Ngày 14/7/1969, khi trả lời phỏng vấn của báo Granma (Cuba), Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi... Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”[1].

Người chính là hiện thân trọn vẹn nhất, mẫu mực nhất hình ảnh của một người cách mạng hy sinh tất thảy mong muốn cá nhân, suốt đời phấn đấu, chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đó cũng là lý do để những anh hùng như: La Thị Tám, Ngô Thị Tuyển và Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo) sẵn sàng đặt đất nước, tự do, độc lập của dân tộc lên trên những mong muốn riêng tư, mưu cầu cá nhân của bản thân.

Anh hùng La Thị Tám.

Anh hùng Ngô Thị Tuyển.

Anh hùng Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo).

Anh hùng La Thị Tám.

Anh hùng Ngô Thị Tuyển.

Anh hùng Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo).

Nước mắt anh hùng

Ấn tượng ban đầu khi chúng tôi gặp các anh hùng La Thị Tám, Ngô Thị Tuyển và Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Yên Thảo) tại nhà riêng của họ là những người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn, giản dị, hiền lành, cách nói chuyện nhẹ nhàng mà gần gũi, nữ tính mà quyết liệt. Thời gian khiến họ già đi nhưng không thể làm mất đi khí chất và tư thế của người anh hùng. Trong những cuộc trò chuyện, chúng tôi vẫn thấy sự vững vàng về tư tưởng, tính cách mạnh mẽ, gan dạ, không ngại hiểm nguy của người phụ nữ Việt Nam trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước.

Những cô gái đang ở độ tuổi thanh xuân đẹp nhất đã bước vào các cuộc kháng chiến giải phóng của dân tộc với tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh, không ngại hiểm nguy, không quản ngày đêm và bom đạn, vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng cho chiến tranh và trở thành những anh hùng - được nhân dân và Nhà nước ta tôn vinh, ghi nhận.

Anh hùng Nguyễn Thị Mỹ Nhung.

Anh hùng Nguyễn Thị Mỹ Nhung.

Như trường hợp của Anh hùng Nguyễn Thị Mỹ Nhung thật đặc biệt. Sinh ra trong một gia đình giàu có ở Nội Duệ, Bắc Ninh, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, gia đình cô gái Mỹ Nhung vào Bạc Liêu làm ăn buôn bán. Thời gian này, ông Nguyễn Đăng Phong, bố của Mỹ Nhung, tham gia phong trào Việt Minh cùng đoàn thể tổ chức cướp chính quyền từ tay phát-xít Nhật ở Bạc Liêu. Mẹ cô là bà Đào Thị Tư đã hai lần ủng hộ tiền vàng cho “Tuần lễ vàng” ở Bạc Liêu.

Sau khi ông Đăng Phong được cứu khỏi trại giam của Pháp, năm anh chị em theo bố ra bắc, Mỹ Nhung và người em Mỹ Linh ở lại miền nam cùng mẹ. Họ về Vĩnh Long cư trú tạm, bà Tư mở một sạp vải buôn bán, trước lúc ba mẹ con về Sài Gòn. Năm 1950, bà Tư đón chồng và các con ở ngoài bắc vào để đoàn tụ nhưng trước đó hai năm, Mỹ Nhung đã lấy bí danh Tám Thảo và đi theo con đường cách mạng mà người cha đã chọn. Tháng 5/1950, ở tuổi 18, Mỹ Nhung đã sớm đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cô gái Tám Thảo đến sở làm mỗi ngày đều mặc một bộ áo dài khác nhau.

Cô gái Tám Thảo đến sở làm mỗi ngày đều mặc một bộ áo dài khác nhau.

Vì lời thề trước Tổ quốc và trước Đảng, nguyện hy sinh đến giọt máu cuối cùng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, Mỹ Nhung đã gác lại mọi tình cảm riêng tư cùng với suy nghĩ: Đã theo nghề tình báo thì không thể để nguy hiểm của bản thân ảnh hưởng đến người thân và tổ chức. Mãi đến năm 37 tuổi, bà mới lập gia đình, sống cuộc đời thầm lặng tại đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh cùng chồng, vợ chồng con gái nuôi và các cháu.

Anh hùng La Thị Tám.

Anh hùng La Thị Tám.

Bà La Thị Tám cũng xây dựng gia đình muộn (năm 1976, tức là hai năm sau khi xuất ngũ), sau những năm tháng thanh xuân dành cho cách mạng và bỏ qua cơ hội lập gia đình sớm. Là một cô gái đảm đang, việc cày bừa, cấy gặt đều chăm chỉ cho nên La Thị Tám từng được nhiều gia đình, chàng trai để ý nhưng “Với tôi, tình yêu lớn nhất vẫn là tình yêu Tổ quốc”, Anh hùng La Thị Tám chia sẻ. Vì thế, bà vẫn quyết định viết đơn nhập ngũ dù có thể ở nhà khi hai người anh đã vào chiến trường.

