Nhớ mãi những mốc thời gian
ra báo 8 trang

HỒNG VINH

Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân

SÁNG thứ bảy (7/9/1996) cuộc họp Ban Biên tập về việc triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng do Hội nghị liên tịch Ban Biên tập và Đảng ủy đề ra, đã nhất trí thông qua bảy việc quan trọng, trong đó có nhiệm vụ: "Cùng với việc duy trì và nâng cao chất lượng báo bốn trang, phải tập trung sức chuẩn bị tích cực để tăng trang Báo Nhân Dân hằng ngày và xuất bản tờ Nguyệt san". Ban Biên tập phân công đồng chí Đinh Thế Huynh chuẩn bị Đề cương báo tăng trang; đồng chí Trần Truyền chuẩn bị Đề cương ra Nguyệt san; Phòng Tài vụ trình các phương án về giá thành tờ báo. Sau 10 ngày phải có các tờ trình nêu trên.

Công việc diễn ra như dự kiến, nhưng có một số vấn đề được thảo luận khá sôi nổi là báo hằng ngày tăng lên sáu trang hay tám trang? Cuối cùng Ban Biên tập nhất trí chọn phương án tăng lên 8 trang trên cơ sở dữ kiện cơ bản:

- Đã tăng trang thì nên tăng ngay lên 8 trang vì có thêm diện tích để đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa thông tin và có thêm nhiều chuyên mục mới - vấn đề rất quan trọng của một ấn phẩm báo chí.

- Ra 8 trang, việc in ấn thực hiện dễ dàng hơn và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn ra báo 6 trang.

Tuy nhiên, có một vấn đề phải cân nhắc kèm theo là giá thành tờ báo. Xét về tâm lý bạn đọc, tờ báo từ bốn trang lên 6 trang thì giá thành tăng từ 600 đồng lên 900 đồng dễ được chấp nhận hơn là giá 1.200 đồng với báo 8 trang. Nhưng ở cuộc họp trưởng, phó ban thì số đông ý kiến đồng ý với Ban Biên tập là chọn phương án báo tám trang với giá thành 1.200 đồng/tờ (riêng về giá thành 8 trang, Ban Biên tập đã bàn bốn phương án: giá 1.000 đồng, 1.100 đồng, 1.200 đồng  và 1.300 đồng. Lúc đó, tham khảo ý kiến bên ngoài, có không ít người đề nghị nên là 1.000 đồng cho tiện nhiều mặt. Trên cơ sở tính toán kỹ càng về nhiều góc cạnh, nhất là về hạch toán kinh doanh, Ban Biên tập chọn phương án 1.200 đồng/tờ).

Thế là "cái nền" đầu tiên được xây. Song, điều quan trọng bao trùm là gương mặt các trang báo sẽ thế nào? Có những chuyên mục gì? Định hướng tuyên truyền cho từng trang báo, từng chuyên mục ấy ra sao?

Hai cuộc họp tiếp sau của Ban Biên tập thảo luận Đề cương chi tiết từng trang báo và các chuyên mục, từ tên gọi đến nội dung đề cập và cách thức thể hiện vấn đề. Ngày 14/10/1996, sau khi xem xét Tờ trình của Ban Biên tập, các đồng chí: Nguyễn Đức Bình, Ủy viên Bộ Chính trị; Hữu Thọ, Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư đã nghe thêm ý kiến của Ban Biên tập và đi tới kết luận mấy vấn đề cơ bản như sau:

1.Chủ trương cho báo tăng trang và tăng ấn phẩm đã được nêu ra từ các Chỉ thị của Ban Bí thư, Bộ Chính trị các khóa trước đây, nhất là trong Quyết định mới nhất của Ban Bí thư khóa VII, ngày 13/7/1994.

2.Tờ báo của Đảng cần khẩn trương đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của bạn đọc trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước.

3.Vấn đề quan trọng là khả năng thực hiện của Bộ Biên tập như thế nào?

4.Do vậy, Ban Biên tập phải có Tờ trình Bộ Chính trị làm rõ những luận cứ khoa học và thực tiễn về báo tăng trang và tăng ấn phẩm.

5.Điều quan trọng hàng đầu là phải đầu tư công sức sao cho báo tăng trang và tăng ấn phẩm trên cơ sở chất lượng tờ báo được nâng cao. Phải cụ thể hóa các yêu cầu đúng, hay, đẹp cho báo 8 trang và cho Nguyệt san như thế nào?

