Khakassia:
Vùng đất tín ngưỡng



Đến Cộng hòa Khakassia thuộc Nga, chúng tôi cứ tự vấn: Có đúng là khi sống ở đây, có hàng tá con mắt theo dõi từng bước chân, cử chỉ của mình. Mang thắc mắc này hỏi những người bản địa Khakass, có lẽ chỉ nhận được cái gật đầu. Từ xa xưa, họ đã có niềm tin về sự hiện diện của những thần linh trong cuộc sống hằng ngày.

Sinh sống chủ yếu ở Cộng hòa Khakassia, phía nam Siberia, dân tộc Khakass được biết đến với các nghề truyền thống chăn nuôi gia súc, săn bắn, đánh cá và nông nghiệp. Đặc biệt hơn, các hoạt động diễn ra trong không gian dường như có mặt cả những vị thần siêu nhiên cai quản rừng, sông, nhà cửa, bếp lửa, và đặc biệt là núi.

Thần núi linh thiêng

Băng qua những con đường cao tốc phủ những lớp tuyết mịn mỏng, chúng tôi đến gần vùng núi Uytag linh thiêng của người Khakass. Trong tiếng bản địa, Uytag nghĩa là ngọn núi gấp khúc. Trước mắt chúng tôi, các mỏm núi giống như một cuốn sách mở ra, tối màu. Những tảng đá chứa đầy tàn tích của thảm thực vật cổ đại.  

Tại trạm dừng dưới chân núi Uytag, Таtiana mời mọi người xuống xe. Từ trong túi xách, cô hướng dẫn viên này lấy ra một chai sữa, một cái chén và cái lư bằng nắm tay, trong đó có sẵn một vốc cỏ khô. Loài cỏ này mọc trên núi – Таtiana vừa nói vừa chỉ tay lên rặng núi đằng sau.

Cỏ trên núi Uytag lẫn trong lớp băng tuyết.

Cỏ trên núi Uytag lẫn trong lớp băng tuyết.

Таtiana châm lửa, đốt cỏ trong lư. Cỏ khô cháy đượm, nổ đen đét. Khói trắng tỏa lên. Cô cầm lư đang bốc khói nghi ngút hơ chung quanh chai sữa và đi vòng quanh từng người trong đoàn. Đó là cách để làm sạch mọi thứ trước khi thực hiện nghi lễ.

“Không chỉ giúp loại bỏ những dơ bẩn trên người, mà còn tẩy rửa cả tâm trạng và ý nghĩ”, Таtiana giải thích. Khuôn mặt cô nghiêm nghị và đầy vẻ tin tưởng vào những gì đang thực hiện.

Nằm sát đường cao tốc chạy giữa thảo nguyên Khakass, trạm dừng chân dưới chân núi Uytag từ lâu là địa điểm linh thiêng của người dân. Người qua đường thường dừng lại nơi đây, để cầu mong bình an, may mắn trên hành trình.

Tiến gần cột gỗ được buộc nhiều dải ruy băng sáng màu, Tatiana lẩm nhẩm tên tuổi, trình bày lý do tới đây và cầu xin thượng lộ bình an. Nghi lễ thể hiện sự tôn trọng đối với các vị thần địa phương.

Tatiana hành lễ tại cột gỗ được buộc nhiều dải ruy băng sáng màu.

Tatiana hành lễ tại cột gỗ được buộc nhiều dải ruy băng sáng màu.

Đứng trước cột gỗ, chúng tôi theo Tatiana hít thở sâu, thả lỏng người, không căng thẳng, rồi đi ba vòng quanh cột theo chiều kim đồng hồ. Sau đó, mỗi người nghĩ về những điều mong ước.

