TIẾP ĐÀ PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ
CỦA QUAN HỆ GIỮA VIỆT NAM
VỚI CUBA, ARGENTINA VÀ URUGUAY
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân nước Cộng hòa Cuba Esteban Lazo Hernandez, Chủ tịch Hạ viện nước Cộng hòa Argentina Cecillia Moreau, Chủ tịch Thượng viện nước Cộng hòa Đông Uruguay Beatriz Argimon Cedeira, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Argentina và Cộng hòa Đông Uruguay từ ngày 18 đến 28/4.
Chuyến thăm nhằm góp phần củng cố và tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Argentina và Cộng hòa Đông Uruguay trên mọi mặt, đưa các mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, đối tác toàn diện và hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè, đối tác tại khu vực Mỹ Latin tiếp tục đi vào chiều sâu, thiết thực.
Chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp Việt Nam và Cuba kỷ niệm nhiều sự kiện cách mạng trọng đại, cũng là thời điểm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Argentina và kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Uruguay.
LÀM SÂU SẮC HƠN
QUAN HỆ ĐOÀN KẾT ĐẶC BIỆT
VIỆT NAM-CUBA
Ngày 2/12/1960, Cuba trở thành quốc gia đầu tiên ở Tây bán cầu thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam, chỉ hai năm sau khi Cách mạng Cuba thành công. Với nhân dân Việt Nam, sự đoàn kết và ủng hộ vô điều kiện của nhân dân Cuba trong thời chiến cũng như giai đoạn hòa bình sau này luôn là nghĩa tình rất đáng trân trọng. Tại các diễn đàn và phong trào quốc tế, Cuba luôn dành sự giúp đỡ quý báu, hết lòng ủng hộ Việt Nam khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam ở thời điểm cam go nhất.
VUN ĐẮP
TÌNH HỮU NGHỊ TRUYỀN THỐNG
Tháng 9/1973, lãnh tụ Fidel Castro trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất tới thăm vùng giải phóng “đất lửa” Quảng Trị cùng câu nói bất hủ “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!” đã in sâu trong tiềm thức của bao thế hệ người dân Việt Nam. Thời điểm ấy, Cuba dù cũng đang đối mặt nhiều khó khăn, thiếu hụt trong nước nhưng vẫn hết mình hỗ trợ quốc gia anh em. Cuba đã cử hàng nghìn kỹ sư, công nhân, bác sĩ và chuyên gia sang Việt Nam; giúp đào tạo hàng nghìn sinh viên Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam nhiều trang thiết bị, vật tư máy móc, lương thực thực phẩm, viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam xây dựng năm công trình kinh tế-xã hội mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Việt Nam luôn coi sự đoàn kết, ủng hộ Cuba là “lương tâm và trách nhiệm của những người cộng sản và toàn thể nhân dân Việt Nam!”; đó là đạo lý, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam thủy chung với đồng chí, bạn bè. Việt Nam không quên và luôn ghi nhớ sự giúp đỡ vô tư, trong sáng, nghĩa tình của nhân dân Cuba anh em.
Nhân dân Việt Nam vui mừng và khâm phục khi chứng kiến Cuba, dù trong gian khó, luôn hiên ngang đứng vững, là nguồn cảm hứng và là tấm gương sáng về sự tiến bộ và công bằng xã hội với người dân làm trung tâm, về tình đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa quốc tế trong sáng, về tinh thần bất khuất đấu tranh vì độc lập tự do, chủ quyền, quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc và phẩm giá con người. Tuy không là một cường quốc giàu có về tiền của, tiềm lực, nhưng Cuba được thế giới ghi nhận như “cường quốc của lòng nhân ái”, đã hỗ trợ cung cấp dịch vụ y tế tại 165 quốc gia, nhất là trong thời điểm bùng phát mạnh mẽ đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. Tấm gương sáng của Cuba, cùng sự lớn mạnh của phong trào cánh tả tại nhiều nước Mỹ Latin, thể hiện trào lưu tiến bộ xã hội, độc lập dân tộc trên thế giới và đang dâng lên mạnh mẽ tại Tây bán cầu.
