Không gian văn hóa đa dạng,
độc đáo, giàu bản sắc

Văn hóa Tây Nguyên hôm nay đã đậm in những gam màu thơm hương tươi sắc từ nhiều miền quê, từ nhiều tộc người góp mặt. Cái đẹp của văn hóa đã tạo nên sự xích lại gần nhau của các cộng đồng cư dân. Phát huy bản sắc các vùng miền, các tộc người đã tạo nên những sinh khí, những cố kết, những nền tảng nhân văn vững bền trên quê hương mới.

Từ ngàn xưa, từ trong tăm tối hoang vu của núi rừng vây hãm, dòng mạch trầm tích Tây Nguyên vẫn bừng sáng bởi ngọn lửa thiêng, bởi âm thanh đàn đá, cồng chiêng và những vòng xoang kết nối cộng đồng.

Đặc biệt, giữa không gian đại ngàn, những bộ sử thi kỳ vĩ đã cất lên tiếng nói của các dân tộc anh em thể hiện khát vọng chinh phục, vươn tới những giá trị cao đẹp.

Là một địa bàn cư dân đặc thù, toàn bộ hệ giá trị văn hóa truyền thống các tộc người Tây Nguyên được sáng tạo, phát huy, thụ hưởng, trao truyền trong không gian rừng và bởi thiết chế làng.

Làng ở Tây Nguyên (boom trong tiếng Mơ Nông, buôn trong tiếng Ê Đê, plai trong tiếng Gia Rai, veil trong tiếng Cơ Tu…) là một đơn vị cơ bản trong xã hội cổ truyền và còn lưu dấu đậm nét cho đến ngày nay.

Buôn làng Kơ Ho trong ngày hội

Buôn làng Kơ Ho trong ngày hội

Người ta thường nói, người Tây Nguyên có tính cộng đồng rất cao, thì tính cộng đồng đó là tính cộng đồng làng, thậm chí “tính làng” còn sâu đậm và cụ thể hơn cả ý thức tộc người.

Làng Tây Nguyên từng là một thiết chế xã hội bền vững và quy củ. Làng được điều hành bằng “hội đồng già làng”, là tập hợp những người hiền minh nhất của làng.

Hội đồng già làng từng quản lý và điều hành mọi hoạt động của làng bằng một “hệ thống luật pháp” cổ truyền đặc biệt: luật tục.

Đêm giao lưu trao truyền dân ca trong buôn làng Kơ Ho

Đêm giao lưu trao truyền dân ca trong buôn làng Kơ Ho

Cho đến nay, luật tục Tây Nguyên vẫn tồn tại song hành cùng luật pháp và những mặt tích cực vẫn được phát huy giá trị trong quản lý xã hội…

Làng Tây Nguyên là một kết cấu “làng rừng” - một không gian thực hành văn hóa và tín ngưỡng lý tưởng cho các tộc người, nó bao hàm: một cộng đồng cư trú, một cộng đồng sở hữu và lợi ích, một cộng đồng tâm linh, một cộng đồng văn hóa.

Nói khái quát, đó là một không gian văn hóa.

UNESCO hết sức tinh tế khi không phải công nhận “cồng chiêng” hay “âm nhạc cồng chiêng” là di sản Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại mà công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, Không gian đó là rừng và làng.

Bởi lẽ, họ hiểu rằng, khi không còn không gian thực hành đó nữa, văn hóa cồng chiêng cũng như những giá trị văn hóa quý giá khác sẽ khó có điều kiện bảo tồn, phát huy.

Làng Tây Nguyên gắn bó mật thiết với rừng. Rừng, với người Tây Nguyên không chỉ là nguồn tài nguyên, không chỉ là hệ sinh thái mà rừng chính là cội nguồn của đời sống tâm linh.

Giữa rừng nguyên sinh.

Giữa rừng nguyên sinh.

Trong thẳm sâu tâm hồn của đồng bào, có một tình cảm ruột thịt và một lòng kính trọng thiêng liêng đối với rừng, họ coi cây rừng đúng như một sinh vật sống, cũng tràn đầy cảm xúc, cũng vui sướng, hạnh phúc, khổ đau, cũng có linh hồn.

Người Tây Nguyên sống theo “đạo đức của rừng”, vươn tới sự hoàn thiện, hiền minh như rừng.

Rừng là không gian sinh tồn, theo nhà dân tộc học George Condominas còn là “không gian xã hội”, và là cội nguồn của tâm linh, phần sâu xa nhất của đời sống con người.

Mất rừng thì con người và cộng đồng người mất đi cái nền rộng lớn, bền chặt, thẳm sâu nhất của mình, trở nên bơ vơ, tha hóa, mất gốc, mất cội nguồn.

Trước nhà Rông truyền thống

Trước nhà Rông truyền thống

Văn hóa Tây Nguyên là văn hóa rừng. Toàn bộ đời sống văn hóa đó, từ hệ giá trị đến những tín hiệu nhỏ đều là biểu hiện mối quan hệ khăng khít, máu thịt của con người, của cộng đồng với rừng.

Khi không còn rừng thì tất yếu văn hóa rừng sẽ mai một và dẫn đến biến mất…

Những người trẻ Tây Nguyên có ý thức bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của tổ tiên

Những người trẻ Tây Nguyên có ý thức bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của tổ tiên

Sự biến đổi không gian sinh tồn, phương thức mưu sinh và tác động của các tín ngưỡng du nhập là những lý do quan trọng nhất dẫn đến sự phá vỡ một không gian văn hóa bản địa vốn hình thành trong môi trường thiết chế xã hội bộ tộc và kéo dài sang xã hội hiện đại.

Làng buôn yên bình bên mái nhà rông truyền thống

Làng buôn yên bình bên mái nhà rông truyền thống

Trong đó, những dịch chuyển kinh tế-xã hội có tác động sâu sắc đến việc bảo tồn và phát huy nhiều loại hình văn hóa dân gian. Chẳng hạn như sự thay thế canh tác cây lúa bằng cà-phê hoặc các cây công nghiệp khác, đã làm mất hoàn toàn các chuỗi nghi lễ nông nghiệp. Điều này kéo theo các hệ quả khác.

Những rẫy lúa hiếm hoi cuối cùng

Những rẫy lúa hiếm hoi cuối cùng

Địa sinh thái nông nghiệp của đồng bào Tây Nguyên từng là cây lúa. Dưới không gian rộng lớn của núi rừng, cây lúa chi phối gần như toàn bộ đời sống.

Lúa và cuộc canh nông ruộng rẫy quy định lối sống, kiểu sống, phép ứng xử với thần linh, thiên nhiên và cộng đồng. Lúa không chỉ mang đến cái ăn mà còn là ý niệm thường trực về các Yàng (thần linh).

Ý niệm ấy trở thành căn tính của các nhóm người thiểu số, họ luôn lấy đó làm trung tâm để giải thích các hiện tượng tự nhiên, tìm cách ứng xử phù hợp: từ chọn đất lập ruộng, chế tác nông cụ, phương thức canh tác, bảo vệ mùa màng, được mùa hay mất mùa.

Theo họ, tất cả đều do đấng thần linh sắp đặt, nên người trồng lúa ở Tây Nguyên có chung một sự biết ơn: ơn Yàng! Trước Yàng, đồng bào vun bồi tâm tính biết ơn, hiểu sâu sắc và yêu thương nguồn cội, núi rừng, ruộng rẫy và cộng đồng. Khi trồng lúa, ứng với quá trình sinh trưởng loài cây nuôi sự sống là một chuỗi nghi lễ xuyên suốt: chuỗi nghi lễ nông nghiệp.

Sống trong ý niệm ơn Yàng, chuỗi nghi lễ nông nghiệp vừa là tạ ơn và cậy nương thần linh, vừa là quá trình ôn lại tri thức dân gian và thực hành văn hóa bản địa.

Thông qua việc tổ chức các nghi lễ, người già truyền lại cho cháu con phương cách ứng xử. Đặc biệt, đó là không gian để đồng bào trình diễn các giá trị văn hóa như dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ, cách thức bài trí cây nêu, sửa sang nhà rông, thưởng thức ẩm thực và rượu cần truyền thống…

Nay cây lúa cả vùng Tây Nguyên chỉ còn thưa thớt, cà phê và những cây công nghiệp khác lên ngôi cùng với sự biến mất dần các chuỗi nghi lễ. Đó là lý do làm cho cơ hội thực hành văn hóa cồng chiêng và các giá trị văn hóa khác suy giảm.

Sự thay đổi cơ cấu cây trồng cũng khiến cho môi trường diễn xướng, truyền dạy các tri thức cổ truyền dẫn đến tiêu vong…

Thanh niên dân tộc bản địa Tây Nguyên làm hướng dẫn viên du lịch trải nghiệm rừng

Thanh niên dân tộc bản địa Tây Nguyên làm hướng dẫn viên du lịch trải nghiệm rừng

Bên cạnh sự thay đổi phương thức mưu sinh thì làng (thiết chế xã hội cổ truyền) tan rã và rừng (không gian sinh tồn) bị phá vỡ, tác động không nhỏ đến sự mai một vốn văn hóa cổ.

Kết cấu làng có nguy cơ tan rã. Rừng đang dần mất. Các dòng sông bị chặn. Cơ cấu dân cư đảo lộn. Tập quán sống dựa vào tự nhiên ít dần cùng với sự thay đổi phương thức canh tác. Đó là những nguy cơ dẫn đến sự đổ vỡ khó cưỡng về văn hóa truyền thống bản địa.

