ASEAN có vai trò như thế nào trong chính sách đối ngoại của Việt Nam?

Trong tiến trình gia nhập và tham gia ASEAN, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong đổi mới tư duy đối ngoại, từ chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, “chuyển từ đối đầu sang đối thoại” tới trở thành “thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm” trong ASEAN và nay là phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh”. 

Kể từ khi chính thức gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995, đường lối, chính sách đối ngoại với ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và được chỉ đạo rõ trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng.

Ngày 24/4/2021, tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta (Indonesia), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 24/4/2021, tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta (Indonesia), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi. (Ảnh: TTXVN)

Văn kiện Đại hội XI của Đảng (tháng 1/2011) nêu rõ: Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhiệm vụ được xác định là phấn đấu cùng các nước ASEAN xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh.

Đại hội XII của Đảng (tháng 1/2016) xác định phương hướng đối với hợp tác trong ASEAN là chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc.

Chỉ thị số 25-CT/TW (ngày 8/8/2018) của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 nhấn mạnh mục tiêu nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, trong đó các tầng nấc ưu tiên trong triển khai đối ngoại đa phương được xác định là ASEAN, Liên hợp quốc, các khuôn khổ hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có các cơ chế hợp tác tiểu vùng.

Chỉ thị số 25-CT/TW cũng nêu rõ nhiệm vụ tiếp tục phát huy và khai thác có hiệu quả vai trò thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, phát huy vị thế của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và nâng cao vị thế, sự hiện diện của Cộng đồng trên trường quốc tế.

Quang cảnh phiên bế mạc Đại hội XIII của Đảng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. (Ảnh: Duy Linh)

Quang cảnh phiên bế mạc Đại hội XIII của Đảng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. (Ảnh: Duy Linh)

Đại hội XIII của Đảng xác định đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và các khuôn khổ hợp tác khác, cũng như trong những vấn đề quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện của đất nước.