Tờ trình cuối cùng của Ban Biên tập đã thể hiện được cơ bản những yêu cầu nêu trên.


Ngày 26/10/1996, đồng chí Lê Khả Phiêu, Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị đến thăm Báo Nhân Dân và chỉ rõ một số định hướng quan trọng khi báo tăng trang và tăng ấn phẩm. Đồng chí nhấn mạnh ba vấn đề lớn:

1.

Việc ra báo 8 trang chính là nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng ta. Điều đó có nhiều thuận lợi nhưng cũng xuất hiện nhiều khó khăn mới nảy sinh, Ban Biên tập cần nhìn nhận thấu đáo và đề ra biện pháp giải quyết.

2.

Đi liền cải tiến nội dung và phương thức tuyên truyền, phải coi trọng cải tiến khâu in ấn. Cần tăng cường các thiết bị hiện đại nhằm tiếp cận nhanh với nghề làm báo hiện đại của thế giới.

3.

Ban Biên tập cần có các buổi làm việc với các ban, ngành chức năng để thực hiện có kết quả nhiệm vụ chính trị quan trọng này.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong buổi làm việc với Tổng Biên tập Báo Nhân Dân ngày 24/9/1996 đã nhấn mạnh một số vấn đề:

- Hoan nghênh chủ trương tăng báo hằng ngày lên 8 trang. Nếu Bộ Chính trị quyết định, tôi nhiệt liệt ủng hộ.

- Ban Biên tập cần có Tờ trình Chính phủ, nêu rõ những đề nghị của báo về giá cước phát hành và cước truyền báo, về cơ sở vật chất - kỹ thuật, v.v.

- Để nắm bắt nhanh thông tin về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đồng ý cử Đặc phái viên của báo đi theo Thủ tướng trong các chuyến đi công tác ở trong nước và nước ngoài.

- Ban Biên tập nên bàn với Văn phòng Chính phủ xây dựng Quy chế cung cấp thông tin cho báo.

Ngày 8/11/1996, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải đến thăm và làm việc với Ban Biên tập Báo Nhân Dân, góp ý kiến cụ thể về việc thực hiện Đề án ra báo 8 trang, đồng thời xem xét và phê duyệt một số đề nghị về kinh phí phục vụ việc cải tạo và nâng cấp trụ sở làm việc của Tòa soạn tại 71 Hàng Trống, Hà Nội.

Các đồng chí Trưởng ban Tài chính - Quản trị T.Ư, Bộ trưởng Xây dựng, Bộ trưởng Tài chính, Tổng cục trưởng Bưu điện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Bưu chính viễn thông, Phó trưởng ban Vật giá Chính phủ, cùng nhiều đồng chí có trách nhiệm của các ban, ngành... đã đến tòa soạn làm việc nhiều buổi và bày tỏ sự ủng hộ bằng những việc làm cụ thể để thực hiện tốt chủ trương ra báo 8 trang.

Trong quá trình triển khai những nhiệm vụ nêu trên, Ban Biên tập đã nhận được những ý kiến góp ý chân tình và chi tiết của các anh Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hà Đăng và Hữu Thọ, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân qua các thời kỳ.

Những ngày đầu tháng 12/1996, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười mặc dù vô cùng bận rộn vì phải chuẩn bị nội dung Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ hai, khóa VIII, vẫn dành trọn buổi nghe Ban Biên tập báo cáo những công việc cuối cùng chuẩn bị cho báo 8 trang ra mắt vào ngày 1/1/1997. Đồng chí Tổng Bí thư đã cho những ý kiến chỉ đạo rất cụ thể về nội dung tuyên truyền; về cách thức làm cho tờ báo 8 trang đúng, hay, đẹp và hấp dẫn; về nhiệm vụ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm báo ngang tầm nhiệm vụ mới... Đồng chí cũng chỉ rõ những yêu cầu phát hành, làm cho tờ báo của Đảng phải đến các vùng đất nước nhiều hơn và nhanh hơn.