“Các vị thần linh địa phương luôn giúp đỡ con người, nếu chúng ta hướng đến họ một cách đúng đắn”. Tatiana vừa nói vừa đổ sữa vào chén và vẩy ra tứ phía cột gỗ, như để đãi thầy linh. Sau rồi, cô rót cho mỗi người một chén sữa, uống để thể hiện sự tôn kính và biết ơn đối với chủ nhân của vùng đất. Tại nơi tiến hành lễ, có những lễ vật tặng các thần linh địa phương, gồm tiền, thức ăn, thuốc lá, đồ uống. Tiền xu nằm rải rác dọc đường.

Với những người đã đến Siberia, những cột gỗ chắc không xa lạ gì. Tại đây, những dân tộc theo Shaman giáo buộc nhiều dải ruy băng sáng màu, làm lễ, cầu mong các vị thần linh che chở, độ trì. Người Khakass sử dụng dải lụa màu trắng, đỏ và xanh. Màu trắng đại diện sự thuần khiết trong suy nghĩ. Màu đỏ biểu tượng của thịnh vượng và ấm áp mặt trời. Màu xanh lam là kết nối với không gian, tổ tiên. Còn xanh lá cây kết nối với tự nhiên. Các dải ruy băng cũng được buộc lỏng tay trên những cành cây, như không muốn cản trở cây phát triển.

Bên kia đường từ trạm quá giang nhìn sang, núi Uytag trông mềm mại, đẹp như một bức tranh. Sườn núi không dốc, đi lên không gặp mấy khó khăn. Đứng từ trên núi, có thể nhìn ra toàn cảnh thảo nguyên thoai thoải với những dãy núi thấp bao quanh.

Trên hầu hết hãnh thổ Khakassia đều có núi. Cùng với các hồ nước trong lành và hệ thực vật phong phú, Khakassia ngày càng thu hút du khách. Trong một ngày, du khách có thể trượt tuyết trên đỉnh, rồi xuống chân núi hái những bông hoa rực rỡ.

Đường lên núi Uytag.

Đường lên núi Uytag.

Ông Pavel Churakov, thuộc Trung tâm thông tin du lịch Khakassia, người đã nghiên cứu văn hóa của khu vực trong nhiều năm và tổ chức các chuyến du ngoạn đến những địa điểm mang tính biểu tượng của Khakassia nhắc đi nhắc lại, đối với người Khakass, núi và các thần linh rất linh thiêng. Người dân tin rằng, dân tộc Khakass xuất hiện trong hang động, từ cuộc hôn nhân của con gái thần núi và một người đàn ông trần gian.

Chính niềm tin đó đã đưa người Khakass đi lên những ngọn núi, nơi được tôn thờ. Tại đó, họ xây dựng những công trình linh thiêng, nơi họ cầu xin các thần linh giúp đỡ, suy xét, chỉ dẫn. Và rồi họ cảm ơn các vị thần vì những quyết định đúng đắn. Mỗi bộ tộc Khakass đều có ngọn núi tổ tiên của riêng mình.

Các nhà dân tộc học sau nhiều tìm tòi, có chia sẻ như sau: Người Khakass tin rằng, người phàm cần sức mạnh, sự giúp đỡ và hỗ trợ từ tổ tiên. Tổ tiên không chỉ là những họ hàng đã khuất, mà còn là những thực thể thần thoại, như thần linh và chủ nhân của các ngọn núi, vùng đất…

Thần linh tứ bề

Tatiana tiếp tục dẫn chúng tôi leo dọc triền núi. Những viên đá nhỏ lởm chởm trên con đường mòn điểm những khóm cỏ khô. Con đường đó không biết đã in hằn bao nhiêu dấu chân. Đứng giữa núi rừng, sau lưng là núi, trước mắt là thảo nguyên mênh mang, cô hướng dẫn mọi người dang rộng tay, cố gắng cảm nhận nguồn năng lượng tại vùng núi linh thiêng.

Chúng tôi đang ở trong một không gian thoáng đạt, song có phần kỳ bí, cố gắng cảm nhận về những gì được nghe rằng, thế giới của người Khakass chia thành ba cấp độ. Thượng giới là nơi sinh sống của các vị thần, trung giới dành cho con người và các linh hồn, thần linh. Còn hạ giới là nơi sinh sống của các sinh vật bóng tối.

