Chuyện về chiếc máy cày Bác Hồ tặng nhân dân Vĩnh Kim

- Sức mạnh từ món quà đặc biệt -

Với thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, xã Vĩnh Kim, Vĩnh Linh - tiền đồn của miền bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của cách mạng miền nam đã được Bác Hồ tặng chiếc máy cày. Suốt những năm tháng chiến tranh cho đến ngày hòa bình, món quà Bác tặng đã trở thành nguồn cổ vũ, thành minh chứng cho tinh thần chiến đấu và lao động của người dân nơi đây.

Món quà của Bác

65 năm trước, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị là một trong những tuyến đầu của hậu phương miền bắc xã hội chủ nghĩa.

Ở nơi ấy, mặc dù ai ai cũng "tay súng, tay cày", nhưng cùng với các địa phương khác, nhân dân vùng giới tuyến Vĩnh Linh nói chung và Vĩnh Kim nói riêng luôn hăng say thực hiện đường lối cải tạo và phát triển nông nghiệp. Người dân đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, nên trong thời gian ngắn Vĩnh Kim đã xây dựng thành công mô hình hợp tác xã đầu tiên. Nhân dân Vĩnh Kim tích cực thâm canh, làm thủy lợi, nhờ đó năng suất mỗi vụ đạt 5 tấn thóc/ha.

Với thành tích nói trên, Bác Hồ đã tặng cho xã Vĩnh Kim chiếc máy cày Zero-25K do nước bạn Tiệp Khắc tặng để khen thưởng và cũng để người dân dùng tăng gia sản xuất.

Theo đề nghị của Người, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi ấy đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Cục trưởng Phan Phác, đại diện Bộ Nông nghiệp tổ chức cùng Đại sứ Tiệp Khắc trao tặng máy cày cho xã Vĩnh Kim. Lễ đón nhận máy cày được tổ chức vào tháng 12/1959, tại vùng Cây Sui.

Nhớ lại buổi lễ tặng máy cày, ông Dương Đình Cảnh (85 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim chia sẻ: “Vào thời điểm Bác Hồ tặng xã Vĩnh Kim máy cày, tôi đang làm Đội trưởng Đội thủ công Hợp tác xã. Lần đầu được thấy máy cày, người dân chúng tôi phấn khởi vô cùng, có người chạy từ nhà cách đó 3km để được tận mắt nhìn chiếc máy. Tôi nhớ như in hình ảnh khi máy được chạy thử dưới ruộng, đường cày đến đâu bà con chạy theo đến đó, người dính bụi đen nhẻm, quần áo nhớp bùn, mà ai nấy đều cười rất vui. Người trong xã đến xem đông như chảy hội, không chỉ thanh niên, mà ngay cả các ông bà già cũng đến, thậm chí các cháu học sinh cấp 1-2 còn được cho nghỉ học để cùng ra đón máy cày Bác Hồ tặng”.

Tôi nhớ như in hình ảnh khi máy được chạy thử dưới ruộng, đường cày đến đâu bà con chạy theo đến đó, người dính bụi đen nhẻm, quần áo nhớp bùn, mà ai nấy đều cười rất vui.

Ông Dương Đình Cảnh,
nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim

Chiếc máy cày đầu tiên đến với vùng đất canh tác nông nghiệp còn thô sơ, đặc biệt là tại khu vực phi quân sự trong những năm tháng hai miền còn chia cắt thực sự là một sự kiện đặc biệt, làm nức lòng bà con bờ bắc sông Bến Hải.

Ông Nguyễn Đức Điền (61 tuổi), Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kim nhớ lại: “Khi Bác tặng máy cày cho xã, Bác có dặn nhân dân Vĩnh Kim rằng: ‘Ruộng ít phải trồng thật nhiều màu, hai chân đó đi cho thật vững’. Bác mong muốn nhân dân Vĩnh Kim nói riêng, nhân dân Vĩnh Linh nói chung, ra sức thi đua lao động sản xuất, khai phá thật nhiều đất hoang, cấy nhiều lúa, trồng nhiều tiêu để xây dựng Vĩnh Kim-Vĩnh Linh giàu mạnh, đứng vững trên địa đầu giới tuyến, xứng đáng là lũy thép kiên cường, là tiền đồn vững chắc của miền bắc xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn miền nam”.

Hiểu được ân tình và mong mỏi đó của Người, nhân dân Vĩnh Kim đã đón nhận món quà của Bác bằng niềm vui, niềm tự hào và trách nhiệm. Chiếc máy cày không chỉ tạo không khí phấn khởi trong nhân dân, mà còn trở thành động lực để người lao động hăng hái thi đua sản xuất và chiến đấu.

