Bước ra từ những năm tháng gian khó sau cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược của chế độ Đức quốc xã, với tư cách là một chiến sĩ cộng sản, Madeleine Riffaud tìm thấy lý tưởng mới trong tim mình: chống chủ nghĩa thực dân. Bà không muốn quốc gia mình có những hành xử trên quê hương của những dân tộc khác như cách mà Đức quốc xã đã làm trên đất Pháp.
Kể từ sau ngày Paris được giải phóng, Madeleine không ngừng theo đuổi ước mơ về một người nữ chiến sĩ mang tiếng nói đấu tranh phản chiến nhằm chống lại những bất công và vì sự tự do cho các dân tộc bị áp bức.
Năm 1946, theo lời giới thiệu của nhà báo Andrée Viollis, tác giả cuốn sách Indochine S.O.S. (xuất bản năm 1935), cô gái trẻ Madeleine Riffaud có dịp được gặp gỡ Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh, tại một buổi họp báo ở Fontainebleau (Pháp).
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva được ký kết, đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh tại Đông Dương, thừa nhận chủ quyền của Việt Nam, đồng thời chia cắt đất nước thành hai miền, lấy Vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời và phân định Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo và Việt Nam Cộng hòa do Ngô Đình Diệm quản lý.
Chính quyền Ngô Đình Diệm đã thi hành ngay chính sách trả thù những người kháng chiến, với nhiều đoạn đa dạng và gây tổn thất nặng nề cho Cách mạng.
“Ngay từ đầu, đã có một cuộc săn lùng những người tham gia kháng chiến. Quân đội của Ngô Đình Diệm bắt đầu đàn áp những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người tự nhận là thành viên của Việt Minh”, Madeleine tường thuật lại trong một buổi phỏng vấn của Đài France Culture ngày 25/7/2015.
Nhắc tới sự nghiệp phóng viên chiến trường, bà không ngần ngại chia sẻ: “Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khuyên tôi nên theo đuổi con đường này”.
Vài năm sau lần gặp gỡ ở Fontainebleau, năm 1955, nữ nhà báo Madeleine có chuyến đi tới Hà Nội và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón. Bữa sáng hôm ấy, Người kể cho cô nghe về giai đoạn hoạt động cách mạng của mình khi còn sinh sống tại thủ đô Paris với tư cách là một nhà báo.
Trước đó, vào cuối những năm 1950, giới truyền thông nước Pháp tỏ ra im ắng trước những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Bà Madeleine cho biết: Trong các tòa soạn báo ở Paris, từ năm 1955 đến năm 1960, không ai quan tâm đến câu chuyện này. Phần lớn thông tin được tiếp cận chỉ qua những công văn ít ỏi từ Sài Gòn. Và cùng lắm cũng chỉ thêm vài ba hình ảnh được quay từ máy bay bay qua vùng nông thôn với màu vàng của đồng lúa, màu đỏ của phốt pho và màu trắng của bom napalm trên những cánh rừng. Báo chí Pháp không hề nhắc đến điều đó.
Mỗi bức ảnh, mỗi bài thơ, mỗi thước phim là một viên đạn chống lại kẻ thù xâm lược. Do đó, năm 1964, Báo Nhân đạo (L'Humanité) của Đảng Cộng sản Pháp đặc phái Madeleine tới Việt Nam, tham gia thông tin về chiến trường kháng chiến của Việt Cộng, với cái tên đầy thân thương bằng tiếng Việt “chị Tám”.
Cùng với Wilfred Burchett - một nhà báo người Australia mà bà gặp vào năm 1955 tại Hà Nội, Madeleine phát hiện ra, ở mặt trận phía nam là một cuộc chiến tranh du kích của những người nghèo khó, một cuộc kháng chiến do người già, phụ nữ và trẻ em vùng lên. Một vài trong trong số những cuộc đấu tranh ở miền nam Việt Nam do phụ nữ lãnh đạo.
“Tôi đã từng đứng trong hàng ngũ đội quân và tôi có thể nói với bạn rằng không có quốc gia nào trên thế giới có được nhận thức chính trị, kỹ năng và lòng dũng cảm tràn đầy đến vậy. Những người phụ nữ này là những người bà, người mẹ, họ không ở trong đồn trú, họ ở trong nhà. Ngay sau khi trận pháo kích nổ ra và tín hiệu báo động vang lên, họ lập tức lao ra khỏi nhà. Hàng trăm, hàng nghìn người tập hợp lại, những người già đi trước, những người phụ nữ khác bồng con trên tay, phản đối việc đánh bom và các đơn vị quân đội thân Mỹ”, bà Madeleine chia sẻ.