Ông Pavel cho biết, người dân ở đây thường nghĩ họ không đơn độc. Ngay cả khi một người đi bộ một mình trên cánh đồng, các linh hồn vẫn theo sát anh ta. Người Khakass luôn tâm niệm rằng, nếu một người làm điều gì xấu, chẳng hạn nguyền rủa trái đất, thì hậu quả sẽ là mất mùa. Đó là lỗi của người đó, vì những hành động như thế là tội ác.

Cha mẹ của ông Pavel đến Khakassia từ các vùng khác nhau để xây dựng nhà máy nhiệt điện vào những năm 70 của thế kỷ trước. Bản thân ông Pavel cũng được sinh ra ở đây. Niềm tin địa phương được dệt vào sự hiểu biết của ông Pavel về thế giới. Ông thậm chí còn tách Khakassia khỏi phần còn lại của thế giới.

Người Khakass tin rằng, người phàm cần sức mạnh, sự giúp đỡ và hỗ trợ từ tổ tiên.

Người Khakass tin rằng, người phàm cần sức mạnh, sự giúp đỡ và hỗ trợ từ tổ tiên.

“Ở đây chúng tôi được bao quanh bởi những linh hồn, thần linh. Điều này tôi thường chia sẻ với các vị khách trong các chuyến du ngoạn. Tôi yêu các vị thần, và họ cũng yêu tôi. Khi tôi nói về họ, tất nhiên họ nghe thấy. Nên là tôi không bao giờ nói dối”, ông Pavel cười.

Ông Pavel cũng chia sẻ thêm, các linh hồn sinh sống trong thế giới loài người. Mỗi khu vực đều có linh hồn là chủ nhân. Đối với người Khakass, một dòng sông không đơn thuần chỉ là một dòng sông, nó có linh hồn của nước. Ngọn núi cũng vậy. Ngoài ra, còn có mẹ đất, mẹ lửa chiếm vị trí rất quan trọng trong các nghi lễ và tín ngưỡng của dân tộc bản địa nơi đây.

- Vậy có nguyên tắc gì về việc chung sống không? Tôi nhìn ông Pavel.

- Điều quan trọng là nhiều linh hồn và thế lực mạnh mẽ khác nhau cùng sinh sống trong thế giới của người Khakass, nhưng không thù địch. Các thực thể không đe dọa hay làm hại con người. Có những quy luật đơn giản và dễ hiểu về sự tôn trọng đối với thế giới chung quanh. Hãy tuân theo chúng và mọi thứ sẽ ổn. Ông Pavel giải thích.

Sùng bái lửa

Dưới những chân núi, trên những thảo nguyên bao la, các bộ tộc Khakass vẫn sinh sống trong những ngôi nhà gỗ yurt có hình nắp chai. Trong nhà, bếp lò được đặt giữa trung tâm. Cửa chính được thiết kế thấp, để mỗi người bước vào đều phải cúi đầu, như để chào “bà lửa”.

Nhà gỗ yurt có hình nắp chai.

Nhà gỗ yurt có hình nắp chai.

Lửa được người Khakass sùng bái và được nhân cách hóa. Buổi sáng, lửa như một cô gái trẻ. Buổi chiều là phụ nữ trưởng thành và buổi tối như một bà già tóc hoa râm. "Bà" được coi là một trong những người bảo vệ quan trọng nhất của ngôi nhà. Biểu tượng của lửa là hơi ấm, ánh sáng, bảo vệ và thức ăn.

Bếp lò và linh hồn bảo vệ bếp tạo thành điểm nhấn trung tâm của nhà gỗ. Truyền thống Khakass cho rằng, không gian bên trong ngôi nhà đóng vai trò như một tiền đồn của con người để ngăn cách thế giới bên ngoài. Tinh thần đó gợi nhớ đến câu nói: “Nhà tôi là pháo đài của tôi”.

