Tạo động lực phát triển

Vùng Thủ đô

Bài 2: Mở ra cơ hội mới

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội khảo sát thực địa và nghe báo cáo tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn qua tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Duy Linh

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội khảo sát thực địa và nghe báo cáo tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn qua tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Duy Linh

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được kỳ vọng sẽ tạo không gian phát triển mới mang tính chiến lược, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại cho Vùng Thủ đô. Từ đó hiện thực hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bằng sông Hồng.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và sự nêu gương của các đồng chí lãnh đạo, đến nay hầu hết các hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng để triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đều đồng thuận cao, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện giải phóng mặt bằng. Nhìn chung tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng như các công việc khác của dự án đều bám sát tiến độ đặt ra.  

       Tiến độ công việc tính theo ngày

Trên cánh đồng thôn Tầm Tang, điểm đầu tiên của cây cầu Mễ Sở trên tuyến đường Vành đai 4 từ huyện Thường Tín (Hà Nội) bắc qua sông Hồng sang huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), ông Thiều Ngọc Oanh, người dân thôn Tầm Tang, xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang cho biết: “Khi có thông tin đường Vành đai 4 đi qua địa bàn xã, gia đình tôi khá lo lắng vì có mấy sào đất đang trồng quất cảnh nằm trong diện giải tỏa để xây cầu; nhưng được các cán bộ thôn, xã giải thích, vận động, cả gia đình đều hiểu và đồng ý giao đất cho dự án.

Tôi mong nhà nước đền bù thỏa đáng cho người dân và sớm triển khai việc kiểm đếm, đền bù để nông dân yên tâm chuyển nghề”. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thắng Lợi, Triệu Việt Dũng cho biết: xã có làng nghề quất cảnh mang lại thu nhập cao cho người dân. Toàn xã có hơn 11ha đất ở và đất nông nghiệp nằm trong dự án xây dựng đường Vành đai 4 với gần 70 hộ dân phải di chuyển nhà ở và hơn 400 ngôi mộ phải di dời.

Phối cảnh 3D nút giao Ba La (quận Hà Đông, Hà Nội) với đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Phối cảnh 3D nút giao Ba La (quận Hà Đông, Hà Nội) với đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đến nay, xã đã hoàn thành các bước cắm mốc giới, kiểm kê số hộ, số diện tích đất phải thu hồi… ; quy hoạch, thiết kế khu tái định cư cho người dân và vị trí di chuyển nghĩa trang. Vị trí tái định cư mới nằm cánh đồng ở trung tâm thôn Tầm Tang, giao thông thuận tiện, hạ tầng hiện đại hơn vị trí ở cũ, cho nên nhân dân đồng thuận cao, sẵn sàng nhận kinh phí đền bù để di chuyển sang chỗ ở mới.

Để thực hiện dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô, thành phố Hà Nội cần thu hồi 741ha đất trên địa bàn bảy quận, huyện; trong đó phức tạp nhất là việc di dời hàng chục nghìn ngôi mộ trong dịp cuối năm âm lịch Nhâm Dần. Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu rõ: Mốc thời gian bàn giao mặt bằng cho dự án là không thể thay đổi được.

Các quận, huyện phải thành lập tổ vận động về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, trực tiếp đối thoại, giải thích rõ quy định của pháp luật cho người dân. Các địa phương mạnh dạn, chủ động xử lý các vướng mắc. Chỉ đạo của thành phố đã trở thành pháp lệnh cho các địa phương. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Song Phương (huyện Hoài Đức, Hà Nội) Đỗ Văn Toàn cho biết, trên địa bàn xã có 41,8 ha đất nằm trong diện thu hồi cho dự án đường Vành đai 4, trong đó có 28 ha đang trồng cây ăn quả, thu nhập bình quân khoảng 300 triệu đồng/ha.

Dù thu nhập khá cao như vậy, nhưng hầu hết người dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng đều đồng tình ủng hộ. Đảng uỷ xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về dự án đường Vành đai 4. Chính quyền xã tổ chức đối thoại, tạo các nhóm zalo, đến từng nhà để thông tin, trao đổi về tầm quan trọng của dự án, giao Đoàn Thanh niên xây dựng các tiểu phẩm sinh động, dễ hiểu, đưa lên mạng xã hội để tuyên truyền, từ đó tạo được sự hưởng ứng, đồng thuận cao.

