LIÊN HỢP QUỐC ĐANG ĐỐI MẶT NHỮNG THÁCH THỨC NÀO?

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Reuters)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Reuters)

Quá trình hình thành và phát triển của Liên hợp quốc phản ánh bối cảnh và so sánh lực lượng trên thế giới, chịu tác động của lợi ích các quốc gia, bên cạnh đó là những khó khăn về tài chính và huy động nguồn lực, vì thế hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc trong nhiều lĩnh vực còn hạn chế, chưa đáp ứng được với những thay đổi và thách thức toàn cầu mới cũng như những biến chuyển về so sánh lực lượng bên trong Liên hợp quốc, nhất là việc gia tăng số lượng thành viên, trong một số trường hợp hoạt động không hiệu quả, thiếu minh bạch, bị lợi dụng và áp dụng tiêu chuẩn kép để gây sức ép và can thiệp.

Những thách thức chính Liên hợp quốc đang gặp phải là:

Thách thức đối với uy tín của tổ chức: Cuộc chiến ở Nam Tư năm 1999 và cuộc chiến Iraq năm 2003 phần nào cho thấy sự bất lực của Liên hợp quốc trong vai trò giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế. Những hành động đơn phương của một số nước, phớt lờ những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc đã làm cho vai trò của tổ chức này bị suy giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, những bê bối liên quan đến chương trình “đổi dầu lấy lương thực” và những vụ việc lạm dụng tình dục và buôn bán trẻ em của một số lính gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã tác động tiêu cực đối với uy tín và hoạt động của tổ chức này.

Thách thức trong thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế sau chiến tranh lạnh: Môi trường quốc tế có sự đan xen giữa mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, phạm vi và sự liên quan của các mối đe dọa cũng ngày càng rộng và khó tách biệt. Đến nay, nhiều điểm nóng vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, vấn đề chạy đua vũ trang và phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, vấn đề an ninh phi truyền thống như hoạt động khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, chủ nghĩa ly khai, cực đoan... ngày càng gia tăng, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh thế giới.

Hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc không như kỳ vọng, do cùng lúc phải giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng lớn; thiếu nguồn lực cần thiết (các nước lớn cắt giảm đóng góp) cho các hoạt động phát triển, trong khi các thách thức phải giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu ngày càng lớn, như đói nghèo, nợ, chênh lệch phát triển, suy thoái môi trường sống, bùng nổ dân số, các loại bệnh, dịch nguy hiểm, hoạt động tội phạm xuyên quốc gia... Với tư cách là tổ chức đa phương lớn nhất thế giới Liên hợp quốc cần phát huy vai trò trong việc giải quyết những thách thức đó nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển tiến bộ trên toàn cầu.

Trước tình hình đó, việc cải tổ Liên hợp quốc một cách toàn diện và có hệ thống, phù hợp với bối cảnh quốc tế mới là một yêu cầu cấp thiết khách quan. Cho đến nay, các thành viên đều nhất trí là Liên hợp quốc cần được cải tổ nhằm tăng cường vai trò, hiệu quả và dân chủ hóa. Cải tổ Liên hợp quốc bao gồm ba nội dung chính, gồm cải tổ bộ máy Liên hợp quốc (Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế-Xã hội...); cải tổ Ban Thư ký và phương thức làm việc của Liên hợp quốc; cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc.