BẢY HUYỆN

Ba Chẽ là huyện miền núi thuộc khu vực đông bắc tỉnh Quảng Ninh (cách thành phố Hạ Long hơn 80km), có tọa độ địa lý từ 20o7'40'' đến 21o23'15'' Vĩ độ Bắc 107o58'5'' đến 107o22'00'' độ Kinh Đông.

Ba Chẽ có tổng diện tích tự nhiên là 606km2 (chiếm 10% diện tích toàn tỉnh Quảng Ninh), trong đó đất lâm nghiệp chiếm tới hơn 91% diện tích tự nhiên. 

Phía bắc giáp huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn; phía nam giáp thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả; phía đông giáp huyện Tiên Yên; phía tây giáp huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.

Cầu Lang Cang (huyện Ba Chẽ). Ảnh: Thành Đạt

Cầu Lang Cang (huyện Ba Chẽ). Ảnh: Thành Đạt

Ba Chẽ có địa hình núi non trùng điệp chia cắt đất đai thành nhiều vùng nhỏ (cao nhất là núi Khau Giang cao trên 900m ở phía tây huyện). Huyện nằm trong cánh cung Bình Liêu-Đông Triều, các dãy núi chạy dài theo hướng đông bắc-tây nam. Ba Chẽ có địa hình dốc bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi đất tạo thành các thung lũng hẹp và các con suối, sông lớn nhỏ.

Tính đến hết ngày 31/12/2022, theo số liệu thống kê của huyện, huyện Ba Chẽ có tổng 5.610 hộ dân, với dân số 23.517 người.

Huyện Ba Chẽ gồm 10 dân tộc anh em (Dao, Tày, Kinh, Hoa, Sán Dìu, Sán Chỉ, Nùng, Cao Lan, Mường, Thái) cùng sinh sống tại 66 thôn, khe bản, khu phố thuộc 7 xã và 1 thị trấn trên địa bàn huyện.

Dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn với trên 80,3% (17.828 người), trong đó dân tộc Dao chiếm 44,1%, Kinh 19,6%, Sán Chỉ 18,3%, Tày 16,3%, còn lại là các dân tộc khác.

Huyện có diện tích lớn, nhưng dân số ít nên Ba Chẽ là một trong những huyện có mật độ dân số bình quân thấp nhất tỉnh Quảng Ninh (38,8 người/km2 ); trình độ dân trí không đồng đều.

Cầu Ba Chẽ. Ảnh: Thành Đạt

Cầu Ba Chẽ. Ảnh: Thành Đạt

Ba Chẽ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng núi nên nóng ẩm mưa nhiều. Điều kiện khí hậu của Ba Chẽ cho phép phát triển cả các cây trồng nhiệt đới và cây trồng ôn đới (ở vùng đồi núi) tạo ra sự đa dạng các sản phẩm nông nghiệp… đáp ứng nhu cầu thị trường nhất là các khu vực công nghiệp, đô thị...

Trong tổng số 1.027 loài thực vật được thống kê ở Ba Chẽ, danh sách các loài cây dược liệu đã được điều tra của Bộ Y tế có tới 30 loài dược liệu có giá trị cao như Ba kích, Trà hoa vàng, Quế, lan kim tuyến, nấm lim xanh, Cát sâm, Sâm cau đỏ, Đẳng Sâm, Hà thủ ô đỏ, Địa liền…

Vì vậy, Ba Chẽ có tiềm năng rất lớn để thành lập một vườn bảo tồn cây dược liệu có giá trị nhằm phát triển vùng nguyên liệu thảo dược phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cô Tô là huyện đảo biên giới nằm ở phía đông bắc của tỉnh Quảng Ninh, cách đất liền khoảng 60 hải lý và tiếp giáp với huyện Vân Đồn.

Được thành lập ngày 23/3/1994, trên cơ sở 2 xã Cô Tô và Thanh Lân thuộc huyện Cẩm Phả (nay là huyện Vân Đồn); Cô Tô gồm trên 50 đảo lớn nhỏ với tổng diện tích tự nhiên trên 47,2km2, gồm 2 xã và 1 thị trấn; dân số khoảng 6.700 người, gồm 7 dân tộc (Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa).

Huyện có tuyến biên giới Biển dài gần 200km, kéo dài từ đảo Trần huyện Cô Tô đến huyện đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng; có trên 300km2 ngư trường đánh bắt thuỷ hải sản, có vùng đánh cá chung. Có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng trên vùng biển phía đông bắc của Tổ quốc.

Huyện Cô Tô. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Huyện Cô Tô. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Huyện Cô Tô là một quần đảo với gần 50 đảo lớn nhỏ, trong đó có ba đảo lớn: đảo Cô Tô, đảo Thanh Lân và đảo Trần. Diện tích đất nổi của huyện là 4750,75ha. Trong đó, đảo Cô Tô lớn là 1.780ha, đảo Thanh Lân là 1.887ha, đảo Trần là 512ha, còn lại là các đảo diện tích nhỏ lẻ khác.