Bài nói của Tổng Bí thư đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 4/12/1996 đã khái quát sâu sắc phương hướng, nhiệm vụ của báo Nhân Dân trong thời kỳ mới. Đó là cơ sở rất quan trọng giúp Ban Biên tập có định hướng đúng đắn trong quá trình triển khai nhiệm vụ chính trị của tờ báo trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và nhiệm vụ ra báo 8 trang nói riêng.

Các cuộc họp cộng tác viên ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trong các ngày 4, 5 và 7/12/1996, đã giúp Ban Biên tập bổ sung và điều chỉnh việc cấu trúc các trang báo, các chuyên mục cũng như nghệ thuật trình bày và cách đề cập các vấn đề sao cho tờ báo phong phú, hấp dẫn, gây được ấn tượng tốt ngay từ số báo đầu tiên.

Công việc của Tòa soạn vào tuần cuối tháng 12 vô cùng tất bật và khẩn trương. Thật vinh dự cho tập thể những người làm Báo Nhân Dân, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai (khóa VIII), sáng 24/12, đồng chí Nguyễn Đức Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, được ủy nhiệm của Bộ Chính trị đã trình bày ba Quyết định của Bộ Chính trị về nhiệm vụ của Báo Nhân Dân trong thời kỳ mới:

1 - Quyết định cho phép ra báo tám trang và ra Nguyệt san.
2 - Quyết định về bổ sung măng-sét mới của báo.
3 - Chỉ thị của Bộ Chính trị về tổ chức mua, đọc báo, tạp chí Đảng.

_______***_______

Có một điều vô cùng lý thú là, trong quá trình chuẩn bị măng-sét mới của báo 8 trang, đồng chí Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm và yêu cầu Ban Biên tập phải trình các phương án cụ thể để từng đồng chí trong Bộ Chính trị góp ý kiến.

Chính trong những ngày Hội nghị T.Ư 2 họp, tôi luôn bị "gọi đột xuất" để trình bày rõ hơn nhận thức của Ban Biên tập cũng như tiếp thụ các ý kiến đóng góp của từng đồng chí lãnh đạo để hoàn chỉnh măng-sét tờ báo sao cho thể hiện nổi bật những định hướng lớn của tập thể Bộ Chính trị.

Chưa bao giờ nhiều đồng chí trong Ban Biên tập phải "vắt chân lên cổ" như những ngày cuối tháng 12 đó. Riêng bản vẽ măng-sét mới, tổ họa sĩ đã phải vẽ hàng chục bản khác nhau, đặc biệt là hai tấm Huân chương Sao vàng và Huân chương Hồ Chí Minh - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước tặng cho Báo Nhân Dân, cần được trình bày trên măng-sét như thế nào để vừa đẹp, vừa thể hiện được yêu cầu chính trị. Đó là vấn đề phải cân nhắc và sáng tạo.

Ngày 27/12, chỉ còn bốn ngày nữa là báo phải ra mắt (tháng 12/1996 có 31 ngày), nhưng buổi trưa hôm đó, theo yêu cầu của Tổng Bí thư, phải làm lại măng-sét cho hoàn chỉnh hơn. Đồng chí nói: "16 giờ chiều, tôi sẽ kết thúc sớm bài nói chuyện tại một hội nghị quan trọng, để duyệt lại lần cuối cùng măng-sét báo". 15 giờ 50 phút chiều hôm đó, chúng tôi có mặt tại phòng làm việc của Tổng Bí thư với tâm trạng vô cùng hồi hộp. Đúng 16 giờ, đồng chí bước vào phòng. Sau khi xem xét kỹ và hỏi thêm một vài chi tiết, đồng chí Tổng Bí thư với nét mặt rạng rỡ, cầm bút ký duyệt chính thức măng-sét mới với tiêu đề:

NHÂN DÂN
CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
TIẾNG NÓI CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN VIỆT NAM

Ký xong, đồng chí Tổng Bí thư tặng tôi cái bút để làm vật kỷ niệm. Cái bút đó đã được đặt tại Phòng Truyền thống Báo Nhân Dân.

Đồng chí Đỗ Mười ký măng sét Báo Nhân Dân 8 trang.

Đồng chí Đỗ Mười ký măng sét Báo Nhân Dân 8 trang.

Vậy là, đúng như kế hoạch và với niềm mong đợi của nhiều người, số báo 8 trang đầu tiên với măng-sét như trên đã ra mắt bạn đọc cả nước vào đúng ngày 1/1/1997!