tầng lớp lớp, cùng sinh cùng tử một cách sống động đã làm cho môi trường đô thị trở nên thấm đẫm tình người, vừa tiện lợi cho việc giao thương, buôn bán, vừa tạo nên một diện mạo sầm uất, vui tươi gây được hiệu ứng mỹ cảm cho con người sống trong môi trường đó. Hai hình thức kiến trúc đó đối lập nhau, nhưng không bài trừ nhau mà lại càng bổ sung cho nhau tôn thêm vẻ đẹp riêng có của mình tạo thành xương sống cho cái đẹp của vùng kinh kỳ đã được truyền tụng đến muôn đời: “thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì phố Hiến”.
Đến thời thuộc Pháp, sự thống nhất giữa tính thẩm mỹ và tính thực dụng được thể hiện một cách khoa học hơn. Với những công trình kiến trúc theo phong cách Châu Âu, đẹp như những tác phẩm nghệ thuật, Hà Nội trở nên như thơ mộng hơn, cái đẹp của địa hình địa thế nơi đây như được khai thác một cách có hiệu quả hơn. Hiệu ứng mỹ cảm mà môi trường kiến trúc mang lại cho con người thể hiện một cách thiết thực, tiện dụng và khoa học.
Sự thống nhất giữa tính thẩm mỹ và tính thực dụng của đô thị Hà Nội, không chỉ thể hiện trong quan hệ với môi trường tự nhiên, trong quy hoạch, kiến trúc đô thị mà còn thể hiện ngay trong lối sống của con người đô thị.
Người Hà Nội luôn ăn ở sạch sẽ, gọn gàng và có cuộc sống ngăn nắp nề nếp theo những chuẩn mực, khuôn mẫu đã được gia đình và xã hội xem như những giá trị thẩm mỹ của người Hà Nội.
Người Hà Nội luôn ăn ở sạch sẽ, gọn gàng và có cuộc sống ngăn nắp nề nếp theo những chuẩn mực, khuôn mẫu đã được gia đình và xã hội xem như những giá trị thẩm mỹ của người Hà Nội. Sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng trong gia đình, chấp hành quy tắc, nguyên tắc sinh hoạt cộng đồng ngoài bến tầu bến xe, nơi sinh hoạt công cộng cũng là những tiêu chí làm nên nét thanh lịch của người Hà Nội.
Sự thống nhất giữa tính thực dụng và tính thẩm mỹ của người Hà Nội còn được biểu hiện trong các hoạt động nghệ thuật và vui chơi giải trí của người Hà Nội. Phong cảnh thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình là cái đẹp phổ biến, sống trong môi trường đô thị, bận rộn với công việc, không có điều kiện để du ngoạn, thưởng thức vẻ đẹp của trời mây non nước, người Hà Nội vẫn tìm ra những thú vui mới lạ, vừa đáp ứng được nhu cầu tinh thần vừa đảm bảo công việc tiến hành trôi chảy là chơi cây cảnh, đắp những ngọn giả sơn, nuôi chim cảnh ngay trong ngôi nhà ở hình ống của mình. Thú chơi này cũng là nét tạo ra cái đẹp thanh lịch của người Hà Nội và nó cũng xuất phát từ sự thống nhất giữa tính thực dụng và tính thẩm mỹ của con người đô thị.
2. Sự thống nhất giữa các quan hệ đạo đức và quan hệ thẩm mỹ, giữa đời sống thường nhật và đời sống tâm linh của người Thăng Long - Hà Nội
Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, bao gồm những quy tắc, nguyên tắc và chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp giữa lợi ích cá nhân và sự phát triển của xã hội trong các mối quan hệ giữa người với người. Đạo đức là một giá trị văn hóa tinh thần, luôn gắn liền với cái đẹp của người Thăng Long - Hà Nội và cái đẹp của Thăng Long - Hà Nội luôn góp phần làm nên đạo đức của người Hà Nội. Cái cốt lõi làm nên sự sang trọng, tự tin, lịch lãm của lối sống người Hà Nội chính là đạo đức.
Sự thống nhất giữa các quan hệ thẩm mỹ và quan hệ đạo đức, giữa đời sống thường nhật và đời sống tâm linh trong môi trường thẩm mỹ đô thị Hà Nội thể hiện trước tiên trong mỗi gia đình Thăng Long - Hà Nội. Với cấu trúc của xã hội đô thị, gia đình là một quan hệ bền vững nhất trong hệ thống các mối quan hệ xã hội của người Hà Nội. Trong đời sống gia đình, yếu tố tâm linh luôn gắn kết với yếu tố thẩm mỹ, sự gắn kết đó tạo nên tính nhân bản của đời sống gia đình, làm nên sự bền vững của văn hóa gia đình.
