Những hoạt động chính của APEC từ khi thành lập đến nay là gì?
Từ năm 1989 đến 1992, các nền kinh tế APEC tiến hành các cuộc đối thoại không chính thức giữa các quan chức cấp cao và các bộ trưởng. Nhằm đưa ra tầm nhìn chiến lược và định hướng hợp tác trong khu vực, cơ chế Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC được thiết lập năm 1993 và được tổ chức hằng năm.
Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC gặp nhau lần đầu tiên tại Blake Island ( Mỹ) năm 1993, đưa ra tầm nhìn của APEC về ổn định, an ninh và thịnh vượng cho các thành viên.
Năm 1994, APEC đặt ra Mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư tự do, cởi mở ở châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Năm 1995, APEC thông qua Chương trình hành động Osaka, trong đó cung cấp khuôn khổ để đáp ứng các Mục tiêu Bogor thông qua tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho kinh doanh và các hoạt động trong nhiều lĩnh vực, được củng cố bằng các cuộc đối thoại chính sách và hợp tác kinh tế và kỹ thuật. Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) được thành lập để đưa quan điểm kinh doanh vào các cuộc thảo luận của APEC và đưa ra lời khuyên về các ưu tiên trong lĩnh vực kinh doanh.
Năm 1996, Chương trình hành động Manila được thông qua tại hội nghị ở Manila (Philippines), phác thảo các biện pháp thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại và đầu tư cần thiết để đạt được các Mục tiêu Bogor.
Năm 2001, nhằm ứng phó những thách thức trong thế kỷ mới, tại hội nghị ở Thượng Hải (Trung Quốc), các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC ra Tuyên bố về chống khủng bố và cam kết tăng cường hợp tác chống khủng bố.
Năm 2002, APEC thông qua Chương trình hành động thuận lợi hóa thương mại và Tuyên bố thực hiện các chính sách của APEC về thương mại và kinh tế kỹ thuật số. Sáng kiến Thương mại an toàn trong khu vực APEC được khởi động và Tuyên bố về Thực hiện các tiêu chuẩn minh bạch của APEC đã được thông qua.
Năm 2003, các thành viên cam kết thực hiện Kế hoạch hành động APEC về SARS và Sáng kiến an ninh y tế để giúp khu vực ngăn ngừa và ứng phó với các mối đe dọa về sức khỏe. Các nhà lãnh đạo cam kết tăng cường các nỗ lực trong khu vực nhằm thúc đẩy hệ thống tài chính lành mạnh và hiệu quả cũng như khuyến khích sự phát triển của thị trường trái phiếu trong nước và khu vực.
Năm 2005, APEC hoàn thành việc kiểm tra tiến độ giữa kỳ để hướng tới các Mục tiêu Bogor. Kết quả thống kê cho thấy mức thuế trung bình trong khu vực APEC còn 5,5%, giảm từ mức 16,9% khi APEC được thành lập vào năm 1989. Điều này cho thấy APEC đang đi theo đúng lịch trình để đáp ứng các Mục tiêu Bogor.
Năm 2006, tại hội nghị ở Hà Nội (Việt Nam), các nhà lãnh đạo kinh tế APEC thông qua Kế hoạch hành động Hà Nội, trong đó xác định các hành động và cột mốc cụ thể để thực hiện các Mục tiêu Bogor.
Năm 2007, nhằm xây dựng một tương lai bền vững, tại Sydney (Australia), các nền kinh tế thành viên APEC ra Tuyên bố về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch. Các nhà lãnh đạo cũng thông qua một báo cáo quan trọng về hội nhập kinh tế khu vực chặt chẽ hơn, bao gồm các sáng kiến cải cách cơ cấu và hoan nghênh Kế hoạch hành động tạo thuận lợi thương mại lần thứ hai của APEC nhằm mục đích giảm thêm 5% chi phí giao dịch thương mại vào năm 2010.
Năm 2008, để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC thông qua Tuyên bố Lima về kinh tế toàn cầu, trong đó cam kết thực hiện tất cả các biện pháp kinh tế và tài chính cần thiết để khôi phục ổn định và tăng trưởng, tăng cường nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán về Chương trình nghị sự phát triển Doha của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Năm 2014, Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ở Bắc Kinh (Trung Quốc), các nhà lãnh đạo APEC cam kết thực hiện một bước cụ thể hướng tới hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn bằng cách thông qua một lộ trình để biến tầm nhìn về Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) thành hiện thực. Các thành viên thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối APEC lần đầu tiên nhằm đạt được các mục tiêu về mối liên kết tốt hơn về thể chất, thể chế và giữa con người trong khu vực vào năm 2025.
Năm 2017, tại Đà Nẵng (Việt Nam), các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên thông qua việc thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC, thể hiện cam kết đối với một tầm nhìn chiến lược sau năm 2020, định vị APEC hướng tới các cơ hội của thế kỷ 21 sau khi các Mục tiêu Bogor được thực hiện. Các nền kinh tế APEC nhấn mạnh vai trò quan trọng của Diễn đàn trong việc hỗ trợ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, cởi mở, công bằng, minh bạch và bao trùm.
Năm 2019, trong vai trò chủ nhà APEC, Chile công bố Tuyên bố của nhà lãnh đạo nền kinh tế chủ nhà, trong đó kỷ niệm năm thứ 30 của APEC. Lộ trình La Serena về phụ nữ và tăng trưởng bao trùm được hoàn thiện, trong đó thừa nhận nhu cầu cấp thiết về việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế.
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch hoành hành trên toàn cầu, APEC quyết tâm vượt qua thách thức của dịch Covid-19 và thoát khỏi khủng hoảng thông qua hành động và hợp tác. Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ở Kuala Lumpur (Malaysia), các nền kinh tế hoan nghênh những tiến bộ quan trọng đạt được trong quá trình thực hiện các Mục tiêu Bogor; công bố Tuyên bố Putrajaya 2040 về Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.
Năm 2021, các nền kinh tế APEC thực hiện nhiều biện pháp ứng phó khủng hoảng kép, cả về kinh tế và y tế, đồng thời nỗ lực thúc đẩy phục hồi. APEC tổ chức Cuộc họp không chính thức các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần đầu tiên vào tháng 7/2021, theo đề xuất của chủ nhà New Zealand. Tại đây, các nhà lãnh đạo APEC thông qua Kế hoạch hành động Aotearoa triển khai Tầm nhìn Putrajaya 2040.
Năm 2022, chủ nhà APEC Thái Lan đề xuất chủ đề của Năm APEC 2022 là “Rộng mở. Kết nối. Cân bằng”. Theo đó, nội dung hợp tác APEC tập trung vào ba ưu tiên, gồm: Thương mại và đầu tư mở với tất cả các cơ hội; Khôi phục kết nối trên mọi phương diện; Thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm trên mọi khía cạnh.