Cô Tô có 3 đơn vị hành chính gồm 2 xã và 1 thị trấn. Cô Tô gần ngư trường khai thác hải sản lớn của cả nước; Đảo Trần nằm ở vị trí Đông Bắc của huyện, cách khu kinh tế mở Móng Cái khoảng 35km, nằm trong khu vực cửa khẩu, cách đường Hàng hải quốc tế Hải Phòng-Bắc Hải 30km.

Với vị trí địa lý nêu trên, Cô Tô là một huyện đảo nằm ở vị trí có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế trên biển, du lịch, giao lưu kinh tế với nhân dân Trung Hoa.

Quần đảo Cô Tô có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng để làm cơ sở vạch đường cơ bản khi hoạch định đường biên giới trên biển của nước ta. Có vị trí thuận lợi để phát triển dịch vụ cứu hộ cứu nạn trên biển.

Huyện Cô Tô. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Huyện Cô Tô. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Huyện Cô Tô còn có ví trí quan trọng tạo thành điểm kết nối và tuyến du lịch, giải trí Hạ Long-Cửa Ông-Vân Đồn-Cô Tô.

Một thế mạnh của huyện Cô Tô đó là diện tích đất chưa sử dụng vẫn chiếm một tỷ lệ khá lớn (năm 2013 còn 1232,94ha và chiếm khoảng 30% tổng Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện Cô Tô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (diện tích đất tự nhiên). Trong đó, đất núi đá không có rừng cây khoảng 33ha; đất đồi núi chưa sử dụng khoảng 513ha; còn lại khoảng hơn 600ha đất bằng chưa sử dụng.

Đây là điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển huyện đảo Cô Tô theo hướng đô thị sinh thái biển trong giai đoạn tiếp theo.

Huyện Hải Hà có phía bắc giáp Trung Quốc, với đường biên giới dài 17,2km; phía đông giáp thành phố Móng Cái; phía nam giáp Biển Đông với chiều dài bờ biển khoảng 35km, nằm trong vành đai Vịnh Bắc Bộ; phía tây giáp huyện Đầm Hà và huyện Bình Liêu.

Huyện Hải Hà có vị trí địa lý rất thuận lợi trong mối quan hệ giao lưu kinh tế về dịch vụ, du lịch với Trung Quốc, đặc biệt với các vùng lãnh thổ, các đặc khu kinh tế như: Hồng Kông, Thẩm Quyến, Ma Cao và các khu kinh tế khác như: tỉnh Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc.

Ngoài ra, huyện Hải Hà có một vị trí then chốt về quốc phòng-an ninh, không chỉ cho tỉnh Quảng Ninh mà còn có ý nghĩa đối với toàn vùng đông bắc nước ta.

Huyện Hải Hà (Quảng Ninh). Ảnh: Báo Quảng Ninh

Huyện Hải Hà (Quảng Ninh). Ảnh: Báo Quảng Ninh

Điều kiện khí hậu Hải Hà cho phép phát triển nhiều loại cây trồng và tương đối đa dạng. Tuy nhiên do địa hình bị chia cắt mạnh nên mùa mưa thường có lũ đột ngột gây ảnh hưởng đến sản xuất và đi lại của nhân dân.

Hải Hà nằm ở vùng địa đầu đông bắc, nhiều cuộc chống xâm lăng còn ghi dấu trong các truyền thuyết lịch sử. Về văn hoá, Hải Hà có vốn văn hoá dân gian nhiều sắc thái riêng. Toàn huyện gần như không theo tôn giáo nào. Tín ngưỡng dân gian với tục thờ cúng tổ tiên là phổ biến. Các xã người Kinh cũ ở đây cũng có thầy mo và có nhiều phong tục khác người Kinh vùng đồng bằng.

Huyện Đầm Hà bao gồm thị trấn Đầm Hà và các xã: Đại Bình, Dực Yên, Quảng Tân, Quảng Lợi, Quảng An, Quảng Lâm, Đầm Hà, Tân Bình. Phía đông bắc giáp huyện Hải Hà, phía tây giáp huyện Tiên Yên, phía nam giáp huyện Vân Đồn, phía bắc giáp các huyện Bình Liêu.

Dân cư sống ở huyện Đầm Hà đa số là người Việt (Kinh), ngoài ra còn có người Tày, Dao, Hoa, Sán Dìu, Sán Chỉ, Nùng, Mường, Cao Lan.

Đầm Hà có khu Đồi Cò, Núi Hứa thuộc xã Đại Bình có hàng triệu con cò sinh sống và cư trú. Ngoài ra còn có chiến khu cách mạng cũ thời kỳ chống Pháp.

