ĐIỆN BIÊN PHỦ
ĐỈNH CAO NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAM
TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP

Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược, là chiến dịch tiến công có quy mô lớn nhất của ta trong kháng chiến chống Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, thể hiện sức mạnh to lớn của dân tộc và sự trưởng thành vượt bậc của các lực lượng vũ trang nhân dân ta trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, thể hiện trên cả ba lĩnh vực: chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.

Trước hết về chỉ đạo chiến lược, Điện Biên Phủ không phải là chiến dịch độc lập mà là một chiến dịch nằm trong một ý định chiến lược thống nhất được Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy vạch ra trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, là trận quyết chiến chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thực hiện kế hoạch Nava, từ giữa năm 1953, Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương ra sức xây dựng khối cơ động chiến lược mạnh nhằm thoát khỏi tình trạng phòng ngự bị động, tiến tới giành quyền chủ động trên chiến trường chính. Đồng thời địch nhanh chóng tăng cường binh lực trên các hướng bị uy hiếp, tổ chức phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm, coi đó là biện pháp tác chiến chiến lược để chặn đứng các cuộc tiến công của chủ lực ta.
Từ sự phân tích sâu sắc âm mưu của địch và khả năng của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh...! Ta buộc chúng phải phân tán lực lượng thì sức mạnh đó không còn"1. Trên cốt lõi tư tưởng chiến lược đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã đề ra chủ trương, kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953-1954: sử dụng một bộ phận chủ lực mở các chiến dịch tiến công vào những hướng địch sơ hở nhưng hiểm yếu mà chúng không thể bỏ, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược để đối phó, tạo thời cơ cho ta tập trung lực lượng tiêu diệt địch trên các hướng có lợi nhất; đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích ở các vùng đồng bằng sau lưng địch, tranh thủ cơ hội tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, nếu chúng đánh vào vùng tự do của ta.
Thực hiện kế hoạch chiến lược trên, chúng ta đã tiến hành thắng lợi các chiến dịch tiến công trên khắp chiến trường Đông Dương: Chiến dịch Lai Châu (12/1953); Chiến dịch Trung - Hạ Lào và đông bắc Campuchia (12/1953 - 5/1954); Chiến dịch bắc Tây Nguyên (1/2/1954); Chiến dịch Thượng Lào (1/2/1954).
Do đánh vào các hướng hiểm yếu và phối hợp chặt chẽ với hoạt động của quân và dân ta ở các vùng sau lưng địch, các chiến dịch của ta đã trở thành các đòn chiến lược tiêu diệt những bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, làm rung động mạnh thế trận của địch, buộc chúng phải xé lẻ khối cơ động chiến lược để đối phó với đòn tiến công rất hiểm nói trên. Tính đến trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, khối chủ lực cơ động chiến lược và chiến thuật của Nava đã bị phân tán. Kế hoạch Nava bước đầu bị phá sản. Quyền chủ động vẫn thuộc về ta.
Khi địch tập trung những lực lượng tinh nhuệ nhất để thiết lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, biến Điện Biên Phủ trở thành nơi tập trung binh lực mạnh nhất của chúng ở Đông Dương, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm: tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm, tạo ra sự chuyển biến mới trong cục diện chiến tranh. Đây là quyết định hết sức táo bạo và chính xác của Bộ Chính trị; là sự chuyển biến từ phương hướng "tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu" sang đánh thẳng vào chỗ mạnh nhưng có nhiều sơ hở của địch để giành thắng lợi quyết định.
Quyết định này được xác định trên cơ sở phân tích khoa học: Điện Biên Phủ tuy là một tập đoàn cứ điểm rất mạnh, nhưng nằm ở thế cô lập, xa hậu phương, chơi vơi giữa vùng núi rừng hiểm trở - chiến trường có ưu thế của bộ đội ta. Tuy công tác bảo đảm hậu cần của quân và dân ta trong một chiến dịch lớn, dài ngày, xa hậu phương hết sức gian khổ, khó khăn nhưng việc tiếp tế bằng cầu hàng không của địch cho tập đoàn cứ điểm cũng khó khăn không kém. Chiến tranh nhân dân của ta được đẩy mạnh và lực lượng cơ động chiến lược của chúng đang bị xé lẻ khắp chiến trường. Lực lượng kháng chiến của ta đã lớn mạnh toàn diện, bộ đội ta đã được chuẩn bị khá chu đáo về mọi mặt cho các trận đánh lớn hiệp đồng binh chủng... Như vậy, nhờ có quyết tâm chiến lược sáng suốt và sự kiên định quyết tâm trong cả quá trình, chúng ta đã phá kế hoạch tập trung khối cơ động mạnh của Nava, làm đảo lộn thế bố trí của địch trên các chiến trường, tạo ra một điểm quyết chiến chiến lược ở vùng rừng núi để tập trung sức mạnh giành thắng lợi quyết định cho cuộc chiến tranh. Rõ ràng chiến thắng Điện Biên Phủ, trước hết là thắng lợi của sự chỉ đạo chiến lược chính xác của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.



