Những thăng trầm lịch sử
của một kinh đô
SNăm 1397, đại thần Hồ Quý Ly đưa vua Trần dời đô vào Tây Đô (thành Nhà Hồ - Thanh Hóa), Thăng Long được sử cũ gọi là Đông Đô. Năm 1407, nhà Minh ở phương Bắc xâm lược tàn phá Thăng Long, sử dụng Thăng Long là trị sở đô hộ. Năm 1427, khởi nghĩa Lam Sơn dưới sự lãnh đạo của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi giành lại Thăng Long và quyết định tiếp tục đóng đô ở Thăng Long.
Dưới thời Lê sơ, Thăng Long hoang tàn bởi quân xâm lược nhà Minh đã được Lê Thái Tổ quy hoạch, xây dựng hoàn toàn mới. Đầu thời Lê sơ dưới các triều vua Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Kinh đô Thăng Long chủ yếu được xây dựng trên cơ sở quy hoạch Thăng Long thời Lý - Trần. Bởi vậy cho nên, các đợt đào tại Đào Tấn, Văn Cao, Cầu Giấy, Đội Cấn Đoạn Môn đều không tìm thấy dấu tích các lớp đất đắp khoảng nửa đầu thế kỷ XV.
Đến khoảng năm 1490 dưới thời Lê Thánh Tông, có sự thay đổi lớn trong quy hoạch kiến trúc Thăng Long ở khu vực phía Tây. Tại địa điểm Văn Cao, đã xác định lũy thành ở đây có tới 14 lớp đất đắp liên tục khoảng nửa cuối thế kỷ XV (chiều cao còn lại 5,10m, chân thành rộng hơn 20m). Lũy đất này được đắp qua một lớp di chỉ cư trú thời Lý - Trần. Rõ ràng đây là lớp lũy đất được đắp hoàn toàn mới vào thời Lê Thánh Tông chứng minh ghi chép của sử cũ về việc vua Lê Thánh Tông cho mở mang Hoàng thành về phía Tây.
Dấu tích này rất trùng khớp với lớp tường Hoàng thành phía trong được vẽ trên các bản đồ Thăng Long thời Lê (thế kỷ XV - XVIII), minh chứng xác thực một Hoàng thành Thăng Long thời Lê Thánh Tông có quy mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Để có thể xây dựng được kinh đô to lớn và tráng lệ như vậy, nhà Lê sơ đã huy động hầu hết nhân tài, vật lực cho việc xây dựng kinh đô.
Thư tịch cổ cho biết Thượng thư Vũ Hữu được Lê Thánh Tông giao tính toán xây dựng Hoàng thành Thăng Long tại cửa Đông Hoa, Đại Hưng mà không thiếu một viên gạch (theo Vũ Phương Đề 2001:20). Lực lượng quân đội thường trực được huy động thường xuyên tham gia xây dựng kinh đô. Bởi vậy, có rất nhiều viên gạch thời Lê sơ ghi rõ các phiên hiệu quân đội như Tráng Phong quân, Vũ Phong quân. Hổ Uy quân, Tam Tự quân, Huyền Qua quân, Vũ Kỵ quân, Chiêu Thắng quân, Tam Phụ quân, Thiên Uy quân, Trung Uy quân, Dương Võ quân, Sùng Uy quân...
Nghệ thuật Lê sơ có sự tiếp nối thời Trần, nhưng về cơ bản đã mang nhiều nét mới của một triều đại mới. Sân Đan Trì lát gạch vuông màu đỏ, móng ngự đạo, móng tường, móng cột kiến trúc được đầm nện nhiều lớp bằng gạch ngói vụn. Hình ảnh rồng 5 móng chiếm vị trí chủ đạo, đầu rồng có 2 sừng, không có mào và lôi văn hình chữ S, không uốn lượn trong hình lá đề. Rõ ràng, nghệ thuật truyền thống và tư tưởng Nho gia đã tác động và ảnh hưởng khá mạnh đến nghệ thuật Lê sơ. Do vậy, mọi hứng thú sáng tạo (ngói rồng tráng men xanh và men vàng, hình ảnh rồng có chân 5 móng, chim phượng) của nghệ sĩ Lê sơ đều tập trung theo hướng sáng tạo đề cao quyền lực tối thượng của Hoàng đế, Hoàng gia.