Bà chẳng thể nào quên hình ảnh hằng đêm những cô gái trẻ bò giữa bãi cỏ và nhoài người qua hàng rào thép gai của các đồn bốt, nơi những người lính theo chế độ thân Mỹ đang đóng quân, và dùng lời hát để thuyết phục họ đào ngũ.
“Những người phụ nữ ở miền nam Việt Nam đã phải chịu đựng nhiều đau khổ đến tột cùng, bị tù đày nhiều năm, bị tra tấn, họ là những con người phi thường. Khi ở bên họ, tôi được chữa lành. Khi chúng tôi cùng Giải phóng quân đi ngang qua một ngôi làng, một vài bà cụ lớn tuổi mang cho chúng tôi những quả dứa, ôm hôn chúng tôi, dẫn chúng tôi đến bàn thờ tổ tiên. Đối với họ, tôi đã phải đi một chặng đường dài để đến. Sau đó, chúng tôi phát hiện ra chuyến đi này đã mang tới nhiều điều còn lớn lao hơn cả nghề báo: chúng tôi được yêu thương”, bà Madeleine xúc động kể lại.
Từ năm 1965-1973, bà Madeleine Riffaud tham gia đưa tin từ chiến trường Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Từ năm 1965-1973, bà Madeleine Riffaud tham gia đưa tin từ chiến trường Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Tháng 5/1968, miền bắc Việt Nam bị không quân Mỹ pháo kích, Hải Phòng bị oanh tạc bởi những làn bom đạn, điều tương tự cũng xảy ra tại Maroc, Lào và Angola. Madeleine Riffaud biết mình ở Việt Nam với một sứ mệnh đặc biệt: nhân chứng lịch sử.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đánh dấu bước ngoặt chiến lược trong lịch sử, làm chuyển biến cục diện chiến tranh, buộc Mỹ phải khởi động quá trình đàm phán với Việt Nam về chấm dứt chiến tranh.
Madeleine kể: Những hình ảnh được phát sóng trực tiếp trên truyền hình về cuộc tấn công Tết Mậu Thân đóng một vai trò quan trọng trong việc làm dấy lên sự phản đối chiến tranh của người dân Mỹ. Sau đó, phong trào phản chiến lan rộng trên khắp toàn cầu.
Trong chương trình phát thanh của Đài France Culture ngày 30/8/2015, bà Madeleine kể thêm: Lần đầu tiên, người Mỹ nhìn thấy những điều mà họ không bao giờ có thể tưởng tượng được. Họ nhìn thấy hình ảnh tù nhân Việt Cộng bị hành quyết ngay trước ống kính máy ảnh. Sau đó, cuộc tuần hành của 100.000 người ở Washington đã nổ ra, với sự tham gia của các cựu chiến binh trở về từ Việt Nam cùng bộ quân phục đã bị xé bỏ trên tay.
“Lúc này, dường như mọi người đã nhận thấy sức mạnh của những bức hình về sự khủng khiếp của chiến tranh và hiểu ra rằng những người lính Mỹ đã đổ máu không vì mục đích bảo vệ quê hương”, bà Madeleine nhận định.
Madeleine cũng kể rằng, trước khi rời Paris để trở lại Việt Nam, bà có theo dõi các cuộc đàm phán hòa bình, rất lưu tâm đến thông tin rằng người Mỹ chấp nhận điều kiện là không ném bom các thành phố của miền bắc Việt Nam.
Tháng 5/1968, trong bối cảnh nhân dân Pháp đổ xuống phố Paris để biểu tình phản đối chiến tranh, Madeleine lên đường quay trở lại Việt Nam. Và ở khu vực phía bắc Vĩ tuyến 17, nữ nhà báo thấy quân đội Mỹ đã không giữ lời.
Gần Phát Diệm, nữ nhà báo tìm đến một ngôi làng công giáo chưa bị ném bom. Bà trò chuyện cùng trẻ em và người già trong làng, cũng như muốn chụp họ một tấm ảnh.
“Vì dưới mái che không có đủ ánh sáng nên tôi yêu cầu họ đứng ở khoảng sân phía trước nhà thờ. Tôi chụp một bức ảnh, và chỉ một hoặc hai phút sau, tiếng cảnh báo vang lên, hai chiếc máy bay gầm thét lao tới.
Mọi người lập tức giải tán và trốn vào trong các hầm trú. Cùng với người lái xe của mình, chúng tôi ẩn náu trong một cái hố nhỏ, và trong khi những chiếc máy bay bay qua bay lại, tôi tự nghĩ rằng có thể những người dân làng sẽ bị sát hại bởi do tôi và vì một tấm hình. Sau đó, máy bay địch bay khuất dần. Mọi người bắt đầu tiếp tục nói cười và ca hát, không ai giận tôi cả nhưng tôi lại muốn bật khóc”, Madeleine ngạc nhiên trước sự anh dũng của người dân Việt Nam.
