Lịch sử lâu đời,
truyền thống
anh hùng, bất khuất

Bên chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, bao đời nay, những tộc người thiểu số anh em đã tạo dựng lên lịch sử của vùng đất Tây Nguyên kiêu hãnh. Đó là dòng lịch sử chói sáng trong nghìn năm kiến tạo, xây đắp quê hương từ khí chất oai hùng, kiên trung, bất khuất như tinh thần Đam San huyền thoại. Đó là sự bền gan, vững chí như núi, như nước, như sâu thẳm đại ngàn trong những cuộc trường chinh vệ quốc. Từ trong hoang sơ, tăm tối, từ trong máu lửa, người Tây Nguyên bao đời nay chống chọi với muôn vàn gian nan, muôn vàn kẻ thù nhưng họ đã vượt lên, đã chiến thắng và xác lập trường trường tồn vị trí chủ nhân của vùng đất đại ngàn…

Tây Nguyên, nơi ấy mạch nguồn chảy mãi, dòng chảy của truyền thống anh hùng, của nghĩa tình keo sơn trong nghĩa đồng bào Tổ quốc, của một lòng sắt son với Đảng, với Bác Hồ kính yêu.

Tây Nguyên là một vùng lãnh thổ đặc thù của Việt Nam, không gian sinh tồn lâu đời của cộng đồng những tộc người dân tộc thiểu số nói 2 ngữ hệ Môn-Khmer và Malayo-Polynêsia, nằm ở trung tâm bán đảo Đông Dương.

Do vị trí địa lý, vùng Tây Nguyên sớm có mối quan hệ giao lưu khá mật thiết với các vùng khác ở Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Suốt từ thời tiền sử đến thời cận đại, vùng đất sau này gọi là Tây Nguyên đã liên tục trải qua những chặng đường biến động nội vùng và những dịch chuyển quan trọng trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Công xã và liên minh công xã là thiết chế tổ chức xã hội tồn tại lâu dài trong cộng đồng cư dân các tộc người Tây Nguyên.

Năm 1470, vua Đại Việt là Lê Thánh Tông gọi lãnh thổ thuộc phạm vi ảnh hưởng của Pơtao Apui (Vua Lửa, tức Hỏa Xá), Pơtao Ia (Vua Nước, tức Thủy Xá) là xứ Nam Bàn và coi đây như một “thuộc quốc”.

Đến thời nhà Nguyễn thì mối quan hệ giữa các thủ lĩnh Tây Nguyên với nhà nước phong kiến Việt Nam trở nên thường xuyên hơn. Nhà Nguyễn nhận sự triều cống của Vua Nước, Vua Lửa và đã cử một số viên quan đi tuần trú miền núi rừng phía tây này.

Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, “Đại Nam liệt truyện” của Quốc sử quán triều Nguyễn và một số cổ thư khác từng ghi nhận nhiều sử liệu, chuyện kể về mối quan hệ này…

Đồng bào Tây Nguyên xưa. (Ảnh tư liệu)

Đồng bào Tây Nguyên xưa. (Ảnh tư liệu)

Theo một số tài liệu, trước năm 1945, các giáo sĩ phương Tây và các học giả người Pháp khi tiếp xúc với vùng đất lạ lẫm này, họ từng đặt tên gọi là “Kẻ Mọi”, “Rú Mọi” hay “Xứ Mọi”.

Trong một số tài liệu của các thời kỳ trước, miền thượng du này còn được gọi bằng những tên khác như “Cao nguyên miền Thượng”, “Cao nguyên Trung phần”, “Cao nguyên Nam Trung Bộ” hay “Cao nguyên Trung tâm”.    

Vậy tên gọi Tây Nguyên có tự bao giờ?

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tuấn Triết trong bài viết “Nhìn lại quá trình nghiên cứu về Tây Nguyên”, địa danh được gọi tên “Tây Nguyên” ngày nay xuất phát từ cách gọi vắn tắt của một tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Liên khu V, thuộc Ủy ban kháng chiến miền Nam Trung Bộ, ra đời năm 1946, tổ chức: “Ban vận động đồng bào thiểu số cao nguyên miền Tây Nam Trung Bộ”…

Nhiều nhà nghiên cứu chiến lược cho rằng: Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương. Chúng ta nhắc lại mệnh đề này để khắc họa sâu sắc về vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự của địa bàn Tây Nguyên.

Tượng đài chiến thắng Khu di tích lịch sử cách mạng Khu VI - tại huyện Cát Tiên, Lâm Đồng

Tượng đài chiến thắng Khu di tích lịch sử cách mạng Khu VI - tại huyện Cát Tiên, Lâm Đồng

Có lẽ vậy mà sau khi thôn tính Nam Bộ năm 1867 thì năm 1883, thực dân Pháp đã tiến lên Tây Nguyên, thiết lập ách cai trị và tổ chức khai thác vùng đất giàu có tiềm năng này.