Thời Lê sơ, nghề gốm Thăng Long đạt tới đỉnh cao của sự hoàn hảo về kỹ thuật và mĩ thuật, đặc biệt là dòng gốm cao cấp phục vụ Hoàng cung. Không chỉ phục vụ Hoàng cung, gốm Thăng Long còn tham gia vào thị trường xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, Okinawa (Nhật Bản) và nhiều nước khác xa hơn, góp phần quan trọng tạo nên thời kỳ hoàng kim của gốm xuất khẩu Việt Nam.
Nhìn chung, nghệ thuật Lê sơ; một mặt đề cao quyền lực Hoàng gia, nhưng mặt khác, mỹ thuật và các hình tượng trang trí thời Lê sơ vẫn gìn giữ và mang đậm chất sáng tạo xuất phát từ nghệ thuật truyền thống thời Lý Trần và là một bước tiến vĩ đại nữa trong lịch sử nghệ thuật dân tộc.
Thời Mạc, một mặt do hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử Nam - Bắc triều, mặt khác nhà Mạc đặc biệt chú trọng xây dựng kinh đô mới ở Dương Kinh (Hải Phòng), bởi vậy Thăng Long dường như không có xây dựng mới. Nhà Mạc chỉ sửa chữa phần nào đó các cung điện thời Lê sơ, do đó gạch, ngói Mạc ở Thăng Long phát hiện rất ít. Một số viên được trang trí rồng. Rồng Mạc trên gạch ngói không còn cấu trúc chặt chẽ, hùng dũng như rồng Lê sơ mà có nhiều nét dân gian hơn, mộc mạc hơn. Gốm Mạc vẫn có loại gốm cao cấp (gốm trắng, gốm hoa lam, gốm men ngọc) trang trí rồng, phượng phục vụ Hoàng gia tuy không phong phú đẹp như thời Lê sơ nhưng vẫn thể hiện được sự nối tiếp truyền thống sản xuất cao cấp ở Thăng Long.
Nghệ thuật Mạc ở Thăng Long nói riêng, và cả nước nói chung vẫn phát triển mạnh mẽ, để lại dấu ấn riêng mà thời Lê Trung hưng sau đó tiếp nối để một mặt, tiếp tục phát triển nghệ thuật cung đình ở Thăng Long, mặt khác đẩy nghệ thuật dân gian trên phạm vi toàn quốc phát triển tới đỉnh cao.
Thời Lê Trung hưng, sau nội chiến Nam Bắc triều, cấu trúc tổng thể của Thăng Long có sự thay đổi cơ bản về quy mô và chức năng. Nửa đầu thời Lê Trung hưng, nhà Lê - Trịnh đã bỏ hoàn toàn khu vực kinh đô phía Tây. Đại La thành và khu Hoàng thành rộng lớn của thời Lê sơ, thời Mạc không được sử dụng nữa. Mãi đến năm 1749, vòng thành Đại La ở phía Tây mới được chú ý thu gọn lại mà dấu tích còn nhận được ở vào khoảng đường Ngọc Hà. Bởi vậy, khai quật các địa điểm Cầu Giấy, Đào Tấn, Đội Cấn, nút đê Bưởi, Văn Cao đều không tìm thấy các lớp đất đắp thời Lê Trung hưng.