Cái đẹp trong văn hóa gia đình được bộc lộ từ nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống hàng ngày: từ sự bài trí bàn thờ tổ tiên đến những quy tắc giao tiếp giữa cha mẹ con cái, anh em, ông cháu trong nhà.
Cái cốt lõi làm nên sự sang trọng, tự tin, lịch lãm của lối sống người Hà Nội chính là đạo đức.
Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng phải được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà, gia chủ khi đứng trước bàn thờ trong những ngày giỗ tết bao giờ cũng phải có trang phục chỉnh tề, tươm tất với thái độ thành kính. Mâm cơm cúng được mọi người dành cho sự quan tâm đặc biệt: gia đình khá giả thì bày biện của ngon vật lạ, gia đình nghèo khó thì lễ vật đơn sơ, nhưng bao giờ lễ vật dâng cúng cũng là những gì ngon nhất, đẹp nhất, quý nhất của mỗi gia đình. Tất cả đều nói lên rằng con cháu luôn dành những gì đẹp nhất tinh khiết nhất cho tổ tiên, ông bà cha mẹ. Đó chính là cái tâm cái đức con cháu của người Hà Nội. Trong khung cảnh linh thiêng, khói hương trầm phảng phất đưa tâm thức của mọi người trong toàn gia đình đến với cội nguồn, về với đạo lý “công cha nghĩa mẹ” để rồi có điều kiện tĩnh tâm, nghĩ đến điều thiện và vươn tới cái thiện. Đó chính là cái đẹp linh thiêng trong văn hóa gia đình đô thị.
Trong gia đình thì vậy, ngoài xã hội, sự thống nhất giữa đạo đức và thẩm mỹ được bộc lộ rõ tại những không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng linh thiêng, trong các sinh hoạt tín ngưỡng – tôn giáo, lễ hội của cộng đồng đô thị.
Hà Nội có rất nhiều chùa, đền, đình và đây chính là những trung tâm, những điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của con người khắp mọi miền đất nước nói chung và của người Hà Nội nói riêng. Những địa chỉ này không những là những công trình văn hóa nghệ thuật mang giá trị thẩm mỹ độc đáo, mang bản sắc dân tộc đậm đà, là những thắng cảnh, mà còn là những không gian dành riêng cho cuộc sống tâm linh của con người, nơi con người trong tâm thức có thể giao lưu với thần linh, với các bậc thánh hiền nhằm giải tỏa bế tắc của cuộc sống thường nhật, tìm ra những niềm tin vào điều thiện, những sự tốt lành trong cuộc sống đời thường, đồng thời cũng là nơi giáo dục, trao truyền những giá trị đạo đức những giá trị nhân bản cho con người.
Mỗi một ngôi chùa, mỗi một ngôi đền dù có quy mô lớn nhỏ khác nhau nhưng đều có một sự tích sống động về những tấm gương đạo đức trong các quan hệ con người, trong đối nhân xử thế ngoài xã hội. Tất cả những không gian tâm linh đó đều chứa đựng những kỷ vật minh chứng cho nền văn hóa đạo đức, rộng lượng, bao dung tràn đầy vị tha của người Hà Nội.
Những không gian linh thiêng không đồ sộ, to lớn và hoành tráng nhưng rất nhẹ nhàng thoáng đãng và đậm chất nhân văn như vậy là môi trường đẹp góp phần tạo nên những giá trị đạo đức cao đẹp, là chiếc nôi nuôi dưỡng tinh thần vị tha, bao dung - những phẩm chất cơ bản trong sự thanh lịch của người Thăng Long - Hà Nội.
Văn Miếu-Quốc Tử Giám
3. Sự hội tụ, giao lưu và tiếp biến những tinh hoa văn hóa, thẩm mỹ nghệ thuật của đất nước và trên thế giới
Không phô trương, nhẹ nhàng mà sâu sắc là phong cách của nghệ thuật nói chung và mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội nói riêng.
Ngay từ khi mới thành lập, Thăng Long - Hà Nội đã là nơi hội tụ của các nhân tài trên mọi miền đất nước, điều này đã được dân gian đúc kết với câu ngạn ngữ: “khéo tay hay nghề, đất lề kẻ chợ”. Trong lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật, mỹ thuật (một lĩnh vực sáng tạo và truyền bá cái đẹp) cũng vậy. Từ trước tới nay, các nghệ nhân nổi tiếng của các miền đất nước đều tụ tập về đây, mở rộng giao lưu và sáng tạo. Vì vậy mà Thăng Long - Hà Nội bao giờ cũng là nơi mà các hoạt động văn hóa nghệ thuật, mỹ thuật với các hình thức phong phú, đa dạng diễn ra sớm nhất và sôi động nhất trong cả nước. Chính các hoạt động này đã góp phần hình thành nên phong cách thẩm mỹ của người Hà Nội - Nhanh nhạy nắm bắt cái mới, tiếp biến cái mới thành cái riêng của mình một cách sáng tạo. Không phô trương, nhẹ nhàng mà sâu sắc là phong cách của nghệ thuật nói chung và mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội nói riêng.
