Ông Đinh Như Gia là nhân chứng lịch sử hiếm hoi của mảnh đất Vĩnh Linh từ những ngày đầu ký Hiệp định Geneva. Ông từng là du kích xã tham gia kháng chiến chống Pháp, là đại đội trưởng dân quân ngay từ khi thành lập Khu vực Vĩnh Linh và sau này làm Ủy viên Ủy ban Hành chính Khu vực Vĩnh Linh. Những năm tháng đào hầm tránh đạn bom vừa sản xuất vừa chiến đấu, ông đã có nhiều sáng kiến. Được phong danh hiệu Anh hùng Lao động ngay trong chiến tranh, ông đã 5 lần được gặp Bác Hồ.

Những ngày tháng 7 nóng bỏng, trước thềm kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh và 70 năm Hiệp định Geneva (1954-2024), chúng tôi đã may mắn được gặp ông. Năm nay đã gần 90 tuổi, nhưng với trí nhớ minh mẫn, ký ức ông dường như còn nguyên vẹn về những năm tháng gian lao và anh dũng của đồng bào Vĩnh Linh trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước…

TRÊN MẶT ĐẤT

hầu như không có nhà

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia

Phóng viên: Thưa ông, hẳn ông còn nhớ những ngày đầu khi Khu vực Vĩnh Linh mới được thành lập, đánh dấu thời gian chia cắt đất nước theo đôi bờ sông Bến Hải mà phải mất 20 năm đằng đẵng mới được nối liền?

Ông Đinh Như Gia: Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết và đi vào thực thi, lúc này, Vĩnh Linh với phần lớn đất đai thuộc bờ bắc sông Bến Hải trở thành huyện duy nhất của tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Sau khi giới tuyến quân sự tạm thời được hình thành, việc giữ liên lạc giữa Vĩnh Linh với tỉnh Quảng Trị và Trung ương gặp khó khăn.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và vị trí đặc biệt của Vĩnh Linh trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 28/5/1955, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Đảng ủy khu Vĩnh Linh, gồm 3 người: Ông Lê Thanh Liêm, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị làm Bí thư Đảng ủy; ông Hồ Sỹ Thản, nguyên Trưởng ban Cán sự Bình - Trị - Thiên làm Đảng ủy viên; ông Nguyễn Ngự (tức Nhơn) - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 270, làm Đảng ủy viên.

Ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 551-TTg thành lập Khu vực Vĩnh Linh tương đương cấp tỉnh, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ Trung ương.

Qua ba kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ, bộ máy tổ chức của Khu ủy Vĩnh Linh mới được hoàn chỉnh, gồm: Khối chuyên văn, phụ trách các lĩnh vực văn hóa, tuyên truyền, giáo dục, y tế; Ban Tổ chức; Ban kiểm tra; Văn phòng Khu ủy, gồm: Chánh, Phó Chánh văn phòng và các bộ phận: hậu cần, mật mã, cơ yếu, kế toán, văn thư, đánh máy, tiếp phẩm, cấp dưỡng, nhà khách, lái xe, điện đài, đội công trình... .

Tất cả những hoạt động của Đảng ủy dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Đảng ủy. Hoạt động của Thường vụ Đảng ủy với sự tham mưu của Văn phòng Đảng ủy và các Ban/phòng khác.

Đôi bờ Hiền Lương. Ảnh tư liệu

Đôi bờ Hiền Lương. Ảnh tư liệu

Phóng viên: Thời kỳ ấy, ông được phân công nhiệm vụ gì?

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia: Năm 13 tuổi, tôi làm cộng tác viên cho Công an huyện Vĩnh Linh với nhiệm vụ vẽ lại các vị trí của địch đóng quân ở phủ lỵ Hồ Xá, giúp quân, dân ta kháng chiến. Trong lúc vẽ sơ đồ, tôi từng bị địch phát hiện, giam cầm, tra tấn dã man, nhưng quyết không khai nhận. Sau khi ra tù, năm 1952, tôi làm đơn xin vào đội du kích xã Vĩnh Hồ, huyện Vĩnh Linh và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ đó. 

Từ năm 1954-1969, tôi lần lượt làm Đại đội trưởng dân quân Nam Hồ, kiêm Đội trưởng Đội 5 Hợp tác xã Nam Hồ, Chính trị viên, Chủ nhiệm và Bí thư Chi bộ Hợp tác xã Nam Hồ. Năm 1969-1971 làm Ủy viên Ủy ban Hành chính Khu vực Vĩnh Linh và phụ trách xã Vĩnh Nam, làm Bí thư xã Vĩnh Nam (nay xã Trung Nam).

