Thăng Long – Hà Nội
thủ đô nghìn năm văn hiến

Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 trở lại đây, Thăng Long - Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày nay, tại khu Di sản Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, hàng ngày lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc tung bay trên Cột Cờ thành Hà Nội thời Nguyễn, biểu trưng cho sự trường tồn vĩnh cửu của Kinh đô Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Có thể nói, tổng thể di sản Kinh đô Thăng Long có giá trị vô cùng to lớn. GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá: “Tầng tầng lớp lớp di tích, di vật hiện lên như một bộ sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội phản chiếu trình độ văn hóa lớn nhất và lâu dài nhất của đất nước" (Hội KHLSVN 2004: 14)

GS.Yamanaka Akira (Đại học Mie, Nhật Bản) đánh giá: “Di tích này có giá trị xứng đáng là Di sản văn hóa Thế giới. Và để hiểu biết lịch sử nhân loại, di tích này là không thể thiếu được" (Hội KHLS VN 2004:134).

Tổng quan chung, chỉ riêng khu Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã đáp ứng đầy đủ 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu (ii), (iii) và (vi) theo quy định tại điều 77 của hướng dẫn thi hành Công ước về Di sản Thế giới của UNESCO. Tổng thể toàn bộ di sản Kinh đô Thăng Long hoàn toàn thống nhất đáp ứng 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu đó của Di sản Thế giới, nhưng với các diễn trình và chứng cứ toàn diện hơn, lâu dài hơn, sinh động hơn, sâu sắc hơn, rõ ràng hơn, phản ánh những đặc trưng tiêu biểu nhất của một nền văn hóa - văn minh độc đáo, có lịch sử lâu dài hàng nghìn năm phát triển trên cơ tầng văn hóa - văn minh bản địa đã hình thành từ hàng ngàn năm trước đó, hội tụ, giao thoa, hấp thụ tinh hoa văn hóa của cả nước và tinh hoa văn hóa phong phú của các nước trong khu vực và thế giới, trên cơ sở đó sáng tạo lên một nền văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc Việt Nam. Di sản là một trung tâm quyền lực lâu dài nhất, với các minh chứng xác thực gắn bó chặt chẽ với nhiều sự kiện lịch sử - văn hóa trọng đại trên thế giới trong quá khứ và còn đang tiếp nối đến ngày hôm nay.

(Theo sách “Kinh đô Thăng Long: Những khám phá khảo cổ học” do PGS.TS Tống Trung Tín chủ biên-Nhà xuất bản Hà Nội 2019)