Từ những hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống, các trò chơi trong các lễ hội cũng được người Thăng Long - Hà Nội tổ chức trình diễn một cách chu đáo hơn hoành tráng hơn và tính thẩm mỹ cao hơn ở các vùng nông thôn. Chính vì vậy mà cái đẹp trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của Thăng Long - Hà Nội đã đi vào ca dao dân ca, truyền tụng lại muôn đời:
Nhất cao là núi Ba Vì
Nhất sắc, nhất lịch Kinh Kỳ – Thăng Long.
Với vị thế là trung tâm văn hóa lớn của đất nước, Hà Nội luôn là nơi khởi đầu của các loại hình nghệ thuật mới trong nước, từ điêu khắc, hội họa, thơ ca, báo chí, phim ảnh, đến kịch nói, ca nhạc, múa, vô tuyến, phát thanh, truyền hình và các hình thức hoạt động nghệ thuật, mỹ thuật khác. Phong trào Thơ mới, Văn xuôi Tự lực văn đoàn, phim ảnh, kịch nói, đều khởi nguồn từ Hà Nội. Các hoạt động nghệ thuật của Hà Nội là một diễn đàn lớn để nghệ thuật Việt Nam tham gia vào nền nghệ thuật toàn nhân loại và nghệ thuật nhân loại đến với công chúng Việt Nam. Hà Nội là nơi tiếp nhận, giao lưu, giao thoa các giá trị thẩm mỹ mới của những trường phái, loại hình nghệ thuật khác nhau trong nước và quốc tế.
Hà Nội là nơi tiếp nhận, giao lưu, giao thoa các giá trị thẩm mỹ mới của những trường phái, loại hình nghệ thuật khác nhau trong nước và quốc tế.
Cũng cần nhận thức rằng, các đặc trưng trên của môi trường thẩm mỹ đô thị Thăng Long - Hà Nội chịu sự chi phối, chỉ đạo chặt chẽ của tư tưởng, quan điểm chính trị thống trị trong đời sống xã hội, nhưng đó không phải là sự phản ánh thẩm mỹ một chiều, thụ động mà luôn sáng tạo và năng động, do đó mà môi trường thẩm mỹ đô thị Thăng Long - Hà Nội cũng luôn sống động, thống nhất với các quan điểm của tư tưởng chính trị chính thống trong đời sống xã hội.
Bản chất của môi trường thẩm mỹ đô thị Thăng Long - Hà Nội là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn và gắn bó giữa tính thẩm mỹ và tính thực dụng, giữa các quan hệ thẩm mỹ và quan hệ đạo đức trong đời sống thường nhật và đời sống tâm linh của con người Thăng Long - Hà Nội. Chính sự thống nhất hữu cơ này đã làm nên cái đẹp của đô thị Thăng Long - Hà Nội. Cái đẹp đó thể hiện một cách trực quan sinh động và tập trung nhất ở các loại hình hoạt động văn hóa nghệ thuật và mỹ thuật, ở kiến trúc Thăng Long - Hà Nội, ở các vật phẩm mỹ thuật công nghiệp hiện diện trong môi trường đô thị Thăng Long - Hà Nội. Cái đẹp của môi trường thẩm mỹ đô thị Thăng Long - Hà Nội ẩn chứa sau dáng vẻ thâm trầm mà sâu sắc, giản dị mà sang trọng, nhỏ nhắn nhưng tinh tế chứ hoàn toàn không phải là sự hào nhoáng phô trương, ồn ào trống rỗng.
Các đặc trưng cơ bản trên làm nên cái đẹp của đô thị Thăng Long - Hà Nội cũng chính là những tiêu chí, những nội dung mà trong quá trình phát triển đô thị Hà Nội, con người cần đạt tới kể từ quy hoạch, đến kiến trúc đô thị và xây dựng lối sống cho con người đô thị. Khi nào các quan hệ thẩm mỹ và quan hệ đạo đức, tính thẩm mỹ và tính thực dụng không hoà đồng, thống nhất với nhau, mâu thuẫn đối chọi nhau, là khi đó văn hóa đô thị bị ô nhiễm, và tác động tiêu cực tới sự hình thành thẩm mỹ của người dân đô thị.