Ngày ấy, Vĩnh Linh là khu vực đặc biệt trực thuộc Trung ương, và tôi được giao nhiệm vụ làm các công tác hàn gắn vết thương chiến tranh, động viên nhân dân, xây dựng lại khối đại đoàn kết.

"Bây giờ người ta thống kê Mỹ-ngụy đã dội xuống Vĩnh Linh khoảng 560 nghìn tấn bom. Với hơn 7 vạn dân Vĩnh Linh lúc đó thì bình quân mỗi người dân Vĩnh Linh phải hứng chịu 7 tấn bom đạn".

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia

Phóng viên: Thưa ông, những ngày tháng đó ở vùng đất lửa Vĩnh Linh thật sự cũng đã nhiều người biết, tuy nhiên, là người trực tiếp sống, chiến đấu và lao động tại quê nhà, ông có thể cho biết khi đó cuộc sống, sinh hoạt ở Vĩnh Linh diễn ra như thế nào?

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia: Sau khi hiệp định Geneva bị bội ước, Vĩnh Linh trở thành tiền đồn của miền bắc trong cuộc đấu tranh giành thống nhất suốt hơn 20 năm. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã biến Vĩnh Linh trở thành “lũy thép”.

Bây giờ người ta thống kê Mỹ-ngụy đã dội xuống Vĩnh Linh khoảng 560 nghìn tấn bom. Với hơn 7 vạn dân Vĩnh Linh lúc đó thì bình quân mỗi người dân Vĩnh Linh phải hứng chịu 7 tấn bom đạn.

Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại, địch ngày đêm trút bom đạn xuống mảnh đất này. Chúng dùng đủ mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, từ máy bay, tàu chiến đến cả pháo đài bay B52 trút hàng trăm nghìn tấn bom đạn xuống các làng mạc, bệnh viện, trường học. Có thể nói, suốt ngày đêm trên bầu trời Vĩnh Linh không lúc nào vắng tiếng đạn bom. Bom đạn phá tan làng mạc, nhà cửa, ruộng vườn của người dân. Người người, nhà nhà phải đào hầm và sinh sống dưới hầm.

Khu ủy vì thế cũng phải chuyển xuống hầm làm việc. Sau đó, vì bom Mỹ ác liệt quá nên Khu ủy chuyển vào Nam Hùng, xã Vĩnh Hiền, rồi lui về xã Vĩnh Nam hoạt động vì trong đó có nhiều khe sâu, dễ trú ẩn. Hiện nay ở Vĩnh Linh vẫn còn di tích Hầm Khu ủy và trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay. Lúc đó, trường học, bệnh xá,… cũng đều phải sơ tán về phía sau.

Có thể nói trên mặt đất hầu như không có nhà, người dân trồng cây để tăng gia sản xuất và cũng để ngụy trang.

"Có thể nói trên mặt đất hầu như không có nhà, người dân trồng cây để tăng gia sản xuất và cũng để ngụy trang".

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia

Người này ngã xuống hy sinh, thì người khác

ANH DŨNG TIẾN LÊN

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia

Phóng viên: Trong điều kiện đạn bom như thế, nhưng người dân Vĩnh Linh vẫn thực hiện hai nhiệm vụ song hành là chiến đấu và sản xuất. Ông có thể kể lại những khó khăn mà người dân Vĩnh Linh hồi đó phải vượt qua?

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia: Lúc đó, phải khẳng định là ai ai cũng vừa sản xuất vừa chiến đấu, mà cụ thể là chiến đấu với máy bay địch. Mỗi người dân cũng là một người lính.

Những năm tháng ấy, địch chống phá rất nhiều. Mỗi khi chúng thả bom là mù trời, mù đất. Tôi còn nhớ, mỗi khi thấy máy bay đi đầu thả chỉ đường, người dân lập tức hô hoán nhau chạy gấp, tản ra mà chạy, và cũng không quên dặn nhau: “Ngậm miệng lại”, vì áp suất do bom tạo ra không chịu được.

Thực ra, trước khi Mỹ ném bom xuống Vĩnh Linh, ở đây trường học, bệnh viện đủ cả. Nhưng ngay lần đầu tiên chúng thả bom phá hoại, thầy giáo Lê Duy Minh khi ấy đang dạy học và 7 học sinh khác bị trúng bom qua đời. Một bà mẹ khác cũng vì chưa kịp chạy mà bị trúng bom, qua đời. Vì thế, sau đó, chúng tôi sơ tán trường học, bệnh viện ra tuyến sau.