Dù đối mặt nhiều khó khăn và thách thức, quan hệ hợp tác Việt Nam-Cuba vẫn duy trì được đà phát triển toàn diện và thực chất ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, quan hệ Đảng giữ vai trò định hướng, củng cố sự tin cậy cà nền tảng chính trị cho phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Hai bên duy trì trao đổi thường xuyên đoàn các cấp thăm lẫn nhau và các hình thức trao đổi trực tuyến, nhất là ở cấp cao.
Quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước cũng được quan tâm thúc đẩy. Quốc hội Cuba đánh giá cao quan hệ thực chất giữa hai Quốc hội. Quốc hội Việt Nam đã cử một số đoàn sang thăm, làm việc tại Cuba; tặng Quốc hội Cuba 30.000 khẩu trang nhằm chia sẻ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (tháng 5/2020) và trao tặng nhiều thiết bị tin học, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội Cuba (tháng 7/2022). Hai Quốc hội cũng đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị tại mỗi nước.
Cuba và Việt Nam có mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, luôn ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh vì phát triển, bảo vệ chủ quyền và độc lập. Trước đây, Cuba luôn ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày nay, khi Cuba gặp khó khăn, Việt Nam luôn giúp đỡ, thể hiện đoàn kết với nhân dân Cuba. Đó chính là những đặc điểm nổi bật của mối quan hệ anh em giữa hai nước.
Ngày 29/9/2022, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz hội kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.
Ngày 29/9/2022, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz hội kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.
HỢP TÁC TIN CẬY, THIẾT THỰC
VÀ HIỆU QUẢ
Thời gian qua, hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật thông qua cơ chế Ủy ban liên Chính phủ được triển khai đều đặn và đạt được những thành tựu quan trọng. Hợp tác thương mại được quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ thông qua nhiều chương trình, dự án hợp tác và đầu tư.
Những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt mức 250-350 triệu USD/năm. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba và là nước ở khu vực châu Á-châu Ðại Dương đầu tư lớn nhất tại đảo quốc Caribe. Việt Nam tiếp nhận công nghệ sinh học, nhập khẩu vaccine và dược phẩm từ Cuba; trong khi nước bạn nhập khẩu các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà-phê, sản phẩm dệt may, giày dép, hóa chất, máy tính và linh kiện điện tử…
Hai nước đang trong giai đoạn triển khai Hiệp định Thương mại Việt Nam-Cuba, có hiệu lực đến năm 2025, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa song phương, trong đó có cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với gần 100% số mặt hàng đang nhập khẩu từ thị trường của nhau.
Nhiều cam kết ưu đãi thương mại trong hiệp định giúp doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, vật liệu xây dựng, du lịch; đóng góp thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 triệu USD/năm trong tương lai gần… Số lượng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Cuba ngày càng tăng, nhất là sau khi Chính phủ quốc gia Caribe đã có một số thay đổi về chính sách quản lý kinh tế và môi trường đầu tư. Thời gian tới, phía Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ Cuba nâng cao năng lực sản xuất, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, thông qua các dự án hợp tác phát triển sản xuất lúa gạo, ngô, thủy sản tại Cuba.
Thăm đất nước Cuba tươi đẹp theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba Esteban Lazo Hernandez, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là vị lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên đến Cuba sau khi đảo quốc Caribe tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa X và bầu các chức danh quan trọng của Nhà nước theo Hiến định.
