Chặng đường “kỳ tích”

của ngành lúa gạo Việt Nam

Xuyên suốt quá trình phát triển, ngành hàng sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt nhiều “kỳ tích”. Trong bối cảnh mới hiện nay với những biến động của thị trường thế giới, biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng cộng với biến đổi khí hậu ngày một rõ nét, ngành lúa gạo Việt Nam đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong cả sản xuất và xuất khẩu. Theo đó, ngành tập trung nâng cao chất lượng lúa gạo, mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.    

Những dấu ấn đậm nét

Trong giai đoạn 20 năm (2001-2020), ngành sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam đã ghi nhiều dấu ấn.

Diện tích gieo cấy lúa năm 2020 đạt 7,278 triệu ha, giảm khoảng 215.000ha so với năm 2001. Năng suất lúa năm 2020 đạt 58,7 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha/năm; sản lượng lúa tăng bình quân tăng 0,5 triệu tấn/năm.

Lượng gạo và trị giá xuất khẩu gạo giai đoạn 2001-2020 (Nguồn Cục Trồng trọt)

Lượng gạo và trị giá xuất khẩu gạo giai đoạn 2001-2020 (Nguồn Cục Trồng trọt)

Gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng bình quân 130.000 tấn/năm; giá gạo xuất khẩu tăng khoảng 17 USD/tấn/năm. Năm 2020 lượng gạo xuất khẩu đạt 6,25 triệu tấn, giá bình quân 499,3 USD/tấn, giá trị xuất khẩu gạo đạt 3,12 tỷ USD, tăng 2,52 triệu tấn về lượng và 2,8 tỷ USD về giá trị so với năm 2001.

Từ tháng 9/2020, Việt Nam đã xuất những lô gạo đầu tiên vào EU với giá bán khá cao. Cụ thể, trước EVFTA, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine là 520 USD/tấn, thì khi EVFTA có hiệu lực, mức giá lần lượt là hơn 1.000 USD/tấn và 600 USD/tấn.

Từ 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực đã mở ra “chương mới” cho xuất khẩu gạo của Việt Nam với cơ hội lớn thâm nhập sâu vào thị trường EU. Theo EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm được hưởng thuế suất 0% (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát  và 30.000 tấn gạo thơm); đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 đến 5 năm.

Giá bình quân xuất khẩu gạo giai đoạn 2001-2020 (Nguồn Cục Trồng trọt)

Giá bình quân xuất khẩu gạo giai đoạn 2001-2020 (Nguồn Cục Trồng trọt)

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 60.000 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng và tăng tới hơn 20% về trị giá so với năm 2020.

Tính chung 8 tháng năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt hơn 4,79 triệu tấn, trị giá hơn 2,33 tỷ USD, tăng 20,7% về khối lượng, tăng 9,9% về kim ngạch so với 8 tháng năm 2021, giá trung bình đạt 486,5 USD/tấn.

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm 2022 sẽ cán đích khoảng 3,2- 3,3 tỷ USD.

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm 2022 sẽ cán đích khoảng 3,2-3,3 tỷ USD.

Về bước phát triển ấn tượng của xuất khẩu gạo trong những năm qua, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhận định: Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, lúa gạo là một trong những ngành hàng thực hiện tái cơ cấu rất thành công. Nếu như nhiều năm trước, chúng ta chỉ có cơ cấu 35 đến 40% các giống lúa chất lượng thì hiện nay con số này đã đạt 75 đến 80%, thậm chí tại nhiều địa phương, việc sử dụng giống lúa chất lượng lên đến hơn 90%. Đây là một trong những nguyên nhân chính nâng cao chất lượng gạo, đưa giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên rất nhanh.

Nhiều chính sách hiệu quả

Trong thời gian qua đã có nhiều chính sách được ban hành liên quan đến phát triển ngành lúa gạo như: Luật Trồng trọt năm 2018 và Nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác; Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019, sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/8/2018 về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ trong nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/04/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 05/6/2018 về Bảo hiểm nông nghiệp; Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 về khuyến nông; Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo....

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 phê duyệt Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả sản xuất; Bộ đã ban hành Quyết định số 732/QĐ-BNN-TT ngày 10/3/2020 về việc sửa đổi, bổ sung Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2019-2020 (lần 2); Bộ đã ban hành Quyết định số 555/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2021 Phê duyệt “Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”.

Đây là đề án quan trọng với mục tiêu nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững ngành lúa gạo. Theo đó, ngoài việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước còn phải hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo. Tái cơ cấu lúa gạo giai đoạn mới phải mang lại hiệu quả nâng cao thu nhập cho nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu gạo theo hướng chất lượng cao và giá trị cao.

