VIỆT NAM VÀ LIÊN HỢP QUỐC HỢP TÁC TRONG NHỮNG LĨNH VỰC NÀO?
Trong 45 năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc có ý nghĩa to lớn, từ trong giai đoạn tái thiết đất nước sau chiến tranh đến thời kỳ phá thế bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc vừa đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của Việt Nam trong từng giai đoạn, vừa góp phần tăng cường vai trò, tiếng nói và ghi đậm dấu ấn đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc. Hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc được ưu tiên theo từng giai đoạn, cụ thể là:
Giai đoạn 1977-1986: Ngay sau khi tham gia Liên hợp quốc, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên Liên hợp quốc để Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 32 (1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Mặt khác, Việt Nam cũng tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của Liên hợp quốc phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc năm 1977, song một số tổ chức quốc tế đã viện trợ cho Việt Nam từ năm 1975. Trong giai đoạn này, Việt Nam vừa phải giải quyết những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải tổ chức lại nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu và từng bước khôi phục sản xuất. Liên hợp quốc đã tích cực giúp Việt Nam giải quyết những khó khăn nhiều mặt với tổng viện trợ đạt hơn 500 triệu USD. Các tổ chức tài trợ chính bao gồm: Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Cao Ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Các tổ chức này đã hỗ trợ đáng kể cho đầu tư của Chính phủ Việt Nam về các hạng mục phát triển xã hội, tập trung trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Hợp tác với Liên hợp quốc đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao trình độ công nghệ và thúc đẩy tiến bộ về khoa học-kỹ thuật ở Việt Nam, phục hồi và xây dựng mới một số cơ sở sản xuất, tăng cường năng lực phát triển. Đồng thời trong bối cảnh bao vây cấm vận, hợp tác với Liên hợp quốc tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận được nguồn viện trợ của nhiều nước phương Tây.
Giai đoạn 1986-1996: Đây là giai đoạn Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới, theo đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tiến hành đổi mới chính sách kinh tế, chính sách xã hội. Cho tới cuối những năm 1980, Liên hợp quốc chiếm tới gần 60% tổng số viện trợ cho Việt Nam ngoài nguồn từ các nước xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn này, viện trợ không hoàn lại của Liên hợp quốc cho Việt Nam đạt hơn 630 triệu USD. Từ đầu những năm 1990, nhiều nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực nối lại viện trợ cho Việt Nam, nhưng Liên hợp quốc vẫn chiếm 30% tổng giá trị viện trợ kỹ thuật từ bên ngoài.
Trong giai đoạn này, một số tổ chức đã nâng mức hỗ trợ như Quỹ Phát triển nông nghiệp (IFAD), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO). Một số tổ chức khác cũng bắt đầu có hoạt động viện trợ trực tiếp như Chương trình kiểm soát ma túy Liên hợp quốc (UNDCP), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và thêm nhiều nước cũng như các tổ chức tài chính tiền tệ như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tham gia trong các loại hình dự án hỗn hợp đa-song phương.
Các dự án hợp tác là nguồn hỗ trợ đáng kể cho Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chính sách phát triển, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan và trình độ cán bộ trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới; đồng thời Liên hợp quốc tiếp tục có những đóng góp có giá trị đối với việc nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, phát triển nguồn nhân lực khoa học-kỹ thuật, và giải quyết các vấn đề xã hội khác của Việt Nam.
Giai đoạn 1997-2011: Trong giai đoạn 1997-2000, Liên hợp quốc dành ưu tiên cho các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và các chính sách xã hội; cải cách và quản lý phát triển; quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên; và điều phối viện trợ, quản lý nhà nước và huy động nguồn lực.
Trong giai đoạn hợp tác 2001-2005, Liên hợp quốc có ba ưu tiên chính là thúc đẩy hơn nữa cải cách, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Liên hợp quốc chuyển mạnh hướng hỗ trợ kỹ thuật sang hỗ trợ các biện pháp cải cách về chính sách và thể chế kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, hành chính công, luật pháp, lập kế hoạch đầu tư công, phát triển hệ thống ngân hàng, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực khác phòng chống HIV/AIDS và các bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ, tổ chức hằng năm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ...
Những ưu tiên chính trong giai đoạn này là thúc đẩy cải cách, tư vấn trong việc xây dựng mới hoặc sửa đổi nhiều bộ luật quan trọng, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ thực hiện Chương trình 135, lồng ghép việc thực hiện Các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), hỗ trợ trong các nỗ lực bảo vệ thiên nhiên, nâng cao nhận thức của người dân về môi trường, xây dựng chiến lược và chính sách, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường và đa dạng sinh học. Trong giai đoạn 2006-2011, viện trợ của Liên hợp quốc cho Việt Nam đạt hơn 400 triệu USD.
Trong giai đoạn 2007-2011, thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, là bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã tranh thủ diễn đàn Liên hợp quốc làm cở sở để tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc, mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước và tổ chức quốc tế.
Hoạt động nổi bật nhất trong giai đoạn này là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh quốc tế trong bối cảnh Hội đồng Bảo an phải xử lý khối lượng công việc đồ sộ do xuất hiện nhiều vấn đề an ninh phức tạp, thêm vào đó là những thách thức an ninh toàn cầu mới và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu trầm trọng nhất lịch sử thế giới hiện đại.