Chuyến thăm diễn ra đúng dịp hai nước có nhiều sự kiện cách mạng trọng đại: Kỷ niệm 62 năm ngày Chiến thắng Giron và Tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa của Cách mạng Cuba; Kỷ niệm 70 năm cuộc tấn công trại lính Moncada; Kỷ niệm 60 năm Cuba thành lập Ủy ban Đoàn kết với miền nam Việt Nam, tiền thân của Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam ngày nay; và kỷ niệm 50 năm Lãnh tụ Fidel Castro Ruz lần đầu thăm Việt Nam và tới vùng giải phóng “đất lửa" Quảng Trị trong thời điểm chiến tranh đang diễn ra cam go, ác liệt.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Cuba thể hiện Việt Nam luôn ghi nhớ tình cảm đoàn kết đặc biệt và sự hỗ trợ của Cuba dành cho Việt Nam trong những năm tháng khó khăn nhất; tái khẳng định Việt Nam luôn coi trọng tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt, mẫu mực thủy chung giữa hai Đảng, hai nước; sát cánh cùng nhân dân Cuba anh em trong lúc khó khăn, qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ hai nước về quan hệ Việt Nam-Cuba; thúc đẩy hợp tác nghị viện và hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu.
NÂNG TẦM QUAN HỆ
VIỆT NAM-ARGENTINA
Việt Nam và Argentina chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/10/1973. Năm 1996, Argentina và Việt Nam đã ký hai hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại và về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau. Nhằm triển khai hợp tác hiệu quả, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện vào năm 2010 và kể từ đó, trao đổi thương mại đã tăng trưởng đều đặn. Trải qua chặng đường nửa thế kỷ, quan hệ hai nước phát triển ngày càng mạnh mẽ và thu được nhiều thành quả đáng khích lệ.
THÚC ĐẨY QUAN HỆ
ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN
Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn coi Argentina là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực Mỹ Latin. Trong bối cảnh hai nước đã mở cửa hoàn toàn và đang đẩy mạnh phục hồi, phát triển sau đại dịch, chuyến thăm Argentina của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được kỳ vọng sẽ củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống và ủng hộ lẫn nhau giữa hai quốc gia, tăng cường hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp của hai nước, nâng tầm quan hệ Đối tác toàn diện ngày càng thực chất và hiệu quả.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước đóng vai trò quan trọng, là cơ sở thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện. Trao đổi thương mại song phương liên tục tăng, từ 316 triệu USD năm 2007 lên hơn 4,8 tỷ USD năm 2022 (tăng 15 lần). Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Argentina trên thế giới và là đối tác chủ chốt trong hợp tác Nam-Nam của Argentina tại Đông Nam Á, trong khi Argentina là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại Mỹ Latin. Bộ, ngành hai bên đã xác định các tiềm năng và thế mạnh bổ trợ cho nhau, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực sẵn có theo hướng thực chất và mở rộng thêm lĩnh vực hợp tác mới (như năng lượng, khai khoáng).
Chuyến thăm Argentina của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được kỳ vọng sẽ củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống và ủng hộ lẫn nhau giữa hai quốc gia, tăng cường hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp của hai nước, nâng tầm quan hệ Đối tác toàn diện ngày càng thực chất và hiệu quả.
Thời gian tới, hai bên cần triển khai phát triển thị trường. Phía Việt Nam hoan nghênh Argentina đã đề xuất đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Việt Nam. Việt Nam cũng duy trì nguồn cung ổn định và giá cả hợp lý các sản phẩm truyền thống của Argentina; đồng thời mong muốn phía Argentina tăng nhập khẩu và mở cửa thị trường cho các sản phẩm của Việt Nam nhằm tạo tiền đề xây dựng cán cân thương mại bền vững.
Hai bên cũng hướng tới tăng cường kết nối doanh nghiệp, phấn đấu gia tăng trao đổi thương mại song phương, hướng tới mục tiêu đạt 10 tỷ USD năm 2025, trong đó, những đóng góp của doanh nghiệp hai nước đóng vai trò quan trọng. Thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác kỹ thuật về nông nghiệp và công nghệ chế biến là thế mạnh của hai bên có thể bổ trợ cho nhau.
Ngoài ra, hai bên xem xét khả năng hợp tác đầu tư về khai thác, cung cấp thương mại khoáng chất hiếm lithium cho phát triển năng lượng xanh, cũng như khả năng hợp tác khai thác, cung cấp thương mại khí hóa lỏng từ đá phiến; công nghệ sản xuất khí hydro xanh. Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp hai nước đang xem xét mở đường bay thẳng Việt Nam-Argentina; đẩy mạnh hợp tác, xúc tiến du lịch và trao đổi kinh nghiệm quản lý, phát triển du lịch, giao lưu văn hóa.