Cùng các cơ chế, chính sách mới được ban hành, nhiều quy trình kỹ thuật canh tác lúa cũng đã được triển khai thực hiện trong thời gian qua, góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất, sản lượng, nhất là tăng chất lượng hạt gạo đồng thời với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Cụ thể, quy trình kỹ thuật như 3 giảm, 3 tăng; 1 phải 5 giảm, SRI, IPM, tưới ướt khô xen kẽ…

Các gói kỹ thuật canh tác lúa cho vùng đồng bằng sông Hồng, duyên hải Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long được Viện cây Lương thực và cây thực phẩm, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ và Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu, tổng hợp và khuyến cáo cho các địa phương ứng dụng có hiệu quả.

Nỗ lực xây dựng
thương hiệu gạo Việt Nam

Tháng 11/2019, gạo ST25 của Việt Nam được trao giải gạo ngon nhất thế giới sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World's Best Rice do The Rice Trader tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines. Gạo ST 25 được lai tạo bởi nhóm nhà khoa học Sóc Trăng gồm: Kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sỹ Trần Tấn Phương và Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương. Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu cột mốc mới và quan trọng của hạt gạo Việt Nam trong hành trình xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Tháng 6/2022, Công ty Cổ phần Nông sản Lộc Trời (thành viên Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) đã hoàn tất việc xuất khẩu gần 500 tấn gạo mang thương hiệu riêng của tập đoàn - “Cơm ViệtNam Rice”- sang thị trường châu Âu.

Hoạt động xuất khẩu lần này đánh dấu một cột mốc lớn trong toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, lần đầu tiên gạo do Lộc Trời tham gia sản xuất, mang thương hiệu riêng của tập đoàn được xuất khẩu sang thị trường chất lượng cao này.

Toàn bộ các lô hàng này đều bảo đảm về chất lượng và được đóng gói trong bao bì riêng đã đăng ký mẫu mã quốc tế của Lộc Trời.

Gạo mang thương hiệu Cơm ViệtNam Rice lên kệ tại hệ thống đại siêu thị Carrefour tại Pháp

Gạo mang thương hiệu Cơm ViệtNam Rice lên kệ tại hệ thống đại siêu thị Carrefour tại Pháp

Trước đó, để tuân thủ đúng quy trình chất lượng của thị trường châu Âu, Lộc Trời đã phối hợp sản xuất quy mô lớn đồng bộ từ việc quy hoạch vùng trồng, chọn giống phù hợp, thực hiện quy trình canh tác khoa học, ưu tiên sử dụng các sản phẩm vật tư nông nghiệp sinh học, sử dụng máy nông nghiệp và drone trong suốt các công đoạn từ đầu vụ đến cuối vụ, tổ chức thu hoạch, vận chuyển, sấy, lưu kho…

Đến cuối tháng 8/2022, lần đầu tiên sản phẩm gạo mang thương hiệu "Cơm ViệtNam Rice" được giới thiệu tới người tiêu dùng trong chuỗi siêu thị của tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu nước Pháp E.Leclerc và hệ thống phân phối Carefour.

Lộc Trời trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên, tiên phong, chủ động bước vào “sân chơi lớn” khi trực tiếp xây dựng thương hiệu tiếp cận với hệ thống bán lẻ đại siêu thị Pháp - phân khúc cuối cùng của hệ thống phân phối bán lẻ phức tạp bậc nhất châu Âu và thế giới, như một lời khẳng định gạo của Lộc Trời đáp ứng được những tiêu chuẩn cao nhất mà thị trường châu Âu yêu cầu.

Gạo ST25 thương hiệu A An chính thức bán tại Nhật Bản. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

Gạo ST25 thương hiệu A An chính thức bán tại Nhật Bản. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

Ngoài thị trường châu Âu, gạo Việt Nam cũng bước đầu phát triển thương hiệu tại Nhật Bản - một trong những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng gạo và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cụ thể, cuối tháng 6/2022, sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An của Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long đã được đưa thành công vào thị trường Nhật Bản.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, thì những năm gần đây gạo Việt Nam vào thị trường Nhật với số lượng không đáng kể và chủ yếu dùng làm nguyên liệu chế biến các thực phẩm khác như bánh, tương miso...

