Trong quá trình thực hiện Mục tiêu Bogor, APEC đạt được những thành tựu quan trọng nào?

Trong giai đoạn triển khai các Mục tiêu Bogor (1994-2019), APEC đã đạt nhiều thành tựu nổi bật và thực chất trên cả ba trụ cột hợp tác chính là tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh và hợp tác kinh tế-kỹ thuật.

Tăng trưởng kinh tế cũng như thương mại, đầu tư của các nền kinh tế thành viên APEC đã đạt mức tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ của các nền kinh tế thành viên tăng gần gấp 4 lần, với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,9%/năm. Mức thuế quan trung bình theo nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN) giảm từ 13,9% xuống 5,2% trong năm 2019. Lượng vốn FDI, cả hai chiều vào và ra, của các nền kinh tế thành viên APEC tăng trung bình hơn 10%/năm, trong đó các nền kinh tế đang phát triển đóng góp ngày càng nhiều. Tăng trưởng GDP thực trong APEC đạt trung bình 3,9%/năm, nhanh hơn phần còn lại của thế giới, trong khi mức tăng trưởng tính trên đầu người đạt 3,1%.

Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 11. (Ảnh: NAM ĐÔNG)

Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 11. (Ảnh: NAM ĐÔNG)

Việc thực hiện các Mục tiêu Bogor đã thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng, thể hiện qua sự mở rộng mạng lưới các hiệp định thương mại tự do và gia tăng gắn kết giữa các nền kinh tế thành viên. APEC cũng đạt những bước tiến nổi bật trong việc thuận lợi hóa thương mại, nhất là đơn giản hóa thủ tục, quy trình thương mại và kinh doanh; tạo thuận lợi đi lại cho doanh nhân với Chương trình Thẻ doanh nhân APEC; tăng cường chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng; giảm rủi ro cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư…

Về thuận lợi hóa kinh doanh, chi phí giao dịch thương mại trong khu vực giảm đáng kể qua các lần cắt giảm ở mức 5% vào các năm 2006, 2010 và 10% vào năm 2015. Về hợp tác kinh tế-kỹ thuật, mỗi năm, APEC hỗ trợ kinh phí cho khoảng 150 dự án hợp tác và nâng cao năng lực, với tổng giá trị 23 triệu USD.

Bên cạnh đó, APEC phát huy vai trò là diễn đàn khởi xướng các ý tưởng về những vấn đề thương mại, đầu tư thế hệ mới, định hướng, điều phối với các khuôn khổ liên kết kinh tế khu vực, góp phần xây dựng cấu trúc hợp tác đa tầng nấc và tạo năng động trong liên kết kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.