Nguyễn Duy Duy

Hiện là nghiên cứu viên sau Tiến sĩ về Cơ học chất lỏng và Môi trường tại Đại học Sydney, Australia

Duy bắt đầu hành trình "kiếm con chữ" của mình ở nước ngoài từ năm 2010. Những suất học bổng đã đưa cậu tới Trường đại học Bách khoa Saint Petersburg (Nga), Trường đại học Notre Dame (Mỹ) và hiện nay là Trường đại học Sydney (Australia).

Duy cũng đã công tác 1 năm tại Bosch, Đức và sau đó là gần 1 năm tại Viện Khoa học Thủy lợi, Việt Nam.

Trước hơn hết, tôi muốn CẢM ƠN em trai vì đã chăm lo cho cha mẹ, giúp tôi hoàn toàn yên tâm khi ở xa.

Con CẢM ƠN bố, CẢM ƠN mẹ vì tình yêu thương vô điều kiện và những hy sinh thầm lặng cho con.

Tôi cũng muốn dành lời CẢM ƠN đó cho anh Trịnh Duy Tân-Kỹ sư trưởng tại tập đoàn Western Digital (Mỹ) và ĐẶC BIỆT CẢM ƠN giáo sư hướng dẫn chương trình tiến sĩ của tôi, những người hỗ trợ, hướng dẫn và dẫn dắt tôi trong cuộc sống, học tập và công việc.

CẢM ƠN em ấy, người luôn là chỗ dựa tinh thần cho tôi trong toàn bộ quãng đường, và dù phải cách xa nhau vì đại dịch, thì em luôn mang đến cho tôi cảm giác có một nơi rất ấm cúng để quay về.

Và cuối cùng, tôi muốn bày tỏ CẢM ƠN cộng đồng người Việt ở Nga, ở Mỹ và ở Australia, những người luôn sẵn lòng chìa tay hỗ trợ, đùm bọc những du học sinh như chúng tôi bằng tình cảm chân thành nhất. Họ đã cho chúng tôi thấy 2 chữ đồng bào đáng quý biết bao trong những lúc khó khăn, nhất là trong những đợt dịch bệnh vừa qua.

Mọi người vẫn hay thường nói, từ buồn nhất trong tiếng Anh là từ “almost”, có nghĩa là “gần như”, hay không trọn vẹn. Từ “giá mà” có lẽ cũng mang ý nghĩa tương tự, khi con người ta không thể trọn vẹn đạt được một điều gì đó, họ lại thốt lên “giá mà” như một điều mong ước và sự tiếc nuối.

Tôi cũng có nhiều khoảnh khắc “giá mà” đó. Từ những điều nhỏ nhất như giá mà tối hôm qua mình không dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội, giá mà mình không ăn chiếc bánh ngọt vào nửa đêm. Cho tới những tiếc nuối lớn hơn như giá mà trong 2 năm qua, tôi làm việc chăm chỉ hơn, sắp xếp thời gian tốt hơn để có thể hoàn thành nhiều dự định hơn. Giá mà tôi có thể cân bằng được công việc tốt hơn để quan tâm tới mọi người xung quanh mình, người thân của tôi nhiều hơn và cả những người yếu thế trong đại dịch mà tôi luôn ấp ủ được giúp đỡ.

Nhưng trong thời điểm chuyển sang năm Nhâm Dần 2022, có lẽ tôi cũng sẽ phải tiếp tục đốt cháy ngọn lửa trong mình và tiến lên phía trước. Không ai sống mãi trong quá khứ và sự tiếc nuối được. Những khoảnh khắc “giá mà” đó sẽ đem đến cho tôi những khoảng trống trong tương lai mà tôi sẽ cần nỗ lực hơn để có thể “trọn vẹn” thực hiện và lấp đầy tất cả mọi điều đó. Khi đó “giá mà” sẽ là động lực.