Cột cờ núi Hứa (xã Đại Bình) - công trình ghi dấu nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đầm Hà. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Cột cờ núi Hứa (xã Đại Bình) - công trình ghi dấu nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đầm Hà. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Về kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản. Rừng quế là nguyên liệu có giá trị xuất khẩu cao sang Trung Quốc.

Đầm Hà có diện tích tự nhiên rộng 41.436ha, trong đó trên 80% diện tích là đồi núi.

Khoáng sản ở Đầm Hà chủ yếu là đất đỏ, đất sét, có trữ lượng lớn, độ dẻo cao, thích hợp cho việc sản xuất vật liệu xây dựng, gốm, sành sứ. Ngoài ra ở Đầm Hà còn có một lượng than non, đá chịu lửa, cát trắng, … phục vụ cho ngành công nghiệp địa phương.

Đầm Hà là huyện đa dân tộc. Dân số hiện nay là 43.000 người. Người Kinh chiếm đa số, phần lớn tập trung ở các xã vùng thấp. Các xã vùng cao là nơi nhiều dân tộc, đông nhất là người Dao.

Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, dân tộc nằm ở phía đông bắc của tỉnh Quảng Ninh, có diện tích tự nhiên là 475,1km2 (chiếm khoảng 8% diện tích tỉnh Quảng Ninh).

Bình Liêu là huyện miền núi, dân tộc, biên giới, cách trung tâm thành phố Hạ Long 108km, cách thị trấn Tiên Yên 28km, có vị trí quan trọng về chiến lược quân sự, quốc phòng và an ninh.

Phía bắc huyện Bình Liêu có 43,168km đường biên giới giáp Trung Quốc, trong đó tiếp giáp với huyện Ninh Minh (thuộc thành phố Sùng Tả) và khu Phòng Thành (thuộc thành phố cảng Phòng Thành) tỉnh Quảng Tây; phía tây giáp với huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn); phía đông nam giáp huyện Hải Hà, phía nam giáp huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh).

Huyện Bình Liêu có diện tích đất tự nhiên rộng 475,1km2, với địa hình núi non trùng điệp, phía đông có các dãy núi cao, với cấu trúc địa hình đa dạng của miền núi cao thuộc cánh cung bình phong Đông Triều-Móng Cái và có xu hướng thấp dần từ đông bắc xuống tây nam.

Bình Liêu là huyện có 96% dân tộc thiểu số, là một trong những huyện có thành phần dân tộc thiểu số cao nhất ở tỉnh Quảng Ninh và cả nước.

Tính đến ngày 31/12/2018, dân số toàn huyện là 32.064 người, trong đó: dân tộc Tày chiếm đa số với 16.322 người (51,27%), dân tộc Dao 9.047 người (28,21%), dân tộc Sán Chay (nhóm Sán Chỉ) 4.894 người (15,26%), dân tộc Kinh 1.627 người (5,07%), dân tộc Hoa 129 người (0,42%), còn lại các dân tộc khác.

Dòng sông Pắc Hóoc (huyện Bình Liêu) thơ mộng. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Dòng sông Pắc Hóoc (huyện Bình Liêu) thơ mộng. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Huyện Bình Liêu có 8 đơn vị hành chính. Cửa khẩu Hoành Mô đã được đầu tư xây dựng mới, mở ra nhiều khả năng cho sự giao lưu mậu dịch, thông thương hàng hóa giữa nước ta với nước bạn Trung quốc.

Vị trí địa lý của huyện có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế đối ngoại, thúc đẩy sự phát triển kinh doanh dịch vụ trên địa bàn song cũng nẩy sinh nhiều thách thức, khó khăn trong việc phát triển mọi mặt nói chung, bảo vệ an ninh-quốc phòng, quản lý các hoạt động xuất nhập khẩu và kiểm soát chống buôn lậu nói riêng.

Vân Đồn là huyện miền núi, hải đảo nằm ở phía đông nam của tỉnh Quảng Ninh, đông bắc của Tổ quốc Việt Nam; có hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích 2.171,33km2, trong đó diện tích mặt biển là 1.589,5km2, diện tích đất nổi là 581,83km2 được hợp thành bởi 2 quần đảo: Kế Bào và Vân Hải; có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, là một trong những cái nôi của nền văn hóa Hạ Long.

Huyện gồm có 11 xã và 1 thị trấn; dân số trên 4,7 vạn người.

Nằm cạnh di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vân Đồn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều cảnh đẹp tự nhiên độc đáo với hơn 600 hòn đảo lớn, nhỏ. Nơi đây vừa có núi đá, vừa có núi đất, bên trên là những cánh rừng nguyên sinh, dưới là những bãi cát trắng mịn, hình cánh cung, dốc thoải ra biển tạo nên những bãi tắm hết sức lý tưởng như: bãi tắm Sơn Hào, Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu... gần đây nhất có thêm bãi tắm Phương Đông đã được UBND tỉnh công nhận là bãi tắm đạt tiêu chuẩn.

