Với Madeleine Riffaud, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại, hết lòng vì nhân dân, vì đất nước. Tấm lòng bao dung và tình đoàn kết quốc tế của Người là tấm gương sáng để bà vượt qua mọi gian khó, hết lòng ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc phát triển đất nước sau này.

Madeleine Riffaud được Bác Hồ nhận làm con nuôi khi Người sang Paris thăm nước Pháp vào mùa hè năm 1946 với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Sau này, bà được chị em du kích miền nam đặt tên thân mật là “Tám Madeleine” trong thời gian cùng nhà báo Australia W. Burchett đi thăm chiến khu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam năm 1963, làm việc với luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận. Các bà má Nam Bộ vô cùng quý mến người con gái Pháp từng là nữ du kích chống phát-xít Đức, thăm vùng giải phóng trong bộ quần áo bà ba đen, cổ quấn khăn rằn.

Madeleine Riffaud đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1955 để làm phóng sự sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau đó, bà là một trong những phóng viên chiến trường nước ngoài đầu tiên có mặt trực tiếp tìm hiểu và quay phim, đưa tin về cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Madeleine tại chiến trường miền nam Việt Nam.

Madeleine tại chiến trường miền nam Việt Nam.

Những tác phẩm của Madeleine Riffaud đã phản ánh sự chiến đấu anh dũng của nhân dân Việt Nam và những mất mát tàn khốc mà chiến tranh gây ra cho nhân dân Việt Nam, gây được tiếng vang lớn tại Pháp nói riêng và trong dư luận quốc tế nói chung, góp phần kêu gọi thêm nhiều sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới đấu tranh vì hòa bình của Việt Nam cũng như giúp Việt Nam có thêm ưu thế trên bàn đàm phán về Hiệp định Paris.

Madeleine Riffaud là tác giả của nhiều bài viết và thước phim quý giá, đặc biệt là hai cuốn sách Dans les acquis de Vietcong (Trong căn cứ địa của Việt Cộng), xuất bản năm 1965, và Au Nord du Vietnam, escrit sous les bombes (Ở miền bắc Việt Nam, viết dưới làn bom đạn), xuất bản năm 1967 tại Pháp, cùng với những thước phim ghi lại hình ảnh máy bay B52 của Mỹ trút bom xuống Hà Nội và Hải Phòng vào năm 1972.

Sau khi hòa bình lập lại, bà Madeleine Riffaud vẫn dành trọn tình cảm đặc biệt cho Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình và luôn quan tâm, ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Bà đã tích cực tham gia các hoạt động của Hội Hữu nghị Pháp-Việt, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam, giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.

Trong căn hộ nhỏ chứa đầy kỷ vật về Việt Nam ở Quận 3 của thủ đô Paris, bà Madeleine luôn trân trọng và lưu giữ những kỷ vật mà bà đã mang về sau những chuyến thăm Việt Nam. Tấm áp phích "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" được treo trang trọng giữa nhà. Với bà, Việt Nam luôn trong ký ức và tình yêu đối với đất nước xa xôi này luôn vẹn nguyên, chưa hề thay đổi. (Ảnh: Khải Hoàn)

Trong căn hộ nhỏ chứa đầy kỷ vật về Việt Nam ở Quận 3 của thủ đô Paris, bà Madeleine luôn trân trọng và lưu giữ những kỷ vật mà bà đã mang về sau những chuyến thăm Việt Nam. Tấm áp phích "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" được treo trang trọng giữa nhà. Với bà, Việt Nam luôn trong ký ức và tình yêu đối với đất nước xa xôi này luôn vẹn nguyên, chưa hề thay đổi. (Ảnh: Khải Hoàn)

Những năm gần đây, dù tuổi cao và sức khỏe không tốt, Madeleine Riffaud vẫn rất minh mẫn, nhớ như in những sự kiện lớn trong đời. Đó là những năm tháng có mặt ở chiến trường vô cùng ác liệt tại Việt Nam. Trải qua những giây phút hiểm nguy và được chứng kiến tinh thần anh dũng của quân và dân Việt Nam, bà thường nhắc lại niềm tin vững chắc rằng dù gian khổ thế nào, người Việt Nam cũng không chùn bước, vẫn tiếp tục đấu tranh cho đến ngày giành thắng lợi hoàn toàn và xây dựng đất nước giàu mạnh như ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Với Madeleine Riffaud, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại, hết lòng vì nhân dân, vì đất nước. Tấm lòng bao dung và tình đoàn kết quốc tế của Người là tấm gương sáng để bà vượt qua mọi gian khó, hết lòng ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc phát triển đất nước sau này.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng thăm hỏi bà Madeleine Riffaud tại cuộc gặp gỡ Những chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình, diễn ra ở Paris, ngày 7/6/2014. (Ảnh: Khải Hoàn)

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng thăm hỏi bà Madeleine Riffaud tại cuộc gặp gỡ Những chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình, diễn ra ở Paris, ngày 7/6/2014. (Ảnh: Khải Hoàn)

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp tại cuộc gặp gỡ Những chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình được tổ chức ở Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris, ngày 7/6/2014, Madeleine Riffaud có nói: Nhân cách lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh hết lòng hết sức phụng sự dân tộc, phục vụ nhân dân, tình yêu thương con người, tấm lòng bao dung và tình đoàn kết quốc tế của Bác Hồ kính yêu là tấm gương sáng để tôi suốt đời học hỏi và noi theo.

