Sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt trong thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc
NNăm 2010, Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nhưng UNESCO mới chỉ công nhận giá trị tầm cỡ thế giới của khu di sản qua các dấu tích xác thực tiêu biểu ở địa điểm 18 Hoàng Diệu và các di tích ở trục Cột Cờ - Đoan Môn - Kính Thiên - Bắc Môn. Thực tế, tổng thể di tích Kinh đô Thăng Long còn lớn rộng hơn gấp nhiều lần mà khảo cổ học đang từng bước khám phá. Theo đó, tổng thể giá trị lịch sử - văn hóa của toàn bộ kinh đô Thăng Long cũng lớn hơn gấp nhiều lần dưới ánh sáng của các phát hiện khảo cổ học.
Tổng quan giá trị các kết quả nghiên cứu khảo cổ học Kinh đô Thăng Long, GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã khái quát: Càng nghiên cứu chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long (Phan Huy Lê, 2007).
Qua từng địa điểm khai quật thuộc khu vực kinh đô xưa dẫu còn khai quật rất lẻ tẻ với diện tích rất khiêm tốn, nhưng vẫn có thể bước đầu thấy được phần nào tiến trình lịch sử lâu dài, diện mạo và giá trị nổi bật của vùng đất kinh đô không chỉ 1000 năm tính từ lúc thành lập Thăng Long năm 1010 mà còn ngược lên hàng nghìn năm trước đó, thậm chí từ 3500 năm cách ngày nay hiện diện ở ngay giữa trung tâm Thủ đô hiện đại.
Ngay từ thời văn hóa Phùng Nguyên, tầng văn hóa địa điểm Đàn Xã Tắc (Ô Chợ Dừa) đã cho thấy từ khoảng 3500 năm trước Công nguyên, người Việt cổ từ vùng đất Tổ trung du đã tràn xuống chiếm cư vùng đất trung tâm Thủ đô. Những đồ đá, đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên dưới lòng đất địa điểm Đàn Xã Tắc đã minh chứng rất rõ điều đó. Dấu tích văn hóa Phùng Nguyên ở địa điểm Đàn Xã Tắc cũng chứng tỏ địa hình, đất đai Hà Nội khi đó đã đủ phì nhiêu hấp dẫn các bộ lạc Phùng Nguyên tiến vào sinh sống góp phần chinh phục châu thổ Bắc Bộ ngay khi mà thời kỳ Biển tiến vừa rút. Người Phùng Nguyên ở Đàn Xã Tắc là lớp người Việt cổ cư trú sớm nhất ở ngay giữa nội thành Thủ đô.
Từ khoảng đầu Công nguyên đến khoảng thế kỷ V - VI, khu vực trung tâm Hà Nội ngày càng hấp dẫn người Việt cổ tụ cư đông hơn. Làng Việt cổ Đàn Xã Tắc có quy mô rất rộng lớn, tầng văn hóa dày xấp xỉ 1m. Cư dân Đàn Xã Tắc thời ấy sinh sống bằng nghề nông (các đồ gốm cỡ lớn), nghề chài lưới (chì lưới) và nghề trồng dâu nuôi tằm (dọi xe chỉ). Người Việt cổ ở đây vẫn chôn mộ táng ngay trong di chỉ cư trú. Những đồ gốm, tiền đồng chứng tỏ sự giao thoa văn hóa Việt - Hán. Chủ nhân mộ (mộ M13) là một người Việt rất giàu có (nhiều đồ tùy táng và hơn 30 xâu tiền đồng Ngũ Thù). Dấu tích Việt cổ ở trung tâm Thủ đô trong những thế kỷ đầu Công nguyên còn lan rộng đến khu vực Vườn Hồng (hố khai quật G18, khu G, thuộc Hoàng thành Thăng Long). Tại đây cũng đã tìm thấy một số mộ đất của người Việt.
Từ khoảng thế kỷ VII - VIII đến khoảng đầu thế kỷ X, miền đất Hà Nội có sự thay đổi lớn lao khi mà chính quyền đô hộ Tùy - Đường quyết định chọn nơi đây làm Đô hộ phủ. Cả một khu vực lớn rộng ở trong nội thành Hà Nội được cải tạo, xây dựng Phủ trị với tên gọi là thành Tống Bình nhưng tên gọi phổ biến nhất sau đó là thành Đại La. Dấu tích của lũy thành Đại La tuy chưa tìm thấy nhưng tại cuộc khai quật Vườn Hồng trong hố khai quật G3 - 4 đã xuất lộ một dấu tích móng cọc gỗ, gạch ngói vụn lớn dài (Đông - Tây) 21m và còn tiếp tục chạy về 2 phía, rộng (Bắc - Nam) 24m trong lớp văn hóa Tiền Thăng Long.
Quy mô quá lớn và kiên cố của di tích khiến cho một số nhà khảo cổ học và sử học bước đầu giả thiết có thể đó là dấu tích móng phía Tây của lũy thành Đại La. Điều này dường như có lý hơn khi mà phía “bên trong" của móng gỗ, tại các địa điểm Vườn Hồng, 18 Hoàng Diệu, Chính điện Kính Thiên (tức là khu vực nằm về phía Đông của móng gỗ) đều có tầng văn hóa Tiền Thăng Long (thế kỷ V - đầu thế kỷ X) dày 0,50m - 0,70m, các dấu tích kiến trúc và di vật thời kỳ này phân bố dày đặc. Về phía Tây (phía ngoài) của di tích cọc gỗ cho đến tận đê Bưởi, khảo cổ học chưa tìm thấy tầng văn hóa thế kỷ VIII - IX tương tự.