Chiếc máy đã giúp người dân Vĩnh Kim khai hoang nhiều vùng đất đai hoang hóa, từ đó phát triển trồng trọt, mùa màng bội thu...

Cùng người dân khai hoang sản xuất, vận chuyển hàng hóa, chiếc máy cày đã cùng đồng bào góp sức cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chiếc máy cày đã trở thành “báu vật” của người dân Vĩnh Kim.

…cùng người dân Vĩnh Kim sản xuất và chiến đấu

Kể từ khi có chiếc máy cày của Bác tặng, nhân dân xã Vĩnh Kim như được tiếp thêm sức mạnh.

Mặc dù sống trong cảnh mưa bom bão đạn, nhưng người dân Vĩnh Kim từ già đến trẻ, ai nấy đều ra sức tăng gia sản xuất.

Nhắc tới sự giúp sức của máy cày với công việc đồng áng vốn nhiều khó nhọc, là con trai cụ Nguyễn Đức Đồng - một trong số ít người may mắn được học và trực tiếp lái máy cày năm xưa, ông Nguyễn Đức Điền say sưa kể lại: “Năm 1959, bố tôi được cử đi học Khóa 1 Trường trung cấp Nông nghiệp Trung ương. Sau đó, ông về nhận nhiệm vụ vận hành máy cày Bác Hồ tặng. Chiếc máy đã cùng ông giúp người dân Vĩnh Kim khai hoang nhiều vùng đất đai hoang hóa, từ đó phát triển trồng trọt, mùa màng bội thu...”

Trong báo cáo của xã Vĩnh Kim cũng viết: Máy cày Bác tặng đã đem lại cho Vĩnh Kim một sức sống mới. Những vùng đất hoang hóa án ngự lâu đời như vùng cây Sui, Cồn Hôi, Đuôi Tôm, Cố Bộ... với hàng trăm ha đất được giải phóng để đưa vào khai thác mở ra đồi chè, bãi sắn, nương khoai xanh mượt. Chính đó là cơ sở cho cây lạc, cây hồ tiêu, cây cao su phát triển về sau. Mặt khác, máy cũng đã vận chuyển hàng vạn tấn vật tư phân bón giống cây trồng cho sản xuất nông nghiệp của xã Vĩnh Kim và cả vùng giới tuyến Hiền Lương-Bến Hải...

Máy cày Bác tặng đã đem lại cho Vĩnh Kim một sức sống mới.

Là một trong những người được tận mắt chứng kiến máy cày Bác tặng đã đến và sát cánh cùng người dân thế nào, ông Dương Văn Cảnh tâm sự: "Đối với người dân Vĩnh Kim mà nói, nhận được chiếc máy cày của Bác là món quà rất ý nghĩa. Ai ai cũng rất hồ hởi. Món quà đã động viên người dân vươn lên tham gia sản xuất. Máy cày của Bác cùng nhân dân Vĩnh Kim khai hoang những khu vực hoang hóa từ lâu đời, đưa diện tích sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Kim lên hơn 500ha".

Nhờ máy cày giúp sức, cộng thêm sự hân hoan, khích lệ từ phần quà của Bác, nhân dân lao động hăng say sản xuất trên những mảnh đất mới khai hoang. Từ năm 1960-1962, năng suất lúa của xã tăng lên hơn 5 tấn/ha, đời sống nhân dân theo đó ổn định hơn, thậm chí lương thực sản xuất ra còn dư thừa dùng để chi viện cho chiến trường miền nam.

Chia sẻ thêm về việc sử dụng máy cày trong những ngày tháng khó khăn, đồng chí Nguyễn Viết Thành - Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kim cho biết: “Ngày ấy, máy bay địch ngày nào cũng quần thảo thả bom. Những mỏm núi dựng đứng bên bờ biển cao gần 30m mà bị bom ném phá san phẳng. Bất chấp những khó khăn ấy, người dân vẫn “tay súng tay cày”, làm đủ 2 vụ cấy. Những lúc như vậy, chiếc máy cày giúp ích rất lớn cho người dân. Tuy nhiên, lượng công việc khá nhiều mà máy thì chỉ có một, nên Hợp tác xã được giao nhiệm vụ phân bổ thời gian dùng máy cho các đội sản xuất. Lúc bấy giờ, xã Vĩnh Kim có tất cả 10 đội sản xuất. Máy cày được chia cho các đội lần lượt dùng để cày đất, vận chuyển hàng hóa như phân bón, khoai sắn,...”.

Đối với người dân Vĩnh Kim mà nói, nhận được chiếc máy cày của Bác là món quà rất ý nghĩa.