Madeleine Riffaud cũng hay nhắn nhủ những thế hệ Việt Nam hãy tiếp tục “chiến đấu” trong xây dựng và phát triển đất nước.

Cuộc đời hoạt động của Madeleine Riffaud là biểu tượng của lòng dũng cảm và chủ nghĩa nhân văn, sự chung thủy và kiên trì theo đuổi các giá trị hòa bình và tình hữu nghị. Tình yêu to lớn và sâu sắc của bà dành cho Việt Nam thông qua những hành động đấu tranh không mệt mỏi vì hòa bình và thống nhất của Việt Nam, những tác phẩm mà bà viết về đất nước Việt Nam, lý tưởng về một thế giới tốt đẹp hơn mà bà theo đuổi suốt cuộc đời... trở thành di sản của tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Pháp và Việt Nam

Madeleine Riffaud đã đi xa nhưng ký ức về một nữ chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình với lòng dũng cảm và trái tim nhân hậu luôn hướng về Việt Nam, sẽ mãi mãi khắc ghi trong tâm trí của người dân Việt Nam cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Cuộc đời của Madeleine Riffaud chính là minh chứng cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Pháp và Việt Nam.

Ngày 6/11/2024, đồng chí Madeleine Riffaud đã trút hơi thở cuối cùng tại Paris, hưởng thọ 100 tuổi.

Được tin đồng chí Madeleine qua đời, đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã gửi điện chia buồn tới Đảng Cộng sản Pháp và gia quyến đồng chí Madeleine.

Trong điện chia buồn, đồng chí Lê Hoài Trung khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn những đóng góp của đồng chí Madeleine Riffaud khi còn là phóng viên chiến trường của Báo Nhân đạo, bằng những thước phim và các bài viết quý báu của mình, đã góp phần giúp Việt Nam giành được ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, đưa cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Đồng chí Madeleine Riffaud đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất vào năm 1984 và Huân chương Hữu nghị vào năm 2004.

Những tình cảm đặc biệt mà đồng chí Madeleine Riffaud dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam không chỉ góp phần vun đắp quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp, giữa hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Pháp mà còn là nguồn cổ vũ và khích lệ tinh thần lớn lao đối với Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Madeleine Riffaud sẽ mãi là biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần đấu tranh cách mạng vì hòa bình và công lý trong mỗi chúng ta.

- Đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương

Trong thư chia buồn về sự ra đi của đồng chí Madeleine Riffaud, đồng chí Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nhấn mạnh: Đồng chí Madeleine Riffaud đã vĩnh biệt chúng ta về cõi vĩnh hằng, song ký ức về đồng chí - một nữ chiến sĩ vì hòa bình với lòng dũng cảm và trái tim nhân hậu luôn hướng về Việt Nam, sẽ mãi mãi khắc ghi trong tâm trí của những người Việt Nam cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Cuộc đời của đồng chí Madeleine Riffaud chính là minh chứng cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Pháp và Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng:

Ngày 20/11/2024, tại nghĩa trang Montparnasse ở thủ đô Paris, lễ tiễn biệt đã diễn ra vô cùng xúc động với sự có mặt của đông đảo bạn bè, đồng chí, những người đã có nhiều năm tháng gần gũi với bà Madeleine Riffaud.

Tôi thấy rằng bà Madeleine Riffaud đã để lại những tình cảm lớn lao cho tất cả những người bạn, những người cộng sản Pháp, những người kháng chiến Pháp, đồng thời có cả những người bạn yêu quý Việt Nam.

Tất cả mọi người khi tham gia buổi tiễn đưa bà Madeleine Riffaud đều thể hiện sự tiếc thương đối với một tấm lòng dũng cảm đấu tranh của bà trong suốt những năm tháng của thế kỷ trước để ủng hộ những cuộc đấu tranh vì chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, cũng như của các dân tộc bị áp bức khác trên thế giới.

Rất đông bạn bè Pháp và các thế hệ người Việt đến tiễn biệt Madeleine Riffaud.

Rất đông bạn bè Pháp và các thế hệ người Việt đến tiễn biệt Madeleine Riffaud.