Xã phấn đấu đến tháng 6/2023 sẽ bàn giao 90% diện tích đất cần thu hồi cho dự án, vượt tiến độ theo yêu cầu. Ông Nguyễn Đắc Tùng ở thôn 5 xã Song Phương cho biết: “Gia đình tôi có gần 1.000m2 đất nông nghiệp, trồng cây ăn quả, thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng mỗi năm, nằm trong diện phải thu hồi, phục vụ dự án. Chúng tôi ủng hộ dự án của quốc gia, nên đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hoàn thành việc xác định mốc giới, sẵn sàng thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng; đồng thời, tôi sẽ vận động các hộ dân khác cùng thực hiện”.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh về tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô đoạn qua tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Duy Linh

Lãnh đạo xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (Hà Nội) đối chiếu, rà soát diện tích thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng để thi công tuyến đường vành đai 4 trên địa bàn. Ảnh: Duy Linh

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh về tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô đoạn qua tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Duy Linh

Lãnh đạo xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (Hà Nội) đối chiếu, rà soát diện tích thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng để thi công tuyến đường vành đai 4 trên địa bàn. Ảnh: Duy Linh

Không chỉ tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, các công việc khác được các bộ phận chuyên môn khẩn trương thực hiện. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, chủ đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4, những ngày này tập trung cao độ cho dự án. Toàn bộ lãnh đạo Ban và các phòng, ban chuyên môn đều vào cuộc, Ban thành lập nhóm chuyên trách để giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án với tiến độ tính theo ngày.

Đến nay, đơn vị đã tổ chức cắm mốc giải phóng mặt bằng được 48,6km/58,2km tuyến Vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội; dự kiến hoàn thành công tác cắm mốc trước ngày 15/12/2022. “Chúng tôi quyết tâm trình thẩm định, phê duyệt dự án thành phần 1-công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư thuộc địa phận Hà Nội, trong tháng 12/2022; phê duyệt dự án thành phần 2- xây dựng đường đô thị địa phận Hà Nội, trong tháng 1/2023 và trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3- xây dựng đường cao tốc trên cao toàn tuyến trước ngày 31/12/2022”, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết.

Đón đầu cơ hội

Tuyến đường vành đai 4 hình thành sẽ đưa các vùng đất ở xa trung tâm, hiệu quả kinh tế thấp thành các trung tâm công nghiệp, thương mại, đô thị mới, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, cơ cấu lại kinh tế của địa phương, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển. Chính vì vậy, cùng với việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế các công trình, thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh tăng cường quản lý quỹ đất, quản lý quy hoạch hai bên tuyến đường, triển khai nghiên cứu đầu tư xây dựng và quy hoạch các tuyến đường kết nối với đường Vành đai 4 để phát huy hiệu quả đầu tư.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bắc Ninh, Nguyễn Quốc Ân cho biết, do giao thông không thuận lợi, cho nên hiện nay kinh tế của ba huyện Thuận Thành, Lương Tài, Gia Bình ở phía nam tỉnh và một số xã ở cuối huyện Quế Võ phát triển chậm hơn so với các địa phương khác trong tỉnh. Tuyến đường vành đai 4 đi qua địa bàn các huyện Thuận Thành, Gia Bình và Quế Võ sẽ giúp tỉnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đã được quy hoạch ở khu vực này, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của tỉnh, để đến năm 2030 Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo quy hoạch được phê duyệt.