Anh hùng Ngô Thị Tuyển kể rằng, những thanh niên như bà hồi đó sẵn sàng làm bất cứ công việc gì để phục vụ chiến đấu, giải phóng đất nước.

Ngô Thị Tuyển là nữ dân quân tải đạn nổi tiếng tại Nam Ngạn - Hàm Rồng những năm 1965 đến 1967 nhưng ở hậu phương, cô gái ấy còn tham gia vào nhiều hoạt động hậu phương như: Gánh cơm ra trận địa cho bộ đội, đưa các em nhỏ, cụ già vào hầm tránh bom, giúp đỡ các gia đình có con em đi chiến trường, giữ trật tự, trị an trong thôn xóm mỗi khi máy bay địch đến bắn phá…

Anh hùng Ngô Thị Tuyển.

Anh hùng Ngô Thị Tuyển.

Ngô Thị Tuyển còn đưa thương binh về tuyến sau chữa trị, trong đó có câu chuyện mà chúng tôi rất ấn tượng về việc bà đã phải nén nỗi đau, sự sợ hãi để đặt lại các bộ phận nội tạng vào trong bụng cho một chiến sĩ hải quân khi anh bị thương nặng. Khi nhớ lại những hình ảnh ấy, người phụ nữ tưởng rất mạnh mẽ, bản lĩnh đó đã rơi nước mắt, như thể hình ảnh đau thương ám ảnh suốt những năm qua khiến bà không bao giờ quên được sự hy sinh của những người lính và sự khốc liệt của chiến tranh.

Người nằm lại chiến trường, người may mắn trở về nhưng bên cạnh những chiến công, vinh dự được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người, được gặp Bác nhiều lần, được đứng bên linh cữu của Bác, mấy ai biết được nỗi buồn thầm lặng ở người nữ anh hùng 76 tuổi người Thanh Hóa. Hiện nay, Anh hùng Ngô Thị Tuyển đang có cuộc sống yên bình bên chồng, Đại tá quân đội Nguyễn Văn Nụ, 87 tuổi và bà vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động của Hội Cựu chiến binh, sinh hoạt đảng tại phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa.

Hình bóng của Người

Đối với mỗi người dân Việt Nam, được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một niềm vinh dự lớn. Với các nữ anh hùng mà chúng tôi đã trò chuyện, nhất là với Anh hùng Ngô Thị Tuyển, hình ảnh của vị Cha già kính yêu luôn khắc sâu trong tâm trí họ, để lại nhiều cảm xúc và không khỏi khiến họ nghẹn ngào mỗi khi nhắc đến Người.

Trong ngôi nhà nhỏ của bà Ngô Thị Tuyển, ngoài khung tranh đồng lớn khắc họa hình ảnh người nữ dân quân vác hai hòm đạn treo ở phòng khách, kỷ niệm không quên về một trận đánh máy bay Mỹ tại cầu Hàm Rồng khi cô gái quả cảm Ngô Thị Tuyển năm xưa vác hai hòm đạn có trọng lượng 98kg phục vụ chiến đấu, là bức ảnh ghi lại lần đầu tiên bà được gặp Bác Hồ trong Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc chống Mỹ, cứu nước năm 1967 được treo trang trọng. Bức ảnh nhỏ nhưng rất nét. Phía dưới tủ kính có bát hương thờ Bác, chúng tôi nhận ra bức hình bà cùng một số nữ anh hùng như như Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Chiên túc trực bên thi hài Bác khi Bác vừa qua đời tháng 9/1969, dù nét ảnh khá mờ.

Anh hùng Ngô Thị Tuyển.

Anh hùng Ngô Thị Tuyển.

Bà Ngô Thị Tuyển cho biết, mỗi một lần nói về Bác Hồ là bà không cầm được nước mắt. Bà luôn kính cẩn thắp hương cho Bác trong những ngày quan trọng, cảm nhận Bác luôn luôn bên cạnh mình. Vừa gạt nước mắt, nữ anh hùng tải đạn nghẹn ngào kể cho chúng tôi nghe câu chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước năm 1967. Tại Đại hội này, bà có vinh dự có tên trong Đoàn Chủ tịch Đại hội cùng với một số anh hùng quân đội, anh hùng lao động và chiến sĩ thi đua khác.

