Vào những năm 1965-1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền bắc, tăng cường khủng bố, tàn phá miền nam. Thời kỳ đó, khu vực Vĩnh Linh và Quảng Bình là nơi bị địch đánh phá ác liệt nhất, trở thành “tọa độ lửa”. Người dân tuyến lửa đã phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom, đạn. Xóm làng bị cày nát bởi sự khốc liệt của chiến tranh. Cuộc sống của nhân dân chuyển hẳn xuống hầm hào, địa đạo.

Nhận định chiến tranh còn kéo dài, Trung ương Đảng đã đề ra Kế hoạch K8 (tức triển khai từ tháng 8/1966) và K10 (triển khai tháng 10/1967) nhằm di dân ra khỏi vùng chiến sự ác liệt, giảm mật độ dân số ở tuyến lửa, đồng thời “gìn giữ lực lượng và nòi giống”, bảo đảm cho lực lượng ở lại chiến đấu yên lòng đánh giặc. Hàng vạn đồng bào Vĩnh Linh đã được chuyển ra các tỉnh phía bắc, và hơn cả tầm của một cuộc sơ tán, hành trình của những người dân từ tuyến lửa ra vùng hòa bình đã trở thành một cuộc thiên di chưa từng có trong lịch sử. Và cho đến hôm nay, cuộc thiên di ấy vẫn in hằn trong ký ức những người con nặng tình nghĩa “quê chung”…

Cùng với nhiều địa phương miền bắc, Tân Kỳ (Nghệ An) là mảnh đất đã cưu mang, che chở đồng bào từ Quảng Trị sơ tán ra theo kế hoạch K10 khi vùng giới tuyến bị bom Mỹ đánh phá dữ đội những năm 1967-1972… Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nghĩa tình ấy luôn được các thế hệ cán bộ và nhân dân hai huyện không ngừng vun đắp và đã trở thành mối quan hệ đặc biệt với tên gọi “Quê chung”.

Lấy điểm tựa từ cuộc trường chinh mang bí hiệu K10, những sợi dây vô hình hoặc hữu hình sau cùng vẫn cứ kết nối hai miền đất từ quá khứ, qua hiện tại tới tận tương lai…

Ông Thái Doãn Bốn, nguyên cán bộ lão thành tại huyện Tân Kỳ vẫn nhớ như in cuộc trở về đầy nước mắt của những “đứa con Vĩnh Linh”. Giọng run run, ông kể: Giai đoạn 1968-1972, gia đình ông nhận cưu mang một nhà 5 mẹ con người Vĩnh Linh ra xã Kỳ Sơn sơ tán.

“Người mẹ còn rất trẻ. Chồng chị là bộ đội đã hy sinh. Tôi nhớ khi đó, ba mẹ tôi quyết định nhận cả 5 người làm con cháu. Chúng tôi dựng một căn nhà trong khoảng vườn cho chị và các cháu ở”, ngồi bên cạnh, bà Thái Thị Dụng tiếp lời.

Sau khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng, toàn bộ 5 người nhà chị Viện trở về Vĩnh Linh. Do khoảng cách và điều kiện khó khăn lúc bấy giờ, cả hai bên mất hoàn toàn liên lạc.

Tới năm 2011, khi đang làm việc tại Huyện ủy Tân Kỳ, ông Thái Văn Bốn bỗng thấy một cặp vợ chồng trung tuổi vào hỏi thăm.

-       Chú có biết nhà ông Sửng ở Kỳ Sơn giờ chuyển đi mô không? – người phụ nữ cởi nón lá, lau mồ hôi trên mặt hỏi.

Thoáng ngẩn ra một lúc, ông Bốn giật mình bởi Sửng chính là tên cụ thân sinh ra mình. Nhìn kỹ lại, ông cũng thấy người trước mắt quen quen.

-       Cụ Sửng là cha tôi. Cô hỏi mần chi? – Dù đã ngờ ngợ, nhưng ông Bốn vẫn hỏi kỹ theo phép lịch sự.

