Tham gia ASEAN mang lại lợi ích gì cho Việt Nam?

Quá trình tham gia ASEAN mang lại cho Việt Nam những lợi ích quan trọng và thiết thực, bao trùm là có được môi trường hòa bình và ổn định thuận lợi cho an ninh và phát triển, nâng cao vị thế của đất nước, hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Tham gia ASEAN cũng tạo điều kiện giúp Việt Nam đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng hơn.

Về chính trị-an ninh, gia nhập ASEAN giúp Việt Nam phá thế bị bao vây về kinh tế và cô lập về chính trị khi đó; chấm dứt tình trạng chia rẽ, đối đầu ở khu vực, tạo dựng mối quan hệ mới về chất giữa các nước Đông Nam Á theo chiều hướng hữu nghị, ổn định và lâu dài, hợp tác toàn diện và chặt chẽ cả về đa phương và song phương.

Việt Nam tiếp tục có những điều kiện thuận lợi hơn để góp phần duy trì môi trường hòa bình và ổn định khu vực; phối hợp lập trường và hợp tác với các nước trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế phức tạp, hỗ trợ đáng kể trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông.

Về kinh tế, Việt Nam có thị trường rộng lớn cho xuất khẩu sang các nước thành viên ASEAN và cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hỗ trợ Việt Nam triển khai hợp tác kinh tế sâu rộng và toàn diện với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã thực hiện các cam kết của AEC, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU). Các FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã đi vào hiệu lực tại Việt Nam.

Tham gia ASEAN cũng giúp tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư và kinh doanh từ bên ngoài. Việc tham gia sâu rộng vào liên kết kinh tế ASEAN giúp Việt Nam thu hút được ngày càng nhiều vốn đầu tư, kỹ thuật từ bên ngoài Hiệp hội, nhất là của các công ty đa quốc gia, đồng thời mở rộng thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Lợi ích mà Việt Nam có được khi AEC được hình thành là tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và du lịch mạnh mẽ hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn, tăng cường năng lực sản xuất và tạo cơ hội để các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh. Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận các nguồn hỗ trợ về khoa học-công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến, góp phần nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam cũng tranh thủ được những lợi ích thiết thực từ các chương trình hợp tác về thu hẹp khoảng cách phát triển.

Tác động tích cực từ AEC sẽ góp phần tạo chuyển biến trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước, thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, hoàn thiện những thiếu sót để bảo đảm phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập quốc tế. Hội nhập AEC cũng buộc Việt Nam phải hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo dựng lòng tin với các nhà đầu tư và tăng khả năng cạnh tranh.

Tham gia Cộng đồng Văn hoá-Xã hội ASEAN (ASCC) giúp Việt Nam có cơ hội tăng cường giao lưu, hiểu biết, trao đổi, tiếp thu học hỏi các giá trị văn hóa với khu vực, cũng như giữ gìn, phát huy và quảng bá văn hóa của đất nước ra khu vực, hỗ trợ cho các mục tiêu kinh tế cũng như chính trị của Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu đối ngoại của Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy của các nước trên thế giới.

ASCC cũng giúp Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước khu vực trong giải quyết các vấn đề về môi trường, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân; đồng thời giúp Việt Nam huy động nguồn lực cũng như chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc ứng phó và giải quyết các vấn đề này, nhằm thúc đẩy các giá trị tiến bộ xã hội của Việt Nam cũng như của khu vực.

Về đối ngoại, gia nhập ASEAN đã tạo những điều kiện thuận lợi cho Việt Nam nâng cao vị thế, mở rộng và tăng cường quan hệ song phương với các nước ASEAN, cũng như các đối tác của Hiệp hội. Bên cạnh đó, điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi trong quan hệ với các đối tác bên ngoài, cũng như trong việc xử lý nhiều vấn đề khu vực và quốc tế quan trong liên quan đến lợi ích của đất nước; giúp Việt Nam có nhiều kinh nghiệm để tham gia các hợp tác khu vực rộng lớn hơn và ở quy mô lớn hơn.

Ngoài ra, quá trình hợp tác ASEAN cũng giúp Việt Nam điều chỉnh dần các thủ tục hành chính, phong cách làm việc trong nước theo hướng phù hợp tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; đồng thời tạo môi trường rèn luyện, nâng cao trình độ và năng lực chuyên môn và ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ các cấp trong tham gia các hoạt động đa phương. 

Việc tham gia hợp tác ASEAN sâu rộng còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước, như có được môi trường kinh doanh và thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn hơn; có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc tăng quy mô, năng suất và giảm chi phí sản xuất; thuận lợi hơn khi đầu tư vào các nước thành viên của Hiệp hội.

Đối với người dân, lợi ích là thiết thực, như được sống trong môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau; có nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn; có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm có tay nghề tại các nước ASEAN khác; đi lại thuận tiện hơn trong các nước ASEAN; được hưởng lợi từ sự cải thiện của an ninh xã hội.