Trong hợp tác đa phương, Việt Nam và Argentina ngày càng kết nối chặt chẽ, tham vấn, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế, như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Đông Á-Mỹ Latin (FEALAC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ của Argentina bầu Việt Nam vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, ủng hộ Việt Nam làm thành viên của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2025-2031 và tăng cường hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương.
Cuộc họp trực tuyến giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Argentina về chủ đề "Quyền phụ nữ: Thách thức và giải pháp trước dịch bệnh", ngày 5/10/2020.
Cuộc họp trực tuyến giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Argentina về chủ đề "Quyền phụ nữ: Thách thức và giải pháp trước dịch bệnh", ngày 5/10/2020.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà tiếp Đại sứ Argentina tại Việt Nam Luis Pablo Maria Beltramino, ngày 10/4/2023.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà tiếp Đại sứ Argentina tại Việt Nam Luis Pablo Maria Beltramino, ngày 10/4/2023.
Argentina tài trợ 500.000 liều vaccine cho Việt Nam.
Argentina tài trợ 500.000 liều vaccine cho Việt Nam.
HỢP TÁC NGHỊ VIỆN
HIỆU QUẢ, THỰC CHẤT
Hai bên duy trì trao đổi khá thường xuyên các chuyến thăm lẫn nhau nhằm mở rộng hợp tác ngay sau dịch Covid-19, cả ở cấp lãnh đạo cấp cao cũng như cấp bộ, ngành và địa phương. Quốc hội Việt Nam ủng hộ việc xem xét đưa quan hệ Việt Nam-Argentina từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược theo lĩnh vực, trước mắt trong lĩnh vực công-nông nghiệp và năng lượng. Quốc hội Việt Nam đã cử nhiều đoàn lãnh đạo Quốc hội thăm và làm việc tại Argentina, bao gồm cả lãnh đạo cấp cao và các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội.
Trong khuôn khổ đa phương, các nghị sĩ Quốc hội hai nước duy trì tiếp xúc, phối hợp tham vấn lẫn nhau, nhất là tại Liên minh nghị sĩ thế giới (IPU). Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Argentina được thành lập tháng 11/2012, còn nhóm nghị sĩ hữu nghị Argentina-Việt Nam cũng vừa được thành lập ngày 7/2 vừa qua, ngay trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Argentina.
Thời gian tới, hai cơ quan lập pháp của hai nước ủng hộ hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, duy trì và tăng cường trao đổi đoàn các cấp. Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam khẳng định mong muốn phát triển quan hệ nghị viện song phương với Nghị viện Argentina và Quốc hội các nước Mỹ Latin. Quốc hội Việt Nam sẽ tạo dựng khung khổ pháp lý, ủng hộ và làm hết sức mình để tạo điều kiện cho quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Argentina nhằm củng cố quan hệ hữu nghị và đoàn kết truyền thống giữa Việt Nam và Argentina cũng như các nước Mỹ Latin nói chung; khẳng định Argentina là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latin, đồng thời thúc đẩy khả năng khởi động đàm phán FTA Việt Nam-Mercosur.
CỦNG CỐ
TÌNH HỮU NGHỊ
VIỆT NAM-URUGUAY
Việt Nam và Uruguay chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11/8/1993. Tình hữu nghị và đoàn kết truyền thống giữa Việt Nam và Urguay được thể hiện qua sự ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như phát triển đất nước sau này. Trong giai đoạn hiện nay, hai nước coi trọng quan hệ tốt đẹp và mong muốn đẩy mạnh kinh tế, thương mại và hợp tác cùng phát triển với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Mỹ Latin, trong đó có Việt Nam và Uruguay.
