Quá trình APEC trở thành diễn đàn gồm 21 thành viên diễn ra như thế nào?
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia, khu vực ngày càng tăng tính phụ thuộc lẫn nhau, dẫn đến nhu cầu đẩy mạnh và mở rộng hợp tác kinh tế.
Tại Seoul (Hàn Quốc), tháng 1/1989, Australia đã nêu ý tưởng thành lập một diễn đàn tư vấn kinh tế cấp Bộ trưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với mục đích phối hợp hoạt động của các chính phủ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế ở khu vực và hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương.
Các nền kinh tế ven bờ Thái Bình Dương, gồm Brunei, Canada, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Mỹ, đã bày tỏ ủng hộ ý tưởng của Australia.
Nhóm họp tại Canberra (Australia), tháng 11/1989, 12 nền kinh tế nêu trên quyết định thành lập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), trở thành các thành viên sáng lập APEC.
Trung Quốc, Đài Bắc-Trung Hoa và Hồng Công, Trung Quốc tham gia APEC năm 1991. Mexico và Papua New Guinea gia nhập năm 1993. Chile gia nhập vào năm 1994. Peru, Nga và Việt Nam trở thành thành viên APEC năm 1998.
Để ổn định và củng cố tổ chức, APEC tạm ngừng kết nạp thành viên mới. Hiện nay, nhiều nền kinh tế có nguyện vọng gia nhập APEC, như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanca, Mông Cổ, Lào, Campuchia, Costa Rica, Colombia, Panama, Ecuador…
Theo tài liệu APEC at a glance, 2021, APEC hiện có 21 nền kinh tế thành viên, trong đó bao gồm những nền kinh tế hàng đầu thế giới và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động, đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 61% GDP và 47% thương mại toàn cầu.