Sự kiện gạo ST25 A An được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng của Nhật Bản đánh dấu một cột mốc quan trọng khi gạo Việt Nam sẽ chính thức xuất hiện trên bàn ăn của các gia đình Nhật Bản. Đây là tín hiệu đáng mừng cho gạo Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản trong tương lai.

Giải pháp cho hướng phát triển mới

Trong suốt chặng đường dài phát triển, ngành lúa gạo đã đạt được nhiều kỳ tích đáng kể, song cũng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục để tạo đà phát triển bền vững.

Cụ thể như: Giá xuất khẩu gạo còn bấp bênh, khả năng cạnh tranh chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường nội địa và quốc tế; Chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị; Sản xuất lúa gạo chưa bền vững, còn nhiều rủi ro trong sản xuất, kinh doanh.

Hiện, sự phát triển của ngành lúa gạo đang đứng trước các thử thách do hiệu quả thấp, thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt ở những vùng sản xuất lúa trọng điểm.

Để vượt qua thử thách, phát huy lợi thế, giữ vững vị trí quan trọng của lĩnh vực trồng trọt, ngành lúa gạo cần được tiếp tục tái cơ cấu đến năm 2025 và 2030 nhằm đáp ứng những yêu cầu mới cho sự phát triển cao hơn và bền vững hơn.

Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo đến năm 2025 và năm 2030 nêu rõ: Đến năm 2030, giữ diện tích đất lúa 3,5 triệu ha, linh hoạt diện tích gieo trồng, bảo đảm tối thiểu sản lượng 35 triệu tấn lúa/năm. Xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo; trong đó loại gạo thơm, đặc sản và gạo japonica chiếm 45%, gạo nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 15%, gạo phẩm cấp trung bình và thấp 10%, sản phẩm chế biến từ gạo 10%; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu hơn 40%. Tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng hạt giống xác nhận hơn 90%; sử dụng giống chất lượng cao 80%; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến, quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP và tương đương, canh tác lúa thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ...) khoảng 70%; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số khoảng 20%. Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa 40%. Tỷ lệ diện tích gieo trồng liên kết sản xuất- tiêu thụ khoảng 50%. Lợi nhuận cho người trồng lúa hơn 30%. Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa 10%.

Muốn đạt được mục tiêu đó, cần thực hiện các giải pháp ưu tiên như: Hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách đối với đất lúa, có chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện tích tụ đất lúa, tăng quy mô sản xuất lúa nông hộ và thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất lúa quy mô lớn.

Nhà nước có chính sách đặc thù như ưu tiên tích tụ đất lúa, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hiện đại hóa sản xuất, phát triển chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả ngành lúa gạo và thu nhập nông dân; chuyển đổi hỗ trợ cho các địa phương theo diện tích trồng lúa sang hỗ trợ cho các vùng sản xuất lúa trọng điểm và vùng lúa có luân canh với rau màu hoặc thủy sản.

Đối với vấn đề liên kết sản xuất-tiêu thụ, cần bổ sung chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay cho doanh nghiệp đủ lớn và kéo dài thời hạn vay để doanh nghiệp có điều kiện liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân và dự trữ lúa, gạo với sự tham gia hỗ trợ của ngành ngân hàng trong cho vay theo chuỗi giá trị.

Gạo Việt Nam được nhiều người tiêu dùng thế giới ưa chuộng.

Gạo Việt Nam được nhiều người tiêu dùng thế giới ưa chuộng.

Ngoài ra, còn một giải pháp quan trọng khác là đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh lúa gạo theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp có liên kết sản xuất- tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu gạo có thương hiệu, chế biến sâu.

Song song với đó là thực hiện hiệu quả Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với thương nhân đầu tư sản xuất, chế biến lúa gạo công nghệ cao và sản xuất, kinh doanh sản phẩm gạo sạch, gạo hữu cơ, gạo có chất lượng, giá trị gia tăng cao hoặc chế biến phế phẩm, phụ phẩm từ lúa gạo; chính sách khuyến khích, hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo; nâng cao năng lực tổ chức đại diện của nông dân. Đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo và Nghị định số 103/2020/NĐ-CP ngày 04/9/2020 của Chính phủ Quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu.

Gạo mang thương hiệu Cơm ViệtNam Rice lên kệ tại hệ thống đại siêu thị Carrefour tại Pháp

Gạo mang thương hiệu Cơm ViệtNam Rice lên kệ tại hệ thống đại siêu thị Carrefour tại Pháp

Ngày xuất bản: 27/10/2022
Chỉ đạo thực hiện: Hà Quốc Việt
Nội dung: Tiến Anh
Trình bày: Diệu Thu