Trên lĩnh vực nghệ thuật chiến dịch, Điện Biên Phủ là chiến dịch tiến công trận địa có quy mô lớn nhất của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp. Lần đầu tiên ta tập trung một lực lượng lớn chủ lực tiêu diệt chủ lực địch phòng ngự trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược. Nghệ thuật chiến dịch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đạt tới đỉnh cao, thể hiện ở các nội dung cơ bản sau đây:
Một là, sớm hình thành thế trận bao vây, xây dựng trận địa tiến công và bao vây, ngày càng siết chặt từng cụm cứ điểm và tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế liên hoàn của chúng.
Quá trình chuẩn bị chiến dịch theo phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh" lúc đầu là quá trình quân ta hình thành thế bao vây quân địch. Đại đoàn 308 ở phía bắc và tây-bắc; Đại đoàn 312 ở phía đông-bắc; hai trung đoàn của Đại đoàn 316 ở phía đông; Trung đoàn 57 ở phía nam. Đặc biệt, từ ngày 26/1, khi ta chuyển sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc" cho đến ngày toàn thắng, bộ đội ta đã xây dựng hệ thống chiến hào, trận địa với tổng chiều dài hàng trăm kilômét ngày càng siết chặt và chia cắt từng phân khu, từng cụm cứ điểm địch.
Bằng hệ thống trận địa tiến công và bao vây, quân ta đã "trói chặt", chia cắt thế liên hoàn, triệt phá cầu hàng không tiếp tế của địch để lần lượt tiêu diệt từng bộ phận và đập tan mọi kế hoạch tháo chạy của chúng.
Hai là, tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực, phát huy sức mạnh chiến đấu hiệp đồng binh chủng, đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực, từng bước uy hiếp tiến tới tiêu diệt khu vực trọng yếu nhất của địch, giành thắng lợi quyết định.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm 49 cứ điểm, liên kết với nhau tạo thành một hệ thống phòng ngự kiên cố trải trên một diện tích khoảng 40km2.
Trong tập đoàn cứ điểm, ngoài lực lượng phòng ngự trận địa còn có lực lượng cơ động gồm bộ binh và xe tăng sẵn sàng chi viện, những trận địa pháo binh lớn có thể bắn với lượng đạn gần như không hạn chế vào bất cứ mục tiêu nào.
Trong điều kiện so sánh lực lượng chiến dịch không có ưu thế hơn địch, ta đã chọn phương châm "đánh chắc, tiến chắc"; tập trung ưu thế binh, hỏa lực đánh từng trận hay một số trận liên tiếp, diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm ngoại vi, trước hết là các cứ điểm trên các điểm cao khống chế phía bắc, rồi phía đông, "bóc vỏ" từ ngoài vào, từng bước tiếp cận, uy hiếp tiến tới tiêu diệt phân khu trung tâm, Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm.
Ba là, chọn cách đánh hiểm, phát huy uy lực mọi thứ vũ khí của ta; kết hợp đánh chính diện với các mũi thọc sâu, luồn sâu; kết hợp các đợt đánh lớn với hoạt động tác chiến thường xuyên bằng vây lấn, bắn tỉa; hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch.
Sau thắng lợi bước đầu của ta ở đợt hai, địch vẫn còn trên một vạn quân chốt giữ các điểm cao, hỏa lực pháo binh, không quân của chúng còn rất mạnh.
Trước tình hình đó, ta chủ trương dùng lực lượng nhỏ, hoạt động rộng rãi dưới các hình thức đánh lấn, phá hủy từng ụ đề kháng, tiêu diệt thêm một số vị trí; bắn tỉa tiêu hao địch rộng rãi, đánh chiếm sân bay, thắt chặt vòng vây, thu hẹp không phận, khống chế máy bay, đoạt dù tiếp tế, hạn chế tiến tới triệt hẳn nguồn tiếp tế và tăng viện của địch.
Từ hạ tuần tháng 4/1954, ta đã cắt đôi sân bay địch; vây lấn diệt hai vị trí sát sân bay (cứ điểm 105 và 205); đưa pháo cao xạ tiến sâu vào cánh đồng Mường Thanh khống chế không phận; tổ chức bắn tỉa rộng khắp và thường xuyên... Chính do cách đánh hiểm này, chúng ta đã bóp nghẹt nguồn tiếp tế của địch, đưa binh lính địch vào trạng thái căng thẳng, suy sụp; uy hiếp thường xuyên phân khu trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Không chỉ đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật chiến dịch, Điện Biên Phủ còn đạt tới đỉnh cao về sự phát triển chiến thuật của quân đội ta.
