Công tác phân giới, cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia đã đạt những thành quả gì?
Biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia có chiều dài khoảng 1.270km, đi qua địa giới hành chính 10 tỉnh của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang) và 9 tỉnh của Campuchia (Rattanakiri, Mondulkiri, Kratie, Tboung Khmum, Prey Veng, Svay Rieng, Kandal, Takeo và Kampot).
Việc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững Việt Nam-Campuchia luôn là mục tiêu chiến lược và được hai nước coi trọng.
Ngày 20/7/1983, “Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới” được Việt Nam và Campuchia ký kết và đi vào hiệu lực ngày 27/9/1983. Trên cơ sở các nguyên tắc quy định tại Hiệp ước năm 1983, hai nước đã ký “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia” ngày 27/12/1985. Hiệp ước này có hiệu lực từ ngày 22/2/1986. Theo đó, đường biên giới pháp lý trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia được thể hiện đầy đủ trên hai bộ bản đồ đính kèm Hiệp ước năm 1985.
Từ năm 1986 đến 1988, hai bên đã tiến hành phân giới được khoảng 200km đường biên giới trên thực địa và cắm được 72 vị trí mốc. Từ năm 1999 đến 2005, tiến trình đàm phán về biên giới giữa hai nước được nối lại trong khuôn khổ Ủy ban liên hợp về biên giới Việt Nam-Campuchia.
Ngày 10/10/2005, hai bên ký “Hiệp ước giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985”. Hiệp ước này có hiệu lực từ ngày 6/12/2005; điều chỉnh 6 khu vực và một số đoạn biên giới sông suối để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngày 23/4/2011, đại diện chính phủ hai nước ký “Bản ghi nhớ về việc điều chỉnh đường biên giới trên bộ đối với một số khu vực”. Theo đó, hai bên nhất trí duy trì đường biên giới quản lý thực tế, căn cứ đường biên giới pháp lý hoán đổi cân bằng về diện tích và lợi ích để không gây ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống, bảo đảm sự ổn định sinh hoạt, sản xuất của nhân dân khu vực biên giới.
Năm 2012, hai bên đã khánh thành cột mốc 314, cột mốc có số thứ tự cuối cùng trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia. Năm 2015, hai nước đã tổ chức lễ khánh thành cột mốc 30 và 275. Với việc khánh thành hai cột mốc 30 và 275, hai nước đã hoàn thành việc xác định, xây dựng tất cả các cột mốc đại có gắn quốc huy tại 10/10 cặp cửa khẩu quốc tế.
Hai cột mốc 30 và 275, cột mốc ở điểm đầu (mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia) và cột mốc cuối cùng (mốc 314), cùng các cột mốc chính đã xây dựng, đã hình thành được “xương sống” của hệ thống mốc giới trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia.
Những cột mốc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quyết tâm của hai nước trong việc sớm hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền, góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Đến cuối năm 2018, hai nước đã hoàn thành phân giới được khoảng 1.045km đường biên giới (khoảng 84%), xây dựng được 2.047 cột mốc tại 1.553 vị trí (chưa kể cột mốc không số cắm tại vị trí ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia).
Để ghi nhận thành quả nêu trên, tháng 10/2019, hai bên đã ký 2 văn kiện pháp lý quan trọng là “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” và “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia”.
Ngày 22/12/2020, hai bên đã ký biên bản trao đổi văn kiện phê chuẩn đối với 2 văn kiện pháp lý này.
Hiện nay, Việt Nam và Campuchia đang nỗ lực phối hợp giải quyết 16% khối lượng công việc còn lại để sớm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, nhằm xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.