Trong những năm tháng ấy, để tránh bom địch, Vĩnh Linh phải thực hiện công sự hóa toàn khu vực. Vậy nên, nhà nhà đào hầm, người người đào hào. Hễ thấy máy bay là hò nhau chui xuống hầm, hào. Khi máy bay ngớt lại hò nhau lên mặt đất để sản xuất.

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia: Vĩnh Linh vừa sản xuất vừa chiến đấu. Video: Hiếu Minh

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia: Vĩnh Linh vừa sản xuất vừa chiến đấu. Video: Hiếu Minh

Nói về sản xuất, khi ấy đội sản xuất có khi đi ngày, có khi đi đêm, tùy tình hình địch ném bom. Một đội sản xuất gồm khoảng 7-8 người. Khi đi ra đồng, mọi người phải đi dưới giao thông hào. Các đồng chí dân quân tự vệ thì được phát súng, và khi thấy máy bay sẽ làm nhiệm vụ bắn máy bay. Còn bà con thì luôn mang băng ca theo để lỡ bị thương còn dùng tới.

Trước khi người dân ra đồng làm việc, chúng tôi đều lên kế hoạch cụ thể để phân tán người khi gặp bom. Thí dụ, khi bom thả xuống đây, nhóm người này được chỉ định đi hướng theo hướng này, nhóm người kia đi thì đi theo hướng kia. Tuy nhiên, dọc đồng ruộng chỉ có mấy hầm trú ẩn, nếu không kịp chạy trú thì tất cả phải nằm nép xuống giao thông hào, không được chạy. Những điều này đều được quán triệt và ai cũng thuộc nằm lòng.

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia

Trước khi người dân ra đồng làm việc, chúng tôi đều lên kế hoạch cụ thể để phân tán người khi gặp bom. Thí dụ, khi bom thả xuống đây, nhóm người này được chỉ định đi hướng theo hướng này, nhóm người kia đi thì đi theo hướng kia. Tuy nhiên, dọc đồng ruộng chỉ có mấy lô-cốt, nếu không kịp chạy trú thì tất cả phải nằm nép xuống đường, không được chạy. Những điều này đều được quán triệt và ai cũng thuộc nằm lòng.
Anh hùng Lao động Đinh Như Gia

Phóng viên: Trong mưa bom, bão đạn như vậy, chắc là sẽ có những tình huống thực tế không như kế hoạch?

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia: Có chứ. Dù bom đạn hằng ngày, người dân cũng đã quen, nhưng hễ máy bay đến là khó tránh khỏi luống cuống. Âu cũng là chuyện sinh tử.

Tôi lấy thí dụ. Ngày ấy, cách đây không xa có cánh đồng Vĩnh A, vì bom dội ác liệt nên bà con không thể tiến hành sản xuất vào ban ngày, vì thế các tổ sản xuất được phân công làm vào ban đêm, ngày thì ngồi trong hầm trú ẩn. Dù làm ban đêm, máy bay địch ít bay hơn, nhưng chúng tôi vẫn phân công rõ ràng các nhóm và các hướng chạy trú ẩn. Tuy nhiên, trên thực tế, khi gặp máy bay địch, vẫn có nhiều người chạy lung tung do hoảng loạn.

Hay một thí dụ khác, thường thường khi tham gia lao động sản xuất trên đồng, nếu thấy máy bay địch tới là mọi người đều phải nghe theo mệnh lệnh. Lệnh bảo nằm là nằm, bảo chạy là chạy. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều chị em khi nghe lệnh, nhất định không chịu nằm xuống ruộng do sợ đỉa.

 Có lần khác, tôi chứng kiến một người phụ nữ bị bom xé toạc đùi, vì băng ca không đủ dùng, nên tôi định dùng quần của người phụ nữ đó để buộc lại vết thương rồi đưa về tuyến sau cấp cứu. Nhưng người đó nhất định không chịu làm theo, chắc vì xấu hổ. Vết thương chảy máu rất nhiều, cần phải xử lý gấp. Vì vậy tôi đành phải dứt khoát buộc vết thương lại và lôi đi mới cứu được. Vĩnh Linh khi ấy cũng có tiểu đoàn pháo cao xạ và dân quân trực để chiến đấu, người này ngã xuống hy sinh thì người khác anh dũng đứng lên.