Sự phát triển chiến thuật trước hết thể hiện ở các trận công kiên. Công kiên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã lên tới quy mô đại đoàn, đánh hiệp đồng binh chủng, tiến công cụm cứ điểm nằm trong hệ thống phòng ngự liên hoàn của địch. Trận tiến công cụm cứ điểm Him Lam (từ 17 giờ đến 23 giờ 30 phút ngày 13/3) do Đại đoàn 312 (thiếu Trung đoàn 165) đảm nhiệm. Đại đoàn được tăng cường hai đại đội sơn pháo 75 ly, hai đại đội cối 120 ly và được hai đại đội lựu pháo 105 ly chi viện trực tiếp. Trận tiến công cụm cứ điểm Độc Lập (đêm 14 rạng sáng ngày 15/3) do Trung đoàn 165 của Đại đoàn 312 và Trung đoàn 88 của Đại đoàn 308 và lực lượng pháo binh như trên đảm nhiệm. Đây đều là các trận đánh quy mô đại đoàn mà theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xác định tại hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm đợt một, ngày 17/3/1954: "là hai trận đầu đánh vào một tập đoàn cứ điểm, là hai trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay, là hai trận đánh theo lối chính quy".

Những trận công kiên Him Lam, Độc Lập, đồi A1, đồi C1... trong Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ lớn về quy mô mà đã có nội dung của những trận chiến đấu hiện đại. Trong các trận đánh này, để hạn chế hỏa lực pháo binh, cơ giới và không quân khá mạnh của địch, ta đã xây dựng trận địa xuất phát tiến công vững chắc, tạo điều kiện cho bộ binh triển khai và vận động dưới hoả lực địch. Đây cũng là lần đầu tiên ta sử dụng pháo lớn bố trí ở những trận địa kiên cố, thực hành bắn chuẩn bị, chi viện trực tiếp và chế áp các trận địa pháo binh địch, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong.
Lần đầu tiên ta sử dụng pháo cao xạ thực hành phòng không hiệp đồng tác chiến cùng bộ binh. Trước đây, trong điều kiện địch có hỏa lực pháo binh và không quân mạnh, bộ đội ta thường phải lợi dụng đêm tối để tiến hành tiến công địch. Các cuộc chiến đấu chỉ kéo dài ba đến năm tiếng đồng hồ vì phải kết thúc trong đêm, do đó khả năng tiêu diệt địch cũng hạn chế. Các trận công kiên ở Điện Biên Phủ, do ta xây dựng trận địa xuất phát tiến công vững chắc, khi thực hành chiến đấu lại có pháo binh, pháo cao xạ yểm hộ nên bộ đội có thể chiến đấu được cả đêm lẫn ngày, thực hiện đến cùng ý định của người chỉ huy. Các trận đánh Him Lam, Độc Lập ta đã tổ chức và hiệp đồng khá chặt chẽ từ khâu xây dựng trận địa, chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công, đột phá tiền duyên, đánh địch trong trung tâm, tổ chức đánh địch phản kích... Sự hiệp đồng nhịp nhàng, ăn khớp giữa các lực lượng trong một trận đánh quy mô lớn thực sự là bước tiến nhảy vọt của bộ đội ta trong chiến đấu công kiên.
Sự phát triển đỉnh cao của chiến thuật trong Chiến dịch Điện Biên Phủ còn thể hiện ở sự xuất hiện các trận chiến đấu phòng ngự trận địa. Các trận phòng ngự ở đồi C1, đồi A1, ở sân bay Mường Thanh... là những trận chiến đấu phòng ngự có tính chất trận địa đầu tiên trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta.
Trận đánh địch ở đồi C1 bắt đầu từ ngày 30/3 kéo dài đến ngày 1/5. Trong trận đánh này, Trung đoàn 98 thuộc Đại đoàn 316 đã chiến đấu liên tục 32 ngày đêm, từ tiến công chuyển sang đánh địch phản kích, rồi tổ chức phòng ngự giằng co với địch và cuối cùng tiến hành tiến công tiêu diệt toàn bộ C1, đã diệt 912 tên địch thuộc tám đại đội Âu - Phi tinh nhuệ. Trận trên đồi A1 cũng tương tự. Sau ba lần tiến công, ta chỉ chiếm được một phần ba đồi. Tiếp đó, từ ngày 4/4 đến ngày 6/5, Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 174 đã tổ chức phòng ngự đánh bại mọi đợt tiến công của địch, tạo điều kiện cho trung đoàn chuyển sang tiến công tiêu diệt hoàn toàn A1 vào đêm 6/5,...
