Luật An ninh mạng

Ngày 12/6/2018, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 đã chính thức được thông qua. Luật gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Từ những quy định này, Luật An ninh mạng tái khẳng định sự ưu tiên của Nhà nước Việt Nam đối với hoạt động bảo vệ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, khoa học, công nghệ và đối ngoại trên không gian mạng; Nỗ lực xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Dành nguồn lực cho xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; nâng cao năng lực cho lực lượng bảo vệ an ninh mạng và tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng; ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ để bảo vệ an ninh mạng; Khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng, xử lý các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng; phối hợp với cơ quan chức năng trong bảo vệ an ninh mạng; Tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh mạng.

Ngoài ra, Luật An ninh mạng cũng phân công chức năng, nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ an ninh mạng (Điều 30), Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ an ninh mạng (từ Điều 36 đến Điều 42). Trên cơ sở Luật An ninh mạng, các cơ quan Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và truyền thông, Ban Cơ yếu chính phủ thiết lập cơ chế phối hợp trong bảo vệ an ninh mạng cùng nhiều nhiều công tác trọng yếu khác trên Internet, mạng xã hội.