Những chuyện như thế này nhiều lắm…

MUỐN BÁM TRỤ

thì phải nghĩ cách để vượt khó

Phóng viên: Trong điều kiện khó khăn và nguy hiểm như vậy thì hiệu quả sản xuất thế nào?

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia: Năng suất ít lắm, chủ yếu là bám trụ thôi. Người dân sản xuất được chút nào thì địch ném bom phá sạch. Thế nhưng nếu không sản xuất thì ruộng đồng bỏ hoang, không ra cái làng mạc gì cả. Nói chung, việc sản xuất lúc đó chủ yếu để giữ vững phong trào, giữ sức sống cho một vùng đất.

Mặc dù vậy, để động viên nhân dân hăng hái lao động, ai tham gia sản xuất đều được trả bằng công điểm. Thí dụ 1 công 10 điểm, 10 điểm là đổi được mấy kg thóc. Để bảo đảm công bằng, chúng tôi không chỉ tính điểm đó cho người trực tiếp tham gia sản xuất. Người nào đi dân công, đi vận tải, giữ trẻ cũng tính điểm. Bởi vì sản xuất và chiến đấu là nhiệm vụ song hành khi ấy, mỗi người đều có nhiệm vụ riêng.

Về cơ bản, ở thời kỳ đó, nhân dân Vĩnh Linh tự túc về lương thực. Nếu không đủ lúa gạo ăn thì chúng tôi ăn khoai ăn sắn, trồng cây để ăn và ngụy trang luôn. Hoặc đa số chúng tôi cũng nhận được hỗ trợ từ đơn vị bộ đội gần đó. Thí dụ bộ đội cho chúng tôi bột ngọt về nấu với cây khoai là có bát canh chan cơm ăn.

Ban đầu, chúng tôi cũng có nuôi gà, lợn, nhưng sau đó bị bom đánh tan tác hết. Đôi khi những bữa cơm sau trận bom oanh tạc ấy lại có thịt để ăn.

Ăn uống đã khó khăn vậy, thuốc men thì gần như không có. Nếu trong làng có người bị ốm thì thường phải tự tìm cách chữa, chủ yếu người dân dùng các biện pháp dân gian để chữa. Ai bị nặng quá thì sẽ được đưa ra tuyến sau. Cũng có người khó khăn đến mức không có cả quần áo mặc, lúc đó bộ đội thường cho quần áo mặc đỡ.

Bom đạn có thể gây khó khăn, nhưng chẳng thể làm nhụt chí người dân Vĩnh Linh. Mà thậm chí, để vượt khó, người Vĩnh Linh còn có nhiều sáng kiến trong sản xuất và chiến đấu. Nếu để giải thích vì sao thì cũng khó mà cũng dễ, tôi chỉ có thể nói một câu: Người Vĩnh Linh là thế!
Anh hùng Lao động Đinh Như Gia

Phóng viên: Dù khó khăn gian khổ, mất mát đau thương là vậy, nhưng người dân Vĩnh Linh đã kiên trì bám trụ, giữ đất giữ làng, vừa làm hậu phương vừa là tiền tuyến, bền bỉ trong suốt 20 năm? Theo ông, điều gì đã khiến người dân Vĩnh Linh kiên gan và anh dũng đến như vậy?

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia: Hoàn cảnh vậy, nhưng không thể bỏ đi được, cũng không ai bỏ đi, mọi người đều tâm niệm phải ở lại giữ đất và chiến đấu. Người già và trẻ con thì được đi sơ tán, đi ra K8, K10, ra trại Bảo Ngọc, ra Ý Yên… Còn thanh niên thì ở lại giữ đất, giữ quê. Thậm chí, có trường hợp thuộc diện được sơ tán, nhưng họ vẫn xin ở lại. Người ở lại thì đùm bọc nhau vượt qua khó khăn, cùng tìm cách khắc phục. Thí dụ như chúng tôi, không có trâu bò thì sẽ tự cuốc đất, cấy cày, sản xuất.

Những năm tháng đó, quân địch cũng thường kêu gọi người dân vượt tuyến vào miền nam, nhưng không ai nghe theo. Dù khó khăn, nhưng ai ai cũng lạc quan, cũng quyết tâm bám trụ.