Những trận chiến đấu phòng ngự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ra đời do yêu cầu tiến công địch trong tập đoàn cứ điểm. Ta phải giữ vững trận địa mới chiếm để tạo bàn đạp cho trận tiến công tiếp theo. Trong các trận phòng ngự này, lúc đầu chúng ta còn gặp nhiều sai sót, song do được uốn nắn và rút kinh nghiệm kịp thời, bộ đội ta đã tổ chức phòng ngự khá chặt chẽ, giữ được trận địa dài ngày, thực hiện đúng ý định chiến dịch. Trong phòng ngự chúng ta đã triệt để tận dụng địa hình, tích cực cải tạo trận địa cũ của địch để xây dựng trận địa phòng ngự của ta; biết tổ chức lực lượng theo nguyên tắc binh lực ít, hỏa lực nhiều, lực lượng tung thâm ít nhưng lực lượng dự bị cơ động ở bên ngoài nhiều. Cán bộ chỉ huy còn biết phán đoán chính xác các hướng tiến công của địch, có kế hoạch đánh địch trên từng hướng, hiệp đồng chặt chẽ với pháo binh cấp trên và đơn vị bạn để đánh địch từ xa,...



Đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ bộ đội ta đã sáng tạo ra một hình thức chiến thuật mới, đó là chiến thuật "đánh lấn". Đây là hình thức phát triển của chiến đấu công kiên trong điều kiện ta tổ chức tiến công, trực tiếp tiếp xúc với địch nhưng so sánh lực lượng chưa cho phép ta đánh lớn tiêu diệt địch ngay. "Đánh lấn" được khởi đầu từ khi ta tiến công tiêu diệt các cứ điểm 106, 105 và được hoàn thiện trong trận diệt cứ điểm 206 (Huyghét 1) của Trung đoàn 36.
Trong trận đánh này, Trung đoàn 36 đã hoạt động liên tục sáu ngày đêm (từ ngày 17 đến ngày 23/4), thực hành xây dựng trận địa tiếp cận địch kết hợp chặt chẽ với bắn tỉa, đánh địch ra phá lấp trận địa và sử dụng các phân đội nhỏ thường xuyên hoạt động đánh lấn, tích cực tiêu diệt từng tên địch, từng ụ súng, phá từng lô cốt, vây hãm chúng làm cho binh lính địch luôn ở trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi và dần đi đến suy sụp, tan rã. Khi thời cơ đến, trung đoàn chỉ sử dụng một lực lượng ngang địch tiến công tiêu diệt toàn bộ cứ điểm, giành thắng lợi trọn vẹn. "Đánh lấn" là sự vận dụng sáng tạo cách đánh nhỏ truyền thống, diệt được nhiều địch, ta thương vong ít.
Trận tiêu diệt cứ điểm 206 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: "Đã hoàn thiện và thực sự khẳng định thành công của chiến thuật được gọi là "đánh lấn"... Một lần nữa, chúng ta càng thấy rõ tác dụng to lớn của cách đánh nhỏ truyền thống, thể hiện sự thông minh, sáng tạo, chủ động của những người chiến sĩ sinh ra từ đồng ruộng, bám đất, bám làng chiến đấu trong suốt cuộc chiến tranh... Cái chết không kịp cất tiếng kêu của Huyghét 1 đã làm cho quân địch ở Điện Biên Phủ bàng hoàng. Từ giờ phút đó trở đi, mỗi khi chiến hào của ta đến gần, quân địch trong cứ điểm không còn chỉ thấy đây là mối đe dọa, mà chính là cái chết đã tới, một cái chết không báo trước, xuất hiện trong lòng đất".
Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ đã trở thành "cây cột mốc bằng vàng" của lịch sử dân tộc Việt Nam. Điện Biên Phủ là hệ quả của những thành tựu nhân dân ta đạt được trong chín năm kháng chiến chống Pháp, là kết quả của quyết tâm chiến lược chính xác, sự tập trung nỗ lực lớn nhất của quân dân cả nước trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.
Để đi đến thắng lợi Điện Biên Phủ, chúng ta đã giải quyết thành công và sáng tạo nhiều vấn đề về chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, mà đặc điểm nổi bật là chủ động sáng tạo, đánh theo cách đánh mà ta lựa chọn, buộc quân địch phải bị động đối phó, hạn chế chỗ mạnh của chúng về số quân đông, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao. Chiến thắng Điện Biên Phủ là điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 26.
Đại tá PHẠM HỮU THẮNG, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
Bài viết được in nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong sách "Điện Biên Phủ: Hợp tuyển công trình khoa học", NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2005,trang 238.
Trước đó, bài đã đăng trong sách: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
Ảnh: TTXVN
Trình bày: HẠNH VŨ