Bếp lò và linh hồn bảo vệ bếp tạo thành điểm nhấn trung tâm của nhà gỗ.

Bếp lò và linh hồn bảo vệ bếp tạo thành điểm nhấn trung tâm của nhà gỗ.

Cũng theo các nhà dân tộc học, trong quá khứ, các trường hợp trộm cắp là cực kỳ hiếm trong xã hội Khakass truyền thống. Những căn nhà gỗ không khóa, dù trong nhà có những vật dụng giá trị. Lý do rất đơn giản. Người dân địa phương biết rõ và tin tưởng nhau. Ngoài ra, họ có niềm tin sâu sắc rằng, mọi thứ đều được bảo vệ. Kẻ trộm có thể trốn chủ nhà, nhưng không thể qua mắt các thần linh.

Với người Khakass, các linh hồn siêu nhiên sống ở khắp nơi, trong tự nhiên và trong gia đình. Đứng trong căn nhà gỗ truyền thống, có thể ngẩng mặt lên và trông thấy phần đỉnh hầu như luôn mở, như con đường dẫn lên bầu trời, một trong những vật thể cao và linh thiêng nhất. Ngoài ra, mặt trời, mặt trăng hay các ngôi sao và các hiện tượng khí quyển cũng là những vị thần được tôn kính.  

Phần đỉnh của căn nhà gỗ hầu như luôn mở, như con đường dẫn lên bầu trời.

Phần đỉnh của căn nhà gỗ hầu như luôn mở, như con đường dẫn lên bầu trời.

Người Khakass đến giờ vẫn tâm niệm, nếu không muốn gặp phải tai họa, bệnh tật, hay điều gì đó khó chịu, hãy đối xử tử tế với những người khác và cả thần linh. Nhiều nhà dân tộc học sau những chuyến đi tìm hiểu về tộc người Khakass cho hay, những niềm tin đó vẫn tồn tại, dù không còn mạnh mẽ và mang tính hệ thống hài hòa như trước. Tuy nhiên, những nghi lễ cầu an, tôn vinh các đấng siêu nhiên địa phương vẫn được thực hiện.

Tác giả (bên trái) đứng trong căn nhà gỗ yurt với cây đàn truyền thống của người Khakass.

Tác giả (bên trái) đứng trong căn nhà gỗ yurt với cây đàn truyền thống của người Khakass.

Trên khắp lãnh thổ Khakassia, người ta còn tìm thấy những bức tranh khắc đá cổ đại.

Chúng thuộc về các thời đại khác nhau và mô tả các cảnh sinh hoạt hằng ngày, các biểu tượng săn bắn và nghi lễ.

Những bằng chứng của nhiều thời đại trước đến này vẫn được bảo vệ cẩn thận.

Cộng hòa Khakassia nằm ở phía nam Siberia. Với nhiều người có vẻ xa xôi. Nơi đó chỉ là những thảo nguyên xanh mướt, chứa đầy những bí mật pháp sư, khó tiếp cận đối với du khách. Nhưng khi tới đây, mọi chuyện không phải thế. Thực tế thì tới đây khá thuận tiện, khi có các chuyến bay thẳng từ thủ đô Moskva đến Abakan - thủ phủ Khakassia. Và nữa, thảo nguyên chỉ chiếm một phần tư lãnh thổ. Còn người Khakass tìm đến các pháp sư để xin lời khuyên hằng ngày, giống như tìm đến các nhà tâm lý học hơn là các phù thủy.

Khakassia với chúng tôi là một nơi đẹp đẽ. Cái đẹp kỳ lạ, hơi ma mị, nhưng nếu thấm được cái tinh thần tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng các vị thần, thì con người lại cảm thấy được bảo vệ, chở che.

Ngày xuất bản: 25/1/2023
Bài và ảnh: THANH THỂ
(Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga)
Trình bày: HẢI BÌNH