Bà đã thật sự để lại một tấm gương sáng cho những người đồng chí và bạn bè, để tiếp tục sự nghiệp của bà trong việc ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Chúng tôi đại diện cho những người bạn quốc tế của bà, của nhân dân Việt Nam và cũng là tình cảm của cá nhân tôi dành cho người nữ chiến sĩ kính cẩn nghiêng mình trước linh cữu của bà.

Và tôi tin chắc rằng nhân dân Việt Nam sẽ luôn luôn ghi nhớ về những tình cảm mà bà đã dành cho nhân dân Việt Nam trước đây, cũng như trong những năm tháng hòa bình. Tôi cũng tin tưởng rằng tình cảm của bà sẽ là nguồn động viên dành cho tất cả những người đã, đang và sẽ tiếp tục sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong từng cái chặng đường phát triển.

Bà Hèlene Luc, Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp-Việt:

Tôi biết rõ Madeleine, nhà báo của tờ l'Humanité (Nhân đạo). Tôi từng nghe Madeleine kể: “Tôi không thể nhìn cuộc chiến tranh tại Đông Dương từ xa. Tôi đến Việt Nam để sống gần nhất có thể với cuộc đời của những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bà ấy đã cùng hành quân với những chiến sĩ giải phóng Việt Nam trong rừng rậm, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiếu lương thực cùng với nhiều mối nguy hiểm khác trong rừng, nhưng bà vẫn đều đặn làm thơ, gửi bài viết về Pháp. Tôi vẫn nhớ niềm tự hào hiện rõ trên khuôn mặt của Madeleine khi kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh và được nói chuyện với Người hàng giờ, ...cũng như những lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bà kể lại sự ngưỡng mộ của mình đối với những người phụ nữ Việt Nam có mặt khắp nơi, khi bà trở thành phóng viên chiến trường của Báo Nhân đạo.

Madelein gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 1968.

Madelein gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 1968.

Các bài báo của Madeleine đã góp phần rất lớn vào việc tập hợp những người ủng hộ hòa bình chống lại cuộc chiến tàn khốc này đến mức ngày nay nó vẫn được coi là tài liệu tham khảo để không bao giờ bắt đầu lại. Madeleine đã giúp thế giới biết rõ về những trận đánh bom liên miên, chết chóc ở Hà Nội, về cái rét và cái đói ở thành phố này, cũng như về lòng dũng cảm của nhân dân và quân đội nhân dân, của những con người bình dị...

Sau chiến tranh, Madeleine tiếp tục tham gia cuộc đấu tranh tố cáo tội ác chống lại loài người, đó là chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống tại nhiều nơi ở Việt Nam.

Madeleine đã sống trọn một đời thật nhân văn và quả cảm, bà làm thơ, làm chiến sĩ kháng chiến chống phát-xít Đức, là nhà báo chống chủ nghĩa thực dân, sát cánh và thủy chung với nhân dân Việt Nam. 

Madeleine là tấm gương về tinh thần đấu tranh, luôn muốn vượt qua chính mình, kiên trì chiến đấu vì công lý, hòa bình và tự do.

Chúng tôi, đông đảo những người bạn tại Pháp và Việt Nam, luôn kính trọng và rất tiếc thương Madeleine. Mãi nhớ Madeleine và hãy tiếp nối tấm gương đấu tranh vì hòa bình của chị: Chỉ có trận chiến mà chúng ta không chiến đấu mới là trận thua.

Ông Pascal Lê Phát Tân, một Việt kiều tại Pháp:

Vào khoảng 2 giờ chiều ngày 6/11/2024, tôi nhận được tin từ một người bạn rằng Madeleine Riffaud không còn nữa. Một người bạn tuyệt vời của đất nước tôi đã ra đi. Tôi rất đau buồn và những ký ức về bà cứ thế hiện lên trong đầu tôi. Năm 1964, tại Đại hội của Hội Công nhân và Lao động Việt Nam tại Pháp, chúng tôi đã tổ chức tiệc chiêu đãi bế mạc, cảm ơn tất cả bạn bè, đồng chí đã giúp đỡ phong trào yêu nước tại Pháp trong đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai. Tôi là thành viên của nhóm thiếu nhi và chúng tôi được hát 2 bài: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng và Quốc ca. Sau đó, tôi cùng mẹ trò chuyện với một người bạn Pháp. Mẹ đã giới thiệu tôi với Madeleine, cô đã chúc mừng tôi và tặng tôi một gói kẹo.

Vào đầu tháng 8/1964, các cô chú trong Hội Công nhân đến dựng một gian hàng lớn của Việt Nam tại Hội báo Nhân đạo. Madeleine đã đến thăm tất cả các cô chú đang ngày đêm chuẩn bị các hoạt động để vận động bạn bè Pháp và quốc tế ủng hộ Việt Nam ở hội báo. Tất cả các cô chú của Hội Công nhân đều quý mến Madeleine vì cô rất giản dị. Cô ăn uống như chúng tôi, ngồi xổm với bát đũa trên tay, chung quanh là những món ăn do các cô Việt kiều chuẩn bị. Rồi cô nói với tôi: “Con ơi, nếu có chuyện gì thì đến gặp mẹ. Mẹ sẽ luôn ở đó vì con". Tôi quay sang nói với mẹ: “Mẹ yên tâm đi, đây là con nuôi của mẹ!".

