HỘI ĐỒNG BẢO AN GỒM BAO NHIÊU THÀNH VIÊN?

Toàn cảnh một cuộc họp của Hội đồng Bảo an tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York. (Ảnh: Reuters)

Toàn cảnh một cuộc họp của Hội đồng Bảo an tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York. (Ảnh: Reuters)

Hội đồng Bảo an gồm 15 nước thành viên, trong đó có năm nước Ủy viên thường trực, thường được gọi là Nhóm P5, gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Còn lại là 10 nước thành viên không thường trực (gọi tắt là Nhóm E10) do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu ra với nhiệm kỳ hai năm trên cơ sở phân chia công bằng về mặt địa lý và có tính tới sự đóng góp của những nước này cho tôn chỉ và mục đích của Liên hợp quốc và không được bầu lại nhiệm kỳ kế ngay sau khi mãn nhiệm.

10 nước thành viên không thường trực, thường được gọi là Nhóm E10, được bầu theo sự phân bổ khu vực địa lý như sau: năm nước thuộc châu Phi và châu Á; một nước thuộc Đông Âu; hai nước thuộc vùng Mỹ Latinh và Caribe; hai nước thuộc Tây Âu và các nước khác.

Các hoạt động chính của Hội đồng Bảo an chủ yếu diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York, bao gồm các cuộc họp chính thức, kể cả ở cấp cao, cấp bộ trưởng, thảo luận không chính thức, tham vấn, thương lượng, thông qua các văn kiện thể hiện quan điểm, quyết định của Hội đồng Bảo an như tuyên bố báo chí, tuyên bố chủ tịch, nghị quyết… Hội đồng Bảo an cũng có thể tổ chức các đoàn công tác thực địa đến các khu vực xung đột có trong chương trình nghị sự. Các thành viên Hội đồng Bảo an, dù là Ủy viên thường trực hay không thường trực, đều có quyền và trách nhiệm tham gia tất cả các hoạt động này, đồng thời làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong thời gian một tháng theo thứ tự luân phiên.

Nhóm E10 nhiệm kỳ 2022-2023 gồm: Albania, Brazil, Gabon, Ghana, Ấn Độ, Ireland, Kenya, Mexico, Na Uy và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).