Cặp vợ chồng mắt đỏ hoe đáp: “Mấy chục năm trước, mẹ con cháu được nhà cụ Sửng cưu mang. Giờ vợ chồng cháu đi tìm lại mà không biết ông bà ở nơi mô?”

Đến lúc này, mọi nỗi nghi ngờ bỗng dưng bay biến. Ông Bốn ôm chầm lấy cặp vợ chồng, bật khóc: “Viện đó à con. Sao bao lâu nay không trở lại”.

Tối đó, căn nhà nhỏ của ông Bốn rộn tiếng cười. Mảnh nghĩa tình ngàn dặm trong phút chốc được nối liền lại, và càng đậm sâu hơn.

Ông Thái Khắc Quán, hàng xóm của ông Bốn góp vui bằng câu chuyện về một chuyến “trở về” khác. Đó là vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập làng Tân Tiến, xã Kỳ Tân mới đây, ông Quán đã vào tận Vĩnh Linh để mời bà con từng sơ tán tại Tân Tiến về dự lễ. Nhận lời, một đoàn 70 người đã ngược ra.

“Tổng cộng có 3 xe to, 1 xe nhỏ về làng. Chúng tôi thống nhất, ngày xưa ai ở nhà mô thì sẽ về nhà nớ. Trường hợp không còn tìm được ‘ba mệ nuôi’ thì mới bố trí ở chung. Nhìn ngôi làng 58 năm trước giờ trù phú, ai cũng mừng mừng tủi tủi”, ông Quán hào hứng.

Nói đoạn, ngay lập tức, ông rút chiếc đoạn thoại đã cũ mèm, lúi cúi bấm bấm số rồi gọi. Sau chừng vài hồi chuông, phía bên kia nhấc máy.

-       Hoa hả. Vĩnh Ninh dạo ni nắng không con. Mệ con còn khỏe không? Có đi lại được không?...

Trong phút chốc, khoảng cách được kéo gần lại. Chỉ còn tiếng cười, những lời động viên, khích lệ của những người thân… không chung máu mủ.

Tại Vĩnh Linh, anh Trần Thanh Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Hồ Xá cũng là thế hệ “lũy thép, lũy hoa” được sinh ra trên quê mới Tân Kỳ. Từng có 3 lần về lại nơi chôn nhau, cắt rốn, dịp nào, anh cũng rưng rưng.

Có lẽ, mọi lời cám ơn đều không thể đủ để diễn tả tình cảm của người Vĩnh Linh dành cho người dân Tân Kỳ. Thời điểm tản cư ấy, họ không chỉ ‘chia nhà, san cửa’ mà đến củ khoai, củ sắn cũng bẻ nửa.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Hồ Xá Trần Thanh Dương

“Tôi từng được gia đình chú Sự cho ở nhờ. Họ là người dân tộc Thổ, tính tình hiền lành và tốt bụng lắm. Ngày tôi về, ông bà đã không còn nữa, nhưng 11 người con đều cùng gia đình đợi chờ tôi trở lại. Họ đã thịt 1 con lợn hơn 40 ký chỉ để mừng mẹ con tôi trở về Tân Kỳ”, anh Dương cười nói.

Phó Chủ tịch thị trấn Hồ Xá bảo: Có lẽ, mọi lời cám ơn đều không thể đủ để diễn tả tình cảm của người Vĩnh Linh dành cho người dân Tân Kỳ. Thời điểm tản cư ấy, họ không chỉ ‘chia nhà, san cửa’ mà đến củ khoai, củ sắn cũng bẻ nửa.

“Đến tận bây giờ, trở lại Tân Kỳ, chúng tôi không chào nhau bằng cách bắt tay, mà tất cả đều vỡ òa, ôm nhau khóc”, anh Dương xúc động khi kể lại hành trình trở về nơi mình sinh ra.