30 NĂM HỢP TÁC
CÙNG PHÁT TRIỂN
Những năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Uruguay có nhiều bước phát triển rất khả quan. Quan hệ chính trị-ngoại giao song phương phát triển tích cực, các cơ chế hợp tác được duy trì, hai bên phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và đa phương. Trong năm 2023, Quốc hội hai nước tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; khôi phục, thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các bộ, ngành; tổ chức hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương cũng như tăng cường gắn kết, giao lưu nhân dân hai nước.
Quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước duy trì đà tăng trưởng và còn nhiều dư địa, tiềm năng hợp tác. Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ, sẵn sàng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và Uruguay. Để tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng sẵn có, hai nước tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại trong các khuôn khổ song phương và đa phương, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất nhập khẩu phấn đấu đưa tổng kim ngạch thương mại hai nước lên tầm cao mới.
Bên cạnh đó, chính phủ hai quốc gia cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hợp tác, tiếp cận thị trường của nhau, khai thác các thế mạnh bổ trợ lẫn nhau trong các lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc, công nghiệp chế biến nông thủy sản, công nghệ sinh học-di truyền, dịch vụ tài chính-ngân hàng, logistics, công nghệ thông tin, quản lý xây dựng, tư vấn xây dựng và đào tạo xây dựng... Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối cho các hoạt động đầu tư, thương mại của Uruguay với các quốc gia Đông Nam Á-khu vực kinh tế năng động với gần 700 triệu dân.
Trong bối cảnh cả Việt Nam và Uruguay đều đang đối mặt nhiều thách thức phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, hai bên ngày càng mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước, đóng góp vào tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi quốc gia. Việt Nam luôn ủng hộ chính sách mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế của Uruguay, đồng thời mong muốn Uruguay ủng hộ sớm khởi động đàm phán FTA Việt Nam-Mercosur.
Về hợp tác quốc phòng-an ninh, trong bối cảnh thế giới và khu vực có những biến động rất phức tạp cả về địa chính trị, kinh tế, cùng những thách thức và vận hội đan xen, Việt Nam và Uruguay đẩy mạnh tìm hiểu và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực như công nghiệp quốc phòng, hậu cần, quân y, gìn giữ hòa bình; phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; thúc đẩy đàm phán ký kết các văn kiện hợp tác. Trong lĩnh vực hợp tác nông nghiệp, hai nước sẽ quan tâm, thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới. Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng hồ sơ về thị trường nông sản Uruguay để có phương án và lộ trình phù hợp mở cửa thị trường nông sản, bảo đảm cân bằng lợi ích giữa hai quốc gia.
Trong lĩnh vực hợp tác quan trọng là nông nghiệp, hai nước sẽ quan tâm, thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới. Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng hồ sơ về thị trường nông sản Uruguay để có phương án và lộ trình phù hợp mở cửa thị trường nông sản, bảo đảm cân bằng lợi ích giữa hai quốc gia. Thời gian tới, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, gạo, cà phê, hoa quả sấy khô, đồ gỗ nội thất, vật liệu xây dựng,… hy vọng được tạo điều kiện tiếp cận thị trường giàu tiềm năng của Uruguay.
Đều là những thành viên tích cực ở các diễn đàn đa phương, cả Việt Nam và Uruguay tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế mà hai bên cùng tham gia, ủng hộ nhau ứng cử vào các vị trí tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Ủy ban Luật pháp Quốc tế, Hội đồng nhân quyền. Việt Nam hy vọng Uruguay tiếp tục dành sự ủng hộ cho Việt Nam tại các cơ quan của Liên hợp quốc và giữ cam kết ủng hộ Việt Nam vào Ủy ban Di sản thế giới (nhiệm kỳ 2023-2027).