Việt Nam tích cực thương lượng và trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hoá học (CWC) năm 1998, tham gia đàm phán và là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996, tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị (CD) năm 1996. Ngoài ra, Việt Nam sớm tham gia quá trình chuẩn bị các hội nghị lớn như Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) các năm 2000, 2005 và 2010; Hội nghị về chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ năm 2001, 2003...
Việt Nam không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thu hút viện trợ của các tổ chức phát triển Liên hợp quốc mà còn chủ động xây dựng các hình thức hợp tác và tham gia vào các tổ chức này. Mô hình hợp tác ba bên (ban đầu giữa Việt Nam, FAO, Senegal về trồng lúa) đã được mở rộng và áp dụng rộng rãi, được coi là hình mẫu cho hợp tác Nam-Nam.
Việt Nam cũng tham gia đầy đủ và thực chất vào các cơ chế hoạch định chính sách của Liên hợp quốc, như giữ chức Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1997; chủ động tham gia sâu vào hệ thống Liên hợp quốc thông qua việc là thành viên Hội đồng Chấp hành UNDP/UNFPA (2000-2002), ECOSOC (1998-2000). Trong giai đoạn này, Việt Nam hoàn thành trước hạn 5 trong 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG); tích cực phối hợp các tổ chức phát triển Liên hợp quốc thực hiện thí điểm sáng kiến “Một Liên hợp quốc”, được cộng đồng các nhà tài trợ đánh giá cao.
Giai đoạn 2012-2016: Trong khuôn khổ Sáng kiến Thống nhất hành động - Một Liên hợp quốc, Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc tích cực phối hợp triển khai Kế hoạch chung tiếp theo của Liên hợp quốc giai đoạn 2012-2016, phù hợp dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Kế hoạch chung này ưu tiên ba lĩnh vực trọng tâm chính là: chất lượng tăng trưởng, bảo trợ xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội; tăng cường tiếng nói và nâng cao quản trị công.
Một phần quan trọng của Sáng kiến Thống nhất hành động - Một Liên hợp quốc là Ngôi nhà chung Liên hợp quốc, được cụ thể hóa bằng việc xây dựng Ngôi nhà Xanh chung Liên hợp quốc tại Hà Nội. Đây là Ngôi nhà chung Liên hợp quốc đầu tiên thân thiện với môi trường, được khánh thành nhân dịp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon thăm Việt Nam tháng 5/2015. Sáng kiến này đã đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường gắn kết hệ thống của các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Trong giai đoạn này, Việt Nam cũng đã hoàn thành tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016) và thành viên ECOSOC (nhiệm kỳ 2016-2018). Từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Giai đoạn 2017 đến nay:
Hai bên tích cực triển khai Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Một Liên hợp quốc đã được ký tháng 7/2017. Chương trình này tập trung vào mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2016-2020 và Các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Chương trình bao gồm bốn lĩnh vực ưu tiên: đầu tư vào con người; bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển môi trường bền vững; thúc đẩy sự thịnh vượng và quan hệ đối tác; tăng cường công lý, hòa bình và quản trị toàn diện.
Việt Nam đang phối hợp Văn phòng Điều phối viên Liên hợp quốc, các quỹ, chương trình Liên hợp quốc xây dựng Khung hợp tác phát triển bền vững Việt Nam-Liên hợp quốc giai đoạn 2022-2026 và các chương trình quốc gia hợp tác giữa Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) giai đoạn 2022-2026. Ngày 11/9/2020, Việt Nam đã nộp bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật cho Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia vào nỗ lực chung của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người: Việt Nam đã tích cực tham gia thương lương và ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân 2018 và là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước. Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử 243 lượt sĩ quan quân đội theo các suất đơn lẻ làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục Gìn giữ hòa bình tại trụ sở Liên hợp quốc; triển khai ba lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan; là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân (12%).
Việt Nam đã được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020-2021) với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu ủng hộ). Trên cương vị này, Việt Nam đã phát huy được vai trò, chủ động và tích cực tham gia đóng góp vào công việc chung của Hội đồng Bảo an trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng; đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng, tìm giải pháp, đáp ứng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên Hội đồng Bảo an và phát huy “vai trò kép” Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Việt Nam tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế Liên hợp quốc về quyền con người, bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và các báo cáo thực thi công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, đồng thời đang ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nhận được gần 2,5 triệu liều vaccine từ Cơ chế COVAX. Các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hỗ trợ Việt Nam trong năm lĩnh vực, gồm: chuẩn bị khẩn cấp y tế cộng đồng; giám sát, đánh giá rủi ro, điều tra và phản ứng với dịch bệnh; phòng thí nghiệm; kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm và quản lý lâm sàng; truyền thông rủi ro. Các tổ chức Liên hợp quốc cũng đưa ra hướng dẫn phòng, chống Covid-19 cho trẻ em, người lao động và toàn xã hội và có hai báo cáo tổng hợp đánh giá tác động của Covid-19 tại Việt Nam và khuyến nghị biện pháp ứng phó.
Việt Nam đã đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh và đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua với 112 quốc gia đồng thuận. Việt Nam cũng đã đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó Covid-19 của WHO, 500.000 USD cho Cơ chế COVAX. Lần đầu tiên Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị thành công bệnh nhân là nhân viên Liên hợp quốc mắc Covid-19 theo Cơ chế MEDEVAC (Nhóm Công tác sơ tán y tế toàn cầu của Liên hợp quốc) và tiến tới sẽ thành lập Trung tâm MEDEVAC tại Việt Nam sau khi thỏa thuận, thống nhất các nội dung cụ thể với phía Liên hợp quốc.