Biết chúng tôi đi tìm lại những dấu vết Vĩnh Linh tại Tân Kỳ, ông Nguyễn Hoa Sơn, trú tại xóm Tiền Phong, Kỳ Sơn đội nón, lụm cụm đi bộ đưa cả đoàn về phía cuối làng.

Trên khoảng sân nhỏ bỏng rát nắng, ông Sơn chỉ cho chúng tôi thấy chiếc thành giếng được đúc bằng xi-măng, bên ngoài vẫn còn dòng chữ ghi tháng năm: K10 3/2/1970.

Ông Sơn cho biết, nơi đây chính là trụ sở làm việc Phòng 10 - cơ quan tiếp nhận, điều phối đồng bào Vĩnh Linh về Tân Kỳ gần 60 năm về trước. Sau này, khi Phòng 10 kết thúc nhiệm vụ, chiếc thành giếng được gia đình chủ nhân mới là hộ chị Thái Thị Hương giữ lại gần như nguyên vẹn. Ngày ngày, dòng nước mát K10 vẫn cứ được đưa lên, tiếp thêm sức sống cho hiện tại…

Dấu vết Vĩnh Linh còn hiển hiện rõ trong những mảnh vườn hồ tiêu xanh mướt lẩn khuất trong nhiều gia đình ở huyện miền núi phía Tây xứ Nghệ. Đây vốn là giống cây trồng được đồng bào Vĩnh Linh “thiên di” ra Tân Kỳ trong đợt “trường chinh màu đỏ” những năm 1968-1972. Cây tiêu ấy giờ quen thuộc trong mỗi vườn nhà người dân Tân Kỳ, là hiện thực rõ ràng trước mắt, cho chúng tôi thấy những ký ức gần 60 năm trước như vừa mới diễn ra ngày hôm qua.

Đáng quý hơn, nghĩa tình nước non ngàn dặm ngày nào còn luôn được các thế hệ cán bộ và nhân dân 2 huyện không ngừng vun đắp và đã trở thành mối quan hệ đặc biệt với tên gọi “Quê chung”.

Chị Nguyễn Thị Tú Hương, Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Tân Kỳ cho biết: Để giữ gìn và vun đắp truyền thống quý báu đó, năm 2008, dưới sự chỉ đạo của 2 Đảng bộ huyện Vĩnh Linh - Tân Kỳ, tuổi trẻ 2 huyện đã ký kết nghĩa với nhiều hoạt động thiết thực.

Theo đó, Đoàn Thanh niên 2 địa phương đã tích cực tuyên truyền giáo dục, nâng cao hiểu biết về ý nghĩa lịch sử của chiến dịch K10, những tình cảm quý báu của Đảng bộ, quân, dân và tuổi trẻ 2 huyện trong thời kỳ chống Mỹ cũng như thời kỳ xây dựng đất nước. Trong 10 năm qua, tuổi trẻ Vĩnh Linh - Tân Kỳ đã tổ chức gần 10 hoạt động cấp huyện.

Nghĩa tình nước non ngàn dặm ngày nào còn luôn được các thế hệ cán bộ và nhân dân 2 huyện không ngừng vun đắp và đã trở thành mối quan hệ đặc biệt với tên gọi “Quê chung”.

Hai bên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm công tác Đoàn; tham quan thực tế những mô hình phát triển kinh tế của thanh niên, các hình thức sáng tạo trong xây dựng tổ chức Đoàn, tổ chức các hoạt động “về nguồn” thăm, tặng quà, giúp đỡ những gia đình khó khăn trên địa bàn. Đặc biệt, nhân các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của 2 huyện, tuổi trẻ 2 huyện đã tham dự cắm trại với nhiều chương trình sinh hoạt truyền thống, các hoạt động văn hóa văn nghệ.

