Quan hệ Việt Nam-Campuchia phát triển như thế nào?
Trong thế kỷ XX, quan hệ Việt Nam-Campuchia được định hình và phát triển xuất phát từ mục tiêu chung của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do.
Được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Campuchia khởi xướng, tình đoàn kết chiến đấu giữa hai nước trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân, đế quốc đã tạo nên sức mạnh chung giúp quân và dân hai nước giành được nhiều thắng lợi.
Việc đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta là sự biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu ấy. Đó là một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, một nhân tố tích cực trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á.
Chỉ sau đó một ngày, ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước.
Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Campuchia càng gắn bó, sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc.
Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhất là cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đã góp phần tạo thời cơ, tăng cường thế và lực để Campuchia giải phóng thủ đô Phnom Penh ngày 17/4/1975, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân và chính quyền tay sai.
Đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và xuất phát từ truyền thống đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc, sau khi chặn đứng hành động gây hấn của Pol Pot ở biên giới tây nam, Việt Nam đã đưa quân tình nguyện sang giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, góp phần làm nên chiến thắng ngày 7/1/1979, giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng. Việt Nam sau đó cử nhiều chuyên gia sang giúp nhân dân Campuchia khôi phục, xây dựng đất nước.
Sau Hiệp định hòa bình Paris năm 1991 và cuộc tổng tuyển cử năm 1993 tại Campuchia, quan hệ Việt Nam-Campuchia chuyển sang một giai đoạn mới, phù hợp với tình hình của mỗi nước và bối cảnh quốc tế.
Lãnh đạo hai nước tiếp tục khẳng định quyết tâm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện. Trong chuyến thăm Campuchia của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 3/2005, hai bên đã nhất trí tăng cường và phát triển quan hệ hai nước theo tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Với định hướng đó, quan hệ hai nước đã không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, mối quan hệ láng giềng, hữu nghị giữa hai dân tộc ngày càng gắn bó, bền chặt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia ngày càng hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.