Có lẽ vậy mà chính quyền Việt Nam Cộng hòa dưới sự cố vấn của Hoa Kỳ đã xây dựng Tây Nguyên trở thành một trong những khu vực quân sự quan trọng nhất miền nam.

Xác định vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng của địa bàn này, Đảng ta đã quyết định mở màn cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 bằng Chiến dịch Tây Nguyên lịch sử.

Đó là đòn tiến công mang yếu tố quyết định.

Mất Tây Nguyên, quân lực và chính quyền Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn rệu rã và dẫn đến sụp đổ dưới bước chân thần tốc của quân và dân ta trong những ngày Mùa Xuân lịch sử 47 năm trước…    

Ở Tây Nguyên, có 3 ngọn núi là Chư Yăng Sin, Bidoúp và Ngok Linh sừng sững như 3 nóc nhà choãi chân từ 3 góc đại ngàn hùng vĩ, tạo nên một thế đứng vững chãi, biểu tượng của tinh thần đoàn kết, kiên trung và kiêu hãnh.

Những con sông lớn như Krông Anô, Krong Ana, Rêrêpok, Đắk Bla, Sê San, Đồng Nai… bắt nguồn từ những dãy núi, len lỏi qua những cánh rừng, những buôn làng như những dải hoa văn đa sắc, chở trên mình những trầm tích, những giá trị lịch sử, văn hóa ngàn đời.

Tây Nguyên, nơi ấy mạch nguồn chảy mãi, dòng chảy của truyền thống anh hùng, của nghĩa tình một lòng sắt son với Đảng.

Thuở xa xưa, sống giữa vùng đất đại ngàn với kho tàng tiềm năng vô cùng giàu có nhưng đồng bào các dân tộc anh em đắm chìm trong đói nghèo, lạc hậu.

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, thực dân Pháp đã dùng nhiều thủ đoạn để cai trị và bóc lột sức người, sức của Tây Nguyên. (Ảnh tư liệu)

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, thực dân Pháp đã dùng nhiều thủ đoạn để cai trị và bóc lột sức người, sức của Tây Nguyên. (Ảnh tư liệu)

Khi kẻ thù xâm lược đất nước ta, đồng bào Tây Nguyên cũng cùng chung thân phận nô lệ. Máu và nước mắt của những người anh em trên miền cao nguyên đã đổ xuống đất đai cho những đồn điền cao su, cà-phê, hồ tiêu tươi tốt, những hầm mỏ khoáng sản quý giá mang lại sự giàu có cho bọn thực dân, đế quốc.

Biết bao người đã nát thịt, tan xương dưới vực sâu, trong rừng thẳm bởi những cuộc bắt phu, bắt xâu xây dựng những tuyến đường ngang dọc Tây Nguyên nhằm phục vụ cho mục đích khai thác, vơ vét tài nguyên của quân xâm lược.

Trong đêm trường nô lệ, núi rừng Tây Nguyên bị bọn ngoại bang dày xéo, đồng bào các dân tộc thiểu số chịu cảnh đối xử kỳ thị, rẻ mạt, bất công. Kẻ thù còn sử dụng chính sách “ngu dân”, “chia để trị”, gây mâu thuẫn và chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc anh em.

Từ trong máu lửa, những hậu duệ của dũng sĩ Đam San huyền thoại không cúi đầu cam chịu thân phận tôi đòi, nhiều phong trào yêu nước do các thủ lĩnh Tây Nguyên khởi xướng đã nổ ra khắp nơi.

Đồng bào còn mãi nhắc về những vị anh hùng và những phong trào chống Pháp từng làm cho bọn thực dân nhiều phen thất điên bát đảo như các cuộc nổi dậy của tù trưởng Ama Jhao, N’Trang Gưh, thầy giáo Y Jút (Ê Đê); vua lửa Ôi Ất (Giarai), phong trào Săm Brăm (Chăm), phong trào Mọ Cọ (Cơ Ho).

Những đàn voi vận chuyển vũ khí và lương thực phục vụ chiến dịch trên đường 14, Tây Nguyên. (Ảnh tư liệu)

Những đàn voi vận chuyển vũ khí và lương thực phục vụ chiến dịch trên đường 14, Tây Nguyên. (Ảnh tư liệu)

Đặc biệt, cuộc kháng chiến kéo dài nhiều năm, trên một địa bàn rộng lớn suốt từ cao nguyên Lang Bian đến tả ngạn sông Mekong do người anh hùng N’Trang Lơng (Mơ Nông) lãnh đạo đã trở thành một trận phun trào nham thạch của ngọn núi lửa yêu nước trên miền Tây Nguyên.