Tiêu biểu vào tháng 10/2018, tuổi trẻ 2 huyện đã tổ chức khánh thành công trình thanh niên thắm tình quê chung “Nhà ăn dành cho học sinh bán trú Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Hợp” tại huyện Tân Kỳ với chi phí đầu tư xây dựng hơn 800 triệu đồng. Ngày 23/8/2019, Ban Thường vụ Huyện đoàn Tân Kỳ và Huyện đoàn Vĩnh Linh khánh thành công trình thanh niên “Biểu trưng logo huyện Vĩnh Linh” tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị với kinh phí hơn 200 triệu đồng, trong đó tuổi trẻ huyện Tân Kỳ ủng hộ 100 triệu đồng.

Bên cạnh hoạt động cấp huyện, các cơ sở đoàn, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội ở cấp xã, thị trấn huyện Vĩnh Linh tổ chức các hoạt động giao lưu kết nghĩa với các cơ sở của huyện Tân Kỳ. Đến nay đã có 13 xã, thị trấn tổ chức các hoạt động kết nghĩa, với nhiều nội dung phong phú.

Những cây tiêu theo bước chân người Vĩnh Linh, vượt qua bao nhiêu bom đạn, thấm cả máu và nước mắt, từ nơi khói lửa Quảng Trị đã ra tới tận Tân Kỳ rồi ở lại đó cho đến ngày nay.

Người Tân Kỳ truyền từ đời cha đến đời con, trồng khắp vườn, khắp rẫy và gọi là "Tiêu Vĩnh Linh". (Trích Trở lại Tân Kỳ, nhà báo Đinh Như Hoan, bài đăng Nhân dân Cuối tuần, ngày 19/8/2022).

Gần đây nhất, tháng 4/2023, Ban Thường vụ Huyện đoàn Tân Kỳ đã phối hợp với Ban Thường vụ Huyện đoàn Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao công trình thanh niên “Khu thể thao liên hợp ngoài trời”. Đây là công trình ý nghĩa, phục vụ nhu cầu thể dục thể thao, tạo sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu nhi và nhân dân trên địa bàn thị trấn Tân Kỳ cũng như các vùng lân cận...

Đồng chí Trần Nhật Quang, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh cho biết, đồng chí cảm nhận được sâu sắc tình cảm của người Tân Kỳ đối với người Vĩnh Linh. Chỉ cần nghe có người dân Vĩnh Linh ra, họ đến đón như đón người thân về nhà.

Chỉ cần nghe có người dân Vĩnh Linh ra, họ đến đón như đón người thân về nhà.
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh Trần Nhật Quang

“Chúng tôi, thế hệ sinh ra sau chiến tranh nhưng những câu chuyện ngày xưa vẫn luôn được kể lại. Đó là một thời gian khó nhưng Vĩnh Linh-Tân Kỳ vẫn luôn có nhau. Điều đặc biệt là những người đi từ chiến dịch K10 trở về, đa phần đều có 1 người cha nuôi, mẹ nuôi ở Tân Kỳ. Có việc gì trong nhà, họ vẫn sẵn sàng ra “quê chung”. Thậm chí, có người đã viết thư gửi lên chúng tôi, đề nghị đặt K8, K10 làm tên của một tuyến đường tại thị trấn Hồ Xá”, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh thông tin.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng mối ân tình ngàn dặm Vĩnh Linh – Tân Kỳ vẫn còn son sắt, thủy chung. Giờ chia tay mảnh đất “quê của muôn quê”, chúng tôi chợt nghe câu hát:  “Ơ... Giã từ đất mẹ Vĩnh Linh/Ra với miền quê Tân Kỳ xứ Nghệ/ Nghe lạch sông Con giọng hò man mác/... Kháng chiến chung chăn sắn lùi bẻ nửa/Kháng chiến đến cùng, manh chiếu cũng nhường nhau/Ơn nặng nghĩa sâu, Tân Kỳ ơi Tân Kỳ”…

------------------------------------

Ngày xuất bản: 10/7/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: SƠN BÁCH
Ảnh: THÀNH ĐẠT
Trình bày: NGỌC DIỆP