Vân Đồn có vườn quốc gia Bái Tử Long với hệ thảm động và thực vật vô cùng phong phú.

Ngoài ra, huyện đảo Vân Đồn còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật như: hệ thống bến cảng cổ của Thương cảng Vân Đồn; Đình, Chùa, Miếu, Nghè Quan Lạn, đền thờ Vua Lý Anh Tông, đền Cặp Tiên, chùa Cái Bầu-Thiền Viện Trúc Lâm Giác Tâm; dấu tích thành cổ nhà Mạc và nhà Nguyễn, dấu tích khai thác than ở đảo Cái Bầu thời Pháp thuộc; di chỉ Soi Nhụ, Hà Giắt, Ngọc Vừng có niên đại từ 13.000 năm đến 3.000 năm; Lễ hội chèo bơi Quan Lạn (18/6 âm lịch hằng năm) kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông (năm 1288).

Với vị trí địa lý, tài nguyên  thiên nhiên, cảnh quan vô cùng thuận lợi. Những năm qua Vân Đồn đã được Trung ương và tỉnh Quảng Ninh quan tâm đầu tư các dự án hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện như: Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh, đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, đường trục chính nối các khu chức năng chính khu kinh tế Vân Đồn, tuyến đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái...

Trung tâm huyện Vân Đồn (tháng 6/2018). Ảnh: Báo Quảng Ninh

Trung tâm huyện Vân Đồn (tháng 6/2018). Ảnh: Báo Quảng Ninh

Đặc biệt, ngày 17/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 266/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040”, trong đó xây dựng mục tiêu phát triển Khu kinh tế Vân Đồn (huyện Vân Đồn) trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực với trọng tâm phát triển là ngành dịch vụ, dịch vụ logistics, du lịch cao cấp và là nơi giao thương quốc tế của khu vực…

Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Đây sẽ là khu đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững; khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

Huyện Tiên Yên có vị trí địa lý phía bắc và tây bắc giáp huyện Đình Lập tỉnh Lạng Sơn, phía nam giáp vịnh Bắc Bộ, phía tây nam giáp huyện Ba Chẽ và thành phố Cẩm Phả, phía đông bắc giáp huyện Bình Liêu và đông nam giáp huyện Đầm Hà.

Cư dân sinh sống trên địa bàn huyện Tiên Yên thuộc 15 dân tộc, đông nhất là người Việt (Kinh) chiếm 47,9%; Dao 24,5%; Tày 14,3%; Sán Chỉ 8,3%; Sán Dìu 4,1%, còn lại là người các dân tộc khác như Nùng, Hoa, Thái... Mật độ dân số là 72 người/km2.

Địa hình huyện có nhiều đồi núi, thung lũng và sông suối. Đất nông nghiệp của Tiên Yên rất hẹp, chỉ hơn 3.000ha, trong đó gần 2.000ha là đất ruộng lúa nước. Hiện nay, có 2 hồ nước: Hồ Khe Táu 8 triệu m3 và hồ Tiên Lãng 0,6 triệu m3. Vùng cửa sông và ven biển rộng 1.163ha đất có mặt nước có thể nuôi trồng thuỷ sản.

Hiện nay, huyện Tiên Yên có tổng diện tích tự nhiên là 7,01km2. Toàn thị trấn Tiên Yên hiện có 7.317 người với 2.011 hộ dân, mật độ dân số 1.043 người/km2.

Huyện Tiên Yên. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Huyện Tiên Yên. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Từ xa xưa Thị trấn Tiên Yên đã là một đầu mối giao thương quan trọng trong vùng đông bắc Việt Nam tới thương cảng Vân Đồn, tới vùng núi Cao Bằng, Bắc Giang, Lạng Sơn và các cửa khẩu quốc tế… Các ngành thương mại-dịch vụ-du lịch ở thị trấn Tiên Yên hôm nay có bước phát triển vượt bậc, vừa phong phú vừa đa dạng.

Trong những năm qua, hệ thống hạ tầng được chú trọng đầu tư, công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm, các trục đường chính, các tuyến đường khu trung tâm được cải tạo nâng cấp và mở rộng.

Nhờ hệ thống giao thông thuân lợi, việc giao thương và phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của thị trấn Tiên Yên không chỉ có tầm ảnh hưởng tại địa bàn mà còn trở thành đầu mối trung tâm khu vực vùng đông bắc Quảng Ninh.

Ngày xuất bản: 17/10/2023
Thực hiện theo Hợp đồng số 04/2023/HĐHTTT/STTTT-BND