Việc phát hiện một nghĩa địa bình dân lớn thế kỷ XVII - XVIII tại 62 - 64 Trần Phú chứng tỏ Hoàng thành Thăng Long thời Lê Trung hưng chắc chắn phải dịch chuyển qua đường Hùng Vương về phía Đông. Phía Đông Nam của Hoàng thành, xuất hiện quần thể kiến trúc phủ Chúa. Khu vực phía Đông Hoàng thành Thăng Long, khu vực buôn bán được mở rộng qua phía Đông Hồ Gươm mà dấu tích đã được làm rõ phần nào ở 47 Hàng Dầu và Tràng Tiền Plaza.
Trong khoảng thế kỷ XVII, Hoàng thành đầu thời Lê Trung hưng còn giữ được phần nào quyền lực của Hoàng đế. Các chúa Trịnh vẫn triều kiến vua Lê trong Hoàng thành. Vì vậy, dù sử cũ cho biết các vua Lê đầu thời Lê Trung hưng xây dựng rất ít trong Hoàng thành nhưng dấu tích khảo cổ lại chứng minh việc xây dựng trong Hoàng thành thời kỳ này là khá quy mô. Đan Trì, Ngự đạo thời Lê Trung hưng được chồng xếp lên trên Đan Trì và Ngự đạo thời Lê sơ và được xây bằng gạch vồ (là chủ yếu), có chỗ dùng gạch vuông lát kiểu ca rô. Tường vây hoàn toàn sử dụng lại của móng thời Lê sơ. Đặc biệt, kiến trúc hành lang ở Đoan Môn - Kính Thiên có móng cột rất lớn.
Ở Vườn Hồng, cũng có dấu tích móng cột kiến trúc Lê Trung hưng lớn tương tự. Nghệ thuật Lê Trung hưng ở Thăng Long là sự tiếp nối nghệ thuật Mạc nhưng phát triển mang tính chuẩn mực của nghệ thuật cung đình (lan can đá chạm rồng ở di tích nền điện Kính Thiên, bia đá Nam Giao...). Gốm Thăng Long thời này thực sự suy tàn. Thăng Long chủ yếu sử dụng đồ gốm Việt ở các khu vực khác trong nước và chủ yếu là loại gốm bình dân. Gốm ngoại được nhập chủ yếu từ Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng về tỷ lệ, gốm Việt vẫn chiếm số lượng áp đảo.
Thời Tây Sơn, do thời gian ngắn cho nên dấu tích để lại ít. Thời Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, Kinh đô Đại Nam được chuyển vào Huế. Khi phá thành Thăng Long thời Lê Trung hưng để xây thành Hà Nội, nhà Nguyễn đã sử dụng lại Đoan Môn và một phần nền điện Kính Thiên (lan can đã chạm rồng, hoa lá). Cuối thế kỷ XIX, người Pháp phá thành Hà Nội nhưng vẫn để lại nền điện Kính Thiên, Đoan Môn, Bắc Môn và Cột Cờ.
Năm 2001 - 2009, khảo cổ học đã tìm thấy một phần móng tường và tường hào thành ở góc Tây Nam của thành Hà Nội tại địa điểm 62 - 64 Trần Phú (móng được xây dựng bằng đá xanh và gạch vụn, tường được xây bằng đá ong, gạch vồ). Trong thành Hà Nội, tại khu vực điện Kính Thiên đã tìm thấy dấu tích một số móng cột kiến trúc thời Nguyễn có kích thước nhỏ, sân nền được lát gạch Bát Tràng. Các dấu tích kiến trúc Cột Cờ - Bắc Môn và các dấu tích khảo cổ học thời Nguyễn phản ảnh phần nào đặc trưng nghệ thuật Nguyễn ở Thăng Long. Đó là sự kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống với ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây (cấu trúc mặt bằng thành lũy hoàn toàn mới - thành Vô băng kết hợp với gạch vồ, gạch bìa, đá xanh, đá ong và các loại kiến trúc khung gỗ trên cột...).
(Theo sách “Kinh đô Thăng Long: Những khám phá khảo cổ học” do PGS.TS Tống Trung Tín chủ biên-Nhà xuất bản Hà Nội 2019)