Không chỉ cùng người dân khai hoang sản xuất, vận chuyển hàng hóa, chiếc máy cày đã cùng đồng bào góp sức cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ông Nguyễn Đức Điền chia sẻ: “Theo lời bố tôi kể, từ năm 1964 đến đầu năm 1966, bố tôi nhiều lần điều khiển máy phối hợp Tiểu đoàn 6 đóng tại Khu Vĩnh Linh chở đạn, kéo pháo ra trận địa chống chiến tranh phá hoại”.

Chiếc máy cày đã trở thành “báu vật” của người dân Vĩnh Kim. Bởi vậy, ngay cả khi phải chuyển xuống các địa đạo sinh sống, người dân cũng không quên đào hầm bí mật để bảo vệ máy. Tuy vậy, sau một thời gian sát cánh lao động và chiến đấu cùng đồng bào Vĩnh Kim, năm 1967 máy bị hỏng nặng không thể hoạt động được nữa, vì thế người dân đã đưa máy ra Xưởng cơ khí số I tại Hà Nội để sữa chữa. Ngay sau đó, chiến tranh ập xuống khốc liệt, chiếc máy cày đành phải gửi lại xưởng và từ lúc đó mất tin tức.

Chiếc máy cày đã trở thành “báu vật” của người dân Vĩnh Kim. Video: Nhóm phóng viên

Chiếc máy cày đã trở thành “báu vật” của người dân Vĩnh Kim. Video: Nhóm phóng viên

Minh chứng cho tinh thần lao động và chiến đấu của nhân dân Vĩnh Kim

Hiện nay, người dân Vĩnh Kim đang trưng bày chiếc máy cày năm xưa Bác Hồ tặng ở vị trí trang trọng trong gian phòng truyền thống xã.

Chiếc máy cày cùng câu chuyện sát cánh chiến đấu và sản xuất với người dân Vĩnh Kim đã trở thành bài học truyền đời cho các thế hệ người dân nơi đây về sức sống và sức bền của một vùng đất. Máy cày Bác tặng không biết từ khi nào cũng trở thành minh chứng, động lực cho tinh thần lao động và chiến đấu của người dân Vĩnh Kim.

Máy cày Bác tặng không biết từ khi nào cũng trở thành minh chứng, động lực cho tinh thần lao động và chiến đấu của người dân Vĩnh Kim.

Không phải đến tận bây giờ, chiếc máy cày mới được nhắc và nhớ đến như minh chứng cho sự anh dũng, quả cảm trong chiến đấu và chăm chỉ, sáng tạo trong lao động của người dân xã Vĩnh Kim, mà từ nhiều năm trước, trong lòng người dân nơi đây, máy cày còn hơn một công cụ lao động, đó là “đồng nghiệp”, là “chiến hữu” của mỗi người. Bởi vậy, đến năm 1979, Đại hội Đảng bộ xã đã hạ quyết tâm: Dù khó khăn đến đâu cũng đưa cho được chiếc máy cày về.

Theo đó, xã giao nhiệm vụ cho 3 đồng chí Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Đức Anh, Nguyễn Đức Đồng cơm đùm, gạo bới ra Hà Nội tìm máy. Lặn lội tìm kiếm nhiều ngày, qua thông tin từ một công nhân của xưởng các đồng chí được biết, chiếc máy cày đã được chuyển từ Vĩnh Linh ra, nhưng vì cảng Hải Phòng bị phong tỏa thủy lôi, phụ tùng nhận viện trợ của Tiệp Khắc không vào được, nên công nhân không thể tu sửa và đành cất giữ vào kho của nhà máy.

Theo lời kể của lãnh đạo xã Vĩnh Kim và những ghi chép của xã, khi tìm được chiếc máy cày nhưng biết máy chưa được sửa chữa sau bao năm, các đồng chí Hữu Thông, Đức Anh, Đức Đồng đã trăn trở rất nhiều và luôn tìm mọi cách để được hỗ trợ. Biết câu chuyện về máy cày và hiểu được tấm lòng người dân Vĩnh Kim dành cho chiếc máy - phần quà của Bác, mà cao hơn là tình cảm và sự kính yêu dành cho vị Cha già dân tộc, Xưởng đã điều động ngay một tổ thợ lành nghề thay phiên nhau 3 ca liên tục, ngày đêm sửa chữa cho kịp đưa máy về đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong những ngày tu sửa tại xưởng, bởi đây là chiếc máy được sản xuất ở Tiệp Khắc, nên việc tìm được phụ tùng thay thế là rất khó khăn. Anh em công nhân phải lên tận nông trường Tam Đảo mới mua phụ tùng thích hợp. Riêng 2 chiếc lốp xe, đích thân Ban lãnh đạo Xưởng đã trực tiếp đến tổng kho ở Hải Phòng để mua bằng được chiếc lốp đúng theo nhãn hiệu Tiệp Khắc. Tất cả những việc làm đó đều nhằm mục đích là giữ cho máy được nguyên bản nhất có thể như chính món quà Bác tặng khi xưa, thể hiện sự trân trọng với Bác và sự cảm phục trước tình cảm nhân dân Vĩnh Kim dành cho Bác.