Tôi nhớ, có một lần, chúng tôi đang ngồi trong hầm thì đồng chí Nguyễn Văn Cư - liên lạc viên tới mang theo tờ báo Thống Nhất có in bài thơ của Bác. Bên ngoài bom vẫn dội trên giàn bí ngụy trang quanh cửa hầm, còn bên trong, chúng tôi vẫn cùng nhau đọc thơ Bác và cùng mong đến ngày hòa bình:

Bắc nam như cội với cành
Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng
Rồi đây thống nhất thành công
Bắc nam ta lại vui chung một nhà
Mấy lời thân ái nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân.

"Tôi nhớ, có một lần, chúng tôi đang ngồi trong hầm thì đồng chí Nguyễn Văn Cư - liên lạc viên tới mang theo tờ báo Thống Nhất có in bài thơ của Bác". Video: Hiếu Minh

"Tôi nhớ, có một lần, chúng tôi đang ngồi trong hầm thì đồng chí Nguyễn Văn Cư - liên lạc viên tới mang theo tờ báo Thống Nhất có in bài thơ của Bác". Video: Hiếu Minh

Hay có hôm địch thả bom xuống dữ dội, có mấy bà mấy cô đang ngồi lập tức hò nhau chạy: Ôi chao! Bom thả!... Rồi nhanh chóng cùng nhau lao xuống địa đạo. Xuống tới nơi lại tươi cười hô: Bác Hồ muôn năm!

Bom đạn có thể gây khó khăn, nhưng chẳng thể làm nhụt chí người dân Vĩnh Linh. Mà thậm chí, để vượt khó, người Vĩnh Linh còn có nhiều sáng kiến trong sản xuất và chiến đấu. Nếu để giải thích vì sao thì cũng khó mà cũng dễ, tôi chỉ có thể nói một câu: Người Vĩnh Linh là thế!

Bác Hồ chụp ảnh cùng các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước (trong đó có Anh hùng Lao động Đinh Như Gia). Ảnh: NVCC

Bác Hồ chụp ảnh cùng các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước (trong đó có Anh hùng Lao động Đinh Như Gia). Ảnh: NVCC

Phóng viên: Được biết, trong giai đoạn gian khó đó, ông đã có nhiều sáng kiến giúp bà con sản xuất và được khen thưởng, được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và do vậy ông đã 5 lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Xin ông chia sẻ về một vài sáng kiến đó.

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia: Khoảng thời gian đó thật sự rất khó khăn, nên muốn bám trụ thì người dân phải nghĩ cách vượt khó. Cái khó ló cái khôn. Người dân cũng có nhiều sáng kiến để khắc phục hoàn cảnh.

Cá nhân tôi cũng có một vài sáng kiến được đánh giá cao và khen thưởng. Thí dụ như, tôi thấy là trong sản xuất, Hợp tác xã Nam Hồ, xã Vĩnh Nam có 1 đàn trâu khoảng 60 con. Nếu bị đánh bom thì trâu sẽ chạy tan tác và khó mà tìm lại được. Vì vậy, tôi có sáng kiến in số từ 1-60 lên từng con trâu.

"Hợp tác xã Nam Hồ, xã Vĩnh Nam có 1 đàn trâu khoảng 60 con. Nếu bị đánh bom thì trâu sẽ chạy tan tác và khó mà tìm lại được. Vì vậy, tôi có sáng kiến in số từ 1-60 lên từng con trâu".

"Hợp tác xã Nam Hồ, xã Vĩnh Nam có 1 đàn trâu khoảng 60 con. Nếu bị đánh bom thì trâu sẽ chạy tan tác và khó mà tìm lại được. Vì vậy, tôi có sáng kiến in số từ 1-60 lên từng con trâu".

Hôm nào địch thả bom dữ dội quá, chúng tôi đành thả trâu ra, rồi lùa cho chúng chạy ra Quảng Bình, người dân bắt lại và giữ cho. Sau đó, chúng tôi sẽ dựa vào ký hiệu in trên trâu để tìm và kiểm đếm. Thí dụ như NH1 là con trâu số 1 của xã Nam Hồ.

Hay, khi chứng kiến việc giữ trẻ sơ sinh ở các địa đạo, thường các o giữ trẻ sẽ đặt nôi lên phía trên cửa địa đạo cho mát và thoáng khí, khi nào có báo động thì lại đưa từng chiếc nôi xuống để tránh bom.