“Trong cuộc gặp mặt đại biểu các đơn vị, Bác Hồ có hỏi cháu nào phát biểu cho Bác hai chớ, hai nên là như thế nào. Tôi đã rụt rè không dám phát biểu, vì nghĩ mình chỉ là một cô dân quân bé nhỏ.
Thế nhưng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lên tiếng: - Thưa Bác, cháu Tuyển xin phát biểu ạ. Tôi bèn đứng dậy nói: Thưa Bác, hai chớ là chớ chủ quan, thỏa mãn; chớ xa dời quần chúng. Hai nên là nên khiêm tốn, học tập; nên gần gũi quần chúng.
Khi tôi phát biểu xong, mọi người đồng thanh: - Thưa Bác, chúng cháu làm được. Bác nói: Các cô, các chú nhớ lời cháu Tuyển phát biểu nhé. Rồi Bác mời mọi người ăn kẹo nhưng không ai dám ăn mà đều xin một hai cái về cho bố mẹ, cho gia đình vì đó là quà tặng của Bác”.

Những kỷ niệm đấy luôn được bà Ngô Thị Tuyển nhớ rõ, dù giờ tuổi đã cao: “Mỗi lần trái gió, trở trời, cảm thấy cột sống đau đớn hay công việc căng thẳng, tôi lại leo lên tầng thắp hương xin Bác phù hộ cho khỏe mạnh, sống có ích cho xã hội, hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, địa phương giao. Những lúc như vậy, người tôi cảm thấy nhẹ nhõm và bình yên đến lạ kỳ”.

Không có may mắn được gặp Bác Hồ hay được Bác tặng Huy hiệu của Người như Anh hùng La Thị Tám hay Anh hùng Ngô Thị Tuyển nhưng cách nữ tình báo Yên Thảo thể hiện tình cảm và nỗi thương tiếc sau sự ra đi của Người rất khác, do thời điểm đó bà đang hoạt động trong lòng địch, chính xác là tại văn phòng Bộ Tư lệnh Hải quân Quân đội Sài Gòn.

Ngày 3/9/1969, khi biết tin Bác Hồ mất, bà thấy nhói trong tim và cố gắng kìm nén cảm xúc. Về nhà, bà kể lại cho gia đình và lúc này mới khóc nức nở trong vòng tay ba mình, ông Nguyễn Đăng Phong.

Theo lời bà Yên Thảo, lần đầu biết đến Bác Hồ là khi bà được nghe kể câu chuyện Bác kêu gọi toàn dân kháng chiến. Đó chính là lý do bà quyết định đi theo cách mạng, đi theo Bác Hồ và tìm vào chiến khu tham gia kháng chiến. Những lúc khó khăn, gian khổ, bà lại nghĩ đến hình ảnh Người đi tìm đường cứu nước, mong miền nam được giải phóng, đất nước thống nhất để đón Bác vào thăm.

Bác Hồ là niềm an ủi đặc biệt thiêng liêng đối với các chiến sĩ tình báo hoạt động trong lòng địch như Anh hùng Yên Thảo.

Khi Bác mất, nữ tình báo sinh năm 1932 đã nghĩ ra một cách độc đáo để tang Người ngay trong hang ổ của địch. Đó là bà chọn mặc áo dài trắng đi làm trong suốt một tháng trời. Khi chúng sinh nghi, bà giải thích rằng, mẹ bà bán vải và nhờ bà giới thiệu mặt hàng lụa trắng mới. Vẫn biết trong nghề tình báo, làm như vậy là liều lĩnh, nguy hiểm nhưng vì bà không còn cách nào để thể hiện tình cảm, sự ngưỡng mộ và sự tiếc thương vô hạn đối với Bác Hồ. Sau này, khi đất nước giải phóng, mỗi lần ra Hà Nội, bà đều vào Lăng viếng Bác trước tiên, rồi lại rưng rưng nước mắt.

Sinh thời, Bác Hồ luôn dõi theo cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta trên khắp mọi miền Tổ quốc. Chính một bài viết về Anh hùng La Thị Tám và sự dũng cảm của bà năm 1968 đã được Người đọc và giao cho văn phòng cắt dán, lưu lại. Hiện bài báo này được lưu giữ tại Kho Cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh, không chỉ là một minh chứng cho lòng quả cảm của một thế hệ Việt Nam anh hùng mà còn là một biểu hiện sinh động của sự quan tâm, động viên kịp thời của Bác Hồ đối với những tấm gương anh hùng, dũng cảm của quân và dân ta vì trên đó, Người có ghi ký hiệu Tg 1hh, nghĩa là: Thưởng một huy hiệu.

Đồi Mòi nhưng người dân từ lâu đã quen gọi là đồi La Thị Tám.

Đồi Mòi nhưng người dân từ lâu đã quen gọi là đồi La Thị Tám.

Những thông tin nêu trên đã được Anh hùng La Thị Tám nhắc lại trong cuộc trò chuyện với chúng tôi. Bà bảo rằng, bà rất muốn có bức ảnh chụp lại bài báo đó để giữ làm kỷ niệm.


[1] [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2010, t1.5, tr. 583]

Ngày xuất bản: 02/12/2022
Bài, ảnh: Ngọc Đinh và Mạnh Hào
Trình bày: Ngô Hương