Một đêm xuân đẹp trời, bà đọc được tin tàu bay B-52 của Mỹ bất ngờ tấn công thị xã Hải Phòng. Hai ngày sau, toàn bộ khu vực chung quanh tòa thị chính đã phủ một màu trắng. “Tôi sẽ không bao giờ quên những bông hoa lay ơn trắng trải khắp nơi một màu tang tóc”, bà Madeleine lặng lẽ kể.
Người Hải Phòng bỏ qua chỉ thị sơ tán của Bộ Tổng tham mưu, không rời bỏ thành phố mà ở lại để kiên cường chiến đấu. Những đống đổ nát, những bức tường đen kịt, mọi thứ đều hỗn độn. Trên nền gạch chỉ còn dấu chân đẫm máu của lũ trẻ. Người Mỹ đã không giữ lời hứa.
Suốt cả một giai đoạn dài sau đó, từ năm 1968 đến năm 1973, nữ nhà báo chiến trường Madeleine đã không ngừng lên tiếng tố cáo những hành vi dối trá của quân đội Mỹ...
Duyên nợ đã đưa người con gái quả cảm Madeleine Riffaud tới nghề viết báo, lăn lộn khắp các mặt trận ác liệt ở Việt Nam và viết nên những thiên phóng sự nổi tiếng ngợi ca tinh thần anh dũng của nhân dân Việt Nam.
Mỗi khi có dịp gặp những người con đất Việt ở Paris, câu chuyện dài kể không muốn dứt về những năm tháng gắn bó với nhân dân Việt Nam luôn có niềm tự hào và nghẹn ngào. Tất cả những gì bà đã hết lòng làm đều vì một đất nước Việt Nam độc lập, hòa bình và phát triển.
Coi Việt Nam là quê hương thứ hai, Madeleine đã đồng hành và đấu tranh không mệt mỏi trong suốt những năm tháng còn chiến tranh, rồi tới công cuộc tái thiết và xây dựng đất Việt Nam sau này. Những năm gần đây, dù tuổi cao, sức yếu, tình yêu dành cho Việt Nam vẫn luôn đong đầy: Tôi sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì Việt Nam. Tôi luôn vững tin rằng đất nước Việt Nam sẽ phát triển nhanh và đúng hướng. Các thế hệ Việt Nam hãy tiếp tục chiến đấu...
Ngày 22/8/2024 là một dấu mốc thật đặc biệt khi chiến sĩ chiến sĩ kháng chiến, đấu tranh vì hòa bình và cũng là một người bạn Pháp thân thiết của Việt Nam, tròn 100 tuổi.
Nhân sự kiện ý nghĩa này, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hoài Trung có thư thăm hỏi và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới bà Madeleine Riffaud.
Thư mừng thọ có ghi: Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng những đóng góp to lớn của đồng chí, từ khi còn là phóng viên chiến trường của Báo Nhân đạo, bằng những thước phim và các bài viết quý báu của mình, đã góp phần tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam, góp phần giúp cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam giành được sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới đi đến thắng lợi cuối cùng. Tình cảm đặc biệt mà đồng chí dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam từ trước tới nay luôn là nguồn cổ vũ và khích lệ tinh thần lớn lao giúp chúng tôi đạt được nhiều kết quả và thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Việt Nam, giữa hai Nhà nước và nhân dân hai nước Pháp-Việt đạt được những phát triển tích cực trong những năm tháng qua nhờ có phần đóng góp và vun đắp của nhiều thế hệ đồng chí, bạn bè Pháp của Việt Nam, trong đó có những tấm gương như đồng chí. Nhân dịp thượng thọ đồng chí tròn 100 tuổi, tôi xin chúc đồng chí dồi dào sức khỏe, trường thọ, hạnh phúc, luôn dành quan tâm và tình cảm tốt đẹp cho Việt Nam và quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam-Pháp.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng những đóng góp to lớn của đồng chí, từ khi còn là phóng viên chiến trường của Báo Nhân đạo, bằng những thước phim và các bài viết quý báu của mình, đã góp phần tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam, góp phần giúp cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam giành được sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới đi đến thắng lợi cuối cùng.
- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hoài Trung
Ngày xuất bản: 24/11/2024
Chỉ đạo thực hiện: NGUYỄN NGỌC THANH
Tổ chức thực hiện: NAM ĐÔNG - HỒNG VÂN
Nội dung: KHẢI HOÀN - MINH DUY (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp)
Trình bày: HOÀNG HÀ
Tư liệu: France Culture