TIẾP NỐI ĐÀ PHÁT TRIỂN
HỢP TÁC NGHỊ VIỆN
Với vai trò là cơ quan lập pháp cao nhất, Quốc hội Việt Nam luôn tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và Uruguay. Việt Nam mong muốn phía Uruguay thúc đẩy, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Uruguay tham gia gian hàng trưng bày tại Triển lãm quốc tế thực phẩm tại Việt Nam trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm và các sự kiện kinh tế, thương mại tổ chức tại Uruguay; khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, tư vấn thiết kế, đầu tư xây dựng các công trình công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Quốc hội Việt Nam chủ trương đẩy mạnh ngoại giao nghị viện, tăng cường hợp tác nghị viện song phương, đồng thời tích cực tham gia các diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và quốc tế, với tinh thần là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Quan hệ hai nước nói chung và quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội, Nghị viện Uruguay nói riêng đang trên đà phát triển tốt đẹp, nhất là sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Uruguay Aníbal Pereyra vào tháng 1/2015 và thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị tại mỗi nước.
Thời gian tới, lãnh đạo các cơ quan lập pháp của Việt Nam và Uruguay hy vọng nối lại các hoạt động trao đổi đoàn ngày càng thiết thực và hiệu quả, sau khoảng thời gian bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, Việt Nam và Uruguay cần tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn giữa lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị và các đại biểu Quốc hội hai nước, trao đổi kinh nghiệm xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế phục vụ công cuộc phát triển của mỗi nước và hoạt động nghị viện. Quốc hội Việt Nam sẵn sàng tiếp đón các đoàn Hạ viện Uruguay sang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hai bên cũng cần tăng cường phát huy vai trò của cơ quan lập pháp trong thúc đẩy quan hệ song phương; giám sát triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký giữa hai nước; tạo điều kiện hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân hai nước sinh sống, học tập, đầu tư và kinh doanh tại mỗi nước. Hai nước tiếp tục hợp tác quốc tế, phát huy cơ chế phối hợp tại các diễn đàn nghị viện đa phương như Liên nghị viện thế giới (IPU); ủng hộ lập trường của nhau về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn ra vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Uruguay, nhằm củng cố quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống và ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước; đồng thời khẳng định thông điệp Việt Nam coi trọng quan hệ tốt đẹp và mong muốn đẩy mạnh kinh tế, thương mại và hợp tác cùng phát triển với các nước Mỹ Latin, trong đó có Uruguay, nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và cùng quan tâm. Chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, góp phần xây dựng tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau và phát huy hiệu quả quan hệ hợp tác bền vững giữa hai quốc gia.
Với Uruguay, việc tiếp đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thể hiện sự coi trọng quan hệ với Việt Nam, đồng thời cho thấy mong muốn tăng cường hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực hai bên có tiềm năng, cùng quan tâm và hợp tác tại các diễn đàn khu vực, quốc tế. Đây cũng là cơ hội để Uruguay triển khai chính sách đối ngoại thú đẩy quan hệ với châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có quan hệ với Việt Nam.
Mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latin bắt nguồn từ sự chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thể hiện rõ cam kết, mong muốn của Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ nhiều mặt với Cuba, Argentina và Uruguay, không chỉ trên kênh đối ngoại nghị viện, mà còn trong tổng thể chính sách đối ngoại chung của Việt Nam, đó là ưu tiên làm sâu sắc quan hệ hữu nghị và hợp tác với các đối tác truyền thống ở khu vực Mỹ Latin.
- Nhật báo La Jornada (Mexico) -
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Argentina và Cộng hoà Đông Uruguay của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Việt Nam luôn chủ động, tích cực củng cố và mở rộng nền tảng quan hệ chính trị, thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả, thực chất với các đối tác ở khu vực Mỹ Latin trong tất cả các lĩnh vực, trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước và giao lưu nhân dân. Chuyến thăm cũng một lần nữa khẳng định, Quốc hội Việt Nam coi trọng việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ngoại giao nghị viện, góp phần củng cố tin cậy chính trị và làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước bạn bè và đối tác tại khu vực Mỹ Latin.
Ngày xuất bản: 17/4/2023
Chỉ đạo thực hiện: CHU HỒNG THẮNG
Nội dung: Ninh Sơn - Huy Vũ
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN, quochoi.vn
Trình bày: Phương Nam - Bảo Minh