Phối cảnh 3D nút giao tây nam đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Phối cảnh 3D nút giao tây nam đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đường Vành đai 4 cao tốc và đường song hành bên dưới kết nối với tuyến đường di sản văn hóa du lịch dọc sông Hồng; đường liên tỉnh Hà Nội- Hưng Yên kéo dài; đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng… sẽ tạo không gian phát triển mới, tạo động lực phát triển kinh tế -xã hội cho Hưng Yên. Tỉnh đã quy hoạch hàng nghìn héc-ta đất phát triển đô thị, dịch vụ-du lịch; công nghiệp dọc các tuyến đường này.
Ông Trần Quốc Văn Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên

Sở Giao thông vận tải Hưng Yên đã đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch và đầu tư các nút giao khác mức liên thông kết nối đường Vành đai 4 với đường di sản văn hóa du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng; đường ĐT 379, ĐT 385; cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; quốc lộ 5 (cũ)…. đồng thời quy hoạch 10 tuyến đường địa phương kết nối với đường Vành đai 4 nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối với Thủ đô Hà Nội, tuyến đường Vành đai 4 sẽ giúp thành phố phát triển các không gian đô thị, công nghiệp mới, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân, đồng thời kéo giãn dân số nội đô ra các đô thị vệ tinh, giải bài toán quá tải trong khu vực trung tâm. Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan cho biết, tuyến đường Vành đai 4 khi hoàn thành sẽ là trục phát triển kinh tế mới của huyện.

Hiện nay huyện đã quy hoạch 600 ha đất ở hai bên tuyến đường làm các khu đô thị. Khi các dự án khu đô thị hoàn thành cùng với hai khu công nghiệp và sáu cụm công nghiệp sắp khởi công sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, giúp Thanh Oai hoàn thành các tiêu chí trở thành quận vào giai đoạn 2028-2030.  

Nằm ở đầu tuyến, đường Vành đai 4 chạy qua huyện Mê Linh với chiều dài khoảng 11,2km sẽ kết nối huyện với khu vực phía Tây Thủ đô qua cầu Hồng Hà vượt sông Hồng. Đây là điều kiện rất thuận lợi để huyện xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phối cảnh 3D nút giao An Khánh đường Vành Đai 4 - Vùng Thủ đô.

Phối cảnh 3D nút giao An Khánh đường Vành Đai 4 - Vùng Thủ đô.

Các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang nằm ở đầu tuyến và cuối tuyến Vành đai 4 cũng có phương án triển khai các dự án đấu nối đường vành đai 4 với tuyến giao thông hiện có, hoặc các tuyến giao thông theo quy hoạch, tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, đồng bộ để thu hút đầu tư.

Tỉnh đang triển khai nghiên cứu đầu tư xây dựng và quy hoạch các tuyến đường có vai trò kết nối, cộng hưởng với đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, bao gồm Đường trục Trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh, đoạn qua địa phận Vĩnh Phúc, kết nối thông qua nút giao N4-4.
Ông Phùng Ngọc Tuân Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Vĩnh Phúc

Hiện nay, Vĩnh Phúc đang triển khai đầu tư xây dựng đường song song tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, tuyến phía bắc và tuyến phía nam từ cầu Hạc Trì đến địa phận giáp ranh Hà Nội, kết nối thông qua nút giao N4-3.

Khu vực phía nam của tỉnh gồm các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường tuy tiếp giáp với Hà Nội, nhưng kinh tế chậm phát triển, một phần do các tuyến giao thông kết nối hai địa phương chưa được triển khai, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp tại các huyện phía nam và phía tây của Vĩnh Phúc. Nếu các tuyến đường cao tốc kết nối với Hà Nội thông suốt, Vĩnh Phúc có thêm nhiều cơ hội thu hút đầu tư.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Cán bộ xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai (Hà Nội) cùng với cán bộ thôn rà soát thực địa diện tích đất nông nghiệp thuộc diện giải phóng mặt bằng thi công đường vành đai 4. Ảnh: Duy Linh

Cán bộ xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai (Hà Nội) cùng với cán bộ thôn rà soát thực địa diện tích đất nông nghiệp thuộc diện giải phóng mặt bằng thi công đường vành đai 4. Ảnh: Duy Linh

Ngày xuất bản: 5/12/2022
Tổ chức xuất bản: KIỀU HƯƠNG
Nội dung: KIỀU HƯƠNG, QUỐC TOẢN, PHẠM HÀ, PHAN THÁI SƠN, HÀ HỒNG HÀ, VŨ DUY LINH
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG