Từ thành phố Hà Tĩnh đến thành phố Thanh Hóa rồi trở vào Thành phố Hồ Chí Minh, ghé thăm những căn nhà nhỏ của các nữ anh hùng, chúng tôi đều bắt gặp hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trang nghiêm, xúc động. Sự hiện diện của Người không chỉ thể hiện lòng kính yêu vô vàn của các nữ anh hùng dành cho vị Cha già dân tộc mà còn nhắc nhở họ về tấm gương sáng vĩ đại để họ đã và sẽ mãi học tập, làm theo.

Một lần nữa, chúng tôi muốn nhắc đến lời bài hát Cô gái mở đường với những từ thể hiện tình cảm của quân và dân với Bác:

“Tiếng nói Bác Hồ trong tim ngời sáng
Như sao mai lấp lánh rọi núi rừng
Soi cho em đắp những chặng đường…”.

LÀM THEO
DI CHÚC CỦA NGƯỜI

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một di sản rất quý báu, đó là sự nghiệp vĩ đại, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng và xã hội đã có quá trình lịch sử liên tục, lâu dài với khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, với yêu cầu học tập và làm theo gương Bác luôn được toàn Đảng, toàn dân nêu cao thực hiện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Những nữ anh hùng như La Thị Tám, Ngô Thị Tuyển và Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Yên Thảo) được đứng trong hàng ngũ của Đảng từ rất sớm, được sống trong giai đoạn có Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bà Yên Thảo đã có Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, bà Ngô Thị Tuyển có Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và bà La Thị Tám có Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Họ chính là những tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo Bác, nhất là khi trong số họ có người từng được gặp Bác, có người có những kỷ niệm không quên về Bác. Họ đều phát huy vai trò của mình ở địa phương, trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các phong trào, hoạt động ở tổ dân phố, các hội cựu chiến binh, người cao tuổi…

Anh hùng La Thị Tám

Anh hùng La Thị Tám

Anh hùng Ngô Thị Tuyển

Anh hùng Ngô Thị Tuyển

Anh hùng Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo, tên thường gọi là Tám Thảo)

Anh hùng Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo, tên thường gọi là Tám Thảo)

Item 1 of 3

Anh hùng La Thị Tám

Anh hùng La Thị Tám

Anh hùng Ngô Thị Tuyển

Anh hùng Ngô Thị Tuyển

Anh hùng Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo, tên thường gọi là Tám Thảo)

Anh hùng Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo, tên thường gọi là Tám Thảo)

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC

Khi đặt câu hỏi về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với Anh hùng La Thị Tám, người đã có thời gian công tác tại Cơ quan Dân chính đảng tỉnh Hà Tĩnh với vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy sau khi hoàn thành nhiệm vụ năm 1974 cho đến lúc về hưu năm 2005, sự khiêm tốn là điều chúng tôi cảm nhận ngay ở nữ anh hùng 78 tuổi.

Anh hùng La Thị Tám với phóng viên Báo Nhân Dân. Ảnh: Mạnh Hào

Anh hùng La Thị Tám với phóng viên Báo Nhân Dân. Ảnh: Mạnh Hào

Bà chia sẻ: “Trong cuộc sống đời thường, tôi cũng như một công dân bình thường. Vinh quang ở chiến trường là của cả tập thể chứ không phải cá nhân nào và tôi chỉ may mắn được được Đảng, Nhà nước, tập thể quan tâm, chọn, giới thiệu và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là vinh dự rất lớn nhưng cũng đi kèm với trách nhiệm, làm thế nào để giữ gìn danh dự đó, nhất là khi tôi là một đảng viên”.

Bà luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ gìn bản chất của mình, không làm bất cứ điều gì có lỗi với dân, với tổ chức. Trong lúc tìm kiếm tư liệu, chúng tôi đọc trên trang nhất Báo Nhân Dân số ra ngày 10/1/1967 có lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tiếp đại biểu các đơn vị anh hùng và các anh hùng tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước như sau: Có anh hùng là vì có tập thể anh hùng, có tập thể anh hùng là vì có nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, Đảng anh hùng.

Có anh hùng là vì có tập thể anh hùng, có tập thể anh hùng là vì có nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, Đảng anh hùng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bà La Thị Tám cho biết thêm, mặc dù đã có lúc băn khoăn về những sai phạm của nhiều đồng chí, trong đó có những người từng trải qua gian khổ nơi chiến trường, rằng ở cương vị của họ, họ không thể vi phạm luật pháp, kỷ luật của Đảng được, bà cũng vui mừng, phấn khởi khi thấy Đảng ta đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thi hành kỷ luật, xử lý vi phạm. Bà cho rằng, mặc dù buồn, đau vì chúng ta phải xử lý, kỷ luật nhiều đồng chí lãnh đạo nhưng chúng ta cũng phải hành động quyết liệt để khôi phục niềm tin của nhân dân. Vì thế, bà La Thị Tám khẳng định: Đã là đảng viên thì phải nêu cao tính tiền phong gương mẫu và tự răn đe mình.

Tuy gan dạ, dũng cảm khi đứng trước quân thù là thế, Anh hùng La Thị Tám lại là người mềm mỏng, nhiệt tình, chu đáo trong mọi công việc liên quan hội phụ nữ, hội người cao tuổi… ở khu phố, với vai trò là tổ trưởng liên gia. Nhiều năm liền, gia đình bà được công nhận là gia đình văn hóa, còn bà luôn được bầu là đảng viên xuất sắc của Đảng bộ phường Nam Hà.

Anh hùng Ngô Thị Tuyển.

Anh hùng Ngô Thị Tuyển.

Anh hùng Ngô Thị Tuyển chia sẻ công tác giáo dục tư tưởng, chính trị cho thế hệ trẻ thời bà rất tốt, đi sâu vào tiềm thức của mỗi người, với các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, tất cả vì miền nam ruột thịt. Riêng tại Nam Ngạn, Đảng bộ Nam Ngạn coi việc đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong các đơn vị lực lượng vũ trang, trong đảng viên và trong quần chúng nhân dân là một nhiệm vụ hàng đầu, để tất cả hiểu rõ nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền nam… Bà ước ao thế hệ trẻ ngày nay cũng có một thái độ như vậy, để xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh. Tuy nhiên, theo bà, thế hệ trẻ bây giờ được trang bị đầy đủ kiến thức, bắt nhịp xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, cộng với truyền thống của cha anh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sẽ xây dựng đất nước lớn mạnh, để Chủ tịch Hồ Chí Minh và thế hệ đi trước yên tâm, để xứng đáng với biết bao người đã ngã xuống để giành lại độc lập, tự do.

Anh hùng Yên Thảo.

Anh hùng Yên Thảo.

Đơn giản hơn, trong câu chuyện của mình, Anh hùng Yên Thảo cho rằng, đọc sách báo thường xuyên là một cách tự rèn luyện bản thân, nâng cao kiến thức và hiểu biết. Trước đây, để tạo một vỏ bọc tốt trong lòng địch, bà phải tạo phong cách tiểu thư, tập nhảy, học tiếng Anh, tiếng Pháp. Nhờ đó mà sau ngày đất nước thống nhất và sau khi tiếp tục công tác trong lĩnh vực tình báo cho đến năm 1979, bà chuyển ngành về công tác tại Sở Văn hóa-Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách Trung tâm Nghiên cứu dịch thuật. Năm 1993, Hội Nghiên cứu dịch thuật thành phố được thành lập, bà Yên Thảo được đề bạt làm Phó Chủ tịch Thường trực cho đến khi về hưu năm 2002. Năm 2018, bà vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Những cuộc trò chuyện ngắn ngủi với các nữ anh hùng mới chỉ giúp chúng tôi hiểu được phần nào những hy sinh, cống hiến vô bờ bến mà họ đã trải qua nhưng chúng tôi cũng cảm nhận một điều rõ rằng, mỗi việc tốt chúng ta làm, mỗi con đường đúng đắn chúng ta chọn để góp phần xây dựng đất nước, lan tỏa những giá trị nhân văn để xã hội ngày một tốt đẹp đơn, đấy chính là góp phần đến gần hơn với tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Chiến tranh đã qua đi, giữa đời sống bộn bề cơm áo, gặp và nghe những nữ anh hùng kể về những năm tháng khói lửa và cả hiện thực giản dị của họ khi trở về cuộc sống hòa bình, chúng tôi hiểu hơn những mất mát, hy sinh của các thế hệ cha anh. Những điều ấy đã trở thành những bài học vô giá, giúp mỗi chúng ta nhìn lại mình, cố gắng phấn đấu, tu dưỡng, góp sức mình trong công cuộc bảo vệ, phát triển đất nước.

Ngày xuất bản: 02/12/2022
Bài, ảnh: Ngọc Đinh-Mạnh Hào
Trình bày: Diệu Thu