Hệ thống ròng rọc đưa nôi: "Sáng kiến đơn sơ nhưng mà vĩ đại"

Hệ thống ròng rọc đưa nôi: "Sáng kiến đơn sơ nhưng mà vĩ đại"

Chứng kiến các o rất khó nhọc khi đưa từng chiếc nôi trở lại hầm trú mỗi khi có bom, mà khi máy bay địch đến thì thời giờ là vàng ngọc, tôi chợt nhớ đến chiếc ròng rọc mà thợ điện dùng để xây cột điện. Vì thế, tôi nảy ra ý tưởng tạo ra trục nôi quay tự động. Khi nghe báo động, các o giữ trẻ chỉ cần quay ròng rọc là sẽ đưa được cả hàng nôi xuống địa đạo. Như vậy vừa nhanh, vừa giữ an toàn cho các cháu nhỏ, giúp bố mẹ an tâm sản xuất.

Với những sáng kiến đó, ngày 1/1/1967, Bác Hồ đã phong tặng cho tôi danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động "do đã lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, góp phần cùng toàn dân đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi vẻ vang”.

Ông Đinh Như Gia vinh dự nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động

Ông Đinh Như Gia vinh dự nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động

Bên cạnh những sáng kiến đó, tôi còn nghĩ đến một số “mẹo nhỏ” khác để giải quyết những trường hợp khó trong công việc. Câu chuyện này phải kể từ lần tôi ra Hà Nội và được gặp Bác Hồ. Sau bữa cơm, Bác dẫn tôi đi thăm khu vườn và chỉ vào một cái cây rồi hỏi tôi: Cây gì đây? Tôi đáp rằng mình không biết, và được bác giải thích đó là cây bồ kết. Bác còn nhắn rằng đem dăm ba cành về cho chị em phụ nữ, nướng lên mà gội đầu cho sạch. Quà Bác tặng luôn là phần quà rất quý và ai cũng trân trọng, muốn có.

Nắm được tâm lý đó, đồng thời nhớ đến việc nhiều lần địch thả bom, mặc dù đã yêu cầu mấy bà mấy cô nằm xuống mà không ai chịu nghe theo vì sợ đỉa như tôi kể trên. Thế là, tôi nghĩ ra một cách: Thay vì phát bồ kết đều hết cho mọi người, tôi dặn: “Ai tuân thủ hiệu lệnh khi chạy bom thì phát cho 2 quả, ai không nghe thì chỉ được 1 quả”. Có lẽ vì mong muốn có quà của Bác nên sau đó, cũng nhiều bà, nhiều cô đã chịu nằm xuống ruộng để tránh bom.

Dù hiện nay, Vĩnh Linh nói riêng và cả đất nước nói chung đã hòa bình và bước vào thời kỳ phát triển mới, nhưng tôi nghĩ huyện Vĩnh Linh thực sự vẫn cần làm gì đó để ôn lại những ngày tháng lao động, chiến đấu gian khổ và anh dũng mà cha ông lớp trước đã trải qua cả một thời kỳ dài, qua đó giáo dục truyền thống cho lớp con cháu sau này.
Anh hùng Lao động Đinh Như Gia

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia

Phóng viên: Những ngày này, Vĩnh Linh chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống. Là một trong số không nhiều những nhân chứng lịch sử được đi gần như trọn vẹn hành trình 70 năm qua của Vĩnh Linh, xin ông chia sẻ đôi điều suy nghĩ của mình và muốn gửi gắm điều gì cho thế hệ trẻ hôm nay?

Anh hùng Lao động Đinh Như Gia: Lúc này, tôi cảm thấy bồi hồi lắm. Dù hiện nay, Vĩnh Linh nói riêng và cả đất nước nói chung đã hòa bình và bước vào thời kỳ phát triển mới, nhưng tôi nghĩ huyện Vĩnh Linh thực sự vẫn cần làm gì đó để ôn lại những ngày tháng lao động, chiến đấu gian khổ và anh dũng mà cha ông lớp trước đã trải qua cả một thời kỳ dài, qua đó giáo dục truyền thống cho lớp con cháu sau này.

Tôi tin tưởng thế hệ trẻ hôm nay sẽ vượt qua được khó khăn để vươn lên xây dựng quê hương, đất nước, vì truyền thống của người Vĩnh Linh và người Việt Nam là thế.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông và chúc ông thật nhiều sức khỏe!

Ngày xuất bản: 14/8/2024
Tổ chức thực hiện: Hồng Minh-Xuân Bách
Nội dung và trình bày: Lâm Quang Huy-Song Thu-Ngọc Bích
Ảnh: Hà Nam, Video: Hiếu Minh