Bước đầu đã nhận ra một số nền móng kiến trúc Đại La có hình chữ nhật và hình chữ T. Kiến trúc Đại La còn sử dụng các loại gạch chữ nhật màu xám để xây bó nền, gạch vuông lát nền, móng cột được đầm nện nhiều lớp bằng ngói vụn, mái lợp ngói âm dương. Đã phát hiện một số loại vật liệu kiến trúc trang trí linh thú, cá sấu bơi trên sóng nước, hoa sen, hoa cúc, nhiều viên gạch chữ nhật có in chữ "Giang Tây quân”. Bên cạnh các kiến trúc là hệ thống thoát nước khá là phức tạp.
Trong thành Đại La cũng tìm thấy nhiều đồ gốm Việt (gốm thô vặn thừng, bình gốm men trắng có quai), xen lẫn gốm Trung Quốc (gốm men ngọc, men trắng), gốm Islam Tây Á màu xanh... Như thế, có thể bước đầu hình dung một Đô hộ phủ thế kỷ VIII - IX được xây dựng khá quy mô, bề thế, có ảnh hưởng của văn hóa Đường, nhưng nét văn hóa Việt vẫn thể hiện rất rõ như tượng với hình cá sấu trên gạch lát, ngói ống trang trí mặt hề. Đặc điểm nghệ thuật Việt ở ngay giữa Phủ trị như vậy đủ biết mặc dù bị ách đô hộ ngoại bang rất hà khắc nhưng sức sống của văn hóa Việt vẫn vô cùng bền bỉ và tràn đầy sức sáng tạo.
Đó là hình ảnh "bên trong" thành Đại La. Còn cuộc sống phía "bên ngoài” thành tính từ vị trí xuất lộ móng cọc gỗ Đại La ở Vườn Hồng đến đê Bưởi thì như thế nào? Chắc chắn đó vẫn là một cuộc sống của các tầng lớp cư dân Việt tiếp tục duy trì văn hóa Việt nơi các xóm làng ven thành Đại La. Gần sát móng gỗ Đại La đã phát hiện một mộ Việt có chôn vò gốm trắng có quai ở đầu mộ.
Như vậy, đã có một sự chuyển biến mạnh mẽ từ táng tục của các mộ Việt từ thế kỷ I - III đến thế kỷ VIII - IX qua số lượng và cách đặt đồ tùy táng. Cách mai táng của mộ Vườn Hồng thế kỷ VIII- IX rất gần gũi với mộ Việt thế kỷ X ở 18 Hoàng Diệu (khu E) và đều gần gũi với táng tục chôn vò nước ở đầu mộ Mường (một nhánh của người Việt cổ tách ra) sau này ở Hòa Bình. Đây rõ ràng là nguồn tư liệu quan trọng góp phần tìm hiểu nguồn gốc của người Việt trong tiến trình lịch sử Việt Nam, nhấn mạnh thêm các giá trị đặc biệt của di sản Kinh đô Thăng Long.
Kỹ thuật xây dựng giếng nước ở Vườn Hồng có cấu trúc đặc biệt nhất trong các giếng nước thế kỷ VIII - IX. Để xây nên giếng nước tròn, người thợ đã chế tạo các khối gạch có sẵn độ cong cần thiết và có khấc ở hai đầu. Khi khớp nối các viên gạch chuyên biệt này lại với nhau, sẽ tự tạo thành một khẩu giếng tròn độc đáo. Kiểu giếng này dường như chỉ có riêng ở Việt Nam.
Xa hơn thành Đại La về phía Tây, các địa điểm Đào Tấn, Đội Cấn đã tìm thấy dấu tích lớp đất gia cố thời Tiền Thăng Long (thế kỷ VIII – IX) khá kiên cố. Trong lớp đất màu xám ở đây, có lẫn khá nhiều mảnh gạch gốm thế kỷ VIII - IX. Có thể xem đây là dấu tích “đê" sông Tô Lịch. Đáng chú ý trong lòng “đê” Tô Lịch (thế c tầng kỷ VII - IX) còn tìm thấy 3 mộ táng (2 mộ gạch, 1 mộ đất).
Trong các mộ này, có mộ cũng được chôn vò gốm ở đầu mộ (phong cách mộ Việt ở Vườn Hồng). Cách xếp gạch đơn giản, chỉ có một hàng gạch xếp khít quanh “quan tài” cho thấy rõ một kiểu mộ Việt nữa tồn tại ở Hà Nội thế kỷ VIII - IX. Cũng ở Vườn Hồng, khảo cổ học đã phát hiện một mộ gạch song táng kiểu Đường có chôn 3 vò gốm trắng có quai ở đầu mộ. Đây có thể là một kiểu mộ của người Việt giàu có bị Hán hóa hoặc mộ của người Hán bị Việt hóa. Nhưng, dù theo hướng nào thì hiện tượng chôn vò gốm ở đầu mộ cũng chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của văn hóa Việt.
Tổng thể các di tích mộ táng Việt, các di vật thuần phong cách Việt khoảng thế kỷ VII - IX ở Thăng Long-Hà Nội đã phản ánh rõ sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt trong thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc vốn đã hình thành và ổn định từ thời Văn hóa Đông Sơn. Điều đó lý giải vì sao dưới ách đồng hóa khốc liệt của thống trị Hán - Đường, nhưng những người Việt anh hùng như Lý Bí, Phùng Hưng, Dương Thạnh... vẫn liên tục kiên cường lãnh đạo nhân dân quật khởi chống lại cho đến khi nước nhà giành lại độc lập hoàn toàn.
(Theo sách “Kinh đô Thăng Long: Những khám phá khảo cổ học” do PGS.TS Tống Trung Tín chủ biên-Nhà xuất bản Hà Nội 2019)