Khoảng Tết Ất Tỵ 1965, được mẹ tôi cho biết, Hội Công Nhân tổ chức cho các thành viên xem chương trình truyền hình “Madeleine Riffaud ở chiến khu Việt Cộng”. Tôi đã được xem chương trình này tại nhà bác Đào Khiết (Chủ tịch Hội Công thương) cùng cả nhà. Tôi rất xúc động và tự hào khi nhìn thấy hình ảnh cô Madeleine xuất hiện ở chiến khu.

Tuần cuối cùng của tháng 8/1965, Madeleine đến gặp các cô chú dựng gian hàng Việt Nam tại Hội báo Nhân đạo để chào tạm biệt vì cô sắp trở lại Việt Nam. Năm 1966, khi từ Việt Nam trở về Pháp, cô đã tham gia các cuộc mít-tinh, biểu tình phản đối chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra ở Việt Nam. Trong nhiều lần gặp gỡ các đoàn Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Paris, tôi thấy cô rất gần gũi, quan tâm như trở về với gia đình Việt Nam. Với sự kiên trì và niềm tin to lớn, Madeleine đã chiến đấu chống lại cuộc chiến phi nghĩa ở đất nước tôi, dành tình yêu to lớn cho đất nước và con người Việt Nam.

Tôi luôn tự hào về Madeleine Riffaud. Tôi sẽ không bao giờ quên những tình cảm và tinh thần đấu tranh mà mẹ nuôi của tôi đã dành cho đất nước Việt Nam.

Ông Gérard Daviot, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV):

Khi tôi mới chỉ là chàng trai 20, bà Madeleine Riffaud đã là một chiến sĩ có nhiều năm đấu tranh để phản đối chiến tranh tại Đông Dương. Tôi thấy Việt Nam luôn ở trong trái tim của bà ấy. Bà đã từng có một khoảng thời gian sống tại Việt Nam, theo suốt cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam. Bà luôn hoạt động vì hòa bình và chưa bao giờ ngừng chiến đấu vì điều ấy.

Madeleine là một người phụ nữ tuyệt vời! Ngay cả kẻ thù cũng phải kiêng nể Madeleine vì tất cả những gì bà mang tới cho người dân trên thế giới. Madeleine đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng để tham gia phong trào đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam. Madeleine sẽ luôn còn mãi trong trái tim của mọi người.

Ông Jean-Pierre, người được gặp bà Madeleine Riffaud nhiều lần:

Từ nhỏ tôi đã được nghe và xem những câu chuyện kể về bà Madeleine Riffaud, một nữ phóng viên chiến trường có mặt ở những khu vực chiến sự ác liệt. Từ những bài báo và thước phim do Madeleine thực hiện, ngày càng có nhiều người Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh vì hòa bình của nhân dân Việt Nam. Có thể nói, Madeleine đã góp phần quan trọng làm lan tỏa tình càm và sự ủng hộ dành cho Việt Nam, không chỉ trong chiến tranh mà cả trong thời gian tái thiết và phát triển đất nước. Ngay cả khi sức khỏe rất kém, Madeleine vẫn luôn nhắc tới Việt Nam, với những kỷ niệm sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về nhân dân Việt Nam anh dũng, kiên cường. Bà cũng rất quan tâm và vui mừng khi thấy đất nước mà bà yêu mến, gắn bó có nhiều thay đổi rất tích cực.

Chị Ethel Riberolles và chị Louise Besson, đến từ thành phố Bordeaux:

Chúng tôi đã từng làm việc với Madeleine Riffaud thông qua các cuộc triển lãm ở Bordeaux, cũng như thông qua bộ truyện tranh về bà của hai đồng tác giả Jean-David Morvan et Dominique Bertail. Sự dũng cảm cũng như tinh thần đấu tranh của bà trong suốt cuộc đời mình đã thật sự truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ. Bà từng đi qua nhiều chiến trường tại Việt Nam và Algeria. Madeleine luôn giương cao ngọn cờ ủng hộ các dân tộc bị áp bức và đó gần như là kim chỉ nam suốt cuộc đời của bà.

Ngày xuất bản: 25/11/2024
Chỉ đạo thực hiện: NGUYỄN NGỌC THANH
Tổ chức thực hiện: NAM ĐÔNG - HỒNG VÂN
Nội dung: KHẢI HOÀN - MINH DUY (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp)
Trình bày: HOÀNG HÀ