Trẻ thơ vui hội buôn làng

Trẻ thơ vui hội buôn làng

Khi nói đến văn hóa Tây Nguyên, người ta thường nhắc hệ thống các lễ hội, nhà rông, nhà dài, cồng chiêng, các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dân vũ…

Đó là những thực hành văn hóa gắn chặt máu thịt với không gian rừng và thiết chế làng. Mất rừng và làng, hệ thống giá trị đó không còn biết bấu víu vào đâu.

Sợi dây thắt chặt một cộng đồng văn hóa hình như đang lơi lỏng, đang tuột dần theo nhịp sống hiện đại.

Người Tây Nguyên có tính cộng đồng rất cao, tính cộng đồng đó là tính cộng đồng làng. Làng Tây Nguyên từng là một thiết chế xã hội bền vững và quy củ. Làng được điều hành bằng hội đồng già làng, tập hợp những người hiền minh nhất của làng. Hội đồng già làng quản lý, điều hành mọi hoạt động của làng bằng một hệ thống luật pháp cổ truyền đặc biệt: luật tục.
GS-TS Ngô Đức Thịnh
Thật đáng lo ngại khi mà kho tàng di sản văn hóa cổ truyền Tây Nguyên đang từng ngày bị mai một. Rừng - không gian sinh tồn đang cạn kiệt, những khu nhà mồ hoang phế, nạn chảy máu cồng chiêng và cổ vật, những người già trong các buôn làng ra đi và mang theo những bộ sử thi, những tri thức dân gian vô giá về với đất
GS-TS Tô Ngọc Thanh

Tây Nguyên, nơi ngàn xưa là quê hương ngàn đời của các tộc người tại chỗ, nay thêm rộn ràng hương sắc bởi cuộc tụ hội văn hóa nhiều miền.

Từ những đợt di dân và chọn miền thượng du này làm quê hương mới, đồng bào từ nhiều vùng trong nước đã mang đến đây hồn cốt cố xứ và bản sắc văn hóa các tộc người.

Những giá trị đó góp phần tô điểm đại ngàn hùng vĩ phía tây Tổ quốc thành tấm thổ cẩm hoa văn đa sắc. Giao lưu, tiếp biến và hòa điệu văn hóa - đó là những điều dễ dàng cảm nhận về hình ảnh xứ sở này hôm nay.

Đại ngàn Tây Nguyên giờ có thêm nhiều sắc màu các dân tộc anh em di cư đến từ phía bắc.

Đại ngàn Tây Nguyên giờ có thêm nhiều sắc màu các dân tộc anh em di cư đến từ phía bắc.

Văn hóa Tây Nguyên hôm nay đã đậm in những gam màu thơm hương tươi sắc từ nhiều miền quê, từ nhiều tộc người góp mặt.

Cái đẹp của văn hóa đã tạo nên sự xích lại gần nhau của các cộng đồng cư dân. Phát huy bản sắc các vùng miền, các tộc người đã tạo nên những sinh khí, những cố kết, những nền tảng nhân văn vững bền trên quê hương mới.

Vũ điệu cồng chiêng.

Vũ điệu cồng chiêng.

Trong quá trình giao lưu văn hóa, cộng đồng cùng tham gia, chia sẻ, cộng cảm. Họ cất lên thông điệp chung cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cho cuộc sống an lành, hạnh phúc. Thăng hoa tinh thần góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện đời sống.

Những thiếu nữ Mông trong trong ngày hội giữa đại ngàn Tây Nguyên

Những thiếu nữ Mông trong trong ngày hội giữa đại ngàn Tây Nguyên

Nét độc đáo của mỗi tộc người, mỗi vùng miền như những dòng suối nhỏ mát lành hòa vào dòng chảy văn hóa đại trường giang Tây Nguyên. Việc khơi thông những mạch nguồn bản sắc trong quá trình giao lưu, tiếp biến, giao thoa văn hóa các dân tộc cùng chung sống trên vùng đất Tây Nguyên trong thời đương đại là điều vô cùng ý nghĩa và cần thiết.

Những thiếu nữ Cơ Ho dưới chân núi Lang Bian.

Những thiếu nữ Cơ Ho dưới chân núi Lang Bian.

Các dân tộc anh em nới rộng vòng xoang đoàn kết.

Các dân tộc anh em nới rộng vòng xoang đoàn kết.

Nu cười sơn cước.

Nu cười sơn cước.

Item 1 of 3

Những thiếu nữ Cơ Ho dưới chân núi Lang Bian.

Những thiếu nữ Cơ Ho dưới chân núi Lang Bian.

Các dân tộc anh em nới rộng vòng xoang đoàn kết.

Các dân tộc anh em nới rộng vòng xoang đoàn kết.

Nu cười sơn cước.

Nu cười sơn cước.

Ngày xuất bản: 08/11/2022
Tổ chức thực hiện: Uông Thái Biểu-Hồng Minh
Nội dung: Uông Thái Biểu
Ảnh: Văn Bảo-Công Lý-Phan Hòa-Phúc Thắng-Văn Yên-Thanh Lộc, Lý Hoàng Long
Trình bày: Diệu Thu-Phương Nam