DOC GỒM NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH NÀO?

Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của DOC được nêu ngay trong phần mở đầu của Tuyên bố là tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình và lâu dài cho tranh chấp ở Biển Đông, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác hiện có giữa các bên ký kết.

Chiến sĩ Hải quân đảo Nam Yết. (Ảnh: DUY LINH)

Chiến sĩ Hải quân đảo Nam Yết. (Ảnh: DUY LINH)

DOC có ba nhóm nội dung chính, gồm: quy định về nguyên tắc chung điều chỉnh quan hệ giữa các nước và giải quyết tranh chấp; xây dựng lòng tin; hoạt động hợp tác.

Điều 1 của DOC khẳng định lại cam kết của các bên trong việc áp dụng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế để điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc và các văn kiện Năm Nguyên tắc chung sống hòa bình, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), cũng như những nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi khác của luật pháp quốc tế.

Tại Điều 2, các bên cam kết đưa ra các biện pháp cần thiết để củng cố và xây dựng lòng tin trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Điều 3 là cam kết của các bên đối với quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Điều 4 nêu nghĩa vụ các bên giải quyết tranh chấp về lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua thương lượng và đàm phán giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp, trên cơ sở các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Các biện pháp cụ thể để thúc đẩy và xây dựng lòng tin được cụ thể hóa tại Điều 5, theo đó nghĩa vụ chung của các quốc gia là tự kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp và gia tăng tranh chấp có thể ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Quy định rõ việc chiếm giữ đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các cấu trúc chưa có người ở là hành vi cần kiềm chế.

Chiến sĩ Hải quân đảo Nam Yết tuần tra bảo vệ vùng biển Tổ quốc. (Ảnh: DUY LINH)

Chiến sĩ Hải quân đảo Nam Yết tuần tra bảo vệ vùng biển Tổ quốc. (Ảnh: DUY LINH)

Bốn biện pháp cụ thể xây dựng lòng tin giữa các bên bao gồm: Tiến hành đối thoại và trao đổi quan điểm khi thích hợp giữa các quan chức quốc phòng và quân sự của các bên; Bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo đối với những người gặp nguy hiểm hoặc tai họa; Thông báo, trên cơ sở tự nguyện, cho các bên khác về các hoạt động tập trận chung hoặc phối hợp; Trao đổi các thông tin có liên quan trên cơ sở tự nguyện.

Điều 6 quy định về các hoạt động hợp tác, bao gồm năm lĩnh vực: Bảo vệ môi trường biển; Nghiên cứu khoa học biển; An toàn và an ninh hàng hải; Tìm kiếm cứu nạn trên biển; Chống tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm và không giới hạn ở hoạt động buôn bán ma túy, cướp biển và cướp tàu có vũ trang và buôn lậu vũ khí. Điều 6 cũng quy định nguyên tắc chung cho việc hợp tác, theo đó hình thức, phạm vi và vị trí của các hoạt động hợp tác song phương và đa phương cần được sự nhất trí của các bên liên quan trước khi được thực hiện.

Điều 7 nhấn mạnh, các bên tiếp tục thương lượng và đối thoại về các vấn đề liên quan, bao gồm việc tuân thủ DOC, nhằm mục đích thúc đẩy mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và minh bạch; thiết lập sự hòa hợp, hiểu biết chung và hợp tác.

Điều 8, 9 và 10 khẳng định lại các cam kết tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của DOC và cho rằng DOC chỉ là một văn kiện tạm thời để các bên hướng tới một mục tiêu cao hơn là Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), một văn kiện pháp lý mang tính ràng buộc nhiều hơn, có thể đưa ra những khuôn khổ về quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc đưa Biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.