Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN vượt qua thách thức như thế nào?
Năm 2020 chứng kiến những biến động phức tạp, đa chiều chưa từng có trong môi trường địa chính trị, kinh tế thế giới và khu vực, trong đó có đại dịch Covid-19. Trên tinh thần chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, cùng nhiều hội nghị quan trọng.
Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam và sự chung tay, góp sức của các nước thành viên, cũng như các đối tác, ASEAN đã bản lĩnh, vững vàng vượt qua các thách thức; thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất, cũng như khẳng định vai trò trung tâm, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Hiệp hội trong khu vực và trên trường quốc tế.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã duy trì được đà xây dựng Cộng đồng ASEAN và thực hiện thành công các mục tiêu, ưu tiên đề ra trong năm 2020. ASEAN hoàn tất rà soát giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể trên ba trụ cột thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Đây là khuôn khổ quan trọng giúp ASEAN triển khai các mục tiêu liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng giai đoạn 2015-2025. Năm 2020 đánh dấu mốc giữa kỳ triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Do đó, việc đánh giá giữa kỳ có ý nghĩa quan trọng giúp rà soát các kết quả đạt được, xác định các biện pháp thúc đẩy hiệu quả các nội dung công việc còn lại để có thể hoàn tất đúng tiến độ các yêu cầu đề ra trong Tầm nhìn vào năm 2025.
Sau khi hoàn tất triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, ASEAN cần tiếp tục xây dựng định hướng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 nhằm định hướng tiến trình xây dựng tầm nhìn giai đoạn mới cho ASEAN, giúp Hiệp hội chuẩn bị và thích ứng hiệu quả hơn trước những cơ hội và thách thức đặt ra từ môi trường khu vực và quốc tế chuyển động phức tạp, mạnh mẽ.
Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực năm 2008, là văn kiện nền tảng quan trọng tạo khung pháp lý và khuôn khổ thể chế cho các hoạt động của ASEAN. Trước nhu cầu đẩy mạnh liên kết và xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam góp phần thúc đẩy công tác chuẩn bị cho rà soát triển khai Hiến chương ASEAN, giúp đánh giá, chỉ ra những kết quả đạt được, các tồn tại cần khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của tình hình mới.
Thúc đẩy phát triển tiểu vùng gắn với tiến trình phát triển của ASEAN là một trong những nội dung quan trọng có ý nghĩa đặc biệt nhằm giúp thu hẹp khoảng cách phát triển, gắn kết phát triển ở các tiểu vùng, trong đó có Mekong, với tiến trình phát triển chung của Cộng đồng ASEAN vì mục tiêu phát triển đồng đều và bền vững của cả khu vực.
Nâng cao hình ảnh và nhận diện về Cộng đồng ASEAN sẽ giúp người dân trong và ngoài khu vực nâng cao ý thức về Cộng đồng, tạo sợi dây gắn kết giữa các quốc gia thành viên. Các đề xuất do Việt Nam đưa ra gồm khuyến khích treo cờ ASEAN tại các tòa nhà là trụ sở cơ quan chính phủ các nước ASEAN, tăng cường sử dụng ASEAN ca tại các sự kiện chính thức của ASEAN đã được các nước ASEAN hoan nghênh và ủng hộ.
Với vai trò thúc đẩy tích cực của Việt Nam, nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19 của các thành viên ASEAN đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam đã kịp thời tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch Covid-19 và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch Covid-19. ASEAN đã thông qua và đưa vào triển khai nhiều sáng kiến hợp tác hiệu quả, thực chất, góp phần tăng cường năng lực ứng phó các thách thức của đại dịch.
Trong năm 2020, các thành viên và đối tác đã cam kết đóng góp hơn 12 triệu USD vào Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, trong đó Việt Nam đóng góp 100.000 USD, nhằm giúp nâng cao năng lực cho các quốc gia thành viên trong kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh. Kho dự phòng vật tư y tế đầu tiên của khu vực được công bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, nhằm dự phòng sẵn các vật tư y tế cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong các tình huống y tế khẩn cấp.
Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 23 đã công bố chính thức việc thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (AC-PHEED). Đây là trung tâm mang tầm khu vực, đóng vai trò thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, đào tạo nâng cao năng lực và phối hợp ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh phát sinh. Khung chiến lược ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp là quy trình chuẩn giúp các nước thành viên ASEAN phối hợp xử lý các tình huống y tế khẩn cấp, được xây dựng trên cơ sở các quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được hài hòa hóa với các điều kiện đặc thù của ASEAN.
Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai là khuôn khổ quan trọng giúp ASEAN tập trung khắc phục hậu quả của dịch bệnh, nhất là trên các lĩnh vực và đối tượng bị tác động nhiều nhất, đồng thời thúc đẩy phục hồi bền vững. Các nỗ lực phục hồi của ASEAN tập trung vào 3 giai đoạn chính, gồm tái mở cửa, phục hồi và tự cường. Khung phục hồi đề xuất các chiến lược phục hồi chính gồm: tăng cường hệ thống y tế, bảo đảm an ninh con người, thúc đẩy thị trường và liên kết nội khối, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng tương lai bền vững và tự cường.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố về Khung thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN, giao các cơ quan liên quan của ASEAN nghiên cứu triển khai. Đây là nỗ lực của ASEAN nhằm tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu của doanh nhân, nhà đầu tư, trong bối cảnh dịch bệnh nhằm bảo đảm các di chuyển thiết yếu không bị gián đoạn mà vẫn đáp ứng các yêu cầu kiểm soát dịch bệnh.
Bên cạnh nỗ lực duy trì tiến trình xây dựng Cộng đồng, cũng như ứng phó và phục hồi hậu dịch bệnh, Việt Nam cũng góp phần phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và nâng tầm vai trò, vị thế ASEAN ở khu vực và quốc tế. ASEAN tiếp tục nỗ lực định hình một cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, dựa trên luật lệ, đẩy mạnh hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử và đề cao thượng tôn pháp luật. Lập trường nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề liên quan hòa bình, ổn định và an ninh khu vực được duy trì.
Thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng của ASEAN trong quan hệ với các đối tác: ASEAN thông qua Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao dịp 53 năm thành lập ASEAN gửi đi thông điệp về một ASEAN hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định, và mong muốn tăng cường các giá trị hướng tới hòa bình trong khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế.
Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của ASEAN và các đối tác trong khu vực thúc đẩy tự do hóa và liên kết kinh tế trong bối cảnh hợp tác kinh tế đa phương toàn cầu đang gặp nhiều thách thức.
Đóng góp tích cực vào các nỗ lực toàn cầu về hòa bình và an ninh, phát triển bền vững, bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ: tổ chức lần đầu tiên thông báo của Tổng thư ký ASEAN về hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy nhiều hoạt động nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ, trong hòa bình, an ninh và phát triển, nhân các mốc quan trọng kỷ niệm 25 năm thông qua Cương lĩnh Bắc Kinh về Bình đẳng giới và Nghị quyết đầu tiên của Liên hợp quốc số 1325 về phụ nữ, hòa bình, an ninh.
Cụ thể là: Phiên họp đặc biệt của lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số tại Hội nghị cấp cao ASEAN 36; Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về phụ nữ, hòa bình, an ninh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53; Hội nghị cấp cao lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 37.