Trong lòng người dân Vĩnh Kim, máy cày còn hơn một công cụ lao động, đó là “đồng nghiệp”, là “chiến hữu” của mỗi người.

Sau 2 tháng tu sửa, đến ngày 28 tháng Chạp năm Canh Thân (tức 2/2/1981), chiếc máy cày đã “sống lại” và nổ giòn giã sau nhiều năm lưu lạc, trong tiếng hò reo vui mừng của anh em công nhân. 11 giờ đêm ngày 29 Tết, đúng dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng (3/2/1981), chiếc máy cày Bác tặng đã lên đường trở lại quê hương. Ngoài khoản ủng hộ tiền công sữa chữa, Xưởng còn tặng thêm 1 chiếc rơ moóc, 2 thùng phuy dầu và cử 2 cán bộ kỹ thuật tháp tùng máy về tận quê hương Vĩnh Kim.

Vậy là, lần thứ 2, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Kim lại tổ chức buổi lễ trang trọng đón chiếc máy cày, lần này vào đúng đêm 30 Tết, đúng dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng. Không khí hồ hởi chờ đợi và vui mừng đón nhận của 21 năm về trước lại được tái hiện, thậm chí còn phấn khởi và náo nức hơn xưa.

Những năm 1980, chiếc máy cày Zeto-25K tiếp tục bươn bả trên đồng dưới ruộng bất chấp những mảnh bom đạn còn vương lại lổn nhổn, chăm chỉ cày xới đất đai để người dân trồng trọt cấy cày. Máy sát cánh cùng đồng bào Vĩnh Linh xây dựng quê hương cho đến khi không thể sử dụng nữa và được đưa vào trưng bày.

Xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2019

Xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2019

Cho dù, cũng có lúc máy cày không thể tiếp tục đồng hành cùng nhân dân, thì giá trị cổ vũ của nó vẫn còn mãi, giúp người dân xã Vĩnh Kim đạt được nhiều thành tựu được Đảng và Nhà nước khen thưởng. Cụ thể như, năm 1967, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Kim vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ngày 8/11/2000 xã Vĩnh Kim vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Vĩnh Kim trở thành đơn vị cấp xã đầu tiên đạt 2 danh hiệu Anh hùng lúc bấy giờ.

Đặc biệt, năm 2015, Vĩnh Kim trở thành một trong 3 xã đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2019, xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu. Năm 2022, xã vinh dự đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đời sống nhân dân được nâng cao, kinh tế, chính trị ổn định và phát triển. Vĩnh Kim luôn nằm trong danh sách những xã có thu nhập đầu người cao nhất huyện Vĩnh Linh. Những kết quả này đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc trong đời sống xã hội, đưa quê hương Vĩnh Kim ngày càng phát triển giàu đẹp.

Tại lễ kỷ niệm 50 năm đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, xã Vĩnh Kim đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng. Đó đều là những phần thưởng xứng đáng cho những người luôn biết vượt khó vươn lên, dũng cảm chiến đấu và hăng say kiến thiết quê hương.

Chiếc máy cày năm xưa Bác Hồ tặng được đặt ở vị trí trang trọng trong gian phòng truyền thống xã

Chiếc máy cày năm xưa Bác Hồ tặng được đặt ở vị trí trang trọng trong gian phòng truyền thống xã

Có thể nói, sự xuất hiện của chiếc máy cày hiện đại với tư cách là món quà động viên của Bác ở vùng quê nghèo thực sự trở thành động lực sản xuất và chiến đấu của nhân dân suốt những năm tháng oằn mình chống bom đạn quân thù và cả những ngày tháng hòa bình sau này. Đặc biệt, trong những ngày này, khi cả Vĩnh Linh đang hồ hởi chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống, nhân dân Vĩnh Kim cũng náo nức thi đua, phát huy truyền thống để đón nhận những thành công mới. Và chiếc máy cày Bác tặng vẫn luôn ở đó, chứng kiến vùng quê yên bình thuộc dẻo đất miền trung của Tổ quốc đang thay da đổi thịt mỗi ngày...

Ngày xuất bản: 16/8/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - XUÂN BÁCH
Nội dung:
LÂM QUANG HUY - SONG THU - NGỌC BÍCH
Trình bày: HÀ NAM
Ảnh và video: HÀ NAM - DIỆU THU