Nhưng tất cả các phong trào tự phát đều rơi vào thất bại, chỉ đến khi có ánh sáng của Bác Hồ, của Đảng do các chiến sĩ cộng sản mang về, Tây Nguyên mới bừng lên một tinh thần cách mạng mới.

Di tích Ngục Kon Tum

Di tích Ngục Kon Tum

Sức mạnh bất khuất tiềm tàng của núi, của nước, của những giấc mơ đấu tranh, chinh phục thuở hồng hoang lịch sử được những “người của Đảng” thổi cháy bùng lên.

Tây Nguyên cùng đất nước đứng lên, kề vai sát cánh với cả dân tộc chiến đấu chống lại kẻ thù. Những con cháu của N’Trang Lơng, của Ama Jhao, của N’Trang Gưh nghe theo lời Đảng, lời Bác đánh Pháp, đuổi Mỹ và trở thành những anh hùng trong thời đại mới, như: Đinh Núp, A Sanh, Bi Năng Tắc, K’Đen…

Anh hùng Núp cùng các chiến sĩ trẻ Sư đoàn 320 năm 1980. (Ảnh tư liệu)

Anh hùng Núp cùng các chiến sĩ trẻ Sư đoàn 320 năm 1980. (Ảnh tư liệu)

Những buôn làng ngày xưa tối tăm không tìm ra đường sáng đã trở thành những vùng chiến khu kiên trung một lòng theo cách mạng như Đắk Ui (Kon Tum), Nâm Nung (Đắk Nông), Chư Djũ (Đắk Lắk), Đồng Mang - Đạ Tro, Lộc Bắc, Đồng Nai Thượng (Lâm Đồng)…

Người Tây Nguyên nghe theo lời Đảng, lời Bác kính yêu đã sát cánh kề vai cùng các dân tộc anh em đánh Pháp, đuổi Mỹ, thu giang sơn về một mối thống nhất. Từ đó, Tây Nguyên bước vào giai đoạn cách mạng mới: Đập tan âm mưu phá hoại cuộc sống bình yên của đồng bào các dân tộc anh em và kiến thiết, dựng xây quê hương giàu đẹp…

Khách tham quan nhà lưu niệm Anh hùng Núp ở làng kháng chiến S'tơr (Kbang, Gia Lai)

Khách tham quan nhà lưu niệm Anh hùng Núp ở làng kháng chiến S'tơr (Kbang, Gia Lai)

Trong những ngày đất nước còn chìm trong máu lửa, các chiến sĩ cách mạng khi về với buôn làng vận động nhân dân kháng chiến đã dựa vào dân, “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng) với dân.

Cán bộ, đảng viên đã sống chung với đời sống đói cơm, nhạt muối của đồng bào để cùng dân bám núi rừng đánh giặc.

Toàn cảnh thung lũng Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum.

Toàn cảnh thung lũng Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum.

Ngày nay, hình ảnh của Đảng giữa buôn làng là sự hiện hữu của những chương trình, của từng ý nghĩ, lời nói, việc làm mang lại hiệu quả sống động cho mỗi vùng quê và mỗi người dân.

Đảng cùng dân xây dựng hạ tầng, bảo vệ vốn rừng, đầu tư làm thủy lợi, thủy điện, hỗ trợ dân trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi.

Đảng cùng dân chống lại những luận điệu sai trái của kẻ xấu, tập trung xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Các cháu nhỏ được nhà trường tổ chức tham quan Di tích Ngục Kon Tum

Các cháu nhỏ được nhà trường tổ chức tham quan Di tích Ngục Kon Tum

Đảng đưa con em đồng bào đến trường, giúp dân nghèo dựng cái nhà để ở, bày cách phòng tránh bệnh tật và khám chữa bệnh cho dân. Đảng góp sức cùng dân bảo tồn và phát huy hệ thống các giá trị văn hóa cổ truyền…

Về tổ chức hành chính, hiện nay vùng Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh, theo thứ tự từ bắc vào nam là: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên là 54.451,39km2; chiếm 1/6 diện tích tự nhiên của cả nước. Dân số toàn vùng khoảng 5 triệu người, với 47 dân tộc anh em cùng cư trú…

Ngày xuất bản: 08/11/2022
Tổ chức thực hiện: Uông Thái Biểu-Hồng Minh
Nội dung: Uông Thái Biểu
Ảnh: Văn Bảo-Công Lý-Phan Hòa-Phúc Thắng-Văn Yên-Thanh Lộc, Lý Hoàng Long
Trình bày: Diệu Thu-Phương Nam